Hy vọng mới về hiệu quả phòng, chống ung thư tại Việt Nam

Thứ Ba, 20/12/2022, 05:57

Chiều 19/12, trong khuôn khổ của Tuần lễ trao giải VinFuture 2022, tại tọa đàm “Liệu pháp cá thể hoá trong điều trị ung thư”, các giáo sư, nhà khoa học nổi tiếng thế giới đã quy tụ ở Hà Nội, cùng thảo luận về những tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu ứng dụng tiềm năng của liệu pháp tế bào và liệu pháp gen để điều trị chính xác từng bệnh lý ung thư trên mỗi bệnh nhân.

Từ đó, thúc đẩy nghiên cứu phát triển các liệu pháp mới cùng các chính sách phù hợp để mở rộng việc tăng khả năng tiếp cận công nghệ của người bệnh và ngăn ngừa sự gia tăng của bệnh lý ung thư trên toàn cầu.

Chữa bệnh ung thư bằng cách sử dụng miễn dịch tự thân

Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, PGS TS Lương Ngọc Khuê-Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Việt Nam, Cục Trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế Việt Nam nói: Ung thư là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới. Tổng Giám đốc Tổ chức y tế thế giới từng nhấn mạnh, trước, trong và sau đại dịch chúng ta luôn phải đấu với các căn bệnh truyền nhiễm, trong đó có ung thư. Tại Việt Nam, ung thư là căn bệnh được ưu tiên, luôn gia tăng ở mức độ toàn cầu hoá, đô thị hoá, biến đổi khí hậu và thay đổi lối sống. Năm 2020, ở Việt Nam có hơn 122.000 ca tử vong vì ung thư.

IMG_5874_1-1671490540238.JPG
Các nhà khoa học tại tọa đàm bàn về liệu pháp cá thể hoá trong điều trị ung thư.

Đến nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. “Với một sứ mệnh quan trọng trong khuôn khổ của giải thưởng Vinfuture, chúng ta cùng nhau bàn các giải pháp, trong đó có giải pháp liệu pháp cá thể hoá trong điều trị ung thư. Hy vọng các giải pháp được đưa ra trong buổi tọa đàm sẽ giúp cho Việt Nam, giúp cho người bệnh ung thư ở Việt Nam cũng như thế giới ngày càng thêm hy vọng, tiếp tục tạo ra kỳ tích mới trong cuộc sống”, PGS TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Dưới sự chủ trì của chủ tọa là Giáo sư Molly Shoichet, thành viên Hội đồng Sở khảo Giải thưởng VinFuture (Đại học Toronto); cũng là một nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tổng hợp polyme, thiết kế vật liệu sinh học và dẫn truyền thuốc trong hệ thần kinh và nuôi cấy hydrogel 3D để mô hình hoá bệnh ung thư, các diễn giả đã trao đổi thẳng thắn về các liệu pháp trong điều trị bệnh, tạo hy vọng cho các bệnh nhân ung thư.

Dẫn dắt vấn đề, Giáo sư Molly Shoichet chia sẻ: Chúng ta có nhiều giải pháp dùng tế bào gốc để chống lại bệnh ung thư. Tuy nhiên, để hiểu nhiều hơn về tế bào gốc này, bên cạnh việc chữa bệnh, nó cũng gắn liền với vấn đề đạo đức. Các giải pháp mang cho ta cơ hội nghĩ một cách mới hơn, nghĩ khác đi. Làm thế nào để sử dụng tế bào cuả chính chúng ta chữa bệnh cho ta. Việc sử dụng tế bào tự thân rất quyền năng và hiệu quả. Cơ thể sẽ tiếp nhận tế bào của chính mình mà không đào thải, giúp hệ thóng miễn dịch hiệu quả hơn và tiêu diệt tế bào ung thư dạng lỏng. Điều này giúp chúng ta có cơ hội điều trị hiệu quả và ít tốn kém hơn.

Thông tin thêm, Giáo sư Je-Jung Lee, bác sĩ Khoa huyết học, Trường Y Đại học Quốc Gia Chonman; Chủ tịch Hội trị liệu tế bào -Miễn dịch, Hiệp hội cấy ghép Máu và Tuỷ Hàn Quốc cho biết: Ông cùng các đồng nghiệp nghiên cứu từ năm 2010 về giải pháp tế bào tiêu diệt tự nhiên (Natural killer - NK) và nghiên cứu lâm sàng với 11 bệnh nhân. Nghiên cứu này được công bố trong Tạp chí Quốc tế về miễn dịch. Tỉ lệ phản hồi sau khi sử dụng liệu pháp NK đạt hơn 81%, ổn định trong 3 năm.

