Trò chuyện Chủ nhật

Sau các vụ tai nạn nghiêm trọng, lộ hàng loạt lỗ hổng

Chủ Nhật, 05/11/2023, 06:37

Trong những năm gần đây, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) trên cả nước liên tục giảm cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, con số giảm TNGT ở các địa phương không đồng đều. Bên cạnh đó, sự gia tăng các phương tiện vận tải cùng sự bất cẩn của lái xe đã khiến không ít vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra. Điều này tiếp tục là thách thức, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tìm giải pháp kiềm chế tai nạn.

Xung quanh vấn đề này, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi cùng ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, người từng có nhiều năm làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải đường bộ.

Sau các vụ tai nạn nghiêm trọng, lộ hàng loạt lỗ hổng -0
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam.

PV: Số liệu báo cáo cho thấy, TNGT trên cả nước nhiều năm gần đây luôn giảm theo chiều hướng tích cực cả về 3 con số: Số vụ, số người chết và người bị thương. Song gần đây, những vụ TNGT liên quan đến xe khách đang xảy ra liên tục với hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Theo ông đâu là nguyên nhân để xảy ra tình trạng này?

Ông Nguyễn Văn Quyền: TNGT do xe khách gây ra gần đây ngoài những nguyên nhân chung như ý thức lái xe, chất lượng xe, thì còn có những nguyên nhân mới như gia tăng nhanh tỷ lệ xe ôtô kinh doanh vận tải khách "trá hình". Cụ thể là nhà xe áp dụng các biện pháp kết nối với hành khách qua mạng, sau đó lái xe hoặc đơn vị vận tải khách tự tạo lập những hợp đồng giả để lách qua các quy định của pháp luật, nhằm qua mặt các cơ quan quản lý. Khi lưu thông trên đường, các xe này thường chạy nhanh để tranh giành khách… Điều này làm gia tăng nguy cơ TNGT. Nguyên nhân này đã được cơ quan quản lý cảnh báo, dư luận xã hội lên tiếng nhưng rất tiếc là các giải pháp chấn chỉnh đưa ra cần mạnh hơn.

PV: Thống kê của Bộ Công an tính đến năm 2022, trên toàn quốc tổng số xe ôtô là 5,1 triệu xe, trong đó tổng số xe kinh doanh vận tải bằng đường bộ là 944.046  xe. Là người có nhiều kinh nghiệm trong quản lý hoạt động vận tải, ông thấy còn "lỗ hổng" nào dẫn đến nguy cơ mất ATGT?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Theo báo cáo đánh giá thì TNGT do nguyên nhân từ kết cấu hạ tầng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. So với khoảng 5 đến 10 năm về trước thì hiện nay, kết cấu hạ tầng giao thông đã được phát triển về số lượng và nâng cao về chất lượng. Nhìn tổng thể thì TNGT đường bộ đã được kiềm chế và giảm dần cả số vụ, số người chết, số người bị thương trong khoảng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, vẫn xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do xe ôtô, nhất là ôtô khách. Theo tôi có 3 nguyên nhân cơ bản.

Thứ nhất, lực lượng vận tải phát triển mạnh mẽ về số lượng phương tiện, việc tổ chức quản lý chưa được củng cố đổi mới tương ứng yêu cầu. Loại hình hộ kinh doanh vận tải vẫn chiếm trên 50% số lượng phương tiện, hoạt động với phạm vi không giới hạn, nhưng việc tổ chức quản lý các điều kiện an toàn giao thông các hộ kinh doanh hay các hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ thì không đầy đủ như ở các đơn vị vận tải là các công ty hay một số hợp tác xã quản lý tập trung.

Tiếp đến, một số quy định trong văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý ATGT chỉ phù hợp với mô hình các công ty quy mô trung bình hoặc lớn.

Cuối cùng, cơ quan quản lý nhà nước có các trung tâm tích hợp dữ liệu nhưng việc khai thác dữ liệu chưa thường xuyên, liên tục, và cần giao nhiệm vụ cho lực lượng thanh tra giao thông phát huy vai trò của họ trong công tác này.

PV: Nhìn từ sai phạm của nhà xe Thành Bưởi gần đây, có thể thấy doanh nghiệp vận tải vi phạm nhiều, trong một thời gian dài, nhưng chỉ khi tai nạn khiến 5 người tử vong xảy ra, việc kiểm tra toàn diện mới được tiến hành. Ông có cho rằng, những vụ tai nạn thảm khốc đã có thể ngăn chặn, nếu chúng ta làm nghiêm ngay từ đầu?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Thực tế thì nhiều đơn vị vận tải đã tổ chức thực hiện đúng các quy định của pháp luật như tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lái xe, tổ chức kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn của phương tiện, kiểm tra điều kiện về giấy phép lái xe,… trước khi cấp lệnh cho xe hoạt động. Tuy nhiên, tỷ lệ phương tiện thuộc các hộ kinh doanh hiện vẫn chiếm phần lớn trong lực lượng vận tải, việc quản lý các điều kiện đảm bảo an toàn ở khu vực này thường không đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, việc quản lý các yếu tố an toàn ở các hợp tác xã vận tải phó mặc cho chủ phương tiện nên những vi phạm thường xuyên diễn ra mà không có ai kiểm soát. Khoảng hơn 50% chủ phương tiện kinh doanh vận tải chưa thực hiện đúng các quy định về điều kiện đảm bảo ATGT. Chỉ khi xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng, dư luận bức xúc, mới lộ ra hàng loạt lỗ hổng. Nếu đi sâu kiểm tra, thực thi nghiêm, chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ bị rút giấy phép vì vi phạm của họ không khác gì Thành Bưởi. Đó là bài học nhãn tiền mà các doanh nghiệp cần phải thấy.

