Vị thẩm phán kiên cường trong cuộc chiến bài trừ mafia

Thứ Tư, 15/11/2017, 11:05
Sáng nào thẩm phán Giovanni Falcone (1939-1992) cũng tự tay kéo những tấm rèm che cửa chống đạn nặng nề lên, rồi thận trọng nhìn từ bên trong căn hộ của mình hướng ra con đường Notarbartolo thuộc một khu phố nên thơ ở Palermo.

Bên dưới là lực lượng cảnh sát chuyên nhiệm canh gác nơi ông ở suốt ngày đêm: xe tuần cảnh, chốt gác bọc thép cùng 2 viên vệ sĩ lực lưỡng trấn giữ lối ra vào tòa nhà.

Nếu vị thẩm phán kỳ cựu cảm thấy mọi sự đều yên ổn, ông sẽ nhấc ống nghe điện thoại lên hạ lệnh cho nhóm hộ tống thường xuyên túc trực phía dưới. Họ gồm 7 người chia làm 4 xe, cùng G. Falcone khởi hành tới chỗ làm là Tòa án thành phố Palermo, thủ phủ đảo Sicilia - “cái nôi” của mafia Italia, được liệt vào dạng tổ chức tội phạm “thâm căn cố đế” nhất thế giới.

Họ đi xuyên qua thành phố, được còi hụ ưu tiên do xe cảnh sát dẫn đường. G. Falcone chỉ nhìn thấy được ánh mặt trời qua cửa kính xe chống đạn nhạt nhòa, trước khi “thu mình” lại trong văn phòng giữa 4 bức tường bọc thép dày, tọa lạc trên tầng 2 của tòa nhà được dùng làm trụ sở tòa án.

Đối thủ đáng gờm của Mafia

Nhân vật được canh phòng cẩn mật này chính là người chuyên trách nghiên cứu những hồ sơ liên quan đến mafia, vô hình trung ông đã biến thành một “đối thủ đáng gờm và bất trị” của chúng, cũng là một mục tiêu luôn nằm trong đầu ruồi vòng ngắm của bè lũ mafia bạo tàn. Không ai dám đánh cuộc là mafia sẽ “buông tha” G. Falcone, ông luôn sống trong cảnh ngàn cân treo sợi tóc.

Thẩm phán G.Falcone (thứ 2 từ trái sang) luôn được các vệ sĩ có vũ trang theo sát “như hình với bóng”.

Bất cứ lúc nào thẩm phán G. Falcone cũng có thể mất mạng cùng với trái bom gắn trong xe hơi, hoặc hứng trọn cả băng đạn tiểu liên như Tướng quân Carlo Alberto dalla Chiesa (1920-1982) hay quan tòa Rocco Chinnici (1925-1983) - những đồng nghiệp cự phách trong cuộc chiến nan giải chống mafia cùng ông.

Trong các cuộc phỏng vấn dành cho báo giới, G. Falcone luôn bất đồng với những “kiểu chết - biết trước” này… Nhưng thận trọng trong việc phòng thân cũng không phải là thừa, bởi ông có thành tích khiến bọn tội phạm đau đầu: tống cổ hàng trăm tên mafia vào nằm ấp, khám phá bóc trần và tịch thu sung công quỹ nhiều khoản tiền khổng lồ bất chính của chúng.

Các bức tường trong phòng làm việc của G. Falcone ken dày các tủ sắt đựng tài liệu (chỉ riêng hồ sơ về vụ ám hại Tướng C. Chiesa đã chiếm hơn một tủ rưỡi). Trên bàn làm việc là hàng chục xâu chìa khóa và một bảng điều khiển nhỏ, giúp ông nhấn nút đóng mở cánh cửa chính vào phòng. Falcone chẳng bao giờ đi xem phim cùng bà vợ là nữ thẩm phán Francesca Laura Morvillo (1945-1992) ngoài rạp, do rút kinh nghiệm từ vụ Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme (1927-1986), cũng như không đến các nhà hàng trong thành phố bao giờ.

Khi người ta mời ông tới dự tiệc tại một địa điểm danh tiếng nào đó, Falcone thường từ chối thẳng thừng: “Không, cám ơn! Ở đó không được… sạch sẽ lắm đâu!”. Rồi ông mời lại thực khách tới những chốn kín đáo hơn, qua 3-4 lần đổi xe một cách rối rắm họ tới Club của Vệ binh Tài chính, hoặc một căng tin nào đó trong doanh trại của lực lượng Carabinieri (Hiến binh Italia).

