Bài 1: Tự hào sải chân trên những con đường của thành phố mang tên Bác
Sau nhiều tháng khổ luyện, những ngày này các khối diễu binh, diễu hành của lực lượng CAND Việt Nam đã thể hiện được sự thuần thục, nhuần nhuyễn,tinh nhuệ, bản lĩnh, sẵn sàng cho đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Ngày cuối tháng Tư, tại Sở Chỉ huy diễu binh, diễu hành, Bộ Công an, đóng tại xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, các khối của lực lượng CAND tham gia diễu binh, diễu hành trong đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước bước vào đợt cao điểm huấn luyện, chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại của đất nước. Dưới cái nắng hè gay gắt, trên mặt sân bỏng rẫy, tại các điểm tập vang lên những khẩu lệnh chỉ huy cùng tiếng hô của CBCS… Sức nóng của mặt trời dường như không bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ. Tất cả đều sẵn sàng cho ngày lễ trọng đại.
Hai chị em ruột cùng tham gia diễu binh, diễu hành
Lúc chúng tôi đến, các khối đi đang tổ chức luyện tập các động tác cơ bản trên thiết bị ke chân, ke tay rồi ghép 2-3 hàng. Sau đó, 1/2 khối đang hoàn thiện động tác đi nghiêm, nhìn bên phải chào và thôi chào với tốc độ từ chậm, nhanh dần rồi đến tổng hợp. Sau đó, là việc tổ chức hợp khối, đi từ 6 đến 7 vòng, tương đương 7km, kết hợp nhạc, quãng đường đi nghiêm đạt 200 mét.
Cùng thời điểm này, các khối đứng tổ chức tập hợp đội hình, chỉnh đốn hàng ngũ, tập hát quốc ca và đứng nghiêm… Rồi tập đánh mặt và các động tác đi đều, đứng lại. Việc nhận xét sau mỗi lượt tập ngắn gọn, xúc tích và đi thẳng vào vấn đề. Trong đó, tập trung vào những mặt còn chưa làm được; khuyến khích việc học viên tự nhận xét, đánh giá lượt tập trước đó để đưa ra giải pháp khắc khục.

Cùng với việc luyện tập, Sở Chỉ huy diễu binh, diễu hành, Bộ Công an tiếp tục quán triệt và yêu cầu cán bộ huấn luyện làm tốt công tác chuẩn bị trước khi tổ chức luyện tập; chấp hành nghiêm nội quy thao trường… Đồng thời, tổ chức lắp đặt các thiết bị ke tay, ke chân thẳng hàng theo quy chuẩn; trang phục, trang bị của chiến sĩ như quai mũ, dây chéo, bao súng đảm bảo gọn gàng, thống nhất đảm bảo tư thế, lễ tiết tác phong theo Điều lệnh CAND.
Bám sát chương trình huấn luyện được lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động phê duyệt, các khối đã duy trì luyện tập và sửa tập phải sâu sát, tỉ mỉ đối với từng hàng, ghép các hàng, hợp khối và hoàn thiện khối. Trong đó, lưu ý thay đổi phương pháp sửa tập phù hợp với từng giai đoạn cụ thể, đặc biệt trong giai đoạn nâng cao thể lực cần có phương pháp tiếp cận và duy trì đảm bảo khoa học, hợp lý. Bên cạnh đó, đơn vị cũng linh hoạt, chủ động trong việc thay đổi cường độ và phương pháp luyện tập phù hợp với lịch tổng hợp luyện các lực lượng theo chương trình chung…
Giữa giờ giải lao, Nguyễn Kim Quyền, học viên Trường Đại học Cảnh sát nhân dân thuộc khối nữ sĩ quan CSGT lại tranh thủ gặp em trai là Nguyễn Quận, đang tham gia khối nam Cảnh sát cơ động (CSCĐ). Dù hơn em trai không nhiều tuổi nhưng Nguyễn Kim Quyền đã thể hiện sự chững chạc, trách nhiệm của người chị cả, thay cha, mẹ chăm sóc em trai…
Ngày hai chị em Quyền và Quận còn đang ngồi trên ghế nhà trường thì cha của hai em, một cán bộ Công an xã đã không may qua đời. Trước lúc lâm chung, người cha đã nắm chặt tay Quyền, mong muốn cô con gái nhỏ nối nghiệp cha, trở thành một cán bộ Công an. Vượt qua nỗi đau mất đi người cha thân yêu, Quyền nỗ lực hằng ngày, hằng giờ để hoàn thành di nguyện của người cha đã khuất. Và rồi, nghị lực cùng sự kiên trì của Quyền đã được đền đáp xứng đáng. Quyền sau đó đã thi đỗ vào trường Đại học Cảnh sát nhân dân.
