Taliban sẽ áp dụng luật Hồi giáo Sharia như thế nào ở Afghanistan?

Thứ Sáu, 20/08/2021, 18:33

Có nhiều ý kiến cho rằng Taliban đã thay đổi, mọi đánh giá lúc này đều vội vã và cần chờ cách Taliban hành xử.

Quy tắc ứng xử hà khắc của Hồi giáo nguyên thủy

Thành lập năm 1994 với 50 tay súng mang tham vọng thiết lập lại trật tự dựa trên sự nghiêm khắc của Hồi giáo nguyên thủy, Taliban nhanh chóng lớn mạnh và mở rộng ảnh hưởng ở toàn vùng Tây Nam Afghanistan nhờ lời hứa mang lại ổn định và công bằng thông qua luật Sharia, trong bối cảnh các nhóm vũ trang khác còn lại vẫn tập trung bắn giết, giành quyền lực.

Theo BBC, hầu hết thành viên của Taliban là người Pashtun, dân tộc đông nhất Afghanistan. Tên Taliban có nghĩa là “những giáo sinh Pashto”. Năm 1996, những người mộ đạo này tiến vào Kabul, lật đổ chế độ của Tổng thống Burhanuddin Rabbani - một trong những cha đẻ của phong trào Mujahideen chống Liên Xô (1979-1989), buộc Rabbani ra nước ngoài sống lưu vong.

Đạo luật hà khắc dưới thời Taliban và nỗi ám ảnh với người dân Afghanistan  -0
Các tay súng Taliban trên đường phố Kabul. Ảnh AP.  

Từ đây, Taliban toàn quyền điều hành đất nước và nhanh chóng áp dụng luật Hồi giáo Sharia. Nói một cách đơn giản nhất, luật Sharia (có nghĩa là “con đường hoặc lối đi”) là hệ thống pháp luật Hồi giáo, vận hành như một quy tắc ứng xử của người Hồi giáo và ở một số quốc gia được tòa án tôn trọng. Luật này có nguồn gốc từ Kinh Qur’an, Sunnah và Hadis (các từ và văn bản ghi chép về nhà tiên tri Muhammad), Qiyas và Ijma.

Theo luật này, các hành vi phạm tội được chia thành hai loại: Tazir và Hudud. Các tội theo Tazir được xử lý theo quyết định của thẩm phán, trong khi các tội theo Hudud, bao gồm trộm cắp, ngoại tình và uống rượu nói chung... được coi là nghiêm trọng nhất và là tội ác chống lại thần thánh. 

Một số quy định của luật Sharia do Taliban từng áp dụng vào thời kỳ 1996-2001 bao gồm: đàn ông buộc phải để râu, không uống rượu bia; phụ nữ chỉ được ra đường khi có người thân là nam giới đi kèm, phải che kín mặt, không được trang điểm. Giai đoạn này, đa số trẻ em gái không được đến trường.

Nhiều điều khoản hà khắc khác đối với phụ nữ cũng được áp dụng như không được đi giày cao gót, không được phép quay phim hay trưng bày những hình ảnh của phụ nữ ở nơi công cộng hay ở nhà. Tất cả những người phụ nữ vi phạm có thể bị đánh đòn ngay trên phố, sân vận động, ngay cả khi họ ra khỏi nhà không có đàn ông đi cùng vì họ không có người thân nào là đàn ông.

Năm 1999, thời kỳ cực thịnh của chế độ Taliban, không một bé gái nào được đăng ký học ở trường trung học và chỉ 4% (9.000 người) trong số những người đủ điều kiện học ở trường tiểu học.

Đạo luật hà khắc dưới thời Taliban và nỗi ám ảnh với người dân Afghanistan  -0
Phụ nữ tại Afghanistan từng có cuộc sống đầy khó khăn với những điều luật hà khắc dưới thời Taliban. Ảnh Getty Images.  

Một lực lượng “cảnh sát đạo đức” được Taliban lập ra để xử lý sai phạm. Những ai vi phạm bị trừng phạt công khai bằng hình thức đánh đòn, ném đá. Với phụ nữ, mắc lỗi đôi khi sẽ khiến họ trả giá bằng mạng sống. 

Hiện tại, trong khi có khoảng 50 quốc gia trên thế giới chấp nhận một số phần của luật Sharia, chỉ có 8 quốc gia trên thế giới có hệ thống luật hình sự và cá nhân hoàn toàn dựa trên Sharia.

Tính hà khắc của việc áp dụng luật Sharia ở mỗi quốc gia lại khác nhau, đây có thể được coi là một tập hợp các nguyên tắc hơn là một bộ luật được xác định chặt chẽ. Một số quốc gia cho phép trừng phạt người phạm tội theo các điều khoản của Hudud, bao gồm Arab Saudi, Brunei, Afghanistan, Indonesia, Sudan, Pakistan, Nigeria và Qatar.

Dấu hỏi về sự khác biệt của Taliban 2.0

Còn quá sớm để khẳng định liệu “Taliban 2.0” có khác biệt gì so với quá khứ hà khắc hay không. Hôm 17/8, trong cuộc họp báo công khai đầu tiên, người phát ngôn Taliban đã khẳng định rằng sẽ tôn trọng các quyền của phụ nữ “trong khuôn khổ cho phép của luật Hồi giáo”. Người phát ngôn của Taliban cũng tránh trả lời bất kỳ câu hỏi cụ thể nào về quyền của phụ nữ, không đề cập đến quy định về trang phục và vai trò mà phụ nữ có thể đảm nhận trong lực lượng lao động.

Tuy vậy, Taliban không phủ nhận khả năng đưa ra các hình phạt bạo lực như ném đá và hành quyết công khai.

Mới đây, đại diện Taliban bày tỏ mong muốn có sự tham gia của phụ nữ trong chính phủ, nhưng phần lớn người dân không tin tưởng vào điều này sau khi Taliban có kế hoạch chấm dứt giáo dục hỗn hợp giới tính. Nhiều người quan ngại rằng những tiến bộ về xã hội tại Afghanistan trong 20 năm qua có thể sẽ trở lại con số không với sự lên ngôi của Taliban.

Đạo luật hà khắc dưới thời Taliban và nỗi ám ảnh với người dân Afghanistan  -0
Phụ nữ và trẻ em bỏ chạy trên đường phố Kabul sau khi Taliban tiếp quản thành phố. Ảnh Reuters.  

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng Taliban đã thay đổi, mọi đánh giá lúc này đều vội vã và cần chờ cách Taliban hành xử. Đã 20 năm trôi qua kể từ khi Taliban thôi nắm quyền. Hầu hết các tay súng Taliban vừa vào Kabul tuổi đời khá trẻ, nhiều người trong số họ có lẽ ra đời sau năm 2001.

Nếu như trước đây, các thành viên Taliban không biết công nghệ, thì nay họ dùng điện thoại, phát video trực tiếp lên mạng xã hội – như họ từng làm khi chiếm Phủ Tổng thống Afghanistan hôm 15/8.

Luận điệu của Taliban cũng trở nên mềm mỏng hơn. Nhiều ý kiến lạc quan nhận định, Taliban nay đã trưởng thành hơn giai đoạn 1996-2001 và sẽ không hà khắc như trước. Gần đây, Taliban tuyên bố sẽ xây dựng một chính phủ với nhiều thành phần và không trở thành mối đe dọa với phương Tây. Phát ngôn viên Taliban cam đoan, không trả thù những người từng phục vụ quân đội và các chính quyền trước đây của Afghanistan.

Duy Tiến
.
.