Hành trình phá vụ án trộm cổ vật ở Bảo tàng Liêu Ninh
Bảo tàng Liêu Ninh nằm ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh - một tỉnh ở phía đông bắc Trung Quốc. Bảo tàng có tổng diện tích là 83.200m² trong đó diện tích các phòng trưng bày là 24.101m².
Toàn bộ bảo tàng có 3 tầng, tầng 1 dùng để tổ chức các cuộc triển lãm nghệ thuật, tầng 2 có 6 phòng trưng bày các văn vật và các bộ sưu tập đồ ngọc bích, đồ sứ, đồ đồng thời Minh - Thanh. Tầng ba có 5 phòng để trưng bày văn vật thời Liêu cùng với tượng phật, đồ thêu lụa, thư họa và văn hóa dân gian.
Bảo tàng Liêu Ninh có hơn 100 ngàn cổ vật nhiều thứ được xếp hạng là bảo vật quốc gia và có những văn vật độc nhất vô nhị như bức tranh “Thiếu nữ cài trâm hoa” và “Phu nhân nước Quắc đi du xuân”.
Bảo tàng Liêu Ninh. |
Vào tối ngày 8 tháng 12 năm 1994, màn đêm đã buông xuống và những chiếc đèn lồng ở thành phố Thẩm Dương bật sáng trông thật rực rỡ. Khi những người dân trong thành phố đang ăn cơm tối thì một bản tin phát trên tivi làm náo nức lòng người: Vụ trộm cổ vật ở Bảo tàng Liêu Ninh đã phá thành công. Trong số 43 cổ vật bị đánh cắp, ngoại trừ hai cổ vật rồng, lợn bằng ngọc và hổ bằng đồng, còn lại đều được thu hồi về bảo tàng.
Đêm khuya ngày 25 tháng 6 năm 1994, ở Thẩm Dương có mưa nhỏ và khuôn viên Bảo tàng Liêu Ninh rất tĩnh lặng. Trong đêm tối, một bóng người đạp xe đạp đi về phía tây của bảo tàng, hắn dựng chiếc xe đạp ở chân tường rồi trèo lên bức tường cao hơn 3m và biến mất trong màn đêm.
Lúc 2h47 nhân viên trực ban phát hiện phòng trưng bày số 8 bị mất trộm, nhân viên trực ban gọi điện cho lãnh đạo báo cáo tình hình và ngay sau đó công an tỉnh, công an thành phố, công an khu phố lập tức đến hiện trường.
Sau khi điều tra sơ bộ phát hiện 43 văn vật đã bị mất trong đó có 6 văn vật cấp 1, 9 văn vật cấp 2, còn lại là các văn vật thuộc cấp 3, có 6 văn vật là đồ phục chế. Qua dấu vết hiện trường, cảnh sát nhận định rằng tên trộm đã trèo qua bức tường ở phía tây bảo tàng rồi vào phòng điều hòa ở phía nam và bẻ cong các song sắt cửa sổ chui vào phòng trưng bày số 8 cạy tủ trưng bày lấy đi các văn vật.
Bức tranh “Cung nữ cài trâm hoa” đời Đường trong bảo tàng Liêu Ninh. |
Các cảnh sát điều tra căn cứ tình hình ở hiện trường phân tích rằng tên trộm hành động một mình, hắn cao khoảng 1,7 m người gầy gò và giỏi về leo trèo, hắn hiểu biết nhất định về kiến thức cổ vật, tên trộm hành động tương đối thành thạo, đã xóa mọi dấu vết nên có khả năng tên trộm đã gây ra những vụ trộm tượng tự.
Bảo tàng Liêu Ninh bị mất trộm làm cho người ta giật mình, bởi vì bảo tàng không những nổi tiếng trong và ngoài nước vì có hơn 100 ngàn bộ sưu tập cổ vật. Bảo tàng có những bức họa nổi tiếng “Cung nữ cài trâm hoa”, “Phu nhân nước Quắc du xuân” là báu vật Quốc gia, ngoài ra còn có những cổ vật bằng ngọc chế tác từ thời văn hóa Hồng Sơn cách đây hơn 1000 năm.
Không những số cổ vật bị mất nhiều, giá trị lớn mà còn có những cổ vật rất hiếm. Mặc dù trong bảo tàng được lắp đặt các thiết bị giám sát hiện đại nhưng tên trộm lại vào được như chỗ không người lấy các báu vật đi một cách dễ dàng, thực sự làm cho người ta phải kinh ngạc.
