Chiến dịch tuyên truyền của Hitler đã bị đánh bại như thế nào?

Thứ Tư, 26/04/2017, 13:55
Tiến sĩ Vike Martina Plock thuộc khoa Anh ngữ tại Đại học Exeter trong thời gian thực hiện nghiên cứu tại Trung tâm Lưu trữ Bản quyền BBC tại Công viên Caversham (Reading, Anh) đã phát hiện ra bản ghi nhớ "chiến lược truyền thông để giành lấy trái tim và trí óc của người Đức" trong khoang chứa các tài liệu lưu trữ nghiên cứu của tập đoàn truyền thông BBC.


Thời gian này,  mặc dù chính quyền Đức Quốc xã đã sử dụng các nhà truyền hình như William Joyce - biệt danh Lord Haw-Haw- để truyền tải thông điệp về sự bất khả chiến bại của Đức, BBC lại chọn phát sóng tin tức chi tiết về những thất bại quân sự của Anh với tiêu chí "Nói ra sự thật không tô vẽ", và đây là một chiến lược tưởng chừng đơn giản nhưng mang lại hiệu quả to lớn.

Năm 1937, Ngoại trưởng Anh Anthony Eden từng đưa ra nhận xét về phương thức truyền thông mới: "Thật hiển nhiên và hoàn toàn đúng khi nói rằng truyền bá văn hóa không thể giúp khắc phục những thiệt hại mà chính sách đối ngoại yếu kém đã gây ra, nhưng cũng không quá khoa trương khi nói rằng kể cả những chính sách ngoại giao tốt nhất cũng thất bại nếu sao nhãng công tác diễn giải và thuyết phục-những điều mà bối cảnh hiện đại đòi hỏi".

Năm 1938, vào thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng Munich, lãnh đạo hãng tin BBC muốn dịch vụ phát thanh bằng tiếng Đức trở thành một nguồn tin đáng tin cậy với thính giả qua những bản tin tường thuật trung thực các diễn biến quân sự, kể cả những thất bại của quân đội Anh.

Ví dụ bài tường thuật ngày 6-4-1940- nhiều ngày trước cuộc xâm lăng Na Uy- trong đó đưa tin Hải quân Đức đánh chìm 52 tàu Na Uy, làm tử nạn 392 người, vụ Đức ném bom xuống Toulon vào ngày 27-11-1942 hay vụ tháo chạy vội vã của hạm đội Pháp để tránh bị bắt… Chính sách "chỉ nói sự thật" dường như đã tạo ra nhiều thuận lợi.

Thủ tướng Winston Churchill châm một điếu xì gà trước khi tham dự chương trình phát thanh của BBC năm 1943.

Bất kể những nỗ lực gây nhiễu sóng các chương trình và xử tử nhiều thính giả ở Đức đã "dám mở nghe sóng phát thanh của kẻ thù", BBC đã nhanh chóng trở thành một trong những nguồn thông tin quan trọng nhất cho những người sống dưới sự cai trị của Đức quốc xã.

Trong vô số các chương trình phát sóng tới Đức tăng lên đột ngột trong thời chiến có những chương trình bình luận theo chủ đề lẫn châm biếm chính trị và âm nhạc. Một chương trình dùng Hitler chống lại Hitler, phát lại các bài phát biểu của ông ta để nhấn mạnh cách ông ta thường xuyên mâu thuẫn với chính mình.

Ngày 1-8-1936, trùm phát xít Hitler khai mạc sự kiện thể thao Thế vận hội Olympic lần thứ 11 diễn ra tại Berlin trước khi bắt đầu nghi thức rước đuốc bằng bài diễn văn mang thông điệp mang đầy tinh thần thượng võ: "Olympic là cuộc đấu mang tinh thần thể thao và là chàng hiệp sĩ thức tỉnh những cốt cách tốt đẹp nhất của con người. Nó không gây chia rẽ mà đoàn kết các chiến binh trong sự hiểu biết và tôn trọng. Nó cũng giúp kết nối các quốc gia trong tinh thần hòa bình. Đó là lý do vì sao ngọn lửa Olympic không bao giờ tắt".

Các nhà bình luận của BBC đánh giá: Hitler thực tế chỉ đang đưa ra một thông điệp tuyên truyền cho đảng Quốc xã. "Lễ rước đuốc được đảng Quốc xã dành sự quan tâm vô cùng lớn nhằm tạo nên hình ảnh một nước Đức hiện đại, năng động về kinh tế, với ảnh hưởng quốc tế ngày một sâu rộng. Nhà tổ chức Olympic 1936, Carl Diem, thậm chí còn xây dựng lễ rước đuốc dựa trên một nghi lễ của người Hy Lạp cổ đại có từ năm 80 trước công nguyên, với dụng ý kết nối các thế vận hội cổ đại với đảng Quốc xã. Ý tưởng này hoàn toàn phù hợp với niềm tin của đảng Quốc xã rằng, người Hy Lạp cổ đại thuộc chủng tộc Aryan, tổ tiên của người Đức hiện đại.

