Trung Quốc dựng thế trận ba tầng trước áp lực thuế quan

Thứ Bảy, 26/04/2025, 07:01

Trong bức tranh toàn cầu ngày càng phân cực và khó đoán, thương chiến Mỹ - Trung không còn là một biến số bất thường, mà đã trở thành một đặc điểm cấu thành trật tự thế giới mới.

Với việc Tổng thống Donald Trump khởi động nhiệm kỳ thứ hai bằng các đề xuất tăng thuế triệt để đối với hàng hóa Trung Quốc - đưa mức thuế trung bình lên đến 145% - Bắc Kinh không còn đặt kỳ vọng vào một kịch bản tan băng. Thay vào đó, họ đang định hình một chiến lược dài hạn, không nhằm né tránh xung đột mà học cách sống chung với nó - một chiến lược mang tính phòng thủ chủ động, được triển khai đồng tâm ba tầng: tăng cường sức mạnh nội tại, phản công có chọn lọc và mở rộng không gian chiến lược toàn cầu.

Điểm tựa đầu tiên trong chiến lược ứng phó của Trung Quốc là khả năng tự phục hồi và tái cấu trúc nền kinh tế. Việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa - vốn từ lâu là một khẩu hiệu nhiều hơn là chính sách thực tiễn - giờ đây đã chuyển hóa thành mệnh lệnh chiến lược, là “tấm khiên” khả dĩ nhất chống lại áp lực bên ngoài. Sự dịch chuyển này không chỉ đơn thuần là phản ứng tình huống, mà thể hiện một thay đổi trong tư duy phát triển - từ phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư công sang ưu tiên tăng trưởng do tiêu dùng dẫn dắt.

8-trung.jpg -0
Thương chiến Mỹ - Trung không còn là một biến số bất thường, mà đã trở thành một đặc điểm cấu thành trật tự thế giới mới.

Một loạt chính sách tài khóa và tiền tệ đã được kích hoạt với cường độ chưa từng có: từ nới lỏng thế chấp tại hàng chục thành phố, trợ cấp trực tiếp cho hộ gia đình, phát hành phiếu mua hàng tiêu dùng, đến hạ lãi suất trung hạn và mở rộng tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó, ngành dịch vụ, vốn ít bị ảnh hưởng bởi gián đoạn thương mại, đang được khuyến khích như một lĩnh vực hấp thụ lao động thay thế. Sự phát triển âm thầm nhưng có chủ đích của du lịch nội địa - đi kèm các chính sách thị thực linh hoạt và cơ sở hạ tầng số hóa - là một minh chứng tiêu biểu cho chuyển động này.

Dưới lớp bề mặt của các chính sách kinh tế là một chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ do chính Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng, nhấn mạnh vào “tự lực tự cường” và khả năng “phục hồi dân tộc”. Các khẩu hiệu cũ về áp lực ngoại bang và quá khứ bị bắt nạt đang được tái sử dụng để củng cố tinh thần quốc gia, chuyển trọng tâm từ mong đợi thỏa thuận sang sẵn sàng chịu đựng. Tuy nhiên, những thách thức cơ cấu vẫn còn nguyên vẹn: bất bình đẳng thu nhập, chi phí sinh hoạt cao và hệ thống tài chính ưu tiên kiểm soát thay vì sáng tạo. Đó là lý do tại sao nhiều nhà kinh tế quốc tế, như Barry Naughton (UC San Diego) hay George Magnus (Đại học Oxford), vẫn hoài nghi về mức độ hiệu quả của những chính sách này nếu không đi kèm cải cách thể chế thực chất.

Khác với giai đoạn đầu của thương chiến, nơi Trung Quốc phản ứng theo kiểu “ăn miếng trả miếng” trực tiếp, giờ đây Bắc Kinh chọn cách đánh trả có chọn lọc, chiến lược và gây tổn thương ở những điểm mà Mỹ ít ngờ nhất. Khi Washington tăng thuế đến mức không còn dư địa cho cạnh tranh kinh tế, Bắc Kinh đáp lại bằng các biện pháp gián tiếp nhưng hiệu quả: tăng giám sát đối với linh kiện hàng không, siết chặt nhập khẩu nông sản, tạo rào cản pháp lý với doanh nghiệp Mỹ và đe dọa chuỗi cung ứng bằng hạn chế xuất khẩu nguyên liệu chiến lược như gallium, germanium, graphite.