Sau khi vụ án phát sinh, Bộ Công an, Cục Di sản văn hóa, lãnh đạo thành phố Thẩm Dương và tỉnh Liêu Ninh rất quan tâm đến vụ án này. Công an thành phố Thẩm Dương đã liệt vụ án vào loại “Vụ án đặc biệt” và ban chuyên án phá vụ án này do đích thân Cục trưởng công an thành phố Thường Tự Vũ chỉ huy cùng với 38 cảnh sát có kinh nghiệm.
Bộ Công an đã thông báo tình hình vụ án trên toàn quốc yêu cầu các cơ quan công an các địa phương phối hợp để phá án.
Mặt khác Bộ Công an còn yêu cầu các cửa khẩu kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn bọn trộm đưa cổ vật ra nước ngoài và thông báo vụ án cho tổ chức cảnh sát quốc tế INTERPOL giúp đỡ phá vụ án.
Ngày 10 tháng 10, công an Thành phố Thẩm Dương đã phát động một cuộc "Hành động trăm ngày". Tại hội nghị này Giám đốc Thường Tự Vũ tuyên bố “Ai phá được vụ án này tôi sẽ thưởng 100 ngàn nhân dân tệ”.
Tuy nhiên trong biển người mênh mông truy tìm tên tội phạm giống như mò kim đáy biển. Để giải quyết vụ án, các trinh sát hình sự tỏa đi khắp nơi như Thượng Hải, Quảng Châu, Bắc Kinh đến các nhà ga, bến xe, các chợ buôn bán đồ cổ để dò tìm manh mối. Cảnh sát ban chuyên án đã khoanh vùng 1500 người nghi ngờ, thẩm vấn 307 người gồm nhân viên bảo tàng những người ở xung quanh bảo tàng, điều tra nguồn gốc của 89 cổ vật, quả là các trinh sát ban chuyên án đã làm quá nhiều việc và quá vất vả trong khi phá án.
Bức tranh “Phu nhân nước Quắc du xuân” trong bảo tàng Liêu Ninh. |
Tuy nhiên tội phạm ở đâu? Toàn bộ vụ án vẫn không có một chút manh mối. Đây là áp lực rất lớn đối với các cảnh sát trong ban chuyên án.
Trong khi vụ án đang bế tắc thì một phát hiện ngẫu nhiên đã trở thành cái mốc đột phá của vụ án.
Vào khoảng 3 giờ chiều ngày 7 tháng 12 năm 1994, một thanh niên đến một quán ăn nhỏ ở khu Đông Lăng thành phố Thẩm Dương, ăn xong anh ta lấy ra một tờ 100 nhân dân tệ trả cho chủ quán nhưng bị chủ quán phát hiện là tiền giả nên người thanh niên vội vàng bỏ chạy.
Ông chủ quán đã đuổi theo người thanh niên và báo cáo việc này với các cảnh sát đang tuần tra là Vương Dũng, Vương Sâm và Cổ Chí Cường, ba cảnh sát đã đuổi theo người thanh niên và cuối cùng bắt được hắn. Khi khám xét người này anh ta có giấy chứng nhận vừa mãn hạn tù, trong người còn có 2000 nhân dân tệ tiền giả.
Cổ vật trưng bày trong bảo tàng Liêu Ninh. |
Sau khi thẩm vấn, tên tội phạm khai tên là Đức Thành, 30 tuổi nhà ở khu Vu Hồng, đã hai lần tù tội vì trộm cướp vừa mới được ra tù.
Tên tội phạm thừa nhận là dùng tiền giả để mua bán và đưa ra 600 tệ tiền thật để chịu phạt hòng thoát tội nhưng các công an tuần tra cảm thấy hắn có vấn đề nên đưa hắn về đồn và báo cáo tình hình với Ban Chuyên án.
