Những mẫu oanh tạc cơ giúp Mỹ xác lập vị thế siêu cường quân sự

Chủ Nhật, 04/12/2022, 12:48

Như Báo CAND đã đưa tin, ngày 2/12, Mỹ ra mắt siêu máy nay B21. Đây là một trong những siêu chiến đấu cơ, "hậu duệ" của B52, B1, B2, F35 nổi tiếng... góp phần định hình sức mạnh của Hoa Kỳ với tư cách siêu cường trên thế giới.

Lực lượng tác chiến đường không thuộc quân đội Mỹ lần đầu ra mắt năm 1907 với vai trò là một phần của Quân đoàn Tín hiệu. 40 năm sau, năm 1947, Không quân Mỹ chính thức được thành lập, trở thành nhánh riêng biệt của lực lượng vũ trang Mỹ theo Đạo luật An ninh quốc gia được ban bố cùng năm.

Hơn một thế kỉ qua, quân đội Mỹ sở hữu nhiều mẫu máy bay quân sự khác nhau. Trong đó, oanh tạc cơ được xác định là thành phần quan trọng giúp Mỹ đảm bảo năng lực tấn công mạnh mẽ và cơ động nhanh chóng trên toàn cầu.

B-29 Superfortress – chiếc oanh tạc cơ duy nhất tấn công hạt nhân

Chiến tranh Thế giới II nhen nhóm, giới chức quân sự Mỹ từ cuối những năm 1930 đã đề nghị các tập đoàn quốc phòng thiết kế mẫu oanh tạc cơ có tầm bay xa, với dự báo rằng hoạt động tác chiến đường không sẽ ngày càng đóng góp vai trò lớn hơn trong chiến sự.

Những mẫu oanh tạc cơ giúp Mỹ xác lập vị thế siêu cường quân sự -0
Chiếc B-29 Enola Gay thả quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản. Ảnh: Britanica

Sau vài tháng, 4 thiết kế máy bay ném bom được trình làng, gồm B-29 của Boeing, B-30 của Lockheed, B-31 của Douglas và B-32 của Consolidated. Năm 1942, 3 nguyên mẫu B-29 đầu tiên bay thử và một chiếc được chọn. Loại oanh tạc cơ này sau đó được sản xuất đến 4.000 chiếc.

Về hỏa lực, B-29 sở hữu khoang bom có thể mang theo gần 10 tấn, cùng 12 khẩu súng máy 12,7mm bố trí dọc khoang thân để tự vệ. Mỗi chiếc B-29 có chiều dài 30m, sải cánh 43,1m, trang bị 4 động cơ cánh quạt, tốc độ tối đa 574 km/giờ, tầm hoạt động 5.230 km.

Buồng lái B-29 được thiết kế giảm áp để máy bay hoạt động được ở độ cao rất lớn vào thời điểm đó, gần 10.000m. Cỗ máy này vận hành bởi phi hành đoàn 11 người, gồm phi công, hoa tiêu, chuyên viên ném bom, điệp báo viên, sĩ quan radar và các xạ thủ.

Những mẫu oanh tạc cơ giúp Mỹ xác lập vị thế siêu cường quân sự -0
Một chiếc B-29 thả bom xuống mục tiêu trong Thế chiến II. Ảnh: GettyImages

Từ năm 1944, chiến trường châu Âu đã có những diễn biến mới, không còn cần tới sự xuất hiện của B-29 nên nó chủ yếu tham gia tác chiến trên mặt trận Thái Bình Dương và đóng vai trò chủ chốt thực hiện hàng ngàn nhiệm vụ tấn công mục tiêu Phát xít Nhật.

Một trong những nhiệm vụ nổi tiếng nhất mà B-29 thực hiện đó là thả bom hạt nhân xuống Nhật Bản. Sáng 6/8/1945, Mỹ đã điều chiếc B-29 mang tên Enola Gay ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima, huỷ diệt cả thành phố. 3 ngày sau, một chiếc B-29 khác mang tên Bockscar thả quả bom thứ hai xuống Nagasaki, biến đô thị này thành bình địa.

Sau Thế chiến II, B-29 còn tham gia vào chiến tranh Triều Tiên. Đến những năm 1960, B-29 về hưu, nhường chỗ cho các máy bay ném bom chiến lược dùng động cơ phản lực như B-52.

"Pháo đài bay" B-52 Stratofortress

Trong Chiến tranh Lạnh, máy bay ném bom chiến lược tầm xa được Mỹ xác định là một trụ cột trong bộ ba răn đe hạt nhân, bên cạnh phương tiện phóng vũ khí hạt nhân từ mặt đất và trên biển. B-52 ra đời vì mục đích đó, bắt đầu trực chiến từ năm 1955 và liên tục được cải tiến để hoạt động tới tận ngày nay, dù chưa từng thả quả bom hạt nhân nào.

