Khập khiễng giải trẻ cho cầu thủ Việt Nam

Thứ Sáu, 18/04/2025, 06:50

Về lý thuyết, cầu thủ Việt Nam từ 16 đến 21 tuổi được tham gia khá nhiều giải đấu cấp quốc gia. Nhưng trên thực tế, không ít cầu thủ phải ngồi chơi xơi nước, với số trận đấu thậm chí không quá ngưỡng 15 lần ra sân trong một mùa giải.

Mâu thuẫn số lượng và chất lượng

"LĐBĐ Việt Nam đã cố gắng để mang tới các giải trẻ. Nhưng thực tế, ngay cả một đội vào chung kết như U17 Hà Nội, chuyện các cầu thủ có 16 trận để đá là một điều may mắn", HLV Cristiano Roland của U17 Việt Nam chia sẻ gan ruột trên giới truyền thông, sau hành trình đáng khen lẫn đáng tiếc mà đội nhà trải qua tại VCK U17 châu Á 2025. "Còn những đội bóng không vượt qua vòng loại thì sao? Họ chỉ có 8 trận mỗi năm mà thôi. Con số đó quá ít để cầu thủ làm quen với áp lực thi đấu".

Khập khiễng giải trẻ cho cầu thủ Việt Nam -0
Một số cầu thủ trẻ U17 Việt Nam được thi đấu hạng Nhì, hạng Nhất và V.League.

Đây không phải một vấn đề mới, khi câu chuyện cầu thủ trẻ Việt Nam ít cơ hội ra sân thi đấu trong nhiều năm qua đã được nhắc đến khá nhiều trên giới truyền thông và mạng xã hội. LĐBĐ Việt Nam có tiếp nhận ý kiến phản ánh từ báo giới hay không? Chắc chắn là có. Bởi nếu không, hệ thống giải U17, U19 và U21 Quốc gia không thể tăng lượt trận đấu như hiện tại.

Cụ thể, giải U17 Quốc gia có tổng cộng 16 trận đấu, bao gồm 10 lượt vòng loại và 6 màn so tài ở vòng chung kết. Con số tương tự với giải U19 Quốc gia. Trong khi đó, giải U21 Quốc gia cũng chạm ngưỡng 11 trận, bao gồm 6 trận ở vòng loại và 5 lượt cạnh tranh tại vòng chung kết.

Bên cạnh đó, cầu thủ U17 Việt Nam nói riêng và tài năng bóng đá tuổi teen Việt Nam nói chung có thể được thử sức tại giải hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất hay thậm chí là V.League. Mới đây nhất, Hoàng Trọng Duy Khang - cầu thủ nổi bật nhất trong đội hình U17 Việt Nam với 2 pha lập công tại giải U17 châu Á được PVF lựa chọn tham dự giải hạng Nhì.

Hay Gia Bảo, cầu thủ còn lại ghi bàn cho U17 Việt Nam trước U17 Nhật Bản cũng nhận được sự hứa hẹn đến từ BHL của CLB Hoàng Anh Gia Lai. Theo đó, Giám đốc kỹ thuật Vũ Tiến Thành ở đội bóng phố Núi khẳng định, Bảo sẽ được thi đấu nhiều hơn khi đội vào vùng an toàn của V.League 2024/25. Ngoài ra, Hồng Quang - trung vệ thi đấu nổi bật tại VCK U17 châu Á cũng sẽ được đăng ký trên đội I của Bà Rịa - Vũng Tàu tại giải hạng Nhất Quốc gia.

Trước đó, Đức Duy, Hồng Phong, Việt Long, Thiên Phú cũng đã được HLV Phạm Minh Đức đăng ký vào danh sách Trẻ Hà Nội tham dự giải hạng Nhì Quốc gia. Tuy nhiên, màu hồng không đến với tất cả.

Cạnh tranh từ giải trẻ

Riêng chỉ nội bộ U17 Việt Nam thi đấu VCK U17 châu Á, không phải ai cũng suôn sẻ như Duy Khang, Gia Bảo, Thiên Phú hay Hồng Quang… Đơn cử như Duy Đăng, Đức Nhật, Văn Bách hay kể cả đội trưởng Việt Anh chỉ có thể tạm thời tập trung với U17 PVF. Do đã quá tuổi nên 4 cầu thủ này cũng chỉ có thể tập duy trì, thay vì hướng đến giải U17 Quốc gia vốn khởi tranh vào giữa năm. Cái tên duy nhất có thể tham dự giải đấu này là Văn Dương. Cầu thủ sinh năm 2009 đủ điều kiện để cùng U16 PVF tham gia chuẩn bị cho giải giao hữu quốc tế cũng như U17 Quốc gia 2025.

