Năm cái nhất thú vị của Thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội

Thứ Hai, 04/03/2019, 15:38
Là chủ nhà của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai - sự kiện ngoại giao quốc tế thu hút sự chú ý của toàn thế giới, Việt Nam đã tạo ấn tượng mạnh mẽ nhờ sự chuẩn bị chu đáo trong mọi mặt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã tiến hành họp thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội từ ngày 27 và 28-2 rồi đồng thời có nhiều hoạt động bên lề tại Hà Nội. 

Là chủ nhà cho sự kiện ngoại giao quốc tế thu hút sự chú ý của toàn thế giới, Việt Nam để lại ấn tượng mạnh mẽ nhờ sự chuẩn bị chu đáo trong mọi mặt, trong đó đáng chú ý nhất là đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho hai nhà lãnh đạo; cũng như bố trí hoàn hảo mọi điều kiện tác nghiệp cho giới báo chí quốc tế.

Dưới đây là năm cái nhất thú vị xung quanh cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều: 

Thời gian chuẩn bị ngắn nhất

So với cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên ở Singapore thì thời gian để Việt Nam chuẩn bị ngắn hơn nhiều. Ở Singapore - nước chủ nhà được thông báo trước khoảng gần 2 tháng. Lần này, Việt Nam có gần 2 tuần để chuẩn bị. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các Bộ, ban, ngành kiểm tra Trung tâm Báo chí Quốc tế.

Công tác chuẩn bị gồm rất nhiều nội dung như: an ninh, lễ tân, hậu cần và công tác thông tin báo chí... Đáng chú ý, các địa điểm, tuyến đường mà lãnh đạo hai nước di chuyển khi ở Việt Nam dài hơn nhiều lần so với ở Singapore nên các công tác hậu cần theo đó cũng có nhiều hạng mục phải thực hiện.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo trực tiếp sát sao từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương liên quan nên công tác chuẩn bị được tiến hành đúng tiến độ, chu đáo. 

Thành phố Hà Nội vào những ngày diễn ra sự kiện được trang hoàng lộng lẫy; an ninh an toàn được đảm bảo tuyệt đối; trong khi điều kiện tác nghiệp cho báo chí tới từ khắp nơi trên thế giới được duy trì ở mức thuận lợi nhất.

Cờ Việt Nam, Mỹ, Triều Tiên cùng biểu tượng bắt tay hòa bình xuất hiện khắp các con phố Hà Nội.

Trong các tuyên bố trước, trong và sau hội nghị, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đều đánh giá cao, cảm ơn về công tác chuẩn bị của Việt Nam. Còn giới báo chí quốc tế thì đăng tải hàng trăm tin, bài thể hiện sự thán phục trước công tác an ninh, lễ tân của chủ nhà.

Số lượng phóng viên đưa tin nhiều nhất

Vì là sự kiện thu hút sự chú ý của toàn thế giới, nên số lượng phóng viên quốc tế đăng kí đưa tin cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều cũng như các sự kiện liên quan tại Việt Nam đạt con số khổng lồ. Khoảng 2.600 phóng viên nước ngoài được cấp thị thực vào Việt Nam chỉ sau hơn 1 tuần chuẩn bị. Con số này cao hơn rất nhiều so với 1.000 phóng viên nước tham gia đưa tin Tuần lễ cấp cao APEC Đà Nẵng 2017. 

Cánh phóng viên chờ đưa tin về Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Đồng Đăng.

Trong quãng thời gian ở Việt Nam, điều kiện tác nghiệp của các phóng viên được đảm bảo ở mức thuận lợi nhất. Việt Nam cũng bố trí một Trung tâm báo chí quốc tế hiện đại giữa thủ đô Hà Nội, phục vụ 24/24, để các phóng viên có thể làm việc, đưa tin, ăn uống và nghỉ ngơi bất cứ lúc nào. 

Thêm vào đó, vì tính chất đặc biệt của mình, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều trở thành “cơ hội vàng” để báo chí Việt Nam học hỏi kinh nghiệm tác nghiệp tại một sự kiện hết sức kịch tính, cạnh tranh quyết liệt trong bối cảnh mọi thông tin được giữ kín đến phút cuối.

