Phát huy vai trò của thầy thuốc trẻ trong tuyên truyền tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Thứ Tư, 13/11/2024, 21:59

Theo số liệu của Bộ Y tế, chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể (từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023). Sử dụng thuốc lá điện tử cao ở nhóm tuổi trẻ (15 - 24 tuổi) với tỉ lệ là 7,3%; nhóm tuổi 25 - 44 tuổi  là 3,2% và  nhóm tuổi 45 - 64 tuổi là 1,4%.

Đây là thông tin được chia sẻ trong chương trình tổng kết “Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khoẻ cộng đồng năm 2024 và Chương trình Careme”, do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức vào chiều 13/11.

Phát huy vai trò của thầy thuốc trẻ trong tuyên truyền tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng -0
Ông Nguyễn Hữu Tú thông tin về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với giới trẻ.

Theo ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp. 

Kết quả điều tra cho thấy, trong số ca nhập viện có 81 người hút lần đầu tiên; 1.143 người từng dùng một thời gian. 

Ông Tú cho biết thêm, theo nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng được hỗ trợ bởi Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá và Tổ chức Y tế Cộng đồng toàn cầu Vital Strategies trong giai đoạn tháng 10 - 12/2023, trên 3.801 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 tại 11 tỉnh, thành ở Việt Nam, có 96,2% và 37,8% học sinh nhận thức được sự tồn tại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Trong đó, 14% đã từng sử dụng thử thuốc lá điện tử và 7% hiện đang sử dụng trong 30 ngày qua. Tỷ lệ này đối với thuốc lá nung nóng là 1,8% đã từng sử dụng và 1,0% hiện đang sử dụng.

Mức độ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trong giới trẻ Việt Nam đang ở mức cao, đặc biệt khi so sánh với các chỉ số về sử dụng thuốc lá truyền thống. 

Phát huy vai trò của thầy thuốc trẻ trong tuyên truyền tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng -0
GS.TS Trần Xuân Bách (bên phải) trao đổi với các đại biểu tại chương trình.

Chia sẻ tại chương trình, TS.BS Nguyễn Kim Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện  Phổi Trung ương cho biết, không có bằng chứng xác đáng về mặt khoa học về khuyến cáo sử dụng thuốc lá điện tử để giảm bớt việc sử dụng thuốc lá truyền thống, mà chỉ có bằng chứng về tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử và nhiều tác hại chưa biết như chất tạo mùi trong thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Việc tuyên truyền tác hại của thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử đến người dân, đặc biệt là giới trẻ rất quan trọng, nhằm nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên tránh xa thuốc lá điện tử. 

Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh hô hấp mạn tính đang trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và bệnh tật. Theo số liệu năm 2019, gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73,7% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc, trong đó bệnh tim mạch chiếm 20,5%, ung thư 13,3%, bệnh hô hấp mạn tính 4% và đái tháo đường 3,9%.

Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận hơn 350.000 ca tử vong do bệnh không lây nhiễm, với bệnh tim mạch chiếm khoảng 70.000 ca, ung thư 66.000 ca và đái tháo đường 13.000 ca. Đáng chú ý, khoảng 41,5% số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm xảy ra trước tuổi 70, gây tổn thất lớn về kinh tế và xã hội.

Các yếu tố nguy cơ chính góp phần gia tăng bệnh không lây nhiễm bao gồm hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ ăn không lành mạnh và thiếu hoạt động thể chất.

BS Cương cũng đặc biệt nhấn mạnh đến tác hại của việc hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra 3 căn bệnh nguy hiểm, đó là: Tim mạch, đột quỵ, bệnh phổi. Trong đó, hơn 95% người ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá.

GS.TS Trần Xuân Bách, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết, năm 2024, chương trình “Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khoẻ cộng đồng năm 2024 và Chương trình Careme” đã có 21.217 thầy thuốc trẻ cả nước tham gia hành trình trực tiếp và trực tuyến; đã khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho hơn 1,1 triệu người dân; số người được sàng lọc bệnh qua nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) là hơn 1 triệu người; 2.977 người dân, bệnh nhân và thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ tài chính hoặc hỗ trợ y tế miễn phí. 

Đặc biệt, chương trình Vì sức khoẻ phổi đã phát hiện sớm nhiều người mắc các bệnh về phổi, trong đó một số trường hợp nghi ngờ ung thư phổi đã chuyển đến các bệnh viện để thăm khám chuyên sâu. Trong quá trình thăm khám, sàng lọc, nhiều người dân cho biết họ có sử dụng thuốc lá, hoặc hút thuốc lá thụ động.

Trước sự gia tăng tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá mới, tại chương trình, đại diện các bệnh viện, cơ sở y tế, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã đề xuất Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi việc sử dụng trở nên phổ biến hơn.  

Đồng thời phát huy vai trò của các thầy thuốc trẻ trong công tác tuyên truyền những thông điệp của ngành Y tế để giới trẻ hiểu rõ hơn về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Trần Hằng
.
.