Giảm ô nhiễm không khí phụ thuộc quyết tâm và cách làm
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về thực trạng cũng như những giải pháp trước mắt, lâu dài nhằm đối phó với ô nhiễm cũng như bụi mịn, "sát thủ" vô hình với con người.
Vấn nạn ô nhiễm không khí trong những năm gần đây ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt ở các TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Cá biệt như Hà Nội, thường xuyên xuất hiện trong top 10 TP có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất thế giới. Liên quan đến ô nhiễm không khí - vấn đề nóng bỏng của xã hội hiện nay, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về thực trạng cũng như những giải pháp trước mắt, lâu dài nhằm đối phó với ô nhiễm cũng như bụi mịn, "sát thủ" vô hình với con người.
Phóng viên: Thưa ông, ô nhiễm không khí đang là vấn đề lớn của các thành phố lớn, trong đó Hà Nội. Ông đánh giá thế nào về thực trạng ô nhiễm không khí hiện nay? Hà Nội đã lại bắt đầu "mùa ô nhiễm trong năm", ngoài những yếu tố như từ ôtô, xe máy; từ các hoạt động sản xuất công nghiệp tại các nhà máy, làng nghề, đốt rác, đốt rơm rạ sau thu hoạch… có còn do nguyên nhân nào khác hay không? Yếu tố thời tiết có vai trò tác động gì đến ô nhiễm không khí gia tăng những ngày gần đây ở Thủ đô?
TS Hoàng Dương Tùng: Người ta quan trắc thấy số ngày trong năm có chỉ số nồng độ bụi mịn PM2.5 hay chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được vượt quá quy chuẩn cho phép ngày càng tăng. Điều đó chứng tỏ các đô thị ngày càng ô nhiễm. Đặc điểm ô nhiễm ở các đô thị lớn ở Việt Nam có khác nhau. Tùy thuộc vào nguồn ô nhiễm và các điều kiện về khí hậu, thời tiết. Ở nước ta, các tỉnh miền Bắc có kiểu thời tiết 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Còn ở miền Nam đặc trưng với 2 mùa là mùa mưa và mùa khô. Nồng độ PM2.5 ảnh hưởng rất nhiều bởi yếu tố thời tiết ví dụ như gió, mưa, nhiệt độ.
Ở miền Bắc, cứ đến mùa đông, khoảng từ tháng 10 năm trước đến tháng 3, tháng 4 năm sau, nông độ PM2.5 cao hơn các thời gian còn lại trong năm. Đó là vì trong những tháng đó có các yếu tố gió lặng, không khí ẩm thấp, hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra làm cho bụi mịn trong không khí không khuếch tán lên cao được, luẩn quẩn dưới tầng thấp khiến không khí ô nhiễm nhiều hơn. Còn vào mùa hè, khoảng tháng 6 đến tháng 9 hay có mưa nhiều, gió mạnh nên có thể rửa trôi hoặc khuếch tán bụi mịn, sẽ làm giảm nồng độ bụi mịn.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể khẳng định, những ngày trời trong là những ngày ít ô nhiễm và những ngày trời sương mù là không khí ô nhiễm. Việc xác định mức độ ô nhiễm sẽ dựa trên số liệu máy móc đo đạc, quan trắc được. Chỉ số đo nồng độ bụi mịn hiện nay được đo bằng rất nhiều trạm đo. Vì thế, việc chúng ta nhìn bằng mắt thường chỉ là một yếu tố, chúng ta vẫn phải căn cứ dựa trên thiết bị máy móc.
Ô nhiễm không khí ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc chủ yếu là ô nhiễm bụi PM2.5 - loại bụi được coi là "sát thủ" vô hình. Nguyên nhân chính khiến không khí ô nhiễm là từ chính các hoạt động của con người và thời tiết, khí hậu có tính chất tác động. Các phương tiện cá nhân như ôtô, xe máy dùng xăng, dầu là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí. Theo thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 6,5 triệu xe máy lưu thông, trong đó nhiều xe máy đã cũ, không được bảo trì thường xuyên, khói đen thải ra môi trường… là nguồn phát thải bụi mịn PM2.5.
Ngoài ra, nguồn phát sinh bụi mịn chủ yếu đến từ các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó phải kể đến một số nguyên nhân chính như do các khu công nghiệp bao gồm các cơ sở sản xuất, cơ sở tái chế, làng tái chế nhựa và kim loại. Tiếp đó là ô nhiễm từ các công trình xây dựng hạ tầng không có che chắn. Và hoạt động đốt rác thải tự phát, đốt phụ phẩm nông nghiệp, sau khi nông dân thu hoạch lúa thường đốt rơm rạ cũng sẽ gây ra bụi, ô nhiễm không khí.
Phóng viên: Ô nhiễm không khí kéo theo nồng độ bụi mịn gia tăng, thậm chí nhiều hôm ở Hà Nội có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Xin ông cho biết, bụi mịn là gì và những tác hại của chúng đối với sức khoẻ con người ra sao?
