WHO kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu về các ca COVID-19 đầu tiên

Thứ Sáu, 13/08/2021, 08:30

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ra thông cáo kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu thô về các ca nhiễm COVID-19 ban đầu để nối lại cuộc điều tra nguồn gốc đại dịch.

Trong thông cáo về việc xúc tiến giai đoạn hai của cuộc điều tra hôm 12/8, WHO nhấn mạnh việc virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) hồi tháng 12/2019 là "cực kỳ quan trọng".

Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc khẳng định, cuộc điều tra không phải "để đổ lỗi", đồng thời kêu gọi cung cấp "tất cả dữ liệu thô và quyền truy cập cần thiết để có thể bắt đầu các nghiên cứu tiếp theo càng sớm càng tốt".

WHO kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu về các ca COVID-19 đầu tiên -0
 Bên ngoài Viện Virus học ở Vũ Hán, Trung Quốc. (Ảnh Reuters)

"Việc chia sẻ phản ánh sự đoàn kết khoa học ở mức tốt nhất và không khác những gì chúng tôi khuyến khích tất cả các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, hỗ trợ để chúng tôi có thể thúc đẩy các nghiên cứu về nguồn gốc dịch bệnh một cách nhanh chóng và hiệu quả ", WHO cho biết.

Sau nhiều lần trì hoãn, một nhóm chuyên gia quốc tế của WHO đã đến Vũ Hán vào tháng 1/2021 để thực hiện sứ mệnh điều tra nguồn gốc COVID-19 giai đoạn đầu.

Sau chuyến thăm kéo dài 4 tuần, nhóm điều tra của WHO đã kết luận trong báo cáo rằng COVID-19 "cực kỳ khó xảy ra" do rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Thay vào đó, các nhà khoa học cho biết "rất có thể" virus đã được truyền vào con người thông qua một vật chủ trung gian và “rất có thể” virus được truyền sang người từ động vật. Sau đó, cuộc điều tra này bị phản ứng vì thiếu minh bạch và dữ liệu gốc, cũng như chưa xem xét kỹ giả thuyết virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Tháng trước, WHO cho rằng cần tiến hành giai đoạn thứ hai của cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19, trong đó tập trung vào xem xét các phòng thí nghiệm và chợ ở thành phố Vũ Hán.

Trung Quốc đã phản đối kế hoạch này, và nhấn mạnh rằng họ không tham gia. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) Tăng Ích Tân cho rằng điều này "thiếu tôn trọng lẽ thường và thách thức khoa học", đồng thời tái khẳng định quan điểm của Trung Quốc về việc nước này không thể chia sẻ toàn bộ dữ liệu do vấn đề bảo mật.

Mỹ cho rằng "quan điểm của Trung Quốc thể hiện sự vô trách nhiệm và gây ra nguy hiểm". "Cùng với các quốc gia khác trên thế giới, chúng tôi tiếp tục kêu gọi Trung Quốc cung cấp quyền tiếp cận dữ liệu và mẫu vật. Đây là điều quan trọng để chúng ta có thể ngăn chặn đại dịch tiếp theo. Đó là về vấn đề cứu mạng người trong tương lai và hiện không phải là thời điểm để ngăn cản", Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh.

Tới nay, virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 đã khiến hơn 202 triệu người nhiễm, ít nhất 4,3 triệu người tử vong và tàn phá nền kinh tế toàn cầu.

Trong diễn biến mới nhất, trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh TV2 của Đan Mạch hôm 12/8, nhà khoa học Peter Ben Embarek, người dẫn đầu nhóm điều tra WHO đến Vũ Hán hồi đầu năm, lại cho rằng một nhân viên phòng thí nghiệm bị nhiễm bệnh khi đang lấy mẫu ngoài thực địa là một trong những giả thuyết và có khả năng đó là lúc virus nhảy trực tiếp từ dơi sang người.

"Trong trường hợp đó, khả năng có thể rơi vào một nhân viên phòng thí nghiệm hơn là một dân làng ngẫu nhiên, hay một người nào đó thường xuyên tiếp xúc với dơi", ông Embarek nói.

Tiến sĩ người Đan Mạch cũng bổ sung thêm rằng, các chuyên gia của WHO đã không tìm thấy bằng chứng trực tiếp nào chứng minh cho giả thuyết này.

Cao Trung (Theo AFP)
.
.