Tù nhân Guantanamo cuối cùng của Anh sắp được trả tự do

Thứ Sáu, 02/10/2015, 19:15
Shaker Aamer, tù nhân người Anh cuối cùng bị giam giữ tại nhà tù Mỹ Guantanamo, sắp được trả tự do sau 13 năm bị giam vì cáo buộc khủng bố mà không bao giờ được xét xử. Aamer sẽ được thả trong vòng 30 ngày sau khi chính quyền Tổng thống Barack Obama thông tin Quốc hội Mỹ quyết định trả ông trở về nước Anh, nơi ông có vợ và 4 người con. Đây là kết quả của nhiều năm Anh và Mỹ tranh cãi mạnh mẽ quanh vấn đề tù nhân phạm tội khủng bố.

Shaker Aamer chào đời mang quốc tịch Arập Xêút và cưới vợ người Anh. Quân đội Mỹ tuyên bố Aamer có mối quan hệ khá chặt chẽ với những kẻ thù Hồi giáo của họ, cụ thể là trùm khủng bố Osama bin Laden. Chính quyền Mỹ tuyên bố Shaker Aamer đóng vai trò chủ chốt trong mạng lưới Al-Qaeda ở Anh và có mối liên kết với Barbar Ahmed (người bị buộc tội khủng bố ở Mỹ), Moazzam Begg (bị giam giữ tại Guantanamo mà không bao giờ bị buộc tội) và Abu Qatada (được cho là thủ lĩnh tinh thần của Al-Qaeda).

Aamer bị giam tại nhà tù Guantanamo từ ngày 13/2/2002 sau khi bị bắt giữ tại Tora Bora ở Afghanistan. Số phận của Aamer và gia đình ông ở London bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu sau ngày 11/9/2001 do Mỹ phát động.

Tù nhân Shaker Aamer.

Tổng thống Barack Obama được tin đã thông báo vụ thả Sharker Aamer đến Thủ tướng Anh David Cameron qua điện thoại hôm 24-9. Theo các nguồn quan chức cao cấp trong Bộ Quốc phòng Mỹ, quyết định thả Aamer được phê chuẩn sau khi chính quyền Anh có sự cam kết bảo đảm an ninh về đối tượng.

Một người phát ngôn ở London tuyên bố: "Chính quyền Anh thường xuyên nêu vụ án Aamer với chính quyền Mỹ và chúng tôi ủng hộ trách nhiệm đóng cửa nhà tù ở Vịnh Guantanamo của Obama".

Clive Stafford Smith - luật sư nhóm tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Anh và đại diện cho Shaker Aamer, nay 48 tuổi - cho rằng lẽ ra thân chủ của ông phải được trả tự do ngay lập tức. Luật sư cho rằng: "Shaker không phải và không bao giờ là phần tử khủng bố. Và ngay chính quyền Mỹ cũng từng thừa nhận Shaker trong sạch từ cách đây 8 năm. Tôi hy vọng giới chức Mỹ hiểu rằng Shaker đã bị tra tấn và ngược đãi trong hơn chục năm qua, và những gì mà thân chủ tôi muốn là nhanh chóng được đoàn tụ với gia đình để bắt đầu xây dựng lại cuộc sống".

Những người ủng hộ Shaker Aamer mô tả sự buộc tội của Mỹ là lố bịch và vai trò khủng bố của Aamer cũng được hủy bỏ sau nhiều năm người Mỹ sử dụng các biện pháp tra tấn ở Guantanamo đối với ông. Chính quyền Anh cũng cố gắng xoa dịu mối lo sợ của người Mỹ và hứa sẽ làm mọi điều cần thiết để bảo đảm không có mối đe dọa an ninh nào từ vụ trả tự do cho Shaker Aamer.

Moazzam Begg - người được thả khỏi Guantanamo năm 2005 và hiện là thành viên của Tổ chức nhân quyền Cage trụ sở tại London, Anh - tố cáo chiến dịch chống khủng bố Hồi giáo của phương Tây đã vi phạm nhân quyền: "Khó khăn lớn nhất bây giờ của Shaker là làm thế nào để lần nữa trở thành người chồng, người cha và một thành viên của xã hội. Câu chuyện của Aamer sẽ là trang đen tối trong lịch sử của Mỹ và Anh".

Shaker Aamer và hai con.

Được biết thời gian sớm nhất Shaker được trả tự do là ngày 25/10 tới. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter là người đặt ra hạn định 30 ngày để thả Shaker Aamer trình lên Quốc hội. Bà Kate Allen, Giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI), đánh giá cao quyết định trả tự do cho Shaker Aamer, tù nhân người Anh cuối cùng ở Vịnh Guantanamo.

Bà nói: "Shaker Aamer đã nhiều lần đứng ở cửa tử từ phong trào tuyệt thực phản đối nhà tù và sự trở về gia đình của ông ở Anh sắp xảy ra. Vấn đề phải giải quyết ngay lập tức là chăm sóc y khoa cũng như sự hỗ trợ khác cho Aamer. Nhưng mọi người đừng bao giờ quên rằng 13 năm bị giam cầm của Shaker Aamer chính là trò hề của công lý".

Tại nhà tù Guantanamo, tù nhân Aamer mang số 239 và nổi tiếng là người có tài hùng biện đồng thời đảm đương vai trò đại diện cho các tù nhân trong mọi vấn đề cũng như là người đi đầu trong phong trào tuyệt thực. Aamer từng là người phiên dịch cho quân đội Mỹ ở Arập Xêút trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất. Hiện vẫn còn hơn 100 tù nhân ở Guantanamo đang chờ đợi ngày nhà tù này đóng cửa.

An An (tổng hợp)
.
.