Theo liệu pháp này, người bệnh được truyền tế bào NK và HAIC nhằm kích hoạt và phát hiện tế bào ung thư và tiêu diệt. Giai đoạn 2 nghiên cứu ở 10 trường hợp và tỉ lệ phản hồi tích cực lên 66,7% và tỉ lệ thích nghi tới 100%. Kết quả điều trị sau 4 tuần, dấu hiệu tế bào ung thư ác tính gần như biến mất, và kết quả ổn định trong 3 năm.

“Ngoài ra, chúng tôi lấy tế bào tủy xương và cấy trên hệ thống miễn dịch người bệnh, sử dụng tế bào T. Các nghiên cứu ban đầu cho thấy, việc truyền HAIC và tế bào NK rất an toàn và mang lại mô hình điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân ung thư”, ông Lee nhấn mạnh.

Sử dụng trí tuệ nhân tạo trong việc thu thập dữ liệu để chẩn đoán ung thư

Trước câu hỏi đâu là tiến bộ mới mang lại hi vọng cho điều trị ung thư? GS. Bruce Levine (Mỹ) cho rằng, năm 2023 ta sẽ thấy sự cải tiến đáng kể trong 2-3 liệu pháp. Đó là điều trị bằng T cell và liệu pháp sử dụng virus. Các nhà khoa học ở Đức có nghiên cứu mạnh về tế bào T, đặc biệt là 1 số trường hợp điều trị ung thư ở nữ giới. Tất nhiên có thách thức nhất định. Ví dụ như phân tách giữa tế bào ung thư mục tiêu với tế bào thường, liều lượng sử dụng thuốc, hiệu lực thuốc theo thời gian. “Tuy nhiên, tôi nghĩ đây là thời điểm thú vị, vài năm tới sẽ có một số công trình được công bố”, vị Giáo sư bày tỏ hy vọng.

Thông tin thêm, Tiến sĩ Phương Lễ Trí, Giám đốc Điều hành Y khoa-Pháp quy-đảm bảo chất lượng tại Astrazenca Việt Nam cho hay, trí tuệ nhân tạo (AI) gúp nhiều trong điều trị. Vị Tiến sĩ lý giải: “Chúng tôi tư duy sự phát triển công nghệ giúp ta xây dựng chiến lược áp dụng trong chống ung thư. Các thử nghiệm lâm sàng cũng như giải pháp giúp ta phát hiện ung thư sớm. Về nền tảng, chúng tôi đang tìm hiểu cơ chế về tác động phụ trong điều trị. Công nghệ khác nữa chúng tôi nhận thấy sự dịch chuyển lớn là sử dụng AI. Ta có thể sử dụng AI trong huấn luyện tần suất, phân tích quy mô mẫu lớn”.

Cùng chung quan điểm, GS. Mark Steven Cohen (Hiệu trưởng trường Y Carle lllinois thuộc Đại học lllinois Urbana-Champaign (UIUC) và là Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc Học thuật của Carle Health) nói: Ta cần dữ liệu để dạy cho thuật toán. Khi ta có nhiều dữ liệu về gen, về dịch tễ thì cần sử dụng để dạy cho thuật toán để có kết quả ý nghĩa.

Khi nói về tương lai ta đi đâu về đâu thì quan trọng là cần nhận ra cách ta có thể hợp tác để tạo ra cơ sở dữ liệu, để dạy cho máy, máy sẽ cho ta câu trả lời ý nghĩa và hỗ trợ chẩn đoán sớm. Hiện có suy nghĩ sử dụng in 3D để in nội tạng con người. Tức là ta có nhiều mô hình mới để cá nhân hóa các liệu pháp điều trị. Ví dụ như ta tạo ra bản sao số của ta với tế bào ung thư và thử nghiệm từ bản sao đó. Với máy học và AI ứng dụng thêm thì biết đâu ta sẽ có phác đồ điều trị tốt nhất.

Phạm Huyền
.
.