Và sự kiện đó là sự kết hợp hoàn hảo giữa hành động bóp méo lịch sử với việc công khai sức mạnh của nước Đức đương đại". Bản tin của BBC còn đưa ra một phát hiện: Ngay chính ngọn đuốc dùng cho nghi lễ rước đuốc là do Krupp Industries, một nhà cung cấp vũ khí chính cho phát xít Đức, sản xuất.

Quả thật, Thế vận hội Olympic 1936 đã chứng kiến không ít sự bất công. Bất chấp việc Hitler rêu rao rằng, sự kiện này "là cuộc đấu của tinh thần thể thao, hiệp sĩ đoàn kết các chiến binh trong sự thấu hiểu và tôn trọng", những nhà tổ chức của thể chế Quốc xã đã cố gắng ngăn cản người Do Thái và da màu tham gia thi đấu. Chi tiết này được Andrew Nagorski, phóng viên kiêm tác giả viết sách, từng kể trong một cuốn sách của mình rằng tờ báo chính thức thuộc đảng Quốc xã là Volkischer  Beobachter thậm chí còn đăng một tuyên bố "Việc để những người da trắng và da màu cùng nhau tranh đua là điều xấu hổ và phỉ báng đối với tinh thần Olympic".

Người qua đường tụ tập bên ngoài một cửa hàng ở Berlin vào năm 1940 để nghe bản tin của quân đội Đức - nhiều người trong số họ chuyển qua nghe bản tin BBC.

Trong suốt Thế vận hội năm đó, Hitler đã liên tục ca ngợi vang dội những thành tích khi người Đức giành chiến thắng, và không bình luận gì khi vận động viên các nước khác hay vận động viên da màu giành giải. BBC "chộp" ngay lấy tuyên bố của Hitler: "Thật không công bằng khi nước Mỹ cử tới các phiên bản mẫu kém cỏi để so kè với những sản phẩm thượng hạng của nước Đức… Tôi sẽ bỏ phiếu chống người da màu tham gia sự kiện trong tương lai".

Ở một chương trình khác, một bà nội trợ thuộc giai cấp lao động ở Berlin kể cho thính giả một số sự thật về cuộc sống gia đình hàng ngày ở Đức. Các nhà sản xuất của BBC tin rằng, nhân vật này có thể giúp họ chỉ trích nhẹ nhàng các lãnh tụ Đức quốc xã theo cách có liên quan đến các gia đình bình thường ở Đức.

Nhưng trên hết, tin tức chính xác là chiêu thức hàng đầu thu hút thính giả Đức. Một bản ghi nhớ của BBC được đánh dấu "mật" ngày 23-3-1942 ghi lại: "Có khoảng 80 chương trình phát thanh tuần này bằng tiếng Đức, trong đó khoảng 75 chương trình được thực hiện bởi phát ngôn viên người Anh. Các chương trình phát thanh được sắp xếp "phát lại" nhiều lần trong ngày để bảo đảm thính giả Đức có thể nghe đài BBC suốt cả ngày.

Tin tức trở thành thỏi nam châm thu hút khán giả và các cuộc trò chuyện tiếp theo sau đó cũng thu hút được thính giả lắng nghe. Mục tiêu hàng đầu là tin tức bất kể tốt hay xấu đều cần trung thực, và trong thực tế những tin xấu thường được trình bày trước. Bằng cách này, mỗi bản tin sẽ kết thúc bằng một tin tốt hơn. Chính sắc thái của "những món dọn lên cuối cùng mới để lại dư vị trong miệng", việc phát sóng tin xấu trước đã giúp BBC lấy được lòng tin của thính giả với tuyên bố trung thực, đây là cơ sở cho ngành truyền thông của họ.

Mặc dù BBC có sử dụng một số trí thức Đức sống lưu vong ở Anh, chẳng hạn các cộng tác viên chủ đề và dịch giả, nhưng các phát thanh viên tin tức hầu như chỉ là người Anh. Tiến sĩ Vike Martina Plock, với công trình nghiên cứu được Quỹ Leverhulme Trust tài trợ, nói rằng đài phát thanh lo ngại tính khách quan và tính trung lập sẽ bị ảnh hưởng nếu các công dân phản kháng Đức Quốc xã hoặc những người tị nạn chính trị được phép nói chuyện trực tiếp với các thính giả ở Đức.

Theo Tiến sĩ Plock, thật hấp dẫn khi BBC cung cấp cho công chúng Đức thông tin chính xác trong chiến tranh và từ đó bắt đầu giáo dục lại cho những cá nhân đã sống 12 năm - bất kể tự nguyện hay không tự nguyện - trong sự tuyên truyền của Đức quốc xã. Để đạt hiệu quả cao nhất trong việc vạch trần tuyên truyền của Đức quốc xã là rỗng tuếch, dối trá và dạy cho những thính giả tiếng Đức trở thành những công dân có trách nhiệm của một châu Âu hòa bình và thống nhất, thì BBC phải lấy được lòng tin của thính giả.

