“Viên giấy”, “bánh lười”, “cỏ Mỹ” đang kéo ngã giới trẻ

Thứ Ba, 27/10/2015, 07:15
Chuyên đề ANTG đã phản ánh hiện trạng “cỏ Mỹ” (một loại ma túy mới xuất hiện) đang tấn công vào giới trẻ ở Hà Nội và nhiều thành phố lớn khác. Từ thông tin của bạn đọc và qua quá trình tìm hiểu của chúng tôi, ngoài cỏ Mỹ thì hiện tại đang có một số loại ma túy khác như "viên giấy", "bánh lười"… cũng đang làm mưa làm gió không chỉ với trong giới "cậu ấm cô chiêu" lắm tiền mà còn thâm nhập vào học đường, khiến cho những "thiên thần áo trắng" có thể bị sa ngã bất cứ lúc nào…

1. Khoảng 2 năm trở lại đây trong "danh mục" của những kẻ chuyên buôn bán các chất gây nghiện ở Hà Nội xuất hiện loại bánh được quảng cáo là "đặc sắc hơn thuốc bắc". Theo như lời quảng cáo của một đầu nậu thì: "Giống như những chiếc bánh brownie vẫn bán trên thị trường, bánh này có mùi thơm của socola, vị ngọt của nho khô… thực sự là một thứ bánh dành cho những teen "sành điệu"…

Hoàng Giang (trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - một dân chơi Hà thành vào loại "có số có má", cho chúng tôi biết “bánh lười” thực chất là một loại ma túy được bào chế dưới dạng bánh brownie (một loại bánh ngọt phổ biến ở Châu Âu). "Nguyên liệu" để làm bánh gồm phần búp của cây tài mà (còn gọi là pin, cỏ) xay nhuyễn rồi trộn với bơ. Hỗn hợp này tiếp tục được trộn với bột mì, trái cây khô, sôcôla… rồi nướng thành bánh. Khi ăn, chất ma túy sẽ ngấm nhanh vào máu khiến cho người sử dụng có cảm giác "phê", đầu óc được giải phóng, cảm thấy mình thật hoành tráng, thậm chí… "vĩ đại", cao thượng!?

Đặc biệt, tác dụng phụ của loại ma túy này là khiến cho người sử dụng dễ buồn ngủ, chỉ thích nằm (ngồi) một chỗ và… cười. Chính vì thế mà nó có tên là "bánh lười" (hay "lazy cakes").

Ma túy “bánh lười”.

Cũng theo Giang, từ năm 2012 “bánh lười”  đã du nhập vào Việt Nam qua các du học sinh. Và càng ngày càng được giới học sinh sinh viên ưa chuộng. Ưu điểm của nó là dễ sử dụng và rất dễ "qua mặt" các vị phụ huynh khó tính.

Theo giới thiệu của Giang, tôi lên mạng Internet để "đặt hàng" với một đầu nậu chuyên đánh hàng từ nước ngoài về Việt Nam. Tuy nhiên, đối tượng này tỏ ra cảnh giác khi hỏi tôi pass - nghĩa là phải đọc đúng mật khẩu thì mới được đối tượng bán bánh. Tuy thất bại trong việc giao dịch song tôi đã được biết đến “bánh lười”  qua clip "hand on" (trên tay) một chiếc "lazy cakes" nhập ngoại.

Trong clip là một giọng nam thanh niên, có vẻ khá hào hứng trong việc giới thiệu về chiếc bánh này: "Trên vỏ chiếc bánh có lời hướng dẫn là nó dùng cho 3-4 người ăn và có hiệu lực trong vòng 60 phút. Có ghi chú thêm là ăn bằng đường miệng sẽ hiệu quả hơn là đường hút...".

Giang có mấy đứa em họ thì tất cả đều là "con nghiện" của “lazy cakes”. Số này có Trường - một du học sinh tại Canada. Trường kể lại trận "bết xê lết" khi đầu tiên làm quen với “bánh lười”. Đúng vào một hôm đói, Trường xơi một lúc nửa chiếc brownie (được tẩm gia vị là búp cỏ) kèm theo một cốc bia.

Sau vài giờ, Trường thấy người mềm nhũn mà toàn thân nặng trịch như đống thịt nhão. Mắt thì cứ hoa lên, đầu óc quay cuồng. Nằm trên giường mà muốn nhấc cánh tay lên cũng không tài nào nhấc được, cố gắng xoay người mà cũng không thể xoay được.