Thông điệp được phát đi không ồn ào nhưng đầy hàm ý: quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc không còn là điều hiển nhiên. Nó có thể - và sẽ - bị điều chỉnh nếu cần thiết. Một số chuyên gia như Scott Kennedy (CSIS) gọi đây là “sức ép có thể đảo ngược”, nhắm đến giới doanh nghiệp Mỹ hơn là Nhà Trắng, nhằm chia rẽ đồng thuận chính trị nội bộ của Mỹ về đối đầu với Trung Quốc.

Đáng chú ý, Bắc Kinh vẫn để ngỏ cánh cửa ngoại giao - nhưng theo điều kiện của họ. Trong khi Washington kỳ vọng những cuộc gặp cấp cao như một công cụ tạo đột phá, Trung Quốc lại chủ trương “ngoại giao từ dưới lên” - tức giải quyết vấn đề thực chất trước khi để lãnh đạo tối cao xuất hiện. Điều này phản ánh một sự hoài nghi chiến lược sâu sắc đối với kiểu ngoại giao mang tính cá nhân hóa của ông Donald Trump, vốn có thể đảo chiều chóng vánh chỉ sau một dòng tweet lúc nửa đêm.

Trên mặt trận quốc tế, Trung Quốc đang thúc đẩy một cuộc phản công mềm - không nhằm vượt mặt Mỹ ngay tức thì, mà để tạo dựng “vùng đệm chiến lược” đủ lớn trong bối cảnh bị cô lập dần về mặt hệ thống. Hội nghị Trung ương về ngoại giao láng giềng gần đây - lần đầu tiên kể từ 2013 - cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh trong việc tăng cường kết nối khu vực như một cơ chế phân tán rủi ro.

Các chuyến thăm của Chủ tịch Tập tới một số quốc gia Đông Nam Á gần đây là một phần của chiến lược này - tái khẳng định vai trò đối tác (và cũng là đối trọng tiềm năng với Mỹ) trong mắt các nước đang phát triển. Tuy nhiên, Trung Quốc hiểu rõ rằng sức mạnh kinh tế không đồng nghĩa với sức hấp dẫn chiến lược. Sự hoài nghi đối với các hành vi cưỡng ép thương mại của Bắc Kinh - từng được Australia, Hàn Quốc, Philippines và gần đây là Liên minh châu Âu (EU) lên tiếng - vẫn chưa phai mờ. Bắc Kinh đang cố gắng điều chỉnh hành vi để trấn an. Nhưng để trở thành một đối tác đáng tin cậy trong mắt thế giới, Trung Quốc cần nhiều hơn là hạ tầng và thị trường: họ cần sự nhất quán trong chính sách, cải cách hệ thống pháp lý, và minh bạch hóa các chính sách công nghiệp. Đó là điều kiện tiên quyết nếu muốn phá vỡ định kiến và chiếm được lòng tin ở châu Âu, Đông Nam Á - những nơi đang theo đuổi chiến lược nước đôi ngày càng rõ rệt.

Chiến lược “ba lớp” của Trung Quốc không nhằm mục tiêu chiến thắng nhanh chóng trong thương chiến, mà là để kéo dài cuộc chơi theo cách có lợi cho mình: làm chậm tổn thất, duy trì thế đứng, và chờ thời. Bắc Kinh không đặt cược vào một giải pháp ngoại giao toàn diện, càng không kỳ vọng vào sự quay trở lại của “trạng thái tiền 2018”. Họ chỉ cần một điều: khả năng tồn tại lâu hơn Mỹ trong bối cảnh cạnh tranh không lối thoát rõ ràng. Liệu chiến lược này có bền vững? Điều đó sẽ phụ thuộc vào nhiều biến số: tốc độ phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, phản ứng của công chúng trong nước, và khả năng điều chỉnh của các đối tác toàn cầu.

Nhưng rõ ràng, trong cuộc chơi dài hơi này, Trung Quốc đang đặt cược không phải vào đối đầu, mà vào khả năng trường tồn.

Khổng Hà
.
.