Anthony Gignac – “Ông hoàng lừa đảo” từ Bogota

Thứ Sáu, 21/09/2018, 07:20
Bằng những mánh khóe nào mà một đứa trẻ cơ nhỡ từ Bogota lại có thể dễ dàng đánh lừa được tất cả, sống phè phỡn bằng tiền của người khác và dễ dàng thoát tội sau hàng loạt những vụ lừa đảo do mình gây ra?

Một tay lừa đảo siêu hạng trong suốt 30 năm đã giả dạng làm người thừa kế của một hoàng thân Arab Saudi, sống trong những khách sạn sang trọng, đi lại trên những chiếc limousine có tài xế riêng, dễ dàng có được những khoản tiền vay hàng triệu đôla v.v…

Bằng những mánh khóe nào mà một đứa trẻ cơ nhỡ từ Bogota lại có thể dễ dàng đánh lừa được tất cả, sống phè phỡn bằng tiền của người khác và dễ dàng thoát tội sau hàng loạt những vụ lừa đảo do mình gây ra?

Anthony Gignac trong các ảnh truy nã của cảnh sát năm 1991 và 1995.

Chiếc Limousine tiến vào khu vực sân bay New York. Bước ra khỏi xe là một quý ông trong bộ trang phục sang trọng – trên các ngón tay của người này lấp lánh những chiếc nhẫn quý, còn cổ tay là chiếc đồng hồ Rolex bằng vàng. Bước ra khỏi xe sau quý ông trên là hai người đàn ông với vẻ mặt đầy vẻ nghiêm trọng, ăn mặc không có gì đáng chú ý nếu so sánh với nhân vật nói trên. Cả ba cùng tiến tới quầy làm thủ tục của American Express. Bất ngờ quý ông quay ngoắt mình định bỏ chạy. “Tôi là hoàng tử Khalid Al Saud! Tôi bị bắt cóc– ông ta vừa chạy vừa la lớn – Hãy gọi cho đại sứ quán! Hãy gọi cho CNN!”.

Chỉ mấy phút sau, cảnh sát đã bao vây cả 3 người. “Các anh lầm rồi – một trong hai người đàn ông vội vàng giải thích –Tôi là Thomas O'Connell, còn đồng nghiệp của tôi là Francisco Martin. Chúng tôi đang dẫn giải một nghi phạm”. Những giấy tờ được trưng ra sau đó cho thấy, “quý ông” trên có tên Anthony Gignac đang bị truy nã vì tội lừa đảo.

Bogota năm1975

Anthony Gignac sinh năm 1970 tại Colombia. Khi mới có 5 tuổi, anh ta và cậu em trai Daniel đã rơi vào cảnh cơ nhỡ. Cả hai lang thang trên đường phố Bogota suốt 2 năm sau đó trong hoàn cảnh luôn phải ăn đói mặc rét. Sau đó, chúng được đưa vào một trại trẻ vô gia cư và được một gia đình từ Michigan (Mỹ) nhận nuôi vào năm 1977. Tại Mỹ, Gignac được học tiếng Anh, tới trường học và cũng nhanh chóng thể hiện tài năng sẽ giúp mình kiếm sống trong tương lai. Cậu ta đánh lừa các bạn cùng lớp rằng, mẹ nuôi mình có một khách sạn trên hồ Huron, còn cha là diễn viên hài kịch nổi tiếng Dom DeLuise.

Khi Gignac học đến lớp 8, bố mẹ nuôi chia tay nhau. Trục trặc gia đình khiến cậu ta gặp vấn đề về tâm thần và phải vào viện điều trị gần một năm. Năm 17 tuổi, Gignac trốn khỏi nhà để tới California. Tại đây, không biết bằng cách nào gã kiếm được giấy tờ cá nhân mang tên Khalid Al Saud.

Beverly Hills năm 1991

Khách sạn sang trọng Beverly Wilshiretại khu Beverly Hills nhận được cú điện thoại của một người tự xưng là đại diện chính thức của Khalid Al Saud. Người này cho biết, thái tử kế thừa ngôi báu của Arab Saudi muốn đặt phòng tại đây.