Câu chuyện cũng diễn ra tương tự với nhiều gương mặt ở các đội khác. Có thể kể đến như thủ môn Hoa Xuân Tín, Nguyễn Văn Thăng Long, Bạch Trọng Dương, Lê Tấn Dũng,… Mặt trận khả dĩ nhất cho đại đa số cầu thủ thuộc đội U17 Việt Nam hay rộng mở hơn là "lứa 2008 - 2009" là VCK U19 Quốc gia. Song theo lịch thi đấu, giải đấu này sẽ chỉ khởi tranh vào cuối năm. Đồng nghĩa, các cầu thủ rơi vào cảnh "ngồi chơi xơi nước" trong liên tục vài tháng, khi các đợt hội quân đội tuyển trẻ quốc gia cũng chưa thành hình.

Đây chính là vấn đề của bóng đá trẻ Việt Nam ở giai đoạn này. Nếu xét về lý thuyết, hệ thống giải trẻ quốc gia cộng thêm hạng nhì và hạng Ba giúp cho cầu thủ từ 16-19 tuổi có thể chơi tới 50 trận. Nhưng trên thực tế, đúng như HLV Roland chia sẻ, không phải cầu thủ nào cũng đủ khả năng để chơi trọn vẹn tất cả các giải đấu kể trên. Sự phân bổ không đều về quỹ trận đấu diễn ra ngay từ cấp độ trẻ. Có trường hợp cầu thủ được thi đấu liên tục để phát triển. Nhưng đồng thời với đó, nhiều gương mặt thậm chí chưa kịp phát lộ tài năng vì quỹ trận đấu được tham gia quá ít.

Mật độ phân bổ giải đấu cũng chưa trải đều. Ví dụ như năm 2024, giải U19 Quốc gia tập trung trong 2 tháng đầu năm. Giải U17 Quốc gia sẽ chia 2 giai đoạn. Vòng loại diễn ra từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4, trước khi khởi tranh VCK trong khoảng hơn 10 ngày của tháng 7. Giải U21 Quốc gia thường tổ chức từ vòng loại đến vòng chung kết từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8. Trong khi đó, giải hạng Ba tổ chức từ cuối tháng 10 đến hết tháng 12. Như vậy, nếu như không tập trung đội tuyển U16, U19 quốc gia, các cầu thủ 16-17 tuổi sẽ tập chay trong khoảng 5-6 tháng trong năm. Ví dụ như tháng 5, 6, 9!

"Nếu không được thi đấu thường xuyên, cầu thủ trẻ không bắt nhịp tốt với guồng chuẩn bị cho một trận đấu, có thể sẽ bỡ ngỡ trước sức ép, chẳng quen với việc hát Quốc ca hay có người hâm mộ đến sân theo dõi. Cầu thủ càng quen với áp lực, rào cản tâm lý càng dễ bị xóa nhòa", HLV Roland chia sẻ, khi ngay trong đội hình của ông, chuyện chênh lệch về kinh nghiệm thi đấu dù mới chỉ 16, 17 tuổi cũng bắt đầu xảy ra.

Đồng ý rằng dựa trên năng lực, cầu thủ sẽ có những phân cấp nhất định để tạo ra lối đi riêng của sự nghiệp. Song việc ngay từ giải "mầm non", việc cầu thủ không được đảm bảo một quỹ trận đấu đủ dày dạn sẽ kéo theo chuyện họ mất đi cơ hội để chứng tỏ mình. Nhiều trường hợp thậm chí chỉ phát huy tài năng khi đã 23, 24 tuổi. Thậm chí như Doãn Ngọc Tân chỉ thực sự toả sáng ở tuổi 32! Hẳn nhiên, nếu bóng đá Việt Nam không xây dựng một hệ thống giải trẻ với tần suất bảo đảm tối thiểu từ 25-26 trận/năm cho cầu thủ tuổi teen, chuyện chúng ta bỏ sót tài năng là hoàn toàn có thể!

Học hỏi từ Indonesia

Không phải ngẫu nhiên mà U17 Indonesia có lần thứ 2 dự World Cup. Hệ thống bóng đá trẻ ở Indonesia là điều mà Việt Nam nên học hỏi. Bóng đá trẻ Indonesia có 3 giải đấu cùng tồn tại nhằm đảm bảo rằng các cầu thủ luôn được thi đấu từ 30-35 trận mỗi năm. Nếu như Soeratin Cup có giá trị tương đương như Hội khoẻ Phù Đổng của Việt Nam thì giải U17 Quốc gia Indonesia có cách thức phát triển tương đương với U17 Quốc gia của Việt Nam. Trong khi đó, Elite Pro Academy đóng vai trò cách mạng cho phát triển bóng đá trẻ tại Indonesia nói riêng và toàn Đông Nam Á nói chung. Nhận thấy tiềm năng dự giải thế giới ở lứa U17 và U20, bắt đầu từ năm 2018, ý tưởng xây dựng một giải đấu trẻ mang tính chuyên dành riêng cho các cầu thủ 13-19 tuổi của Indonesia đã đi vào hiện thực. Giải đấu này được tổ chức theo thể thức mùa bóng, áp dụng cả VAR vào những trận đấu có tính quan trọng.

An Khánh
.
.