TS Hoàng Dương Tùng: Trong môi trường, có rất nhiều loại bụi như bụi tổng, bụi PM10, bụi PM2.5, bụi PM1, bụi nano. Chúng được phân loại dựa vào kích cỡ của từng loại theo đơn vị micromet. Hiện nay, thế giới đang lo ngại với PM2.5 hay còn được gọi bằng cái tên khác là bụi mịn. Với đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet, tức là các hạt này bé hơn 1/30 so với sợi tóc của chúng ta. Vì kích thước nhỏ nên có khả năng đi sâu vào hệ hô hấp, vào phổi. Thậm chí có khả năng đi vào máu. Bụi mịn mang nhiều chất độc hại và nhỏ nên khẩu trang thông thường không thể ngăn được, gây ra các bệnh như đột quỵ, ung thư… ảnh hưởng đến các bà mẹ đang mang thai. Điều này đã được chứng minh ở các công trình nghiên cứu khoa học.
Qua quan trắc, có nhiều ngày trong mùa đông, nồng độ bụi mịn PM 2.5 tăng rất cao, biểu hiện qua chỉ số AQI đỏ, thậm chí nâu trong khoảng sáng sớm từ 2-6 giờ. Đây là kiểu hình không khí rất có hại cho sức khỏe. Nếu không sớm cải thiện tình trạng này sẽ là hệ lụy lâu dài với thế hệ con cháu như tuổi thọ giảm đi, gánh nặng về y tế, kinh tế-xã hội sẽ tăng. Người dân cần theo dõi các trang web cập nhật số liệu quan trắc về chỉ số ô nhiễm không khí uy tín. Trong những ngày có chỉ số ô nhiễm ở mức cao, đối với những người có bệnh nền liên quan hô hấp hoặc trẻ nhỏ cần ở trong nhà hoặc hạn chế đi ra ngoài. Gia đình nào có điều kiện thì mua máy lọc không khí. Khi ra ngoài, người dân cần trang bị kính, khẩu trang, đồng thời rửa mắt, súc miệng khi trở về.
Phóng viên: Để giảm thiểu được ô nhiễm không khí, cần những giải pháp chiến lược từ phía chính quyền. Nhưng thực tế cho thấy, ô nhiễm vẫn ngày càng gia tăng. Ông đánh giá thế nào về những biện pháp giảm ô nhiễm không khí đang được áp dụng gần đây? Và cần những hành động gì cụ thể để có thể giảm ô nhiễm không khí?
TS Hoàng Dương Tùng: Đô thị lớn như Hà Nội vừa qua đã có Nghị quyết xây dựng vùng phát thải thấp. Vùng phát thải thấp theo Luật Thủ đô (sửa đổi) là hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm, không đạt tiêu chuẩn cho phép.
Qua nhiều năm khảo sát, quan trắc, người ta thấy việc ô tô, xe máy lớn là nguồn gây ô nhiễm đáng kể trong các đô thị, không chỉ riêng Hà Nội hay các thành phố lớn của Việt Nam, mà ngay cả các đô thị lớn trên thế giới. Thế giới cũng nhiều nước triển khai, xây dựng vùng phát thải thấp nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông cá nhân. Hiện nay, có hơn 300 vùng phát thải thấp được xây dựng trên thế giới. Và đã có đánh giá cho thấy, sau khi xây dựng vùng phát thải thấp thì chất lượng không khí tại các vùng đó tốt hơn, ô nhiễm không khí giảm rõ rệt. Rõ ràng, hiệu quả giảm thiểu ô nhiễm không khí thế nào phụ thuộc vào cách làm và quyết tâm của chính quyền.
Tôi theo dõi và thấy rằng, bà con vẫn đốt rơm rạ, dù đã có nhiều chỉ thị cấm đốt. Việc đốt rơm rạ sau thu hoạch gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt khi người dân đốt cấp tập trong mùa hanh khô. Vào những ngày nông dân đốt rơm rạ, chỉ số PM2.5 cao hơn rõ rệt, ngay cả ở nội thành. Việc đốt rơm rạ ngoài gây ra bụi mịn còn có nhiều chất khác gây hại cho sức khỏe con người. Không chỉ ngoại thành Hà Nội, các tỉnh lân cận cũng đốt và khói rơm rạ theo luồng không khí chuyển dịch vào Hà Nội. Ngoài đốt rơm rạ, việc đốt rác thải cũng gây ô nhiễm. Việc đốt rác liên tục, không có mùa do chúng ta chưa thu gom, xử lý rác tốt.
Hà Nội phải có những chính sách cụ thể, ví dụ chế tài phạt khi người dân đốt rơm rạ, hoặc hỗ trợ người nông dân có phương án xử lý khối lượng lớn rơm rạ sau thu hoạch lúa. Hà Nội cần có công trình nghiên cứu chuyên sâu, bài bản về nguồn phát thải để có được những số liệu cụ thể mang tính khoa học. Khi có những số liệu tin cậy về nguồn phát thải thì Hà Nội mới có thể đặt ra mục tiêu giảm phát thải trong 5 năm là bao nhiêu, 10 năm là bao nhiêu. Có như vậy mới đến được cái đích cần đến theo lộ trình.
Trên cả nước, các nhà máy nhiệt điện, cơ sở xi măng, hóa chất và sản xuất sắt thép là 4 ngành hiện đang được chú ý trong việc ngăn ngừa khí thải. Trong các phê duyệt đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường thì các cơ quan chức năng cũng đã hết sức chú ý đến việc xử lý khí thải của các nhà máy này. Hiện nay, còn có một số nguồn thải mới là các nhà máy đốt rác phát điện. Khi đốt mấy trăm, hàng nghìn tấn rác mỗi ngày thì chúng ta cũng phải chú ý đến vấn đề khí thải của các nhà máy này.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!