Lực lượng nữ cảnh sát chống tham nhũng ở Mexico

Thứ Sáu, 09/12/2016, 20:00
Tham nhũng trong lực lượng cảnh sát Mexico đã trở thành dịch bệnh nguy hiểm đến mức bang Mexico phải tìm kiếm giải pháp chống đỡ bằng cách tăng cường tuyển dụng phụ nữ và hiện nay có gần 400 nữ cảnh sát.

Nữ sĩ quan cảnh sát giao thông Judith Morales Garduno nói: "Một số tài xế tỏ ra hung hăng và khó chịu khi bị một nữ cảnh sát xé giấy phạt vi phạm". Nhưng công việc đặc thù đã dạy cho cô trở nên mạnh mẽ hơn. Đứa con trai 8 tuổi rất hãnh diện về công việc của mẹ mình.

Pascual Monsenor, người tài xế bị Judith phạt lỗi không thắt dây đai an toàn, nhận xét: 'Đàn ông với nhau thì dễ hối lộ hơn. Nhưng, với phụ nữ thì khác".

Giáo sư Anne-Marie Goetz.

Giám đốc Cảnh sát Giao thông bang Mexico là Rosalba Sanchez Velazquez. Bà phục vụ trong ngành đã 25 năm và lãnh đạo lực lượng từ năm 2011 khi chính sách sử dụng phụ nữ được thi hành. Rosalba cho biết: "Theo một nghiên cứu, phụ nữ có trách nhiệm hơn và biết rõ chuyện gì sẽ xảy ra nếu làm điều xấu. Những lời kêu ca về nạn tham nhũng lan tràn gia tăng đến mức thống đốc phải ra quyết định thành lập một đơn vị cảnh sát chỉ toàn nữ. Kết quả là, từ 100 vụ than phiền thì bây giờ chỉ còn 1 hay 2".

Maria Elena Morera, nhà hoạt động an ninh công cộng, bình luận: "Những gì mà chúng ta nhìn thấy được trong lực lượng cảnh sát là chỉ có 3 trong số 10 nam giới vượt qua được cuộc kiểm tra lý lịch, trong khi đó có đến 7 trong số 10 phụ nữ vượt qua vòng này. Hơn nữa, thời gian và quy trình tuyển mộ phụ nữ cũng nhanh hơn. Phụ nữ được đánh giá là ít tham nhũng hơn nam giới".

Lực lượng nữ cảnh sát giao thông Mexico.

Tuy nhiên, vẫn có không ít ý kiến không đánh giá cao việc ưu tiên chọn nữ cảnh sát để chống tham nhũng ở Mexico. Giáo sư Anne-Marie Goetz ở Trung tâm Các vấn đề Toàn cầu (CGA), Đại học New York (Mỹ) lập luận rằng phụ nữ ít tham nhũng hơn nam giới có lẽ đơn giản chỉ vì họ "muốn gây ấn tượng và chứng tỏ tính liêm chính".

Theo Anne-Marie, nếu phụ nữ làm việc đủ lâu trong ngành cảnh sát thì có thể họ cũng sẽ vướng vào nạn tham nhũng không khác gì đồng nghiệp nam. Phần đông người dân Mexico cho rằng hành vi hối lộ và nhận hối lộ luôn xảy ra mỗi khi có điều kiện. Trong khi đó, tỷ lệ không bị trừng phạt lên đến hơn 80% và thậm chí khi người nhận hối lộ bị phát hiện vẫn không có chuyện gì xảy ra sau đó. Do đó, giới chuyên gia phân tích nhận định sáng kiến tuyển chọn phụ nữ vào lực lượng cảnh sát chẳng thay đổi được gì.

Ximena Andion, giám đốc điều hành Viện Khoa học Lãnh đạo Simone de Beauvoir của Canada, bình luận: "Do những vai trò trong xã hội như là chăm sóc người bệnh trong gia đình, cho nên phụ nữ có xu hướng nghĩ đến sự thịnh vượng của xã hội. Theo tôi, đó là một trong những lý do khiến cho phụ nữ ít tham nhũng hơn nam giới".

Judith Morales Garduno (trái) và nữ đồng nghiệp.

Tình trạng tham nhũng trong lực lượng cảnh sát Mexico rất phức tạp và xảy ra ở mọi cơ quan hành pháp địa phương đến bang và liên bang. Nhiều người muốn gia nhập cảnh sát vì những động cơ cá nhân giấu kín hơn là do thực sự muốn bảo vệ luật pháp.

Thậm chí, một số người gia nhập cảnh sát để kiếm được số tiền kha khá trước khi rời khỏi ngành để thành lập doanh nghiệp. Trong khi đó, một số khác muốn trở thành cảnh sát để dễ bề phạm pháp mà không bị trừng phạt. Khoảng 43% người dân Mexico tin rằng tham nhũng là rào cản chính để xây dựng lực lượng cảnh sát hoạt động hiệu quả.

Nhiều người dân Mexico khẳng định họ sẵn sàng hối lộ cảnh sát chỉ vì một số lỗi nhỏ nhặt như là đỗ xe không đúng quy định hay vi phạm khi tham gia giao thông. Giới doanh nhân Mexico nhấn mạnh cảnh sát tham nhũng tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước này. Một số người còn tuyên bố tham nhũng là cuộc khủng hoảng quốc gia.

Juan Pardinas, tổng giám đốc Viện Cạnh tranh Mexico, nhận xét: "Tất cả những vấn đề lớn như là tội phạm có tổ chức, bạo lực, nghèo đói và kinh tế tăng trưởng chậm đều trở nên trầm trọng hơn do nạn tham nhũng. Mọi vấn đề này đều liên quan trực tiếp đến sự bất lực của chính quyền trong trừng phạt cảnh sát và chính khách nhận hối lộ từ tội phạm. Nếu chúng ta không thể đối mặt với nạn tham nhũng thì chúng ta cũng sẽ không thể đối với những vấn đề khác".

Theo số liệu nghiên cứu từ Viện Thống kê Quốc gia Mexico, có đến 55% người dân nước này bị buộc phải hối lộ cho cảnh sát.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.