Nghị quyết 68 - Bước ngoặt tư duy mang tính lịch sử
Từ Nghị quyết 68 đến hành động là một chặng đường. Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt và tận dụng cơ hội này như thế nào? TS Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách của Chính phủ đã có cuộc trao đổi với PV Báo CAND về chủ đề này.
Cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế vừa đón nhận một tín hiệu chính sách đầy cảm hứng: Ngày 4/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Với những quan điểm đột phá và giải pháp căn cơ, Nghị quyết 68 không chỉ mở đường mà còn truyền lửa cho một giai đoạn bứt phá mới của kinh tế tư nhân Việt Nam. Tuy nhiên, từ nghị quyết đến hành động là một chặng đường. Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt và tận dụng cơ hội này như thế nào? TS Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách của Chính phủ đã có cuộc trao đổi với PV Báo CAND về chủ đề này.

PV: Ông đánh giá thế nào về tầm vóc của Nghị quyết 68?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Trong gần 40 năm đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân đã chứng minh vai trò quan trọng trong tăng trưởng, tạo việc làm và đổi mới sáng tạo. Nhưng chưa khi nào vị thế của kinh tế tư nhân được khẳng định mạnh mẽ như trong Nghị quyết 68. Lần đầu tiên, kinh tế tư nhân được xác định là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân. Đây là bước ngoặt tư duy mang tính lịch sử. Từ chỗ bị xem nhẹ, thậm chí vướng định kiến, kinh tế tư nhân nay được đặt ngang hàng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, cùng góp phần xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập sâu rộng. Không chỉ ghi nhận, Đảng còn gửi gắm sự trân trọng, khích lệ tinh thần doanh nhân – những “chiến sĩ” trên mặt trận phát triển.
Tư duy này phản ánh sự trưởng thành về nhận thức trong Đảng, đồng thời là một cam kết chính trị mạnh mẽ: Nhà nước sẽ chuyển từ vai trò kiểm soát sang kiến tạo, doanh nghiệp sẽ là trung tâm của chiến lược phát triển dài hạn chứ không phải giải pháp tình thế. Nghị quyết không chỉ bảo vệ và hỗ trợ doanh nhân, mà còn khẳng định họ là lực lượng kiến tạo kinh tế chủ lực. Đặc biệt, doanh nghiệp được khuyến khích tham gia phản biện, xây dựng và thực thi chính sách – điều từng là khoảng trống lớn trong suốt thời gian dài.
PV: Hiện tại, các doanh nghiệp rất phấn khởi trước những mục tiêu đầy khích lệ của Nghị quyết lần này. Những mục tiêu này, về cả lượng và chất đều thể hiện khát vọng vươn tầm. Quan điểm của ông như thế nào?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Nghị quyết 68 đặt ra các mục tiêu đầy khát vọng nhưng có căn cứ, thể hiện tầm nhìn chiến lược đến năm 2030 và xa hơn là năm 2045. Đơn cử, việc phấn đấu đạt 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 – gấp đôi hiện nay, cùng với mục tiêu khu vực tư nhân đóng góp 58% GDP, 40% ngân sách Nhà nước và tạo việc làm cho 85% lao động – cho thấy niềm tin to lớn mà Đảng dành cho doanh nghiệp.
Không chỉ dừng ở số lượng, Nghị quyết còn nhắm tới chất lượng: Ít nhất 20 doanh nghiệp tư nhân lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu vào năm 2030, và hướng đến 3 triệu doanh nghiệp vào năm 2045. Đây không chỉ là những chỉ tiêu kinh tế – mà là biểu tượng của khát vọng dân tộc: Làm giàu chính đáng, vươn ra biển lớn, sánh vai cùng các nền kinh tế tiên tiến. Những con số ấy truyền đi thông điệp mạnh mẽ: Mỗi doanh nhân, mỗi doanh nghiệp đều có thể là một phần của hành trình vươn mình của đất nước.

