Bảo vệ nhân viên y tế trước sự tấn công từ người nhà bệnh nhân
Vụ việc nam điều dưỡng Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (Phú Thọ) bị người nhà bệnh nhân tấn công chưa lắng xuống thì lại tiếp tục một nam điều dưỡng ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định bị người nhà bệnh nhân đấm liên tiếp vào đầu và mặt khi các bác sĩ đang thực hiện hồi sức cấp cứu người bệnh.
Mạng xã hội những ngày qua xôn xao trước clip người nhà bệnh nhân xông vào tấn công nam điều dưỡng tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Nam Định.
TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết, Cục đã nhận được báo cáo sơ bộ từ Sở Y tế Nam Định liên quan vụ việc này.
Trước đó, sáng 4/5, nam điều dưỡng trên đưa bệnh nhân có diễn biến nặng xuống Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Người bệnh này đã điều trị tại viện trong 10 ngày trước đó, sau đó có dấu hiệu nặng và được đưa đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Tại đây, do có mâu thuẫn phát sinh từ trước, người nhà bệnh nhân đã đấm liên tiếp vào đầu và mặt nam điều dưỡng.

Vụ việc đang được Công an tỉnh Nam Định điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh khẳng định: “Dù vì bất kỳ lý do gì, hành vi hành hung cán bộ y tế là không thể chấp nhận”.
Đây là vụ bạo hành nhân viên y tế thứ 2 trong vòng 10 ngày, sau vụ việc xảy ra tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (Phú Thọ). Khi đó, bệnh nhân bị sốc phản vệ đang được cấp cứu, người nhà bệnh nhân đã lăn lộn gào thét, chửi bậy, gây cản trở công tác cấp cứu và tấn công một nam điều dưỡng.
"Ngay sau các sự việc, chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh trong toàn ngành, yêu cầu các Sở Y tế làm việc ngay với cơ quan Công an để đảm bảo an ninh, bảo vệ nhân viên y tế trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu người. Sở Y tế Phú Thọ đã phối hợp với cơ quan điều tra, và đến sáng nay (7/5), chúng tôi đã nhận được báo cáo sơ bộ từ Công an tỉnh Phú Thọ. Dù hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã đề nghị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định", Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chia sẻ.

Theo TS Hà Anh Đức, việc nhân viên y tế bị hành hung đã xảy ra từ nhiều năm trước, có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Lĩnh vực khám chữa bệnh vốn mang nhiều áp lực, mỗi năm có khoảng 200 triệu lượt khám chữa bệnh, bình quân mỗi ngày lên tới vài trăm nghìn lượt. Trong khi đó, lực lượng cán bộ ngành chưa đáp ứng được nhu cầu. Có những bệnh viện rất đông bệnh nhân, tâm lý người bệnh muốn được khám nhanh, kỹ lưỡng, nhưng nhiều khi cơ sở y tế không đáp ứng kịp. Số lượng bệnh nhân quá lớn tạo áp lực nặng nề. Trong một số tình huống, có thể cán bộ y tế ứng xử chưa tốt.
Bên cạnh đó, câu chuyện tiền viện phí cũng là yếu tố gây căng thẳng cho người nhà bệnh nhân. Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định cụ thể về việc đóng viện phí. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp bệnh nhân khó khăn, các bệnh viện có Phòng Công tác xã hội sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ kết nối, vận động mạnh thường quân hỗ trợ. Ngoài ra, Nghị định 60 về tự chủ tài chính cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ bệnh nhân trong các trường hợp đặc biệt như bệnh nhân không có khả năng chi trả hoặc không may tử vong.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã có nhiều quy định liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, ứng xử trong môi trường y tế, từ luật, nghị định, thông tư đến các quy chế nội bộ. Mục tiêu là xây dựng mô hình lấy người bệnh làm trung tâm. Người bệnh được tôn trọng, được thăm khám, điều trị. "Tuy nhiên, để đạt được điều đó, với những áp lực hiện tại, chúng tôi cũng mong được thấu hiểu và chia sẻ để đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh diễn ra hiệu quả", TS Hà Anh Đức thẳng thắn chia sẻ.

Ông cũng cho biết, từ năm 2014, Bộ Y tế đã ký quy chế phối hợp với Bộ Công an. Trong đó, có nội dung liên quan đến việc đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở y tế. Bộ cũng yêu cầu giám đốc bệnh viện cần tăng cường hành lang bảo vệ tại khu vực cấp cứu, hồi sức tích cực. Đây là nơi thường xuyên xảy ra tình huống căng thẳng. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục báo cáo và tham mưu cho Chính phủ, hoặc trong phạm vi quyền hạn của Bộ trưởng, ban hành các chính sách cụ thể để bảo vệ nhân viên y tế.
Mục tiêu sắp tới là giảm tối đa các áp lực không đáng có cho cả nhân viên y tế và người bệnh. Muốn vậy, cần một hệ thống giải pháp đồng bộ. Trước hết, quy trình đón tiếp tại các cơ sở y tế cần chuyên nghiệp hơn để giảm căng thẳng ban đầu. Thứ hai, cán bộ y tế cần được đào tạo kỹ năng xử lý tình huống. Thứ ba, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng phải thật sự kịp thời và hiệu quả.
"Mọi chính sách và giải pháp đều phải hướng đến việc lấy người bệnh làm trung tâm. Riêng về cơ chế tài chính, các đơn vị cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh để tạo ra sự thông thoáng, giảm bớt rào cản cho người bệnh", Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nói.