Trường cố bò ra mép giường thì thấy như đang bên… bờ vực thẳm. Cố gắng lết xuống đất rồi thì chỉ có thể bò trên sàn như đứa trẻ con tập lẫy, không tài nào ngồi dậy được. Cố lết ra được toa lét thì phải móc họng mà nôn sạch bách dạ dày thì cảm giác "phê" mới bớt. Cho đến sáng hôm sau, Trường vẫn có cảm giác mình như bị bệnh thần kinh. Không tài nào mở được mắt như bình thường, và ai hỏi gì cũng đều cười hềnh hệch.

Lan Phương, sinh viên Trường đại học Thăng Long lại biết đến “bánh lười”  qua một người anh họ. Cậu ta đã tự trồng lấy "cỏ" ở mấy chậu cây cảnh trên sân thượng ngôi nhà đang ở. Khi cây ra búp thì cậu chàng hái về chế biến thành bánh lười. Cậu chàng còn không quên xào cỏ với thịt bò và hành tây, thậm chí nấu phở cũng phải cho một vài cành cần sa vào mới thấy ngon! Lẽ ra Phương cũng chẳng quan tâm đến món “bánh lười” nếu không vì một lần buồn chuyện tình cảm. Bị bạn trai bỏ rơi, Phương đã tìm đến người anh để chén món bánh được quảng cáo là "xua tan nỗi buồn". Thế rồi nghiện lúc nào không hay.

Trên một website nước ngoài, “lazy cakes” đã được các bác sĩ đưa ra nhiều khuyến cáo về tác hại đối với sức khỏe của con người. Theo đó, thành phần chính của “bánh lười” là “cỏ”, có chứa chất melatonin. Thực tế là melatonin là một thần kinh nội tiết tố được sản xuất trong cơ thể và giúp chúng ta dễ ngủ hơn.

Nhưng số lượng melatonin trong “bánh lười” thường nhiều gấp đôi so với số lượng được đề nghị cho sử dụng để giúp những người bị mất ngủ. Quá nhiều melatonin có thể gây suy hô hấp tạm thời và khiến cho người dùng lâm vào trạng thái mê man.

Và mặc dù trên mỗi chiếc bánh đều có hướng dẫn sử dụng là "chỉ dành cho người lớn" (trên 18 tuổi), song vẫn khó mà ngăn được lứa học sinh trung học sử dụng. Các bác sĩ cũng khuyến cáo “bánh lười” là một loại thuốc nguy hiểm phải được giám sát chặt chẽ của người lớn, bởi khi cơ thể hấp thu quá nhiều melatonin có thể gây tử vong. Ước tính một chiếc bánh lười có chứa hàm lượng melatonin gấp cả chục lần so với lượng melatonin được sản xuất trong cơ thể của một người.

"Viên giấy" - bản chất là một ma túy cực mạnh.

2. Ngoài sự len lỏi của loại ma túy "cỏ Mỹ", "bánh lười" thời gian gần đây trong "danh mục" hàng "khủng" dành cho giới ăn chơi xuất hiện thêm một loại "thần dược" gây ảo giác cực mạnh. Nó là LSD (tên đầy đủ là Lysergic Acid Diethylamide) hay còn được gọi là "viên giấy".

Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) Công an TP Hà Nội, LSD là loại ma túy tồn tại ở dạng viên nhộng, viên nén. LSD gây ảo giác mạnh, khiến mắt người sử dụng bị khuếch đại, sai lệch về các hình thể, lẫn lộn độ gần xa, không phân biệt được sự tiếp giáp giữa sáng tối, đặc biệt là vùng tiếp giáp về màu sắc.

Người sử dụng LSD sẽ mất đi cảm giác sợ hãi, làm được những việc mà người bình thường không làm được như nhảy từ độ cao hàng chục mét. Nó cũng khiến người sử dụng dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội. LSD là một chất gây nghiện, đã bị cấm lưu hành ở nhiều nước trên thế giới.

Trên thị trường, LSD chủ yếu xuất hiện ở dạng "viên giấy" - là giấy được sao tẩm LSD. Mỗi miếng giấy tẩm LSD thông thường có kích thước 1,5 x 1,5cm. "Viên giấy" được gắn một lớp nilon mỏng có khả năng tan trong nước và chất cồn, đặc biệt nó có tác dụng trực tiếp đến cơ thể người sử dụng thông qua cơ quan vị giác  là lưỡi. Thời gian để "viên giấy" tan hết trong miệng thường là 3 giờ, song chỉ cần ít phút từ khi ngậm nó, "thuốc" sẽ tác dụng trực tiếp lên não người sử dụng.