Hành trình di chuyển đường bộ dài nhất của một nguyên thủ tới Việt Nam

Chuyến đi tới Việt Nam trên đoàn tàu  bọc thép chính là chuyến công du nước ngoài lâu nhất của Chủ tịch Kim Jong-un và hành trình từ ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) bằng ô tô về Hà Nội là hành trình đường bộ dài nhất của một nhà lãnh đạo nước ngoài khi tới thăm Việt Nam. 

Lực lượng CSGT chuẩn bị đón Chủ tịch Kim ở Đồng Đăng.

Thiếu tướng Trần Quốc Trung- Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) – người trực tiếp chỉ huy đoàn dẫn Chủ tịch Kim Jong-un cho biết: "Trong đoạn đường dài 170km đó, khó đi nhất là đường từ Lạng Sơn về Bắc Giang dài 94,4km với nhiều đèo dốc, khúc cua nguy hiểm. 

Đó là chưa kể đến những đoạn đường đang được nhà thầu thi công, gồ ghề, khó đi. Chúng tôi đã phải phối hợp với Tổng cục đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) và nhà thầu bàn bạc cụ thể và tìm hướng giải quyết ngay lập tức". 

Đoàn Chủ tịch Kim Jong-un về gần thủ đô Hà Nội hôm 26-2.

Tới đêm 25-2, vài giờ trước khi đón Chủ tịch Kim, lực lượng chức năng vẫn miệt mài hoàn thiện các phần đường nói trên để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Bên cạnh đó, các phương án phân luồng giao thông từ xa, thông tin trên các phương tiện truyền thông để người dân chủ động trong việc tham gia giao thông được tiến hành rất khẩn trương.

Lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ tới Việt Nam hai lần trong nhiệm kỳ

Lịch sử chưa từng có Tổng thống Mỹ nào tới Việt Nam liên tiếp trong các năm đầu của nhiệm kỳ như Tổng thống Donald Trump. Năm 2017, ông đến Đà Nẵng dự Hội nghị cấp cao APEC, sau đó tới Hà Nội, thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước. 

Tổng thống Trump vẫy chào Việt Nam từ chuyên cơ Air Force One.

Lần này, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã chọn Hà Nội làm nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần hai để tiếp tục thảo luận về cách thức kiến tạo hòa bình thực sự trên bán đảo Triều Tiên. 

Cũng như lần đầu tiên, ông Donald Trump được chào đón nồng hậu khi tới Việt Nam. Ngay khi vừa đặt chân xuống sân bay quốc tế Nội Bài, Tổng thống Mỹ đã bày tỏ cảm xúc và lời cảm ơn với "đám đông người chào đón và rất nhiều tình yêu". 

Sau khi lên máy bay rời Hà Nội chiều 28-2, ông Donald Trump một lần nữa gửi lời cám ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước và người dân Việt Nam - "chủ nhà hào phóng" của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai. "CÁM ƠN tới những người chủ nhà hào phóng ở Hà Nội tuần này: Chủ tịch Trọng, Thủ tướng Phúc và những con người Việt Nam tuyệt vời", Tổng thống Donald Trump đăng trên Twitter. 

Cũng trên trang Twitter cá nhân khi vừa về đến thủ đô Washington, Tổng thống Donald Trump lại khẳng định: "Vừa mới trở về từ Việt Nam, một nơi thật tuyệt vời. Chúng tôi vừa có những cuộc đàm phán rất quan trọng với Kim Jong-un - chúng ta biết họ muốn gì và họ biết những gì chúng ta muốn có. Mối quan hệ vẫn tốt. Hãy cùng chờ xem điều gì xảy ra tiếp".

Cuộc họp báo đặc biệt nhất

Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Việt Nam cũng mang đến trải nghiệm đầu tiên cho các phóng viên với cuộc họp báo diễn ra vào lúc nửa đêm và trong thời gian vô cùng ngắn do đoàn Triều Tiên tiến hành. 

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho chủ trì họp báo đêm 28-2.

Đêm 28-2, gần 10 tiếng đồng hồ sau khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều kết thúc, đoàn Triều Tiên quyết định họp báo ở khách sạn Melia. Dù từ thời gian thông báo đến lúc cuộc họp báo diễn ra chỉ vài chục phút, nhưng có rất đông cơ quan báo chí xuất hiện. 

Cuộc họp báo do Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho chủ trì sau đó cũng chỉ kéo dài 20 phút để thông báo về những nội dung chính nhất của thượng đỉnh Mỹ-Triều
H. Chi - Thiện Minh
.
.