Alzheimer – Căn bệnh của thế kỷ XXI

Chủ Nhật, 17/07/2016, 15:05
Bệnh mang tên của người tìm ra nó - Giáo sư Thần kinh học người Đức Alois Alzheimer (1864-1915), đã phát hiện ra căn bệnh này trong giai đoạn vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, được ông mô tả lần đầu tiên với trường hợp của một nữ bệnh nhân, luôn bị chứng mất ngủ hành hạ cũng như hay nhầm lẫn lung tung, rồi chết bởi những nguyên nhân chưa tìm ra.

Nhưng thành quả lao động xuất sắc đó của A. Alzheimer bị quên lãng trong các kho lưu trữ. Không có ai sau ông muốn đi sâu tìm hiểu về căn bệnh não độc địa này.

Cho tới đầu thập niên 70 thế kỷ trước, Alzheimer vẫn được coi là "một trong những căn bệnh hiếm thấy của thời trước", chỉ được các giáo trình y học điểm qua đôi dòng. Nhưng ngay sau đó, nhất là sau cái chết của siêu minh tinh người Mỹ Rita Hayworth (1918-1987), các nhà khoa học trên khắp thế giới bắt đầu tập trung nghiên cứu.

Bác sĩ A. Alzheimer, người đã khám phá ra "căn bệnh của thế kỷ XXI" (ảnh trái). Não người nhiễm chứng Alzheimer.

Nhóm người ngưỡng mộ đang sửng sốt vây quanh một phụ nữ "ngớ ngẩn" đứng giữa phố, mặc áo lông thú giữa ánh mặt trời nóng bức chói chang tháng 6. Bà ta đang thẫn thờ trước cánh cửa quay của tòa khách sạn chọc trời Wilshire Grand ở Los Angeles (tiểu bang California, Mỹ), vừa gật đầu với người gác cửa vừa hỏi: "Lối vào ở đâu?". Trước khi đợi được trả lời, bà ta lại đã bỏ đi xa rồi…

Đó là hình ảnh bi thương cuối cùng nơi công cộng của nghệ sĩ nổi tiếng R. Hayworth, siêu sao màn bạc huyền thoại từng được tôn là "Nữ hoàng tình yêu" ở kinh đô điện ảnh Hollywood trong những năm 1940. Tới mùa hè năm 1981 bà thậm chí không còn nhớ nổi tên của mình nữa.

Sự suy sụp bắt đầu cách đấy gần 3 thập niên. Sau 60 phim thành công, Rita bắt đầu đến trường quay với dáng điệu xộc xệch. Đôi khi không thuộc những lời thoại trong kịch bản; lần khác lại đứng bất động khi đang quay… Khi được nhắc nhở, bà đã đáp lại một cách giận dữ, với những cử chỉ "đáng sợ và vô học" chưa từng có đối với nữ diễn viên gạo cội . Đến năm 1971 thì bà bắt buộc phải rời bỏ điện ảnh.

Sau đó R. Hayworth (đã 5 lần ly dị) bắt đầu những cơn say một mình, ném những vỏ chai rượu rỗng sang nhà hàng xóm - ngôi sao điện ảnh Glenn Ford (1916-2006). Rồi lang thang ngoài đường với mảnh giấy ghi địa chỉ nhà mình…

Khi bà chết trong một căn hộ ở New York, tê liệt với hình ảnh còn đáng sợ hơn của người bị mất trí. Các bác sĩ chăm sóc cho R. Hayworth từ lâu đã phản đối ý kiến cho rằng, đó là hệ quả của bệnh nghiện rượu kinh niên; mà là một căn bệnh về não đã gạt bà ra khỏi đường đời, tàn phá tâm hồn và thể xác của bà: đó chính là chứng Alzheimer!

Cựu Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Jacqueline Kennedy (1929-1994), cũng như cố Tổng thống sừng sỏ của nước Mỹ Ronald Reagan (1911-2004) đều bị chứng Alzheimer - mất trí nhớ dần hành hạ. Sự suy sụp thê thảm với trường hợp của R. Hayworth - ngôi sao điện ảnh nổi tiếng thế giới - được báo chí đương thời mô tả  tỉ mỉ không bỏ sót một chi tiết nào, khiến mọi giới xã hội đều lưu tâm. Không một loại thuốc nào, một cách điều trị nào có thể ngăn được quá trình làm cho bệnh nhân mất trí dần dần.

Siêu minh tinh R. Hayworth thời hoàng kim (trái) và khi "nhuốm" chứng Alzheimer.

