Tìm lối đi cho điền kinh
Một hội thảo nhằm ghi nhận những ý kiến, đóng góp từ các chuyên gia, nhà quản lý đối với Đề án phát triển điền kinh đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 sẽ diễn ra tại Hà Nội ngày 24/4. Khá nhiều kỳ vọng về việc sẽ làm rõ hướng đi của điền kinh Việt Nam từ hội thảo này.
Thành tích để vui trước mắt
Ngay trước thềm hội thảo này, điền kinh Việt Nam đón nhận tin vui khi VĐV Mai Ngọc Ánh giành HCB nội dung nhảy cao nữ tại Giải điền kinh U18 châu Á diễn ra ở Saudi Arabia. Nữ VĐV của thể thao Công an nhân dân thực sự là nhân tố gây bất ngờ trong đội tuyển điền kinh Việt Nam dự giải khi chứng tỏ được bản lĩnh và giành được tấm HCB ngoài dự kiến. Như lãnh đội điền kinh Việt Nam dự giải này – ông Nguyễn Đức Nguyên nhận định, để có được thành tích này, Mai Ngọc Ánh đã nhận được sự đầu tư, đào tạo bài bản của thể thao Công an nhân dân. Từ đó, cô gái này có sự phát triển ổn định và tấm HCB U18 châu Á vừa qua cũng phản ánh rõ điều đó.

Thế nhưng, vui với tấm HCB này cũng chỉ là câu chuyện hiện tại và trước mắt. Còn về lâu dài, để những thế hệ VĐV trẻ hiện nay như Mai Ngọc Ánh có thể vươn tầm châu lục lại là câu chuyện khác. Như ở nội dung nhảy cao, Mai Ngọc Ánh dù cao 1m71, khá lý tưởng với mặt bằng VĐV Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nhưng vẫn chưa là gì nếu muốn tiếp tục khẳng định trình độ tại khu vực châu Á. VĐV Trung Quốc giành HCV nội dung nhảy cao nữ ở Giải điền kinh U18 châu Á vừa qua cũng đã cao tới 1m81. Chưa kể các VĐV khu vực Trung Đông, các nước Trung Á cũng có thể hình tốt hơn. Với lợi thế thể hình cùng kỹ thuật bài bản nên việc họ thua ở cấp độ trẻ nhưng lại vượt trội khi đến giai đoạn thi đấu cấp độ đội tuyển quốc gia cũng là chuyện bình thường.
Và để có thể thi đấu sòng phẳng vẫn cần đến một chế độ dinh dưỡng, tập luyện khoa học để những VĐV như Mai Ngọc Ánh hay các VĐV điền kinh khác của Việt Nam có thể cải thiện thể hình, thể lực nhằm vươn tầm châu Á thay vì bằng lòng với các cuộc cạnh tranh HCV ở tầm Đông Nam Á. Đấy cũng là vấn đề của điền kinh Việt Nam, dự kiến được bàn thảo tại hội thảo về Đề án phát triển điền kinh đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Cũng phải kể thêm, đề án trên đã được thai nghén từ lâu. Ban đầu, các nhà quản lý đã xây dựng đây là Chiến lược tuy nhiên sau đó đã điều chỉnh là Đề án. Dù mức độ và quy mô giảm nhưng về mặt nào đó vẫn thực sự quan trọng với sự phát triển của điền kinh, môn thể thao đang được xem là trọng điểm của thể thao Việt Nam, từng mang về HCV ASIAD (năm 2018) cho thể thao Việt Nam.
Vẫn phải trông vào xã hội hóa
Hiện tại, điền kinh Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ về phong trào, trong đó rõ nhất là các giải chạy nở rộ với vài nghìn người dự một giải là chuyện bình thường. Nhưng về mặt đỉnh cao, điền kinh Việt Nam đang đối mặt với sự tụt lùi, nhất là ở sân chơi ASIAD và Olympic.