Chẳng bao lâu, đích thân hoàng thân cũng xuất hiện. Nhân viên khách sạn không hề hỏi giấy tờ của ông ta – những vị khách sang trọng như vậy không hề lạ đối với Beverly Wilshire. Vị hoàng tử 21 tuổi đã dạo chơi suốt vài ngày tại Beverly Hills. Anh ta thuê một chiếc Limousine để đi lại khắp thành phố.

Dù trong túi chẳng có tiền, nhưng anh ta hứa hẹn nhà vua sẽ chi trả tất cả. Người chủ nhân dịch vụ thuê xe ban đầu cũng lo ngại chuyện lừa đảo, nhưng bữa ăn trưa sau đó cùng với “hoàng tử” đã xóa tan mọi nghi ngờ khi thấy các nhân viên khách sạn và bồi bàn gọi thanh niên trẻ tuổi là “quý ngài”.

Những chiếc thẻ tín dụng American Express mang tên Khalid Al Saud.

Trong 4 ngày đầu tiên, danh hiệu hoàng gia cùng câu nói quen thuộc “Hãy ghi vào tài khoản của tôi” được vị hoàng tử sử dụng một cách trơn tru. Nhưng sau đó, phía khách sạn bắt đầu nghi ngờ và báo cho cảnh sát. Đến lúc này, vị khách trọ đáng ngờ đã nợ của Beverly Wilshire hơn 3.000 đôla, chưa kể 7.500 đôla tiền thuê chiếc Limousine cùng tài xế riêng cùng vài ngàn đôla tiền mua hàng tại các cửa hiệu sang trọng.

Kết quả là vị “hoàng thân Arab” đã rời khỏi khách sạn trong chiếc… còng tay. Anthony Gignac bị buộc 4 tội danh: lừa đảo, trộm cắp, lạm dụng thẻ tín dụng và giả mạo séc. Phiên tòa xét xử sau đó còn phát hiện hắn đã giở những trò lừa đảo tương tự tại Los-Angeles, Washington và Virginia.

Miami – Honolulu năm 1993

Năm 1993, Gignac tới Florida. Hắn cũng giả danh một hoàng tử thuê phòng tại khách sạn 5 sao nổi tiếng GrandBay tại Miami. Vị khách trẻ tuổi la cà khắp thành phố với bộ vest của GiorgioArmani, áo sơ mi RalphLauren, đi lại trên những chiếc xe sang trọng, hào phóng tặng người bán hàng những chiếc túi “Chanel”, vung tiền trong những buổi yến tiệc, dạ hội sang trọng.

Trớ trêu là bản thân Gignac cũng bị lừa. Chỉ một ngày trước khi bước sang năm mới, trùm lừa đảo bị đánh đập và cướp bóc ngay tại phòng khách sạn bởi chính những “bạn nhậu” do hắn tự tay dẫn về. Cảnh sát quyết định thông báo vụ việc cho Đại sứ quán Arab Saudi trước khi phát hiện ra ông hoàng Khalid Al Saud thực sự không hề tới Florida. Nhưng Gignac trước đó đánh hơi thấy mối nguy hiểm và lẳng lặng chuồn mất.

Gignac đặt chân tới Honolulu một năm sau đó. Cũng theo mánh cũ, hắn thuyết phục các nhân viên khách sạn rằng mình tới từ Arab Saudi, thuê phòng hạng sang với giá 850 đôla một ngày. Chưa hết, hắn còn kịp đưa vào tròng một cặp vợ chồng doanh nhân giàu có tới từ California. Sau khi đã chiếm trọn lòng tin của họ, hắn đề nghị một sự giúp đỡ nho nhỏ: đang cần trả tiền khách sạn gấp, trong khi tiền mặt đang để tại Mỹ. Những người hàng xóm tốt bụng đã tình nguyện cho hắn vay 21 ngàn đôla. “Hoàng thân” dù sau đó đã biến mất tăm, nhưng tiền đã may mắn lấy lại được.

Gignac lang thang khắp nước Mỹ và không gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các nạn nhân mới. Ngay trong một lần bị bắt giữ và đưa vào trại tạm giam tại Florida, hắn vẫn kịp viết thư lừa đảo giới lãnh đạo Đại học Syracuse (New York) về việc hoàng thân Al Saud muốn hiến tặng 40 triệu đôla. Có điều để tránh những rắc rối về thuế, hắn cần gấp 16 ngàn đôla. Điều lạ lùng là các nhà khoa học đã dễ dàng mắc bẫy, nhanh chóng ký cho hắn một tờ séc.