PV: Vậy theo ông, những giải pháp nào là then chốt để hiện thực hóa các mục tiêu đó?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Cốt lõi của mọi chuyển biến chính là thể chế. Nghị quyết 68 đã đi thẳng vào gốc rễ vấn đề: Từ cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, số hóa toàn diện, đến bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh. Tư duy "xin – cho" sẽ được thay thế bằng tư duy phục vụ. Tiền kiểm sẽ chuyển thành hậu kiểm. Và quan trọng hơn cả là doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh trong mọi lĩnh vực pháp luật không cấm, còn nếu có hạn chế thì phải có lý do chính đáng và quy định rõ trong luật. Nếu thực thi nghiêm túc, đây sẽ là một cuộc cách mạng trong môi trường đầu tư kinh doanh.
Không dừng lại ở đó, Nghị quyết còn xác lập cơ chế hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao; khuyến khích chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển xanh và bền vững. Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh – vốn chiếm đa số – được hưởng các ưu đãi riêng như miễn thuế, tư vấn pháp lý và nền tảng số miễn phí. Những giải pháp này không chỉ tháo gỡ các điểm nghẽn, mà còn thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về kinh tế tư nhân: Không còn là đối tượng điều tiết, mà là đối tác chiến lược. Đó chính là tinh thần của một nền kinh tế kiến tạo – cùng đồng hành để phát triển.
PV: Nghị quyết 68 có nhiều điểm đột phá. Ông có thể chỉ ra những điểm sáng nổi bật trong Nghị quyết này?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Điểm sáng lớn nhất chính là việc đặt nền tảng phát triển kinh tế tư nhân trên yếu tố niềm tin – một loại “vốn mềm” vô giá, nhưng từ lâu bị coi nhẹ. Nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định, dễ dự đoán và đạt chuẩn quốc tế. Chỉ khi có niềm tin, doanh nghiệp mới dám đầu tư lâu dài, đổi mới sáng tạo và mở rộng quy mô.
Lần đầu tiên, một Nghị quyết của Bộ Chính trị xác lập rõ ràng: Quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng và quyền thực thi hợp đồng phải được thể chế hóa bằng luật và bảo vệ thực chất trong đời sống. Việc dỡ bỏ các rào cản pháp lý, từ bỏ tư duy "quản không được thì cấm" và chấm dứt cơ chế "xin – cho", sẽ giải phóng năng lực xã hội, tiếp sức cho doanh nhân, khơi thông dòng chảy sáng tạo và huy động được các nguồn lực đang bị "đóng băng". Chính từ tư duy đó, Nghị quyết không chỉ là định hướng phát triển, mà còn là bản cam kết chính trị tạo dựng niềm tin, rằng khởi nghiệp là con đường chính đáng, làm giàu là hành động đáng trân trọng, đổi mới sáng tạo là quốc sách, và pháp luật là điểm tựa an toàn cho mọi nỗ lực cống hiến.
Nghị quyết 68 cũng đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để đảm bảo công bằng trong tiếp cận các yếu tố sản xuất:
· Về đất đai: Đẩy mạnh số hóa, công khai thông tin, đơn giản hóa thủ tục.
· Về vốn: Mở rộng tín dụng xanh, phát triển thị trường vốn, quỹ đầu tư và gọi vốn cộng đồng.
· Về nhân lực: Gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn, chú trọng kỹ năng số và ngoại ngữ, nâng cao chất lượng quản trị.
Đặc biệt, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo được khuyến khích bằng cơ chế sandbox, ưu đãi thuế, khấu trừ chi phí R&D và hỗ trợ xây dựng quỹ công nghệ. Đây là cú hích cần thiết để khu vực tư nhân chuyển từ vai trò thụ hưởng sang vai trò dẫn dắt trong đổi mới mô hình kinh doanh và sở hữu công nghệ lõi. Không gian phát triển cũng được mở rộng thông qua liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và FDI, hướng tới hình thành chuỗi cung ứng nội địa và nâng cao giá trị gia tăng. Chương trình “Go Global” được đưa ra như một chiến lược quốc gia, giúp doanh nghiệp Việt vươn ra thị trường khu vực và thế giới.