Lúc này, khả năng giành vé trực tiếp dự Olympic 2028 đang được xem là ngoài tầm với của lứa VĐV hiện tại. Như thế cũng có nghĩa là việc giành tấm huy chương ở sân chơi này ít nhất trong 1-2 chu kỳ Olympic (4-8 năm) hoàn toàn bất khả thi. Ngay việc giành HCV tại ASIAD cũng khó khả thi. Nhóm 4x400m nữ từng vô địch châu Á nhưng đến ASIAD, nơi các đoàn tung ra lực lượng mạng nhất, các cô gái Việt Nam cũng chỉ ở trong nhóm tranh HCĐ. Còn những VĐV trẻ như Nguyễn Khánh Linh (Hà Nam, từng giành HCV 1.500m nữ ở Giải điền kinh trẻ châu Á năm 2022 và 2023) hay tân vô địch nhảy cao nữ U18 châu Á Mai Ngọc Ánh vẫn là của để dành, cần nhiều điều kiện để có thể tiếp tục phát triển.
Và chắc chắn sẽ không thể vội vàng, đốt cháy giai đoạn như trường hợp chân chạy Lê Thị Tuyết (Phú Yên), vốn phù hợp với nội dung 10.000m nhưng bị điều chuyển vội vàng sang nội dung marathon. Khi chưa đủ tích lũy để thi đấu marathon (thường dành cho các VĐV khoảng 23 tuổi trở lên), cô gái người Phú Yên mắc chấn thương và hiện đang phải điều trị, đồng thời bỏ ngỏ thi đấu đỉnh cao trong thời gian tới.
Tất nhiên câu chuyện liên quan đến Đề án phát triển điền kinh đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 sẽ không thuần túy ở các vấn đề chuyên môn mà còn nằm ở khâu tự chủ tài chính hơn từ chính Liên đoàn điền kinh Việt Nam. Từ đó, chia sẻ gánh nặng tài chính với Cục TDTT Việt Nam, các địa phương. Lâu nay, Liên đoàn điền kinh Việt Nam vẫn mong muốn Cục TDTT Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tạo ra cơ chế để khai thác một phần cơ sở vật chất ở Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình nhằm có sân bãi tập luyện tốt nhất cho VĐV điền kinh Việt Nam cũng như khai thác vào các mục đích khác để hỗ trợ các VĐV điền kinh Việt Nam.
Một phương án khác là đầu tư Trung tâm đào tạo VĐV điền kinh Việt Nam ở một địa điểm tại Hà Nội. Nhưng vấn đề là nguồn tài chính thì chính Liên đoàn lại chưa giải được. Bởi chắc chắn, không thể trông mong ngân sách nhà nước để đầu tư cho những việc tương tự mà phải từ khả năng thu hút nguồn lực xã hội hóa của Liên đoàn.
Rồi ngay cả vấn đề tìm thêm nhà tài trợ cho các giải điền kinh trong hệ thống thi đấu quốc gia cũng đang rất khó, trái ngược với nhiều giải điền kinh nửa phong trào, nửa đỉnh cao, cũng là vấn đề khác được quan tâm. Đó cũng là bài toán cần lời giải ở hội thảo sắp tới.
Tất cả cho thấy, điền kinh vẫn cần một lối đi xuyên suốt, thông thoáng hơn hiện nay để tạo ra những cột mốc mới, sự phát triển ổn định. Một hội thảo có thể không giải quyết được mọi vấn đề nhưng vẫn được kỳ vọng làm rõ lối đi trong thời gian tới. Vấn đề vẫn là con người thực hiện lối đi ấy.
Hy vọng lật đổ điền kinh Thái Lan
Lúc này, dù không công khai nhưng nhiều nhà chuyên môn điền kinh Việt Nam vẫn ấp ủ hy vọng sẽ vượt qua điền kinh Thái Lan tại SEA Games 33 ngay trên đất Thái. Để thực hiện mục tiêu ấy, đội điền kinh Việt Nam cần giành ít nhất 14 HCV.
Minh Khuê