Tại những nơi đó, sau các bức tường kiên cố mà “một con chuột cũng không thể lọt qua”, giữa các cận vệ riêng tháp tùng. Falcone tha hồ cười nói, bông đùa, ăn uống. Luôn xoa bộ râu quai nón đặc trưng và gõ những ngón tay tròn trĩnh lên mặt bàn. Người ta kể thẩm phán G. Falcone thường bắt đầu lấy cung một tên sếp sòng mafia nào đó bằng câu: “Chúng tôi là thể chế nhà nước, chứ không phải các anh”, một nhận định luôn làm tụi mafia “phật lòng”.

Khối óc điện tử

Chỉ sau gần 3 năm bắt tay vào việc, thẩm phán G. Falcone đã tóm cổ được tên trùm ma túy Sicilia Gerlando Alberti với cái án 20 năm tù cấm cố. Ông cũng đã dồn vào chân tường những kẻ ám hại Tướng C. Chiesa - dòng họ Greco, cũng như giới chuyên gia tài chính của mafia trong thị trường trôi nổi phi pháp đang tồn tại ở Sicilia.

Tóm lại, đó là những tên đầu đảng của “các gia đình gặp vận đỏ” như bè lũ mafia thường gọi. Falcone còn lưu tâm tới 60 vụ án mạng và cũng chừng ấy vụ có nguồn gốc tài chính đáng ngờ khác, phanh phui 3 vụ thực sự là tiền bạc của mafia được gột rửa và tái đầu tư trở lại. “Trong người Falcone chảy dòng máu rắn”, một vị Đại tá Hiến binh Italia nhận xét.

Một nguồn tin mật của cảnh sát cho biết: vào ngày 26-7-1983, Chánh thanh tra của Ủy ban Quốc gia về chống mafia De Franchesco và thẩm phán Giovanni Falcone sẽ bị “thổi” lên trời, qua một lối ám sát tân kỳ mới của mafia là bom điều khiển từ xa.

Thực ra 3 ngày sau, quan tòa R. Chinnici cùng 2 cận vệ và một người gác cổng đã thiệt mạng bằng chính “kiểu mới” đó…

Từ đấy Falcone không hề chợp mắt, vừa tăng cường vấn đề an ninh, vừa đi một nước cờ quyết định nữa giáng vào mafia nhằm bảo vệ danh dự của nhà nước chấp chính. Nhà thẩm phán tài ba tiến hành hỏi cung không nghỉ 15 tên boss (sếp sòng) mafia trong một ngày đêm liên tục.

Toàn cảnh hiện trường vụ ám hại thẩm phán G. Falcone.

“Ông ấy có một khối óc điện tử”, những người cộng sự của Falcone nhận định. Falcone hoài nghi tất cả, không hé răng cho ai biết là mình sẽ đi tới đâu trong khoảng thời gian kề cận. Khuya nào cũng vậy, tự tay ông lên danh sách các cận vệ tháp tùng trong tổng số 70 người thuộc đội bảo vệ; và tới phút cuối cùng mỗi sáng mới quyết định sẽ tới sở làm bằng lối nào. Falcone ghi nhớ và phân tích nằm lòng những khả năng cùng cách thức mà mafia có thể dùng để triệt hạ ông. Ông muốn làm đảo lộn mọi kế hoạch của chúng, “xỏ mũi” chúng. Bạn bè của Falcone luôn tin rằng sách lược an ninh của ông là khó phá vỡ nổi…

Ông cũng luôn giấu kín đời tư: chẳng ai biết nổi là ông sống với ai. Không cho phép các phóng viên nhiếp ảnh cũng như viết bài tự tiện vào phòng mình. Falcone hầu như không xuất hiện trước công chúng, còn các phương tiện truyền thông chỉ đưa những mẩu tin ngắn ngủi về ông. Falcone đã áp dụng các bí quyết của mafia trong việc phòng thân. Có lần ông nói với một cộng sự cao cấp ở thủ đô Roma:“Đâu là con chủ bài của tôi ư? Tôi là người Sicilia, là dân Palermo chính cống. Hòn đảo này đã ăn sâu vào tôi… Khi tôi nghĩ tới các kế hoạch của mafia, tôi luôn tự đặt bản thân mình vào đó: “Mình sẽ làm gì? Sẽ xử sự thế nào đúng như một tên mafia nhà nòi?”.