Những mẫu oanh tạc cơ giúp Mỹ xác lập vị thế siêu cường quân sự -0
Lượng bom khổng lồ mà một chiếc B-52H có thể mang theo trong một lần làm nhiệm vụ. Ảnh: GettyImages

B-52 do tập đoàn Boeing thiết kế, có sải cánh hơn 56m, chiều dài 48,5m, vận hành bởi 8 động cơ treo dưới hai cánh. Ở thời điểm ra mắt, mẫu oanh tạc cơ này có thể mang theo hơn 31 tấn bom, mìn và tên lửa các loại, tức "khủng" thế giới.

Tất cả những chiếc B-52 được sản xuất đều sở hữu hệ thống quan sát, liên lạc điện tử, sử dụng các loại cảm biến tiên tiến, còn phi công được trang bị kính nhìn đêm để tăng cường khả năng quan sát trong các nhiệm vụ diễn ra khi trời tối.

Người Mỹ tự hào gọi máy bay ném bom B-52 Stratofortress là những "pháo đài bay", bởi nó không chỉ có kích thước lớn mà còn hoạt động bền bỉ và khả năng phòng thủ tốt trước phòng không đối phương. Theo xác nhận của chính người Mỹ, họ chỉ mất những chiếc B-52 duy nhất do hỏa lực đối phương tại Việt Nam.

Những mẫu oanh tạc cơ giúp Mỹ xác lập vị thế siêu cường quân sự -0
Dàn B-52 của Mỹ thực hiện động tác "voi đi bộ" trong một cuộc diễn tập. Ảnh: USAF

Gần 7 thập kỉ qua, B-52 đã tham gia gần như toàn bộ các cuộc xung đột mà Mỹ can dự. Trong chiến dịch Cơn bão Sa mạc năm 1991, B-52 phóng ra 40% tổng số vũ khí của liên quân do Mỹ dẫn đầu.  

Trong những mẫu B-52 được sản xuất, mẫu B-52H là phiên bản duy nhất đang hoạt động. Mỹ hiện duy trì B-52H ở hầu khắp các căn cứ không quân quan trọng trên toàn cầu. B-52H còn tham gia tích cực vào các hoạt động thử nghiệm vũ khí, bao gồm vũ khí siêu vượt âm.

B-2 Spirit

Một trong mẫu oanh tạc cơ nổi tiếng khác của Mỹ là B-2 Spirit. Mẫu oanh tạc cơ này do Northrop Gunmman nghiên cứu chế tạo riêng cho Không quân Mỹ, đáp ứng yêu cầu ném bom tàng hình để đối phó với hệ thống phòng không của Liên Xô những năm 90. Đến nay, B-2 vẫn là oanh tạc cơ tàng hình cỡ lớn duy nhất đang hoạt động trên toàn cầu.

Những mẫu oanh tạc cơ giúp Mỹ xác lập vị thế siêu cường quân sự -0
Thiết kế độc đáo và khả năng tàng hình giúp B-2 nổi tiếng. Ảnh: GettyImages

Theo NationalInterest, Northrop Gunmman bắt đầu nghiên cứu chế tạo B-2 năm 1981 và năm 1989 cho ra đời nguyên mẫu thử nghiệm. Sau này B-2 được cải tiến để hoạt động ở cả tầng cao và tầng thấp, đồng thời thực hiện nhiệm vụ ném bom thông thường cũng như bom hạt nhân.

Với thiết kế liền khối giống một chú chim ưng, B-2 Spirit là phi cơ đắt nhất trong lịch sử. Giá thành chế tạo một chiếc B-2 khi đó là 515 triệu USD, tương đương 1,06 tỷ USD hiện nay. Nếu tính cả chi phí nghiên cứu phát triển, mỗi chiếc Spirit có giá lên tới 2,1 tỷ USD.

Những mẫu oanh tạc cơ giúp Mỹ xác lập vị thế siêu cường quân sự -0
Chiếc B-2 cháy trơ khung năm 2008 ở đảo Guam. Ảnh: ITN

Mỹ đã sản xuất tổng cộng 21 oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit, trong đó một chiếc bị phá hủy hoàn toàn do sự cố trong lúc cất cánh tại đảo Guam năm 2008. Một chiếc khác bị hư hỏng nặng do cháy trên mặt đất năm 2010, nhưng được sửa chữa và đưa trở lại biên chế với chi phí cao.