Ước mơ được khoác lên người bộ trang phục CAND của Nguyễn Quận lại bắt nguồn từ những câu chuyện của ông nội, nguyên là một cán bộ cách mạng. Quận sau đó đã đăng ký thi vào Trường Đại học Cảnh sát nhân dân rồi trúng tuyển. Từ tháng 12/2024, hai chị em Quyền và Quận bắt đầu tham gia tập luyện cho đại lễ; Quyền tham gia ở khối nữ sĩ quan CSGT, còn em trai ở khối nam CSCĐ.
“Khối nữ sĩ quan CSGT tập các động tác tay không, yêu cầu đặt ra là hàng chân và tay phải đều… Tay phải vuông, chân phải thẳng, quân dung luôn tươi tỉnh”- học viên Nguyễn Kim Quyền cho biết. Những ngày đầu, cũng như không ít đồng đội, Quyền gặp không ít trở ngại. Phải mang đôi giày da trong một thời gian dài, đôi bàn chân của cô bị bỏng rộp; nhiều động tác kỹ thuật chưa đạt yêu cầu. Nhận thức rõ vinh dự, niềm tự hào và trách nhiệm khi được tham vào một sự kiện trọng đại của đất nước, Quyền lại dành thời gian tự rèn luyện, cô tự tập trước gương nhiều giờ…
Đôi chân sau nhiều ngày tập luyện, có lúc bị trày da nhưng Quyền chưa một ngày bỏ luyện tập. Và rồi, sự cố gắng của Quyền đã được ghi nhận, Quyền được lựa chọn là một trong những người đứng hàng đầu của khối nữ sĩ quan CSGT tham gia biểu diễn tại đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Tôi ở khối nam CSCĐ, các nội dung tập đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Theo yêu cầu, các thành viên trong khối cùng lúc vừa phải kẹp súng đồng thời phải đi nghiêm; tay trái phải vuông, còn tay phải phải có đủ lực để có thể kề súng trong thời gian dài. Khi đi nghiêm, mũi súng ở trong hàng phải đều tăm tắp với nhau; đầu gối phải thẳng… Trong quá trình này, nếu không tập luyện kỹ càng sẽ dễ mất thăng bằng” - chia sẻ về những yêu cầu đặt ra đối với công tác tập luyện, Nguyễn Quận cho biết. Sau những giờ luyện tập vất vả trên thao trường, niềm vui của chị em Quyền và Quận là khi thành tựu của mình được công nhận; là cảm xúc hân hoan, xen lẫn niềm tự hào và xúc động khi được đi giữa rừng cờ đỏ sao vàng, giữa tiếng hô vang của người dân trong những lần tổng duyệt.
Đổ mồ hôi, công sức trên thao trường
Thượng tá Phạm Đại Đồng, Phó trưởng Phòng Huấn luyện và hướng dẫn nghiệp vụ Cảnh sát cơ động (CSCĐ), Bộ Tư lệnh CSCĐ, Phó chỉ huy trưởng thường trực Sở chỉ huy diễu binh, diễu hành Bộ Công an, cho biết: Lực lượng CAND tham gia diễu binh, diễu hành theo kế hoạch chung bắt đầu từ ngày 14/12/2024 đến thời điểm này đã trải qua hơn 4 tháng; với 18 khối, trong đó có 13 khối đi và 5 khối đứng với quân số tham gia trên 3.000 CBCS và học viên; công tác huấn luyện chia làm nhiều giai đoạn…
“Lo lắng nhất là việc đảm bảo nơi ăn, chốn ở cho các CBCS và học viên gồm lực lượng CSCĐ, các học viên trường CAND phía Nam…”, Thượng tá Phạm Đại Đồng nhớ lại. Trước thời điểm triển khai kế hoạch chung khoảng 1 tuần, Sở chỉ huy diễu binh, diễu hành, theo sự chỉ đạo của cấp trên đã chuẩn bị nơi ăn, chỗ ở, thao trường, công tác phòng, chống dịch và các đảm bảo khác để các thành viên tham gia hợp luyện tập trung về đây. Để đảm bảo công tác huấn luyện, Sở chỉ huy đã xây dựng mô hình đơn vị vũ trang chiến đấu tập trung để đảm bảo cho công tác quản lý, điều hành khoa học, hợp lý và hiệu quả.