Nôm na là tôi đã học cách nghĩ như chúng, “gậy ông đập lưng ông”, chẳng còn cách nào hữu hiệu hơn để giữ được bộ da của mình, nếu bạn muốn “ve vuốt” con hổ vằn mafia này. Tập tục của mafia dựa trên mọi thứ từ nhỏ đến lớn. Chúng cân nhắc mọi vấn đề một cách tỉ mỉ chu đáo, hầu như không có gì là thừa cả!”. Thẩm phán G. Falcone luôn nhận được những lời đe dọa từ mafia và ông lịch thiệp đón nhận chúng, bởi theo Falcone thì “những lời hăm dọa nặc danh giống như một lời khuyên, hay đúng hơn là sự tỏ lòng ngưỡng mộ”.

Bàn tay sắt

Theo G. Falcone thì những “cộng sự đắc lực nhất” của mafia là giới trí thức, các ký giả, công chức, luật sư… thường bu lại kiếm chác quanh các “sự kiện mafia” cố hữu. Họ phổ biến những luật lệ về danh dự và báo thù của dân bản xứ Sicilia, ca ngợi những bản chất đặc thù của nó, chẳng khác gì hơn là tuyên truyền không công cho chúng.

Là một vị quan tòa sáng suốt, ông đủ minh mẫn để phân tích các sự kiện và xử lý tùy theo cấu trúc của các dạng mafia: dòng họ, tổ chức, truyền kiếp… để bảo đảm cho công tác phá vỡ chúng. Những “át chủ bài” khác của Falcone: Đạo luật La Torre mang tên nghị sĩ Cộng sản Pio La Torre (1927-1932), một nạn nhân của mafia bị chúng ám hại trước Tướng C. Chiesa ít lâu.

Theo quy định của luật này, lực lượng Vệ binh Tài chính (một sắc cảnh sát chuyên khám phá các vụ tội phạm về tài chính) có quyền điều tra những nguồn gốc xuất xứ đáng ngờ, sự “phất lên” một cách phi pháp và thậm chí có thể phong tỏa tài sản, cũng như tiền bạc gửi tại các ngân hàng nghi là của mafia.   Falcone đã khám phá và phân tích ra một sự thật tàn nhẫn: sự song hành giữa Brigate Rosse (lữ đoàn Đỏ) và mafia.

Cả 2 tổ chức đều tiến hành một cuộc chiến trắng trợn chống lại nhà nước. Chúng bắn giết người vô tội vạ không chỉ nhằm gạt bỏ các đối thủ, mà còn là phương cách thể hiện sự vượt trội trong cuộc ganh đua giữa 2 tổ chức tội phạm với nhau. Cả 2 nhóm tội phạm cộm cám này không còn các ý niệm về đạo đức cũng như giáo lý nữa. Một tên mafia khi bị hỏi cung thường từ chối trả lời với câu “Tôi không có trả lời các ông đâu, bởi tôi là nạn nhân của sự bất công”(?!).

Y như lúc tên khủng bố thuộc lữ đoàn Đỏ nói: “Tôi là tù nhân chính trị” vậy. Nhưng cũng tồn tại sự khủng hoảng trong các băng nhóm nên có tới 30% bọn tội phạm đã chịu mở miệng, làm lung lay những nền tảng từng là kỷ luật thép trong mafia. Và cuối cùng, như bọn khủng bố với cái chết của đương kim Thủ tướng Aldo Moro (1916-1978) - “bộ khung” của nền chính trị Italia, mafia đã giết Tướng C. Chiesa với ước vọng vượt xa hơn? Một bằng chứng về sự “bon chen” giữa chúng vẫn ngấm ngầm tồn tại.

Đừng có ai mơ hồ rằng mafia hay lữ đoàn Đỏ đã bị xóa sổ, sẽ có ngay những băng nhóm khác thậm chí tàn bạo hơn sẵn sàng lấp chỗ trống khi cần. Nạn khủng bố trên đảo Sicilia có những cội nguồn xa xưa: trả thù, hãm hại là một trong những tôn chỉ của mafia.

