Chuyển đổi số lĩnh vực y tế phục vụ nhân dân, phòng chống sai phạm

Tạo văn minh xã hội và nền y tế hiện đại (Kỳ 2)

Thứ Bảy, 22/02/2025, 09:44

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là y tế. Việc ứng dụng công nghệ số và số hóa dữ liệu không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phục vụ tốt hơn cho nhân dân mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phòng, chống sai phạm, hướng tới xây dựng một xã hội văn minh và minh bạch.

Ứng dụng công nghệ số vào quản lý y tế

Chuyển đổi số trong y tế được hiểu là việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể và toàn diện, đặc biệt chú trọng đến các công nghệ số hiện đại, nhằm thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế trong chăm sóc sức khỏe. Điều này bao gồm việc số hóa dữ liệu y tế, triển khai các hệ thống quản lý thông tin, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và các công nghệ khác để cải thiện chất lượng dịch vụ y tế và quản lý hiệu quả hơn.

Chuyển đổi số và số hóa trong lĩnh vực y tế đem lại những lợi ích to lớn, cụ thể như nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Việc số hóa hồ sơ bệnh án và ứng dụng các hệ thống quản lý thông tin giúp bác sĩ tiếp cận nhanh chóng và chính xác thông tin bệnh nhân, từ đó đưa ra chẩn đoán và điều trị hiệu quả hơn. Cùng với đó cũng góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí. Hiện các ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa, đặt lịch hẹn trực tuyến giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi và chi phí đi lại cho bệnh nhân.

Tạo văn minh xã hội và nền y tế hiện đại (Kỳ 2) -0
Triển khai hiệu quả Đề án 06, chuyển đổi số không chỉ phòng, chống sai phạm trong lĩnh vực y tế mà còn giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân. Ảnh minh họa.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết, từ Đề án 06, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, là yêu cầu cấp thiết, quan trọng của sự phát triển. Xu hướng phát triển hiện nay mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các cấp, ngành, địa phương vì tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, trong đó có ngành y tế.

Bạch Mai trở thành bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên trực thuộc Bộ Y tế triển khai thành công Bệnh án điện tử và chính thức thực hiện khám, chữa bệnh “toàn trình”  không dùng giấy tờ từ 15/11/2024. Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ, bệnh án điện tử và chuyển đổi số trong y tế mang lại nhiều lợi ích quan trọng, có thể kể đến như nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tối ưu hóa quy trình chuyên môn khám, chữa bệnh và tiết kiệm chi phí, nâng cao trải nghiệm người bệnh và thúc đẩy sự phát triển của ngành y tế.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đánh giá: Việc số hóa dữ liệu và chuyển đổi số cũng giúp tăng cường minh bạch và giảm thiểu sai phạm. Các hoạt động y tế được giám sát nâng cao, chặt chẽ hơn, từ đó phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi sai phạm. Đặc biệt, phát triển dữ liệu và chuyển đổi số giúp xây dựng xã hội văn minh. Việc ứng dụng công nghệ trong y tế góp phần nâng cao nhận thức và thói quen của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe, tạo nên một xã hội văn minh và hiện đại.

Bên cạnh đó, việc triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, kê đơn thuốc trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế cũng góp phần hạn chế sai phạm. Hồ sơ bệnh án điện tử giúp kiểm soát tốt hơn việc sử dụng bảo hiểm y tế, ngăn chặn tình trạng trục lợi từ quỹ bảo hiểm thông qua kê khống dịch vụ khám, chữa bệnh.

Một trong những lợi ích quan trọng của hồ sơ sức khỏe điện tử là khả năng liên kết thông tin giữa các bệnh viện, giúp bác sĩ có đầy đủ dữ liệu bệnh án để đưa ra phương án điều trị tốt nhất. Điều này không chỉ giúp giảm tình trạng trùng lặp xét nghiệm, lãng phí tài nguyên mà còn hạn chế tối đa các sai sót trong chẩn đoán và điều trị.

Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, Chính phủ và Bộ Y tế đã ban hành nhiều chính sách và chương trình nhằm thúc đẩy quá trình này. Cụ thể, ngày 22/12/2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5316/QĐ-BYT phê duyệt chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt, ứng dụng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, triển khai Đề án 06 của Chính phủ có vai trò cốt lõi, tiên quyết trong phát triển, số hóa, chuyển đổi số của các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực y tế.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế không còn là xu hướng mà đã trở thành một yêu cầu cấp thiết. Một trong những ứng dụng quan trọng nhất là hệ thống quản lý hành nghề y dược tư nhân trực tuyến, giúp theo dõi và giám sát chặt chẽ các cơ sở khám, chữa bệnh. Hệ thống này giúp loại bỏ hoàn toàn quy trình cấp phép bằng giấy tờ thủ công, vốn là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực, đồng thời cho phép cơ quan chức năng dễ dàng kiểm tra, đối chiếu thông tin.

