Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí trong thời kì mới, sáng 16/5 tại Hà Nội, diễn ra Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số”. Hội thảo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo; Cục Báo chí phối hợp Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức. Hội thảo diễn ra trong bối cảnh chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).
Dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL; Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam.
Tham dự hội thảo còn có Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa xã hội của Quốc hội Triệu Thế Hùng; Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam Nguyễn Thanh Lâm; Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Phạm Mạnh Hùng; Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Thị Sự… Hội thảo cũng thu hút sự quan tâm, tham gia của lãnh đạo các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phan Xuân Thủy cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí là hết sức cần thiết nhằm hoàn thiện quy định pháp luật để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về báo chí; khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về báo chí hiện hành.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí nhằm điều chỉnh, quản lý hoạt động báo chí phù hợp trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí phát triển trong kỷ nguyên số.
Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc cho biết, Luật Báo chí (sửa đổi) có 4 nhóm chính sách lớn: công tác quản lý đối với hoạt động báo chí; nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí; thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí; và điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng.

Theo ông Phúc, Luật Báo chí (sửa đổi) dự kiến có 54 điều, trong đó, Chính phủ hướng dẫn 25 nội dung, Bộ VHTTDL hướng dẫn 5 nội dung… Dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) lần này sẽ phân quyền cho địa phương thêm 10 thủ tục hành chính. Dự thảo Luật cũng bổ sung một số khái niệm, trong đó bên cạnh việc xác định các loại hình báo chí như: báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình, sẽ bổ sung thêm kênh nội dung của các cơ quan báo chí trên không gian mạng.
Bổ sung khái niệm tạp chí để phân biệt rõ báo và tạp chí nhằm khắc phục tình trạng “báo hóa” tạp chí. Đồng thời, quy định trang thông tin điện tử tổng hợp không được coi là sản phẩm thông tin có tính chất báo chí. Bản tin, đặc san tiếp tục được công nhận là sản phẩm báo chí.
Dự thảo luật lần này bổ sung khái niệm tổ hợp báo chí truyền thông chủ lực đa phương tiện, tổ hợp báo chí địa phương; khái niệm về phóng viên, biên tập viên làm cơ sở để Chính phủ quy định chính sách, pháp luật phát triển quản lý phù hợp. Đồng thời, bổ sung về vị trí của báo chí để khẳng định tính lịch sử cách mạng của báo chí hướng đến mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.
Trong phần thảo luận, các chuyên gia truyền thông, nhà báo, nhà khoa học, luật sư... đã tập trung vào 3 nội dung lớn:
Thứ nhất, trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn các cơ quan báo chí, việc xây dựng mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông như thế nào để phát huy hiệu quả và phát triển bền vững? Phát triển mô hình tổ hợp báo chí, kinh nghiệm quốc tế.
Thứ hai, vấn đề liên kết trong hoạt động của cơ quan báo chí như thế nào để phát huy được nguồn lực của xã hội nhằm phát triển cơ quan báo chí?
Thứ ba, báo chí đang phải cạnh tranh ngày càng khốc liệt với mạng xã hội, các nền tảng xuyên biên giới về tốc độ và mức độ lan tỏa thông tin. Các quy định pháp luật cần được hoàn thiện theo phương hướng nào để cơ quan báo chí có thể cạnh tranh thông tin, định hướng, dẫn dắt thông tin trên không gian mạng?
Tại hội thảo, lãnh đạo một số cơ quan báo chí đã thẳng thắn trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động báo chí, nhất là chế độ, chính sách, nhân sự... và đề xuất cơ quan chức năng nghiên cứu, có giải pháp tháo gỡ nhằm giúp các cơ quan báo chí hoạt động đúng pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền...
Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số” là một bước đi cụ thể nhằm lấy ý kiến hoàn thiện hệ thống pháp luật, đề xuất các quy định, góp ý xây dựng dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) trước khi trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, thông qua.
Xứng đáng là tờ báo của lực lượng CAND trong giai đoạn mới
Mối lương duyên với tờ báo của lực lượng CAND
Báo chí thâm nhập thực tế sẽ phản ảnh chân thực khó khăn, vất vả của lực lượng Công an
Đề xuất tăng gấp đôi ngân sách hỗ trợ báo chí chất lượng cao
Số tác phẩm tham dự Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIX tăng cao