Thẩm phán G. Falcone được hậu thuẫn bởi các đồng nghiệp trong ngành nội chính Italia, có Đạo luật La Torre giúp sức và cả sự cảnh tỉnh của dư luận xã hội tiến bộ, nhất là ở các vùng phía bắc đất nước chống lại những băng đảng tội phạm truyền thống. Tại vì phần nam của Italia, nơi mà giới chính khách giàu có cùng tầng lớp trên của xã hội không ngại ngùng bông phèng trong các dịp tụ tập thượng lưu về sự tụt hậu chung: “Hòn đảo Sicilia đang trôi dần xuống… Phi châu”.

Không! Nhiệm vụ của G. Falcone không bao giờ được coi là nhẹ nhàng và đơn giản cả. Mafia bất chấp hết thảy vẫn giương những cái vòi bạch tuộc quỷ quái của chúng ra hút tiền của của nhà nước và dân chúng, làm hỏng tầng lớp công chức, ngang nhiên lộng hành giữa ban ngày. Mafia cũng thâm nhập vào cả nhà tù nữa. Tại nhà tù Uchardone nổi tiếng trên đảo Sicilia, chúng làm tê liệt Ban quản giáo.

“Không thể tưởng tượng nổi được nữa - nhiều cộng sự của Falcone hổ thẹn nói - Những tên mafia danh tiếng nhất trong các xà lim cách ly luôn được mặc sơ mi tơ lụa, thịnh soạn dùng bữa trên những chiếc bàn phủ nỉ cùng đồ ăn thức uống đắt giá. Tha hồ xem phim khiêu dâm và bôi mỹ phẩm Pháp. Những khoản tiền ngốn hàng triệu bạc chỉ dành để chúng tiêu khiển lấy lại sức, những lượng tiền khổng lồ đối với giới phạm nhân bình thường khác. Nếu sự việc cứ tiếp tục như vậy thì làm sao loại trừ được mafia?”.

Biểu tượng của cuộc chiến chống mafia

Sau hơn 10 năm “phục kích”, cuối cùng mafia đã ám hại người thẩm phán kiên cường vào ngày 23-5-1992. Bất chấp những biện pháp an ninh đề phòng nghiêm ngặt, chúng vẫn biết được chính xác ngày giờ ông dùng các phương tiện vận chuyển tuyệt mật trở về Palermo sau một chuyến công cán.

Một khối thuốc nổ khổng lồ đã được ém sẵn cùng bộ điều khiển chính xác tới từng giây, cho dù đoàn xe hộ tống ông từ phi trường quân sự Palermo phóng với vận tốc tối đa. Các “chuyên viên” của mafia phát hỏa đúng lúc bằng cú nổ khủng khiếp, bốc chiếc xe bọc thép chở ông, bà vợ với 3 người cận vệ cùng đoạn đường lộ trải bê tông tung vào không trung. Thẩm phán G. Falcone đã ngã xuống ngay trên chiến hào của trận tuyến mà ông trọn đời dốc sức, thân thể và hương hồn ông quyện lẫn với đất mẹ Sicilia tang thương. Bọn tù nhân trong nhà ngục Ucciardone hò reo khi hay tin Falcone tử nạn…

Chưa đầy 2 tháng sau, đến lượt người kế nhiệm G. Falcone là thẩm phán Paolo Borsellino (1940-1992) bị mafia “hành quyết” khi đi thăm mẹ. Hai vụ án mạng liên tiếp giáng vào nền công lý Italia. Cả châu Âu bàng hoàng nhức nhối về “khối u” mafia chưa thể cắt bỏ được.

Hiển nhiên là có người của mafia hiện diện trong giới đáng được tin cậy nhất, kể cả quan chức chóp bu hay đội ngũ cận vệ riêng; chứ không làm sao mafia biết rõ những thông số siêu mật chính xác về an ninh cho cả 2 vị quan chức tư pháp vốn hết sức cẩn trọng? Cuộc đấu tranh dai dẳng vẫn tiếp tục, mafia luôn là một bóng ma ám ảnh với những nỗi kinh hoàng trong đời sống thường nhật của mọi người.

Quang Phú (theo la Repubblica)
.
.