PV: Một điểm đáng chú ý là Nghị quyết ưu tiên các biện pháp dân sự, kinh tế thay vì hình sự khi xử lý sai phạm của doanh nghiệp. Quan điểm này được cho là đang “cởi trói” cho doanh nghiệp, nó sẽ giúp họ an tâm và mạnh dạn kinh doanh. Ông suy nghĩ sao về vấn đề này?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Đây là một chuyển biến tư duy cực kỳ quan trọng. Trong quá khứ, doanh nghiệp luôn đứng trước nguy cơ rủi ro pháp lý rất lớn do hệ thống pháp luật chồng chéo, nhiều quy định mâu thuẫn. Kinh doanh đa ngành càng dễ "sơ suất", dẫn đến khả năng bị hình sự hóa – mất cả tài sản lẫn sự nghiệp, kéo theo tổn thất cho cả gia đình và cộng đồng. Nghị quyết 68 lần đầu tiên đưa ra một thông điệp khoan dung nhưng trách nhiệm: Nếu sai phạm, cần tạo điều kiện để khắc phục, làm lại. Phân biệt rõ giữa pháp nhân và thể nhân, giữa tài sản hợp pháp và tài sản vi phạm – là để bảo vệ doanh nghiệp, khuyến khích tinh thần cống hiến, thay vì triệt tiêu động lực kinh doanh. Đây là điểm nhân văn sâu sắc và cũng là điều kiện tiên quyết để thu hút đầu tư, khuyến khích đổi mới sáng tạo.
PV: Vâng, Nghị quyết có rồi, quyết tâm chính trị có rồi, nhưng làm thế nào để Nghị quyết đi vào cuộc sống, không rơi vào tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, thưa ông?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Nghị quyết đã rất rõ ràng và đầy khát vọng. Nhưng muốn biến khát vọng thành hiện thực, phải đổi mới phương thức hành động. Nếu vẫn giữ tư duy và cách làm cũ, thì cơ hội sẽ trôi qua và mục tiêu sẽ chỉ là lời hứa.
Theo tôi, Chính phủ cần giữ vai trò trung tâm trong đề xuất giải pháp, phân công trách nhiệm cụ thể và giám sát thực thi nghiêm túc. Quốc hội cần nhanh chóng thể chế hóa các cam kết bằng luật pháp rõ ràng. Không được để khoảng cách giữa chính sách và thực tế ngày càng giãn rộng. Mỗi bộ, ngành, địa phương cần xem việc triển khai Nghị quyết là trách nhiệm chính trị của mình, không thể “khoán trắng” cho cấp trên hay né tránh trách nhiệm.
PV: Vậy từ phía doanh nghiệp, họ nên làm gì để tận dụng tốt Nghị quyết, thưa ông?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Doanh nghiệp muốn phát triển thì không thể tiếp tục đầu tư theo kiểu phong trào, quản lý theo lối kinh nghiệm. Cần chuyển đổi số, hiện đại hóa quản trị, ứng dụng công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhưng quan trọng hơn cả, doanh nghiệp phải có tinh thần trách nhiệm. Làm ăn chân chính, tôn trọng luật pháp, chăm lo cho người lao động, đóng góp cho cộng đồng – đó là cách để tạo ra giá trị bền vững. Khi doanh nhân gắn lợi ích cá nhân với lợi ích xã hội, thì sự phát triển của họ cũng sẽ là sự phát triển của đất nước.
Nghị quyết 68 là dấu mốc quan trọng trong tư duy phát triển kinh tế tư nhân. Nó mở ra một không gian chính sách mới, đồng thời xây dựng một nền tảng niềm tin mới. Khi tư nhân được xem là động lực trung tâm, được bảo vệ và khích lệ, thì thành công của mỗi doanh nhân cũng chính là thành công của quốc gia. Nếu được triển khai nghiêm túc, đây sẽ là bước ngoặt đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển sáng tạo, hội nhập và thịnh vượng – với kinh tế tư nhân đóng vai trò dẫn dắt, bằng tinh thần tự chủ, trách nhiệm và khát vọng vươn mình.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!