Một page trên mạng xã hội Facebook chuyên giao dịch “viên giấy”.

Các "dân chơi" sử dụng "viên giấy" không thể thoát khỏi những tác dụng của thuốc trong khoảng thời gian từ 6-12 tiếng. Lúc này, hoặc là họ thấy thích thú, hưng phấn, những người khác lại có thể thấy hoảng sợ.

Cũng theo Trường, trong thời kỳ du học ở nước ngoài cậu ta đã nhiều lần được tiếp xúc với "viên giấy". Trường kể lại với chúng tôi một cách hào hứng: "Đám dân chơi thường gọi mỗi cuộc chơi LSD là một "trip" (một cuộc đi chơi, cắm trại) vì LSD gây ảo giác đến nỗi cảm giác đưa ta vào một thế giới hoàn toàn khác. Mỗi một "trip" được chia làm bốn giai đoạn.

Đầu tiên là giai đoạn "ngấm". Trong đầu người chơi lúc này xuất hiện những đường viền, những hình ảnh ảo nối đuôi nhau sau những vật chuyển động, mặt phẳng thì như lượn sóng, kiểu như đang "thở". Tiếp đó là giai đoạn "giữa". Sau khoảng một giờ sử dụng “viên giấy” ảo giác bắt đầu tăng. Những thứ không có thật bắt đầu xuất hiện. Đó là những đường thẳng uốn lượn, màu sắc sặc sỡ. Thứ ba là giai đoạn "lên đỉnh".

Lúc này con nghiện cảm thấy thời gian chậm lại, ngừng trôi; cảm tưởng như mình đang ở thế giới khác, phong phú sặc sỡ. Đối với một số người thì họ thấy thích thú, nhưng đa phần số khác thấy hoảng sợ. Nhiều trường hợp ghi nhận rằng "ảo" và "lú" đến mức họ cảm tưởng nghe thấy những âm thanh chát chúa và hình ảnh ghê rợn từ cõi âm ty hiện về. Cuối cùng là giai đoạn "xuống". Sau chừng 5 giờ đồng hồ thì dân chơi bắt đầu tỉnh tỉnh, 8 tiếng sau thì thuốc bắt đầu tan.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, “viên giấy” là một trong những loại ma túy "đầu bảng" và kén người chơi. Sự tồn tại của nó ban đầu chỉ ở trong một nhóm nhỏ dân chơi. Sau dần dần mới len lỏi vào các học sinh sinh viên có điều kiện. Theo dõi trang "Thế giới L…" trên mạng xã hội Facebook, có thể thấy admin (người điều hành) của trang này tỏ ra khá kín đáo. Việc mua bán kém rầm rộ hơn các trang bán cần sa, “cỏ Mỹ”. Mọi giao dịch đều qua inbox (tin nhắn riêng) chỉ hai người với nhau. Cũng vì thế mà rất khó phát hiện, khám phá.

LSD thuộc nhóm chất gây ảo giác cao, kích thích mạnh tới bộ não, có thể gây ra bệnh tim mạch, đau cơ không chỉ trong lúc sử dụng "thuốc" mà có thể sau thời gian sử dụng. Người sử dụng "thuốc" sẽ nhanh chóng bị kích động mạnh, những thứ không có thật bắt đầu xuất hiện. Giai đoạn cao trào, người sử dụng cảm tưởng như mình đang ở… thế giới khác.

Tiến sĩ, bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương cảnh báo việc điều trị cho người nghiện “cỏ Mỹ”, ma túy “bánh lười”, “viên giấy”… là rất khó khăn. Qua xét nghiệm lâm sàng cho thấy không ít người nghiện đến điều trị tại bệnh viện thường sử dụng lẫn nhiều loại ma túy khác nhau. Lúc đầu họ dùng ma túy đá (Methamphetamin); sau đó tiếp tục dùng “cỏ Mỹ”, “bánh lười”…

Cách sử dụng như vậy ban đầu có vẻ "hợp lý". Đó là khi sử dụng ma túy đá, người nghiện có cảm giác chán ăn và nhanh chóng bị giảm cân. Khi chuyển qua dùng “cỏ Mỹ” họ thấy tăng cân trở lại nên tỏ ra hào hứng. Nhưng theo bác sĩ Hùng điều này cực kỳ nguy hiểm. Bởi sự tác động liên tục của các loại ma túy sẽ khiến cho não bộ bị tổn thương rất nặng. Việc điều trị cũng sẽ trở nên phức tạp bội phần.

Minh Tiến
.
.