Ban chuyên án nhận định có thể tên tội phạm này liên quan đến vụ trộm bảo tàng nên đã xin lệnh khám nhà hắn. Vào lúc 10 giờ tối hôm đó các trinh sát đến khám nhà tên tội phạm thu được mấy cuốn tạp chí “Giám định đồ đồng”, “Đồ ngọc cổ” và “Sưu tầm cổ vật” cùng một cuốn nhật ký. Trong các cuốn nhật ký tên tội phạm ghi lại các vụ trộm văn vật của Trung Quốc và nước ngoài cùng với giá cả của các loại cổ vật. Một người vô nghề nghiệp lại bị tù vì tội trộm cắp lại có những cuốn sách nghiên cứu cổ vật để làm gì? Các công an ý thức được rằng tên tội phạm này có liên quan đến vụ trộm của Bảo tàng Liêu Ninh.
Đến 11 giờ ngày 8 tháng 12, các dấu bàn chân, bàn tay của tên tội phạm được gửi đến phòng giám định cảnh sát hình sự thành phố và thông qua việc giám định, các cảnh sát kinh ngạc phát hiện ra rằng các dấu vết của tên trộm hoàn toàn trùng hợp với dấu vết để lại hiện trường vụ trộm Bảo tàng Liêu Ninh. Khi chứng cớ đã rõ ràng, cảnh sát ban chuyên án bắt đầu thẩm vấn tên trộm.
Việc thẩm vấn gặp rất nhiều khó khăn, các cảnh sát đã phải đấu trí với tên trộm chuyên nghiệp này. Phòng làm việc của ban chuyên án rất căng thẳng vì tên trộm biết rằng tội của hắn sẽ bị xử rất nặng nên ngoan cố nhất định không nhận tội. Đúng lúc này, một đội trinh sát đã đến nhà tên tội phạm để khám xét kỹ càng và các trinh sát đã phát hiện ở bếp nhà tên tội phạm có axít của ắc quy, ống nước và bức tường cũng mới được sửa chữa. Với kinh nghiệm làm công tác trinh sát, tổ công tác nhận định rằng các cổ vật vẫn được giấu ở trong nhà này.
Khi tình hình ở nhà hắn được báo cáo cho cảnh sát thẩm vấn, cảnh sát thẩm vấn đã đột nhiên hỏi hắn: “Nhà anh có axít để làm gì?”
Nghe câu hỏi này, tên tội phạm như bị điện giật, mặt tái nhợt và bắt đầu khai ra toàn bộ sự thật phạm tội.
Nửa đêm ngày 25 tháng 6, tên tội phạm đi chiếc xe đạp đến bên ngoài bức tường phía tây Bảo tàng Liêu Ninh. Sau khi dựa xe đạp vào bức tường, hắn tụt bỏ giày đi đôi tất dài màu đen rồi trèo tường vào bên trong bảo tàng, hắn bẻ cong chấn song sắt cửa sổ, chui vào hội trường và kê ghế trèo vào phòng trưng bày. Ở phòng trưng bày số 8, mồm ngậm đèn pin, hắn cạy 5 chiếc tủ trưng bày lấy các văn vật và dùng chiếc áo gói lại theo đường cũ trở ra. Hắn mang số văn vật lấy được đạp xe đến nhà nồi hơi gần trụ sở chính quyền thành phố ở đó cho đến sáng rồi hòa theo dòng người đi làm trở về nhà như không có chuyện gì xảy ra.
Để xử lý các văn vật lấy được, một ngày tháng 10, hắn ngồi tàu hỏa đi Quảng Châu để bán nhưng vì không có người tin cậy, một mặt sợ bán hớ, một mặt sợ bị lộ tẩy nên hắn lại phải mang hàng về. Nửa tháng sau, hắn lại đi Dương Thành nhưng vẫn không gặp được cơ hội nên hắn mua 8000 tệ tiền giả với giá 30 tệ một tờ 100 tệ, hắn đâu có ngờ rằng chính những đồng tiền giả làm hắn bị lộ chân tướng.
Sau khi tên tội phạm nhận tội các cảnh sát đã đến ngay nhà hắn, lật gạch ở khu nhà bếp lấy những văn vật hắn đã cất giấu ở đó.
Ngay sau khi được báo tin, các chuyên gia của bảo tàng đã đến hiện trường tiến hành kiểm tra giám định các văn vật và xác nhận những văn vật này là văn vật bị đánh cắp từ Bảo tàng Liêu Ninh.
Vụ án trộm cắp văn vật Bảo tàng Liêu Ninh đã được phá, tên tội phạm bị tòa án nhân dân thành phố Thẩm Dương kết án tù chung thân vì tội trộm cắp tài sản Quốc gia.