Đề nghị ngân sách không mua thêm vaccine COVID-19, thực hiện xã hội hóa

Thứ Ba, 27/04/2021, 11:53
Theo Bộ Y tế, COVAX facility xác nhận sẽ cung cấp cho Việt Nam 38,9 triệu liều vaccine phòng COVID-19, tiêm cho 19,4 triệu người thuộc đối tượng ưu tiên, đủ bao phủ 20% dân số. Do đó, Bộ Y tế vừa có tờ trình Chính phủ đề nghị không mua thêm vaccine mà thực hiện xã hội hóa. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường vừa ký tờ trình gửi Chính phủ, đề xuất về cơ chế, chính sách xã hội hóa trong mua, nhập khẩu, sử dụng vaccine phòng COVID-19 để tăng nguồn cung vaccine cho Việt Nam. 

Theo đó, qua rà soát tại 63 tỉnh, thành phố, Bộ Y tế cho biết có 19,4 triệu người thuộc nhóm ưu tiên, được tiêm phòng COVID-19 miễn phí. Cao nhất trong số này là TP Hồ Chí Minh với 1,56 triệu người, thấp nhất là tỉnh Bắc Kạn với 41.700 người. 

Tuy nhiên, hiện nay sau khi tổ chức hai đợt tiêm vaccine có hiện tượng một vài tỉnh, số lượng đối tượng này đã giảm do tâm lý e ngại tiêm và một số đối tượng không có chỉ định tiêm hoặc trì hoãn tiêm nên nhu cầu thực tế có thể giảm hơn. Về nguồn cung ứng vaccine, Bộ Y tế cho biết sau nhiều lần đàm phán, COVAX Facility (sáng kiến nhằm bảo đảm công bằng trong tiếp cận vaccine, có 92 quốc gia tham gia, trong đó có Việt Nam) xác nhận sẽ cung cấp 38,9 triệu liều vaccine cho Việt Nam, đủ bao phủ 19,4 triệu người thuộc nhóm ưu tiên, chiếm 20% dân số. 

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch ở Lào Cai (Ảnh: Lan Anh)

Bộ Y tế cho biết trước đây dự kiến sẽ mua thêm 10 triệu liều vaccine AstraZeneca từ nguồn Công ty VNVC đã đàm phán mua được của nhà sản xuất, do số được COVAX hỗ trợ theo kế hoạch trước đây là 30 triệu liều, không đủ tiêm cho nhóm ưu tiên. Nay theo kế hoạch mới, COVAX hỗ trợ đủ vaccine cho nhóm này. 

Do đó, Bộ Y tế trình Chính phủ đề nghị không thực hiện mua tiếp vaccine vì nguồn vaccine của COVAX Facility đã đáp ứng đủ số lượng các nhóm đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí của Nghị quyết 21/NQ-CP. Cho phép Bộ Y tế thực hiện việc mua 107.600 liều vaccine đã tiếp nhận của VNCV theo Điều 26 của Luật Đấu thầu hoặc huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để mua số vaccine này. 

Đối với vaccine của VNVC đã đặt mua của AstraZeneca, cho phép thực hiện theo phương thức xã hội hóa để tiêm cho các đối tượng có nhu cầu nhằm tăng miễn dịch cộng đồng phục vụ phát triển kinh tế và phòng, chống dịch. VNVC có thể bán vaccine cho các địa phương, đơn vị có nhu cầu theo phương thức phi lợi nhuận hoặc tổ chức tiêm theo khả năng của đơn vị. Trong trường hợp khi có dịch xảy ra cần thiết phải có vaccine, Chính phủ cho phép Bộ Y tế được trưng mua hoặc đàm phán với VNVC để mua lại số vaccine này.

Trần Hằng
.
.