Gần 300 cựu binh Anh tham chiến tại Iraq bị điều tra tội ác chiến tranh

Thứ Năm, 14/01/2016, 18:40
Các nhà điều tra Anh đã tiếp xúc gần 300 cựu chiến binh Anh từng tham gia cuộc chiến xâm lược Iraq từ năm 2003 do Mỹ dẫn đầu để xem xét các cáo buộc về tội ác chiến tranh mà những người này có thể phạm phải khi tham chiến.


Đội điều tra các cáo buộc lịch sử Iraq (IHAT) đang thực hiện cuộc điều tra và đã tiếp xúc với các cựu binh trong diện điều tra. Các cáo buộc mà IHAT phải xem xét điều tra bao gồm cáo buộc giết người, lạm dụng và tra tấn trong thời gian diễn ra cuộc chiến Iraq. IHAT cho biết đã viết thư riêng gửi cho từng cựu binh trong diện điều tra một tuần sau khi cơ quan này đưa ra lời cảnh báo rằng một số người có thể bị điều tra vì các hành vi phạm tội tại Iraq.

Mark Warwick, người chỉ huy đơn vị điều tra IHAT.

Trong một số trường hợp, các thư được các nhà điều tra trao tận tay các cựu binh và các nhà điều tra tận dụng cơ hội tiếp xúc này để “đặt một số câu hỏi” nếu có thể. Khoảng 280 cựu binh đã được nhận hồ sơ trong đó thông báo kết quả điều tra sơ bộ của IHAT kết luận họ đã dính líu vào một vụ việc. Tuy nhiên, người phát ngôn của IHAT cho biết, những thông tin họ cung cấp, trao đổi chỉ mang tính chất tham khảo nhằm phục vụ cho cuộc điều tra chung của IHAT đối với những hoạt động của binh sĩ Anh khi tham gia trong cuộc chiến Iraq.

Mark Warwick, phụ trách chỉ huy đơn vị IHAT, nói với tờ The Independent của Anh rằng, trước khi mở cuộc điều tra đối với các cựu binh, IHAT đã được tiến hành nghiên cứu hồ sơ từ nhiều tháng qua.

Tính đến cuối năm 2015, IHAT đã xử lý khối lượng hồ sơ khổng lồ, bao gồm hồ sơ về 1.500 nạn nhân được xem là do 280 cựu binh Anh này giết chết tại Iraq. Theo ông Warwick, đơn vị của ông đã xác định được các trường hợp mà theo ông nhận thấy có “chứng cứ đáng kể” để xây dựng vụ án để chuyển cho cơ quan chức năng truy tố và buộc tội. Ông Warwick cho biết thêm, tuy rằng có những vụ việc rất nghiêm trọng, nhưng không phải cáo buộc nào của các nạn nhân cũng có thể dẫn đến điều tra. Chính vì thế mà trong hàng ngàn vụ việc mà nạn nhân Iraq gửi đơn tố cáo, chỉ có khoảng 280 trường hợp được xem xét điều tra.

Tờ The Independent hôm 8-1 đã đưa tin một số trường hợp quân nhân Anh bị buộc tội giết người Iraq một cách bất hợp pháp đã bị truy tố. Trong số các trường hợp bị điều tra, có 55 trường hợp có đủ bằng chứng xác định phạm tội và có thể bị truy tố về các tội danh tra tấn, giết người. Ngoài ra, Cơ quan Công tố Anh (SPA) cũng đang tham mưu thêm 20 trường hợp giết người trái pháp luật và 71 trường hợp lạm dụng tù nhân, sẽ đưa ra truy tố trong thời gian gần nhất.

Quân đội Anh tham chiến tại Iraq.

Tuy nhiên, tờ Daily Mail hôm 9-1 lại cung cấp một luồng dư luận, nhất là trong giới cảnh sát trưởng và các nghị sĩ, râm ran điều tiếng cho rằng cuộc điều tra thực chất là một cuộc “săn phù thủy”. Luồng ý kiến dư luận này xuất hiện sau khi Công ty luật Leigh Day bị đương sự khiếu nại về cách xử lý các đơn kiện của những người Iraq từng bị giam giữ đối với Bộ Quốc phòng Anh, tập trung vào các cáo buộc binh sĩ Anh đã lạm dụng và giết hại tù nhân Iraq.

Vụ việc khiếu nại bị đổ vỡ do người ta phát hiện một số người tham gia kiện tụng là thành viên của nhóm khủng bố Quân đội Mahdi ở Iraq những năm chiến tranh. Trong vụ việc này, dư luận ở chiều ngược lại cho rằng IHAT đã không hoàn toàn khách quan khi tiến hành điều tra các cáo buộc nhắm vào người của Bộ Quốc phòng Anh, của quân đội Anh.

Cuộc điều tra của IHAT nhắc người ta nhớ lại một giai đoạn đen tối trong chính sách đối ngoại của Anh, khi London bắt tay ủng hộ Washington tiến hành cuộc chiến xâm lược Iraq, và sau đó tung lực lượng quân đội trực tiếp tham chiến trong liên quân do Mỹ dẫn đầu. Trong thời gian tham chiến, quân đội Anh đã tham gia phối hợp với quân đội Mỹ thực hiện các cuộc tuần tra, tham gia vào các hoạt động bắt bớ, tra tấn tù nhân. Nghiêm trọng hơn đó là những vụ bắn giết người Iraq do nghi là thành phần khủng bố, quân nổi dậy chống sự chiếm đóng của liên quân nước ngoài.

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.