Việc đưa tin không thiên vị là rất quan trọng, ngay cả khi phát sóng thông tin về những thất bại của quân đội Anh. Những thính giả nghe những bản tin này đã có xu hướng tin vào sức mạnh quân sự của Anh. Nếu Phe Đồng minh có thể công khai thừa nhận thất bại, mọi người ắt tin rằng họ phải cực kỳ tự tin, và luôn tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng của họ đối với Đức quốc xã".

Đối kháng lại sự giả trá và ngạo mạn của bộ máy tuyên truyền của Hitler là việc trình bày các sự kiện thật giản dị và thẳng thắn. Thủ tướng W. Churchill cũng hiểu rõ điều này hơn ai hết nên ông bao giờ cũng trình bày trước Hạ viện Anh tình hình nặng nề mà các thành phố Anh đã gánh chịu sau những trận dội bom của không lực phát xít cũng như không hề che giấu các tin thất trận đầu tiên của quân lực Anh tại Ai Cập.

Đáng lẽ phải dùng cụm từ "chiến tranh vinh quang", Churchill lại hứa với dân Anh là sẽ phải "đổ mồ hồi, máu và nước mắt". Và sự thẳng thắn này lại có lợi hơn những lời hoang tàng khoác lác. Tương tự như vậy, các bài báo về cách người Anh góp phần vào nỗ lực chiến tranh đã được BBC sử dụng để nhấn mạnh niềm tin vào chiến thắng của nước Anh.

Một bài viết nội bộ của BBC về các bản tin và các chương trình ở Đức phát sóng từ ngày 5 đến 10-5-1941 cho biết: "Sự chắc chắn chiến thắng của chúng ta dựa trên các xét đoán về mặt đạo đức và vật chất. Có quá ít người nói về thái độ của Anh đối với việc bị kẻ thù đánh bom, bởi vì chúng ta chắc thắng, chúng ta có thể chịu đựng được nhiều vụ không kích và dội bom".

BBC cũng theo dõi các bài viết phản hồi trên báo chí và đài phát thanh của Đức. Một bản ghi nhớ có chú thích như sau: "Sự phóng đại, kích động, đe dọa và quá đáng dưới mọi hình thức đã được (BBC) né tránh. Đó là một cái bẫy mà Liên Xô (cũ) suýt lọt vào đó. Có bằng chứng cho thấy người Đức nghe nhiều thông tin của Anh, nhưng không nghe tin của Liên Xô. Một vài vụ truy tố đã diễn ra trong một ngày tại một nơi ở Đức và hai trong số những người bị kết án thừa nhận họ nghe đài BBC ở chốn công cộng".

Trong suốt thời gian Chiến tranh Thế giới lần thứ II, BBC là đài phát thanh được lắng nghe nhiều trên thế giới. Không chỉ người Anh, người Đức cùng hàng triệu người châu Âu theo dõi từng buổi phát sóng của kênh thông tin này. Lợi dụng thế mạnh này, vào phần mở đầu của một số chương trình, BBC đã gài thêm một số "thông điệp cá nhân". Những thông điệp này chính là các thông tin được mã hóa để gửi tới các nhóm kháng chiến trên khắp châu Âu.

Với hầu hết người nghe, các thông điệp trên không có nội dung gì đáng chú ý, nhưng với một số ít người, chúng có thể bao hàm những nội dung như "thổi bay một đoạn đường ray xe lửa", hoặc có thể là "một đặc vụ tình báo Anh sắp tới đó". Thông điệp bí mật được chờ đợi nhất của BBC là khi ngày D-Day gần kề (ngày quân Đồng minh đổ bộ lên Normandy).

Đó là hai câu đầu trong một bài thơ của Paul Verlaine có tựa đề "Bài hát Mùa thu". "Tiếng nức nở nỉ non/ Của những cây đàn Violin/ Của mùa thu" được coi là thông điệp báo cho các nhóm kháng chiến chuẩn bị; còn câu sau là "Làm tan nát tim tôi/ Trong mỏi mòn/ Đơn điệu" để thông báo cho các nhóm kháng chiến ở Pháp rằng đã đến lúc cùng nhau hợp lực chiến đấu.

Ngành truyền thông tiếng Đức của BBC trở thành mô hình cho các hoạt động tương tự ở các nước khác. Đến năm 1943, tập đoàn này đã truyền các chương trình bằng 54 thứ tiếng. Nó chỉ gián đoạn vào năm 1999 và được xem như đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình lĩnh vực truyền thông công cộng thời hậu chiến của nước Đức.

Thanh Hoàng – Hiếu Thảo (theo Guardian và Observer)
.
.