Miami – New York năm 1994

Tháng 7-1994, Gignac bị bắt giữ tại Chicago. Không biết bằng cách nào, hắn vẫn thuyết phục được tay luật sư rằng mình có quan hệ họ hàng với vua Arab Saudi, người này sau đó đã giúp tìm kiếm một công ty cho vay tiền thế chân để tại ngoại. Để nghi phạm không thể chạy trốn trước khi ra tòa, hai nhân viên cảnh sát Thomas O'Connell và Francisco Martin được giao nhiệm vụ áp tải.

Có mặt tại văn phòng American Express, Gignac một lần nữa lại tự giới thiệu là Khalid Al Saud, đồng thời yêu cầu được cấp lại chiếc thẻ tín dụng đã bị mất của mình. Có điều là hắn chẳng có giấy tờ gì để chứng tỏ thân phận của mình.

Trước tình huống này, American Express quyết định không nên mạo hiểm. “Chúng tôi phải tính toán cân đối giữa nhu cầu đảm bảo dịch vụ cho các khách hàng cao cấp đồng thời ngăn ngừa khả năng lừa đảo” – một quan chức đại diện cho công ty đã giải thích như vậy. Kết quả là Gignac nhận được một tấm thẻ tín dụng mang tên Khalid Al Saud với mức hạn định 200 triệu đôla.

Tên lừa đảo lẳng lặng mua tấm vé hạng nhất bay tới New York mà không có những người giám sát. Tại đây, “hoàng thân” thuê luôn nguyên tầng tại khách sạn FourSeasons. Ngay trong ngày đầu, hắn mua ngay một chiếc áo trị giá tới 3 ngàn đôla, một vài chiếc đồng hồ đeo tay và một vài chiếc vòng tay đính kim cương và đá quý trị giá hơn 22 ngàn đôla. Hai cảnh sát áp giải phải mất cả tháng và cần đến sự giúp đỡ của American Express mới lần ra được dấu vết của kẻ chạy trốn.

Orlando năm 2002

Năm 1996, Gignac bị bắt giữ tại Palm-Beach, nhưng lại nhanh chóng được trả tự do sau khi nộp tiền tại ngoại. Hắn tận dụng cơ hội này chạy tới Miami nhưng lại sa lưới chỉ sau một tháng vì những cáo buộc lừa đảo tại Beverly Hills và Đại học Syracuse. Gignac bị kết án 5 tháng tù và chuyển đến Florida, nơi hắn phải nhận thêm bản án 4 năm tù nữa (trong đó có 3 năm án treo).

Sau hai năm ngồi tù, Gignac lại bị bắt lần nữa tại Orlando vì những tố cáo từ American Express. Trớ trêu thay, ngay tại khách sạn sang trọng nơi hắn chọn làm nơi trú ngụ khi đó đang diễn ra một hội thảo về chủ đề ngăn chặn lừa đảo của các nhân viên cơ quan hành pháp. Cho đến thời điểm bị bắt giữ, Gignac đã kịp “đốt” hơn 27 ngàn đôla. Ngoài ra, hắn cũng kịp đặt hàng hai chiếc Lamborghini với giá nửa triệu đôla.

Cho đến lúc này, các nhà ngoại giao Arab Saudi đã biết rất rõ về Gignac. Đại diện Đại sứ quán Arab Saudi Nail Al-Jubeir nói với phóng viên tờ Orlando Sentinel rằng, họ thường xuyên nhận được những cú điện thoại từ các nhà hàng và khách sạn mà tên lừa đảo đã ghé thăm. Đôi khi còn có cả những dân thường Mỹ bị hắn cho vào tròng.

Năm 2003, Gignac quay trở lại Michigan. Theo hồ sơ tòa án, tại đây hắn đã nợ thêm 11 ngàn đôla của cửa hàng Saks Fifth Avenue và 17 ngàn đôla từ Neiman Marcus. Để nhận được số hàng hóa trên mà không phải mất tiền, hắn dọa tay quản lý rằng sẽ xóa bỏ một đơn đặt hàng trước đó với tổng giá trị 70 ngàn đôla. Ngoài ra, Gignac còn âm mưu chiếm hai triệu đôla của Citibank.

