Đề nghị tháo gỡ việc thuyền viên phải cách ly 2 lần
Do thuyền viên sau thời gian làm việc trên tàu phải cách ly 1 lần, về địa phương lại cách ly thêm 1 lần gây tốn kém chi phí, thời gian, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế thống nhất quy trình cách ly thuận tiện hơn.
Trước đó, Bộ GTVT đã nhận được phản ánh của Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam và một số doanh nghiệp về việc thuyền viên Việt Nam rời tàu ở một số địa phương sau khi hết thời hạn lao động trên tàu phải cách ly tại các khách sạn với chi phí cao. Khi rời khu cách ly về địa phương nơi cư trú, thuyền viên lại phải cách ly thêm 7 ngày hoặc 14 ngày tại khách sạn hoặc khu cách ly tập trung. Như vậy, thuyền viên phải cách ly y tế 2 lần với chi phí tăng cao và thời gian kéo dài. Trong khi đó, sau khi hết hạn nghỉ phép 30 ngày, thuyền viên sẽ trở lại tàu làm việc, thời gian cách ly kéo dài đang ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng và chi phí logistics.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho thuyền viên hồi hương sau khi hết hạn hợp đồng, thay thế thuyền viên mới xuống tàu và hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển trong thời gian phòng chống dịch COVID-19 bảo đảm duy trì thông suốt chuỗi cung ứng vận tải, Bộ GTVT đề nghị Bộ Y tế thống nhất quy trình cách ly cho thuyền viên tính từ ngày rời cảng cuối cùng, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tại địa phương bố trí cho thuyền viên hết hạn hợp đồng lao động được cách ly ở địa điểm hợp lý, chi phí phù hợp để giảm thời gian cách ly, chi phí, áp lực cho thuyền viên khi về nước.
Bộ này đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xem xét tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe theo văn bản số 9472/BYTMT của Bộ Y tế về triển khai nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ tùy theo tình hình tiêm vaccine của thuyền viên.
Với những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc khỏi bệnh COVID-19 tại nước ngoài, việc kiểm tra và công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc các giấy tờ tương đương khác của nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.