Giai đoạn 1 (từ ngày 14/12/2024 đến 21/1/2025) là giai đoạn cơ bản nhất, lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành thực hiện một số nội dung điều lệnh đội ngũ từng người, tay không. Các khối tham gia, phần lớn là sinh viên các trường CAND phía Nam; trong đó có 2 khối sinh viên đầu niên khoá 2024 vừa trải qua quá trình huấn luyện tại trung tâm của Bộ mới được 1 tháng. Về cơ bản, các học viên đã nắm được nội dung duyệt đội ngũ. Vậy nhưng, cũng có nhiều học viên vừa rời ghế nhà trường, chưa quen với tác phong và mệnh lệnh của chỉ huy…
“Kỷ niệm thì có nhiều nhưng tôi ấn tượng nhất là quá trình luyện ke chân… Trong quá trình này, các học viên phải tập các động tác cơ bản để tay phải vuông với độ cao theo quy định; chân trụ phải vững, đầu gối thẳng, lòng bàn chân thẳng so với mặt đất. Trong quá trình ke chân từ 5-7 phút, nhiều đồng chí bị buốt và chuột rút…, nhưng đã là giáo trình, giáo án huấn luyện thì buộc phải vượt qua. Mặc dù khó khăn, vất vả những mỗi CBCS và học viên đều xác định rõ nhiệm vụ và trách nhiệm được giao nên tất cả đều nỗ lực không ngừng để vượt qua”- Thượng tá Phạm Đại Đồng tiếp lời. Rồi từng ngày, từng giờ, theo thời gian, mỗi CBCS dần tích luỹ cho mình được kỹ thuật và thể lực để chuyển sang huấn luyện giai đoạn 2.
Giai đoạn 2, giai đoạn hoàn thiện các động tác cá nhân như đi đều, đi nghiêm, đánh mặt và hiệp đồng giữa một hàng, hai hàng, bốn và sáu hàng, tám hàng rồi đến nửa khối và cả khối để hoàn thành các động tác cá nhân. Trong quá trình này để khớp nhịp và hiểu nhau không dễ dàng. “Các động tác phải trăm người như một, đảm bảo được độ dài bước chân, hàng tay đều, hàng ngang đều…”, Thượng tá Phạm Đại Đồng cho biết. Trong quá trình đó, cùng với sự khích lệ, động viên, các huấn luyện viên cũng có những “hình phạt” đơn giản như chống đẩy, nhảy lò cò nhằm lấy tập thể rèn cá nhân, lấy cá nhân rèn tập thể… Qua những trò chơi đã khích lệ các học viên thêm gần gũi với nhau.
Cuối giai đoạn hai là ghép nhạc và tích luỹ thể lực, đây cũng là thời điểm khốc liệt và vất vả nhất. Vào thời điểm này, thời tiết nắng nóng, cường độ tập luyện cao. Để đảm bảo quãng đường diễu binh, đường chào từ 150 đến 200m thì phải tích luỹ thể lực. Vì thế, theo khảo sát, CBCS và học viên phải đi khoảng 3km nhưng họ phải tập luyện với quãng đường gấp đôi. Trong thời gian luyện tập, không ít CBCS và học viên bị chấn thương như rát nách, một số bị sứt đầu ngón chân và gót chân; phồng rộp gan bàn chân và đau cổ chân…
“Những vết thương phần mềm cứ trầy xước, rỉ máu rồi lại lành cho đến khi trở thành vết chai nhưng mỗi lần như vậy, các CBCS và các học viên đều không nản lòng. Sau khi xử lý vết thương tại các lán y tế, họ lại nhanh chóng trở lại với đội hình luyện tập. Không ít trường hợp mệt lả trong quá trình diễu hành vẫn quyết tâm đi cho khi đến kết thúc đường tập luyện thì mệt và ngất đi. Lúc này, hệ thống cấp cứu đã tổ chức sơ cứu ban đầu; trường hợp nặng hơn thì phối hợp chuyển tuyến… “Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước - mỗi khối có 1 bác sĩ, 1 y tá và 1 điều dưỡng ăn ngủ sinh hoạt cùng khối để chăm sóc cho CBCS thực hiện nhiệm vụ- nên trước các tình huống phát sinh, cán bộ y tế đã vào cuộc ngay”- Thượng tá Phạm Đại Đồng cho biết.
Anh chia sẻ thêm: “Đến giai đoạn 3, về cơ bản nền tảng thể lực của CBCS tham gia diễu binh, diễu hành đã được đảm bảo; động tác kỹ thuật cũng được thực hiện nhuần nhuyễn với những nội dung như tổ chức đi theo nhạc, ghép khối, ghép hàng để đảm bảo đi theo được nhịp nhạc, đúng quy định. Vì thế, để chuẩn bị cho hợp luyện, tổng hợp luyện, sơ duyệt và nhận nhiệm vụ chính thức thì phải rèn luyện cho mỗi người bản lĩnh, sự quyết tâm, tự tin để tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị”.
Giai đoạn 3, các CBCS tham gia thường xuyên hợp luyện cụm để rèn bản lãnh; sự quyết tâm, tự tin và điều chỉnh các hàng, các khối, đảm bảo cấu trúc chặt chẽ, vững chắc; quân dung tươi tỉnh thể hiện sự hùng mạnh, trang nghiêm của các khối diễu binh, diễu hành…
Qua tập luyện, các khối trong các lần hợp luyện sau đều tốt hơn trước… Hằng ngày, hằng giờ, các khối hợp luyện CAND vẫn ra sức thi đua, đoàn kết, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ Công an giao cho, với niềm tự hào được sải những bước chân biểu dương lực lượng trên con đường của thành phố mang tên Bác.