Tội phạm giết người được đặc xá vì là… bà con xa của Quốc vương

Thứ Tư, 31/08/2016, 17:45
Giới chức tư pháp Anh trong thời gian gần đây tỏ ra hết sức bất bình, khi hay tin can phạm Saud Abdulaziz bin Nasser al-Saud 40 tuổi, cũng là người mang tước hiệu Hoàng tử Arập Xêút từng bị kết án tại London về tội sát nhân, đã được Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud ký lệnh ân xá đặc biệt dành cho các thành viên thuộc Đại gia đình Hoàng tộc, nhân đánh dấu sự kiện 18 tháng ông ngự trị trên ngai vàng (23/1/2015 - 23/7-2016).

Tỉ phú kiêm Hoàng tử S. al-Saud bị bắt giữ vào tháng 2-2010, sau khi các nhân viên điều tra thuộc Sở Cảnh sát London đưa ra kết luận về một vụ án mạng, xảy ra tại khách sạn cao cấp Landmark đúng vào buổi tối ngày lễ Tình nhân (14-2).

Camera an ninh trong khách sạn ghi nhận cảnh bạo hành của Hoàng tử đối với người trợ lý.

Theo đó người đồng phòng với S. al-Saud đã bị bóp cổ đến chết, trên mặt có nhiều vết cắn cùng những thương tích trầm trọng khắp cơ thể. Nạn nhân chính là trợ lý kiêm người hầu Bandar Abdullah Abdulaziz của Hoàng tử. Trong quá trình thẩm vấn tại tòa bị cáo đã phải cúi đầu nhận tội, rằng đã đánh đập người hầu sau khi cả 2 cùng tham dự lễ Thánh Valentine dưới đại sảnh, rồi trở về phòng trong trạng thái say mèm.

Ngoài ra camera an ninh của hotel 5 sao nhiều lần ghi được cảnh hành hạ người cùng phòng, xảy ra liên tục trong suốt gần một tháng họ cư ngụ tại đây. Mặt khác qua biên bản khám nghiệm hiện trường, cho thấy hung thủ đã ra tay thủ tiêu nạn nhân khi đang quan hệ tình dục đồng giới, còn bản thân đương sự lại khăng khăng phủ nhận hành vi đồi bại của mình(!).

Tuy nhiên Viện Công tố quận Westminster phụ trách địa bàn nơi khách sạn Landmark tọa lạc, vẫn truy tố S. al-Saud tội cố sát bạn tình, dựa trên những bằng chứng pháp y xác đáng. Rồi tội danh này được cụ thể hóa qua mức phạt 20 năm nằm ấp không được mãn hạn nói trên.

Tuy mang tước hiệu Hoàng tử, nhưng thực ra S. al-Saud chỉ là một người bà con xa của Quốc vương Arập Xêút nên không được hưởng quy chế ưu đãi miễn trừ. Theo Công ước Vienna có hiệu lực từ năm 1961 thì ngoài giới ngoại giao chuyên nghiệp ra, những người được hưởng quyền miễn truy tố khi ở nước ngoài còn bao gồm các thành viên trực hệ của mọi Hoàng tộc đang chấp chính trên thế giới. Do không phải là con đẻ của nhà vua nên nghi phạm S. al-Saud không được hưởng đặc quyền miễn trừ ngoại giao.

Hung thủ S. al-Saud (trái) và nạn nhân B. Abdulaziz.

Tội danh mà Hoàng tử Arập Xêút phạm phải thuộc dạng giết người cấp độ 1 đặc biệt nghiêm trọng, nên cũng bị giới chức tư pháp Anh tước quyền đóng tiền thế chân tại ngoại hầu tra trước khi mở phiên xét xử. Trong phiên xử cuối cùng vào ngày 21-10-2010, Chánh tòa Hình sự quận Westminster ở thủ đô London đã chính thức kết tội bị cáo S. al-Saud 34 tuổi mức án chung thân, kèm điều kiện truất quyền ân giảm trong 20 năm kể từ khi bắt đầu thụ án.

Sau hơn 2 năm thụ án trong nhà tù Anh, tới giữa tháng 3-2013 tù nhân S. al-Saud được dẫn độ về quê nhà, để tiếp tục thi hành phần thời gian còn lại trong bản án tại nhà tù Arập Xêút, chiểu theo Hiệp định Tương trợ Tư pháp đã ký giữa 2 nước có hiệu lực từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước.

Kim Dung (theo The Independent)
.
.