Hơn 30 năm qua, B-2 từng tham gia thả hơn 500 quả bom thông minh JDAM trong chiến dịch Kosovo năm 1999. Trong một cuộc tập trận năm 2003, B-2 gây tiếng vang khi phóng thành công hơn 80 quả bom JDAM nặng 230kg trong một lần phóng, thể hiện năng lực tải bom và công kích chuẩn xác đồng thời.

B-1B Lancer – đối thủ của "Thiên nga trắng" Tu-160

Trong khi B-52 nổi tiếng nhờ khả năng tác chiến bền bỉ, B-2 tạo tiếng vang bởi khả năng tàng hình, thì oanh tạc cơ B-1B Lancer của Mỹ răn đe đối thủ nhờ năng lực mang lượng vũ khí lớn. Với tải trọng 57 tấn, B-1B Lancer là oanh tạc cơ có khoang bom lớn nhất trong các máy bay ném bom chiến lược của Mỹ.

Những mẫu oanh tạc cơ giúp Mỹ xác lập vị thế siêu cường quân sự -0
Thiết kế khá tương đồng của B-1B (trái) và Tu-160. Ảnh: GettyImages

Theo DefenseBlog, B-1B Lancer có thiết kế cánh cụp cánh xòe gần giống mẫu "Thiên nga trắng" Tu-160 của Nga, đạt vận tốc tối đa gần 1.500 km/h.

B-1B có nhiều modul giá treo vũ khí cả trên cánh và trong khoang, giúp nó có thể triển khai các loại tên lửa và bom thông minh JDAM dẫn đường bằng vệ tinh nhiều kích cỡ từ 226 kg đến 907 kg để tăng khả năng tấn công chính xác trong mọi điều kiện thời tiết.

B-1B Lancer được sử dụng trong chiến đấu lần đầu tiên năm 1998 trong chiến dịch "Cáo sa mạc" ở Iraq. Từ năm 2014, các máy bay ném bom chiến lược B-1B của Mỹ đã thả hơn 2000 bom thông minh trong 630 lần không kích chống khủng bố IS ở Iraq và Syria.

Những mẫu oanh tạc cơ giúp Mỹ xác lập vị thế siêu cường quân sự -0
B-1B thả bom trong một cuộc thử nghiệm. Ảnh: AP

Tuy vậy, do điều kiện chiến đấu thay đổi, Mỹ đã loại biên phần lớn trong số 62 chiếc B-1B Lancer từng được chế tạo. Họ cũng có kế hoạch ngừng vận hành toàn bộ phi đội này trong 10 năm tới để nhường chỗ cho các oanh tạc cơ mới hơn.

B-21 Raider – oanh tạc cơ thế hệ mới

Mới chỉ ra mắt chính thức ngày 2/12, nhưng mẫu B-21 của Mỹ đang gây chú ý trên toàn cầu, khi nó được tích hợp những công nghệ tiên tiến nhất cùng khả năng tàng hình vượt trội, được Northrop nghiên cứu và cải tiến trong hàng chục năm qua.

Những mẫu oanh tạc cơ giúp Mỹ xác lập vị thế siêu cường quân sự -0
Chiếc B-21 được công bố trong lễ ra mắt hôm 2/12. Ảnh: GettyImages

"B-21 Raider là máy bay ném bom chiến lược đầu tiên của Mỹ được phát triển sau hơn 30 năm", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại lễ ra mắt. Ông cũng nhấn mạnh B-21 Raider là minh chứng cho thấy Mỹ vẫn chiếm ưu thế về mặt công nghệ và sự sáng tạo.

Theo Reuters, Northrop tuyên bố B-21 là máy bay thế hệ thứ 6 nhờ khả năng kết nối với các máy bay khác và dễ dàng tích hợp các loại vũ khí tương lai. Không quân Mỹ dự định mua 100 máy bay B-21 với đơn giá khoảng 700 triệu USD/chiếc để thay thế các mẫu oanh tạc cơ B-1 và B-2.

Chi tiết kĩ thuật của B-21 chưa được tiết lộ, nhưng Mỹ mô tả "không một máy bay ném bom tầm xa nào hiện nay có thể sánh với B-21 về mức độ hiệu quả". Mẫu oanh tạc cơ mới cũng ít cần bảo trì hơn, giúp kéo dài thời gian hoạt động nhưng lại tiết kiệm chi phí vận hành.

Theo giới quan sát quân sự, ngoài vũ khí hạt nhân hoặc bom thông thường, B-21 cũng được thiết kế để phóng cả tên lửa tầm xa và tầm ngắn. Defensenews tiết lộ, B-21 có thể sẽ bay thử nghiệm ngay trong năm 2023, trong khi những chiếc đầu tiên sẽ được bàn giao cho quân đội Mỹ trong vòng vài năm.

Thái Hà (Tổng hợp)
.
.