Vượt khó vì sức khỏe người dân

Chỉ huy Đội 7, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội đánh giá, cần tăng cường minh bạch và giảm thiểu sai phạm trong lĩnh vực y tế thông qua số hóa dữ liệu và ứng dụng công nghệ. Với các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data), cơ quan quản lý có thể phân tích dữ liệu từ hàng nghìn cơ sở y tế để phát hiện các dấu hiệu bất thường, từ đó đưa ra cảnh báo sớm về nguy cơ sai phạm. Những thuật toán thông minh có thể tự động nhận diện các giao dịch bất thường, các trường hợp kê đơn thuốc trùng lặp hoặc gian lận bảo hiểm.

Ngoài ra, việc minh bạch hóa quy trình đấu thầu thuốc, vật tư y tế thông qua nền tảng đấu thầu điện tử là một trong những biện pháp quan trọng nhằm ngăn chặn tình trạng lập hồ sơ "ma", thông thầu. Khi toàn bộ thông tin về đấu thầu được công khai, người dân, doanh nghiệp và cơ quan chức năng có thể dễ dàng theo dõi, giám sát, giảm thiểu nguy cơ móc nối trục lợi.

Bên cạnh đó, công nghệ Blockchain có thể được ứng dụng trong kiểm soát nguồn gốc thuốc và trang thiết bị y tế. Với Blockchain, mọi giao dịch sẽ được ghi nhận một cách minh bạch, không thể sửa đổi hay làm giả. Điều này giúp đảm bảo chất lượng thuốc, tránh tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng tràn lan trên thị trường.

Các chuyên gia nhận định rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa dữ liệu trong y tế không chỉ giúp quản lý hiệu quả hơn mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát, phát hiện và ngăn chặn các hành vi sai phạm. Việc minh bạch hóa thông tin y tế thông qua các cơ sở dữ liệu điện tử giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, đồng thời tạo ra cơ chế giám sát cộng đồng hiệu quả.

Triển khai Đề án 06 của Chính phủ với nhiệm vụ số hóa dữ liệu và ứng dụng công nghệ trong quản lý y tế là yếu tố then chốt để tăng cường minh bạch và giảm thiểu sai phạm. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và sự đóng góp của các chuyên gia sẽ tạo nền tảng vững chắc cho việc xây dựng một hệ thống y tế minh bạch, hiệu quả và đáng tin cậy.

Dù mang lại nhiều lợi ích, nhưng chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế cũng đối mặt với không ít khó khăn. Một trong số đó là vấn đề đồng bộ dữ liệu giữa các hệ thống. Hiện nay, nhiều bệnh viện, cơ sở y tế vẫn sử dụng phần mềm quản lý riêng lẻ, thiếu sự kết nối, gây khó khăn trong việc chia sẻ thông tin. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ y tế về chuyển đổi số còn hạn chế.

Việc thay đổi từ phương thức quản lý truyền thống sang nền tảng số đòi hỏi sự đầu tư về hạ tầng công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, quá trình này có thể gặp trở ngại lớn. Một vấn đề khác là bảo mật dữ liệu y tế. Khi toàn bộ thông tin bệnh nhân, giao dịch tài chính và hồ sơ bệnh án được số hóa, nguy cơ bị tấn công mạng cũng tăng cao. Do đó, các cơ sở y tế cần đầu tư vào hệ thống an ninh mạng, đảm bảo dữ liệu không bị rò rỉ hay bị lợi dụng.

Trong nhiều phiên họp của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cũng đánh giá, để chuyển đổi số thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp lãnh đạo ngành y tế, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp công nghệ. Cần ban hành các chính sách đồng bộ, thống nhất trong việc xây dựng hệ thống dữ liệu y tế quốc gia, đảm bảo tính liên thông giữa các bệnh viện, phòng khám và cơ quan bảo hiểm.

Ngoài ra, ngành y tế cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ y tế và người dân về lợi ích của chuyển đổi số. Các chương trình đào tạo, tập huấn về công nghệ thông tin trong y tế cần được triển khai rộng rãi, giúp đội ngũ cán bộ y tế làm chủ các công cụ số, từng bước thích nghi với hệ thống quản lý mới.

Đồng thời, cần có cơ chế khuyến khích các bệnh viện, phòng khám tư nhân tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính hoặc giảm phí kết nối với hệ thống y tế số quốc gia sẽ giúp các đơn vị y tế tư nhân nhanh chóng áp dụng công nghệ mới.

Chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế mà còn là công cụ quan trọng để giám sát, phát hiện và phòng, chống tiêu cực. Khi mọi quy trình được thực hiện minh bạch trên nền tảng số, các hành vi trục lợi, tham nhũng sẽ khó có cơ hội tồn tại, qua đó lấy lại niềm tin của nhân dân vào hệ thống y tế công. Đây là xu hướng tất yếu, cần được thực hiện đồng bộ và quyết liệt để xây dựng một nền y tế hiện đại, minh bạch và bền vững.

Hoàng Phong
.
.