Tổng thống và Ngoại trưởng Liên Xô từng được phương Tây biếu tặng những khoản tiền khổng lồ

Thứ Năm, 19/11/2015, 21:45
Tuy đã thất sủng từ lâu với đồng lương hưu khiêm nhường, nhưng vị Tổng thống Liên Xô đầu tiên và duy nhất Mikhail Gorbachev vẫn được liệt vào dạng “siêu giàu” ở nước Nga hiện nay, cùng số của nổi của chìm cả ở trong lẫn ngoài nước không sao liệt kê xuể. Vậy ông ta tích lũy đống tài sản khổng lồ đó bằng cách nào?

Trong thời gian M. Gorbachev còn là Bí thư thứ nhất Khu ủy Đảng Cộng sản Liên Xô (CPSU) ở Stavropol Krai vào đầu thập niên 70 thế kỷ trước, được sự chấp thuận của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nikolai Shchelokov (1910-1984) đã phối hợp với Chủ tịch Ủy ban An ninh Nhà nước (KGB) Yuri Andropov (1914-1984) thiết lập một chuyên án đặc biệt, nhằm theo dõi và xác định các tuyến đường vận chuyển thuốc phiện lậu vào lãnh thổ Liên Xô.

Kết quả cho thấy ma túy từ Trung Á và vùng Caucasus thâm nhập theo các ngả qua Tajikistan, Uzbekistan và Azerbaijan, với điểm tập kết trung chuyển là thành phố Stavropol thủ phủ vùng Stavropol Krai, trước khi phân bổ đi các nơi khác với giá cao gấp bội kể cả xuất ra nước ngoài. Đến khi trở thành Tổng Bí thư CPSU vào đầu tháng 3/1985, M. Gorbachev đã đơn phương quyết định chấm dứt chuyên án nêu trên, bởi luôn lo sợ chân tướng “ông trùm ma túy” của mình sẽ bị bóc trần.

M. Gorbachev vào thời điểm bắt đầu thâu tóm quyền lực.

Trong dịp viếng thăm nước Anh vào cuối năm 1984, tuy chỉ giữ vai trò phụ trách nông nghiệp trong CPSU nhưng Gorbachev đã mạnh mồm tuyên bố tập trung vào lĩnh vực giải trừ quân bị. Điều này khiến Thủ tướng Anh Margaret Thatcher (1925-2013) hết sức tâm đắc, rồi “Bà đầm thép” đã mở tiệc khoản đãi “anh bạn Gobi” - như cách người đứng đầu Chính phủ Anh gọi vị khách quý theo lối thân mật - tại tòa dinh thự kín đáo ở Checkers, nơi Thủ tướng Thatcher thường mạn đàm chốn riêng tư với giới chính khách ngoại quốc cao cấp.

Món quà bất ngờ mà Gorbachev mang sang Anh là tấm bản đồ tuyệt mật của Bộ Tổng tham mưu Hồng quân, chỉ rõ vị trí các địa điểm trên đảo quốc sương mù mà lực lượng tên lửa hạt nhân của quân đội Xôviết đã cài đặt sẵn tọa độ khai hỏa. Hành động “lấn sân” sang vấn đề quân sự của Gorbachev rõ ràng là lạm quyền.

Tổng thống G.H Bush (giữa) cùng M. Gorbachev và E. Shevardnadze tại cuộc họp Thượng đỉnh tại Malta.

Hiển nhiên người Anh khi ấy đã biết rõ lai lịch vị khách quý là ai, qua báo cáo từ điệp viên hai mang là đại tá Oleg Gordievsky, Trưởng chi nhánh KGB tại London từng cộng tác với Cơ quan Tình báo Đối ngoại Anh (MI-6) suốt 11 năm liền, cho tới khi bị lộ và bị phía Liên Xô xử tử hình vắng mặt vào năm 1985 về tội phản quốc. Lẽ dĩ nhiên Gordievsky đã “điểm mặt” Gorbachev, là người có trong danh sách những kẻ dính líu đến đường dây cung cấp thuốc phiện từ Stavropol vào Anh. Đổi lại, “anh bạn Gobi” ranh ma đã trưng ra tấm bản đồ chiến lược hòng lấp liếm tội lỗi của mình.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ George H. Bush (Bush - cha) tổ chức ở Malta vào cuối năm 1989, Gorbachev đã đơn phương nhân nhượng tất cả, chấp thuận từ bỏ sự đối đầu về mặt ý thức hệ để nhận được sự viện trợ hào phóng từ các cựu thù. Tin tình báo cho thấy rằng để đi đến cuộc họp “mang ý nghĩa lịch sử” này, trong thời gian trước đó các quỹ khác nhau ở phương Tây đã biếu tặng cá nhân Gorbachev số tiền lên tới 300 triệu USD, còn Ngoại trưởng Liên Xô Eduard Shevardnadze (1928-2014), được tặng 75 triệu USD.

“Bà đầm thép” M. Thatcher hồ hởi tiếp đón “anh bạn Gobi” tại dinh thự ở Checkers.

Vào buổi đêm trước thềm cuộc họp chính thức diễn ra trên boong một con tàu chiến Liên Xô lúc đó đang neo đậu ở Địa Trung Hải, biển cả bỗng nổi cơn cuồng phong như điềm báo của thiên nhiên về sự cáo chung của Nhà nước Xôviết. Còn trong thời gian diễn ra cuộc hội đàm, một nhà báo Mỹ đã nói với các đồng nghiệp Liên Xô bằng giọng Nga cực chuẩn: “Thật đáng thương, hình ảnh siêu cường Liên Xô của các bạn đã đến hồi kết thúc...”.

Cuối cùng là nguồn tiền ám muội mà “anh bạn Gobi” kiếm chác được sau khi nước Đức tái thống nhất. Cựu Thủ tướng CHLB Đức Helmut Kohl từng “ra giá” 160 tỉ mark (DM) để Liên Xô triệt thoái quân đội Xôviết ra khỏi CHDC Đức, nhưng Gorbachev lại tự ý giảm xuống 1/10-  nghĩa là chỉ cần 1,6 tỉ DM mà thôi. Trong khi Berlin cam kết đã chuyển đủ số hiện kim theo đúng lời hứa của người đứng đầu Chính phủ Đức, vậy khoản tiền khổng lồ thất thoát đi đâu và chảy vào túi ai?... Câu hỏi đầy uẩn khúc này cho đến nay vẫn đang còn để ngỏ, chưa có lời giải thích thỏa đáng.

Trần Hồng (theo tạp chí Tuyệt mật)
.
.