Miami năm 2017

Ra tù vào năm 2006, “hoàng thân lừa đảo” đã lặn mất tăm trong suốt 6 năm liền. Đến năm 2015, Gignac nghĩ ra một vụ áp phe mới. Lần này, hắn quyết định không “làm ăn nhỏ lẻ” nữa. Hắn chuyển tới định cư tại Fisher Island gần Miami, một nơi có tỉ lệ thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước Mỹ, với những người hàng xóm rất nổi tiếng như ngôi sao truyền hình Oprah Winfrey, cựu ngôi sao quần vợt Andre Agassi v.v..

Với tư cách là hoàng thân Khalid Al Saud, Gignac thành lập Công ty Marden Williams International, bắt đầu gặp gỡ các nhà đầu tư cỡ lớn. Hắn khẳng định mối quan hệ của mình trong hoàng gia sẽ giúp cho các nhà đầu tư có những cơ hội rất lớn. Chẳng hạn như việc mua cổ phiếu của một công ty tại Arab Saudi trước khi lên sàn sẽ giúp cho họ lãi ít nhất là gấp đôi. Với những chiêu trò kiểu như vậy, Gignac chỉ trong vòng hai năm đã đánh lừa được tổng cộng 26 tay trọc phú, đút túi khoảng 8 triệu đôla.

Nạn nhân cuối cùng của “hoàng thân” là nhà tỷ phú Jeffrey Soffer – chủ nhân của khách sạn nổi tiếng Fontainebleau tại Miami Beach. Tháng 3-2017, một thủ hạ của Gignac thông báo với Soffer được thông báo rằng Khalid Al Saud dự định mua lại 30% cổ phần của khách sạn với giá 440 triệu đôla. Đề xuất trên tất nhiên nhận được sự quan tâm đặc biệt. Tên lừa đảo được mời tới đàm phán với ban giám đốc công ty của Soffer.

Hai tháng sau, Gignac tới khách sạn Fontainebleau trên chiếc Ferrari California đời 2016 và được mời ở lại đây trong suốt vài tuần. Đến tháng 8, tới lượt Soffer được mời tới căn hộ penthouse của Gignac tại Fisher Island. Tay lừa đảo còn khoe khoang với vị khách khu để xe của mình với hai chiếc xe sang trọng mang biển ngoại giao (điều tra về sau cho thấy hắn đã mua biển xe trên trang đấu giá eBay hồi đầu tháng 6). Sau đó, hắn còn cho nhà tỷ phú xem một hộp đựng các giấy tờ của ngân hàng Dubai trị giá 600 triệu đôla được dành sẵn để đầu tư vào khách sạn.

Trước khi chia tay, Soffer được tay chân của Gignac “gợi ý” nên mua tặng đối tác một chiếc đồng hồ dạng vòng đeo tay hiệu Cartier trị giá 50 ngàn đôla. Vài tuần sau, hai bên cùng tới khu trượt tuyết Aspen để tiếp tục đàm phán. Tại đây, Soffer bắt đầu nghi ngờ khi thấy “hoàng thân” từ một quốc gia Hồi giáo lại thoải mái ăn thịt lợn, trái ngược với điều cấm kỵ. Ông yêu cầu cơ quan an ninh kiểm tra trước khi mọi chuyện được làm rõ.

Tháng 11-2017, Gignac bị bắt giữ tại sân bay với giấy tờ mang tên hoàn toàn khác. Khám xét căn hộ penthouse của hắn, các nhà chức trách phát hiện rất nhiều danh thiếp với tên khác nhau, biển số xe ngoại giao, thẻ tín dụng, hàng ngàn đôla tiền mặt cùng nhiều giấy tờ tài chính giả mang tên các thành viên hoàng gia Arab Saudi.

Tháng 5-2018, Gignac trước tòa đã thừa nhận hàng loạt các tội danh lừa đảo của mình. Dự kiến với bản án sắp sửa được tuyên, bậc thầy lừa đảo sẽ chỉ được trả tự do sau ít nhất 30 năm nữa.

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.