Sau các vụ tai nạn nghiêm trọng, lộ hàng loạt lỗ hổng -0
Hiện trường vụ TNGT nghiêm trọng ở Lạng Sơn.

PV: Liên quan đến xe khách, cơ quan chức năng đã áp dụng thiết bị giám sát hành trình thường xuyên cập nhật vi phạm. Nhiều doanh nghiệp có xe vi phạm lên tới cả trăm lần, nhưng sau 1-2 tháng mới được thông báo. Phải chăng, công nghệ đã có nhưng còn lạc hậu, chưa theo sự phát triển của xã hội nên tính hiệu quả chưa cao, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Đúng là thiết bị giám sát hành trình chưa có chức năng ngăn chặn hành vi vi phạm tốc độ tại chỗ của lái xe. Hiện nay chúng ta vẫn chưa có quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm truy cập vào cơ sở dữ liệu thiết bị giám sát hành trình để phục vụ công tác quản lý của doanh nghiệp và lực lượng thanh tra kiểm tra. Việc khai thác cơ sở dữ liệu vẫn chưa trở thành quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp và lực lượng chức năng.

Bên cạnh đó, công nghệ tích hợp dữ liệu cũng cần phải nâng cấp vì phần mềm tích hợp dữ liệu hiện nay vẫn là phần mềm của thời kỳ thí điểm cách đây đã hơn 10 năm mà chưa được hoàn thiện, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu phục vụ, chưa đáp ứng việc tổng hợp, hệ thống hóa để đưa ra các thông tin số liệu phục vụ nhanh nhất cho yêu cầu của các cơ quan quản lý…

PV: Trong hoạt động vận tải hành khách, xe hợp đồng hiện nay đang chiếm vai trò chủ đạo đến 70%. Trong khi đó xe hợp đồng trá hình tuyến cố định và chạy như tuyến cố định đang là bất cập. Nguy cơ tai nạn cũng một phần từ đây. Theo ông, vấn đề này chúng ta nên khắc phục thế nào?

Ông Nguyễn Văn Quyền:  Xe vận tải khách theo hợp đồng là nhu cầu của xã hội, phục vụ khách đi du lịch, tham quan, thăm hỏi, khám chữa bệnh, đưa đón học sinh, công nhân, chuyên gia đi làm việc… Nhu cầu vận chuyển theo hình thức này gia tăng nhanh trong thời gian gần đây và đó cũng là điều không thể hạn chế.

Tuy nhiên, có một số lượng không nhỏ xe vận tải khách loại 16 đến 30 chỗ đã kết nối với hành khách qua mạng, hẹn đón khách ở nhiều điểm, đi theo hành trình nhất định, có trường hợp tạo lập những hợp đồng giả, danh sách hành khách được cập nhật dần trong quá trình vận hành và đón khách trên đường… Tình trạng trên làm phát sinh lộn xộn, phóng nhanh vượt ẩu tranh giành khách, làm gia tăng nguy cơ ùn tắc và TNGT. Vấn đề này được phản ánh, cảnh báo nhiều năm nhưng chưa được giải quyết.

Để giải quyết thực trạng này cần thực hiện đúng các quy định hiện hành như: Xe vận tải khách theo hợp đồng phải truyền dữ liệu hợp đồng vận chuyển và danh sách hành khách về cơ quan quản lý là Sở GTVT trước khi xe chạy; lực lượng thanh tra giao thông có thể truy cập vào dữ liệu từ camera đã được truyền về cơ quan quản lý xem xe có vi phạm về đón trả khách ngoài vị trí ghi trong hợp đồng không? Các Sở GTVT cần giao cho lực lượng thanh tra thường xuyên rà soát tình hình chấp hành quy định của pháp luật của các đơn vị vận tải, hộ kinh doanh; chú trọng vào các đối tượng thường xuyên vi phạm, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó cần có cơ chế những đơn vị có nhiều vi phạm thì rút ngắn thời hạn của phù hiệu, đã xử lý nhiều lần mà vẫn vi phạm thì thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc công bố công khai trên thông tin đại chúng để phát huy vai trò điều chỉnh của thị trường.

Thực tế, những người làm vận tải chân chính đang mong muốn có sự đột phá trong lập lại trật tự vận tải. Những doanh nghiệp làm tốt, chấp hành nghiêm sẽ được ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển. Những doanh nghiệp vi phạm phải chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh.

PV: Theo ông, những giải pháp trước mắt và lâu dài mà cơ quan chức năng cần triển khai để đảm bảo cho việc người dân lưu thông trên đường được an toàn hơn là gì?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Vừa qua, những nội dung mà Bộ Công an đã có ý kiến về một số bất cập trên một số tuyến cao tốc cũng là những vấn đề mà giới vận tải và dư luận xã hội phản ánh thời gian qua. Đây là những vấn đề cần phải sớm giải quyết để đảm bảo ATGT, nâng cao hiệu quả đầu tư công trình, nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải và bảo vệ môi trường.

Để khắc phục những tồn tại trên một số tuyến như đã nói trên, đề nghị Bộ GTVT rà soát khắc phục ngay những bất hợp lý trong tổ chức giao thông như quy định về tốc độ, dải phân cách cần điều chỉnh kịp thời; những nội dung nào thuộc trách nhiệm của phần bảo hành công trình cần đôn đốc đơn vị thi công hoàn thiện sớm; những nội dung trong kế hoạch thực hiện theo hướng xã hội hóa như trạm dừng nghỉ cần phải sớm công bố quy hoạch và thực hiện các thủ tục để nhà đầu tư triển khai; đồng thời có kế hoạch đầu tư mở rộng tăng số làn xe, có làn dừng khẩn cấp trên những tuyến còn thiếu…

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phạm Huyền (thực hiện)
.
.