Bài toán hóc búa dành cho tân Thủ tướng Nhật
Ông Yoshihide Suga không gặp nhiều khó khăn để vượt qua cuộc bỏ phiếu này bởi vì liên minh cầm quyền do LDP lãnh đạo đang chiếm đa số ghế ở hai viện của Quốc hội. Dù là chính trị gia kỳ cựu và giàu kinh nghiệm, tân Thủ tướng Nhật Bản vẫn sẽ phải đối mặt với bài toán khó giải trong cả đối nội lẫn đối ngoại.
Bài toán hóc búa
Chuyên gia phân tích chính trị trường đại học Sophia Coichi Nakano cho biết: “Những thách thức phía trước cho người kế nhiệm ông Abe sẽ là cuộc chiến chống COVID-19 và làm thế nào để tái khởi động nền kinh tế. Nhật Bản cũng sẽ tổ chức Thế vận hội vào năm tới và sẽ có nhiều lý do để Nhật Bản phải đẩy nhanh cuộc chiến chống đại dịch. Đây sẽ là một thách thức lớn nhất cho bất cứ ai giữ vai trò vị trí Thủ tướng”.
Các chính sách đối ngoại của ông Shinzo Abe thời gian qua về những vấn đề an ninh đã dẫn đến những thay đổi trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản. Vì vậy nhiệm vụ của người kế nhiệm sẽ phải quyết định Nhật Bản sẽ tiếp tục mở rộng khả năng phòng thủ quốc gia để đối phó với các mối đe dọa trong khu vực hay đảo ngược hướng đi của người tiền nhiệm.
Trước hết là quan hệ với Mỹ - trụ cột trong chính sách an ninh và đối ngoại của Nhật Bản. Là những đồng minh lâu năm nhưng mối quan hệ giữa hai bên bất đồng trên nhiều phương diện, từ cán cân thương mại đến chính sách của Mỹ với CHDCND Triều Tiên.
Quan hệ giữa hai nước, ở một mức độ nào đó, cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới. Tuy nhiên có nhiều nhận định sẽ không có khả năng bất đồng này dẫn đến một sự rạn nứt nghiêm trọng.
Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ có thể khác nhau trong cách tiếp cận với Nhật Bản về thương mại và an ninh, nhưng cả hai đều không muốn làm tổn hại mối quan hệ vững chắc giữa hai quốc gia. Nhật Bản cũng hiểu tầm quan trọng của liên minh an ninh này và chắc chắn người kế nhiệm ông Shinzo Abe cũng muốn giữ mối quan hệ bền chặt.
Chuyên gia phân tích chính trị Coichi Nakano cũng nhận định, quan hệ với Mỹ sẽ chi phối lớn đến mối quan hệ giữa Nhật Bản với các quốc gia láng giềng khác: “Kể từ những năm 2000, chính sách ngoại giao của Nhật Bản tại châu Á có liên hệ mật thiết trong mối quan hệ của nước này với Mỹ. Các bước đi của Mỹ sẽ có tác động lớn đến chính sách đối ngoại của Nhật Bản với các quốc gia láng giềng châu Á”.
Trong quan hệ với Trung Quốc - quốc gia có nhiều căng thẳng với Nhật Bản về chủ quyền các hòn đảo cũng như trên các tuyến đường biển, đang bị tác động bởi đối đầu Mỹ - Trung gần đây. Do đó, Thủ tướng mới sẽ phải cân bằng không chỉ giữa quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc mà còn giữa Tokyo – Bắc Kinh và Washington.
Đối với quốc gia láng giềng Hàn Quốc, bất chấp có nhiều lợi ích chung, nhưng những trở ngại chính trị đã ngăn cản hai bên đạt được tiến triển chung trong việc giải quyết những bất đồng trong quá khứ. Thủ tướng mới của Nhật Bản có thể cải thiện được mối quan hệ này nếu ông vượt qua được các lực lượng chính trị bảo thủ ở Nhật Bản.
Triều Tiên cũng đặt ra nhiều mối đe dọa an ninh đối với Nhật Bản. Do đó, Thủ tướng mới sẽ phải tiếp tục xây dựng khả năng răn đe, trong khi tìm kiếm các biện pháp ngoại giao để xoa dịu căng thẳng với Bình Nhưỡng.
Tân Chủ tịch LDP Yoshihide Suga. |
Bước đi khôn ngoan
Phải thừa nhận rằng, ông Shinzo Abe là người luôn chủ động và tích cực trong hoạt động ngoại giao. Ông đã thiết lập được mối quan hệ thân thiết mang tính cá nhân với nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có Bộ Tứ Kim Cương gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ. Đây là điều ít nhà lãnh đạo trên thế giới nào làm được cho đến nay.
Trong chính sách đối ngoại luôn đưa hai chủ đề mang tính chiến lược để giải quyết đó là ngăn chặn phát triển hạt nhân của Triều Tiên và mối đe dọa lâu dài từ Trung Quốc, điều mà Mỹ cùng quan điểm và đang nỗ lực giải quyết. Điều đó đã làm nên một mối quan hệ đặc biệt giữa ông với Tổng thống Donald Trump.
Thủ tướng Ấn Độ và Thủ tướng Australia cũng thừa nhận có quan hệ thân thiết với Thủ tướng Shinzo Abe. Do đó, dư luận cho rằng đó là một “ma thuật” của ông Shinzo Abe trong chính sách ngoại giao.
Trong mối quan hệ thương mại quốc tế, ông Shinzo Abe đã tránh phê phán Tổng thống Mỹ Donald Trump không tham gia vào Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng vẫn tích cực vận động để có thể lập TPP11 (trừ Mỹ), ký kết Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) với Liên minh châu Âu (EU).
Bên cạnh đó, duy trì thể chế thương mại tự do với thế giới, nỗ lực xúc tiến xây dựng quy tắc kinh tế khu vực trong đó ưu tiên gắn kết với Mỹ. Vì vậy, nếu chính quyền mới của Nhật Bản không thừa kế những hiệu quả mà chính quyền ông Shinzo Abe đã thực hiện, thì việc gắn kết tiếp tục với chính quyền Mỹ hay nhiều quốc gia khác cũng gặp phải trở ngại lớn.
Do đó, ứng cử viên nào sau khi trở thành Thủ tướng nếu kế thừa di sản của ông Shinzo Abe sẽ là bước đi khôn ngoan, còn vội vàng cải cách thì chưa chắc đã có thành công. Thậm chí, kế thừa sẽ là điểm cộng cho chức vụ Thủ tướng tiếp cả ở nhiệm kỳ mới bắt đầu từ tháng 9-2021.
Hơn thế nữa, di sản mà ông Shinzo Abe để lại trong nhiệm kỳ của mình là thực hiện cải cách Hiến pháp để đưa ra một chính sách Quốc phòng tích cực khi mong muốn mở rộng phạm vi hoạt động của Lực lượng phòng vệ tại nước ngoài vì mục đích hòa bình.