Thêm nhiều người Palestine chết đói tại Gaza giữa khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng
Ít nhất 10 người Palestine đã tử vong do đói tại Dải Gaza, trong bối cảnh nạn đói ngày càng lan rộng trên toàn khu vực, các quan chức y tế địa phương cho biết.

Những trường hợp tử vong mới nhất nâng tổng số người thiệt mạng vì suy dinh dưỡng, thiếu ăn kể từ khi cuộc chiến do Israel phát động hồi tháng 10/2023 lên 111 người, phần lớn trong số này được ghi nhận trong những tuần gần đây.
Cơ quan Y tế Gaza ngày 23/7 cho biết ít nhất 100 người Palestine, bao gồm 34 người đang tìm kiếm viện trợ nhân đạo, đã thiệt mạng trong các cuộc không kích mới của Israel.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, trong số các nạn nhân tử vong do suy dinh dưỡng từ đầu năm đến nay có 21 trẻ em dưới 5 tuổi. WHO cũng cho biết cơ quan này đã không thể chuyển giao bất kỳ thực phẩm nào vào Gaza trong gần 80 ngày, từ tháng 3 đến tháng 5, và dù hoạt động phân phối đã nối lại, lượng viện trợ vẫn ở mức rất thấp so với nhu cầu thực tế.
Trong một tuyên bố chung, nhiều tổ chức nhân đạo, bao gồm Mercy Corps, Hội đồng Tị nạn Na Uy và Tổ chức Tị nạn Quốc tế, cảnh báo về “nạn đói hàng loạt” tại Gaza, dù hàng tấn lương thực, nước sạch và vật tư y tế vẫn đang bị ách lại bên ngoài Gaza, do các nhóm cứu trợ không được tiếp cận.
Israel đã cắt hoàn toàn việc vận chuyển hàng hóa vào Gaza từ tháng 3 và chỉ bắt đầu cho phép một lượng nhỏ viện trợ thông qua Quỹ Nhân đạo Gaza (GHF) do Mỹ hậu thuẫn từ tháng 5.
Liên hợp quốc và các tổ chức cứu trợ nhân đạo cho biết việc vận chuyển hàng vào Gaza vẫn gặp trở ngại lớn do Israel kiểm soát tất cả lối vào và lối ra của vùng đất này. Quân đội Israel cũng đã bắn chết hàng trăm người Palestine gần các điểm phân phối viện trợ kể từ tháng 5.
“Chúng tôi cần những điều kiện tối thiểu để hoạt động trong Gaza”, ông Ross Smith, Giám đốc phụ trách tình huống khẩn cấp của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), nhấn mạnh. “Điều quan trọng nhất là không được để các lực lượng vũ trang hiện diện gần các điểm phân phối hoặc các đoàn xe của chúng tôi”.
Ông Rik Peeperkorn, đại diện WHO tại vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, cho biết các cuộc tấn công nhằm vào người tìm kiếm viện trợ đã khiến số ít bệnh viện còn lại tại Gaza “biến thành những khoa chấn thương khổng lồ”. Ông cũng cảnh báo tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng đến mức nhiều người dân, bao gồm cả nhà báo, giáo viên và nhân viên y tế, không thể tiếp tục công việc.
Bác sĩ người Mỹ Nour Sharaf, hiện đang làm việc tại Bệnh viện al-Shifa ở Thành phố Gaza, chia sẻ: “Người dân ở đây đã không ăn gì trong nhiều ngày và đang chết đói. Các bác sĩ đôi khi cũng không được ăn, nhưng họ vẫn tiếp tục làm việc”.
Trong khi đó, các cuộc không kích của Israel tiếp tục tấn công nhiều khu vực tại Gaza, đặc biệt là Thành phố Gaza, nơi quân đội Israel tuyên bố đang “tăng cường hoạt động”. Thành phố này đã bị pháo kích dữ dội trong những ngày gần đây.
Văn phòng Truyền thông Chính phủ Gaza thông báo hai nhà báo Palestine, Tamer al-Za'anin và Walaa al-Jabari, đã thiệt mạng do các cuộc tấn công của Israel, nâng tổng số nhân viên truyền thông tử vong kể từ tháng 10/2023 lên 231 người.
Ở chiều hướng ngoại giao, Nhà Trắng cho biết Đặc phái viên Trung Đông của Mỹ, ông Steve Witkoff, đang trên đường tới châu Âu để tham gia “các cuộc đàm phán rất nhạy cảm” về một lệnh ngừng bắn tại Gaza và thỏa thuận trao đổi tù nhân.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết ông Witkoff sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo khu vực để bàn về đề xuất ngừng bắn và việc trả tự do cho các con tin hiện bị giam giữ tại Gaza.
Hiện Qatar và Ai Cập đang làm trung gian cho các cuộc đàm phán ngừng bắn kéo dài 60 ngày giữa Israel và Hamas, với sự hỗ trợ của Mỹ. Thỏa thuận dự kiến bao gồm việc thả hơn 50 tù nhân còn lại.
Tuy nhiên, đến nay, các vòng đàm phán vẫn chưa đạt được đột phá nào kể từ khi Israel chấm dứt lệnh ngừng bắn vào tháng 3.