Mỹ chi tiền mạnh để huấn luyện nữ cảnh sát trên toàn thế giới

Thứ Hai, 22/08/2016, 18:40
Vừa qua, cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ về Sở Cảnh sát Baltimore cho thấy cảnh sát ở đây bị buộc tội phân biệt chủng tộc và thường sử dụng những chiến thuật bạo lực. Năm 2010, tờ báo địa phương Baltimore Sun cũng vạch trần những vụ tấn công tình dục xảy ra trong Sở Cảnh sát Baltimore.

Một nhóm nhà hoạt động nữ quyền từ lâu kêu gọi chính quyền tăng cường tuyển mộ thêm nhiều nữ sĩ quan cảnh sát hơn nữa. Những nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bạo lực nhằm vào phụ nữ giảm bớt nhiều nếu trong lực lượng cảnh sát có thêm nhiều phụ nữ.

Hằng năm, chính quyền Mỹ phải chi tiêu hàng chục triệu USD để tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trong hàng ngũ lực lượng an ninh trên toàn thế giới. Ví dụ, năm 2017 chính quyền Mỹ sẽ chi 133 triệu USD trong chương trình tăng cường tuyển mộ phụ nữ gia nhập lực lượng an ninh và gìn giữ hòa bình tại Afghanistan, Pakistan và Nigeria. Trong đó bao gồm 14 triệu USD cho Afghanistan, 10 triệu cho Nigeria và hơn 8 triệu cho Pakistan. Chỉ riêng tại Afghanistan trong những năm qua, hàng ngàn nữ sĩ quan cảnh sát được tuyển mộ.

Nữ cảnh sát Pakistan đang điều tra vụ án.

Theo điều tra từ cộng đồng chuyên gia an ninh quốc tế, sự gia tăng số lượng nữ sĩ quan cảnh sát được đánh giá là giải pháp hiệu quả để giảm bớt tình trạng bạo lực chống phụ nữ, góp phần ổn định xã hội, xây dựng lòng tin giữa người dân và lực lượng hành pháp, giảm bớt tham nhũng và ngăn ngừa sự cực đoan hóa - đó là tất cả mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ trong những khu vực nhiều bất ổn. Trong khi đó chính quyền Mỹ dường như không hề quan tâm đến lực lượng nữ cảnh sát tại đất nước mình. Từ đầu thập niên 90, phụ nữ chiếm tỷ lệ 13% trong lực lượng cảnh sát Mỹ - chỉ tăng 1,4% so với đầu thập niên 70.

Năm 2014, các nhà nghiên cứu bắt đầu khảo sát về tác động của lực lượng nữ cảnh sát đối với tội phạm bạo lực chống phụ nữ tăng cao vào cuối thập niên 70 và đầu thập niên 90 ở Mỹ. Kết quả cho thấy, con số nữ cảnh sát càng tăng thì tỷ lệ bạo lực chống phụ nữ càng giảm - đặc biệt đối với loại tội phạm cưỡng dâm, tấn công tình dục và giết người.

Nữ cảnh sát Italia đứng gác ở Lorcri, ngày 10-1-2016, trước khi diễn ra trận bóng đá trong nhà (futsal) giữa hai đội Sporting Locri và Lazio.

Báo cáo được thực hiện bởi giáo sư Amalia Miler, Đại học Virginia (Mỹ) và phó giáo sư Carmit Segal, Khoa Kinh tế Đại học Zurich (Thụy Sĩ). Thực tế cho thấy, vào giữa năm 1994 và 2004, tỷ lệ bạo lực chống phụ nữ trong gia đình ở Mỹ giảm xuống 63%.

Theo một số nghiên cứu bổ sung khác, cảnh sát nữ thường hạn chế tối đa việc sử dụng bạo lực, do đó ít bị chỉ trích hơn và từ đó ít dẫn đến những vụ kiện cáo tiêu tốn hàng tỷ USD. Từ lâu, các tổ chức phụ nữ thế giới cũng nhận thấy sự liên quan giữa việc gia tăng số nữ cảnh sát với những cải thiện như ít xảy ra bạo lực chống phụ nữ, ngăn chặn tội hiếp dâm. Đặc biệt là nữ cảnh sát do sớm nhận ra những biểu hiện cực đoan hóa hơn so với nam cảnh sát nên hiệu quả hơn trong ngăn ngừa khủng bố.

Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc (LHQ), trên toàn thế giới hiện nay số nữ cảnh sát chiếm khoảng 9%. Ở Afghanistan và Pakistan, số nữ cảnh sát chỉ vào khoảng 2%. Còn trong các lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, số phụ nữ chiếm đến 98%. Bắt đầu từ năm 2000, LHQ sửa đổi bổ sung Nghị quyết 1325 trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của phụ nữ trong gìn giữ hòa bình và an ninh thế giới.

Lực lượng nữ cảnh sát Afghanistan đang luyện tập.

Cũng theo nghiên cứu của LHQ, nữ cảnh sát tạo dựng lòng tin nơi người dân địa phương tốt hơn, đồng thời thu thập thông tin tình báo chống tội phạm cũng hiệu quả hơn so với nam giới. Tại nhiều cộng đồng mà trong đó phụ nữ bị cấm giao tiếp với nam giới, cũng chỉ có nữ cảnh sát mới đồng cảm với các nạn nhân nữ.

Allison Peters, cố vấn chính sách cho Inclusive Security ở Washington DC., tổ chức đấu tranh cho sự gia nhập của phụ nữ vào các lực lượng gìn giữ hòa bình và an ninh trên toàn thế giới, đánh giá trong thập niên qua, một số chính quyền nước ngoài đã có chính sách ưu tiên sử dụng phụ nữ trong lực lượng cảnh sát và cho rằng các sở cảnh sát ở Mỹ nên noi theo.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.