Còn tại CHLB Đức có hơn 600.000 người đang bị bệnh Alzheimer, chiếm tỷ lệ 0,75% dân số. Đầu tiên là mất trí nhớ, sau đến mất khả năng kiểm soát bản thân, cuối cùng là cái chết bất khả kháng. Alzheimer chính là "một cơn dịch lặng lẽ": mỗi năm có thêm 50.000 người người mắc bệnh, bổ sung vào số đã có sẵn. Tới cuối thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI này, số người Đức mắc bệnh sẽ tăng ít nhất là gấp đôi. Hiện tại có rất nhiều triệu chứng về căn bệnh "quái đản" thể hiện sự suy sụp dần ở vùng sọ não…

Riêng ở Hoa Kỳ "đội quân nhiễm Alzheimer" đã tăng từ 2 triệu lên 4 triệu người trong vòng một thập niên qua. Theo đánh giá của các chuyên gia am hiểu, thì nội trong thập kỷ 2010 này, số người Mỹ bị bệnh sẽ tăng gấp đôi và tới giữa thế kỷ XXI sẽ tăng gấp 5 lần. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp bệnh Alzheimer "là một trong những vấn đề y tế hàng đầu của thế giới đương đại".

Theo nhận định của nhà y học nổi tiếng người Anh David Kee: "Bệnh  Alzheime có thể là nguyên nhân dẫn đến "sự tẩy não - xóa sạch" nhiều quốc gia!". Tại Hoa Kỳ người ta đã bỏ ra hơn 80 tỉ USD để chạy chữa cho những người mắc bệnh. Hiện ở Mỹ bệnh này được các nhà khoa học nghiên cứu nhiều hơn cả hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS), thậm chí còn gọi Alzheimer bằng biệt danh là "căn bệnh của thế kỷ XXI".

Thời kỳ "ủ bệnh" đôi khi rất thất thường: xê dịch - kéo dài trong khoảng từ 8 - 15 năm. Còn theo tạp chí y khoa đầy uy tín Nature Medicine, thì chi phí điều trị cho những bệnh nhân trên toàn cầu lên tới một con số đáng sợ là 400 tỉ USD/năm. Riêng giáo sư môn giải phẫu học Haico Brac ở Frankfurt (Đức), lại cho rằng kinh phí điều trị bệnh dịch Alzheimer trong tương lai gần có thể làm "tê liệt" mọi hoạt động y tế khác ở Đức".

"Căn bệnh Alzheimer luôn trong tình trạng vượt các đối thủ kỳ cựu như ung thư, nhồi máu cơ tim và thậm chí cả AIDS nữa - Tiến sĩ Conrad Bairoiber, nhà sinh vật học gạo cội ở Haidenberg (Hà Lan) cho biết - Chắc chắn bệnh này gần đây sẽ đứng đầu về con số người tử nạn ở phương Tây, bây giờ đứng thứ 4 trong các nguyên nhân làm chết nhiều người. Dù bệnh chỉ gây hậu quả ở những người có tuổi, nhưng mức báo động không hề giảm. Dù chỉ gần 1% dân Đức bị chứng Alzheimer, nhưng đó là 5% của lớp người 65 tuổi và tới 20% của lứa tuổi 80".

Cho tới bây giờ vẫn chưa có cách nào chữa được Alzheimer một cách hữu hiệu nhất. Ngay cả cách chuẩn đoán khi bệnh nhân đang còn sống cũng chưa phải là chắc chắn. Chứng Alzheimer sẽ chỉ được chuẩn đoán sau khi đã loại trừ những mầm bệnh khác. Hơn nữa việc chuẩn bệnh cũng rất tốn kém, bao gồm máy điện toán về khối u, máy điện não đồ, các phòng thí nghiệm hoàn hảo để nghiên cứu tâm lý và kiểm tra các triệu chứng. Thường là bệnh bắt đầu biểu hiện ở những rối loạn về thị giác và khứu giác.

Sau khi người bệnh qua đời, người ta tiến hành giải phẫu tử thi, khi ấy việc "chuẩn bệnh" mới được khẳng định một cách chính xác, nhưng đã quá muộn rồi. Não nạn nhân cuộn lại, đôi khi đến hơn 1/3 thể tích, còn các nếp nhăn trong não bộ lại "sâu hoắm" xuống.

Kết quả nghiên cứu cho thấy các tế bào thần kinh trong não hầu như chết hết. Cùng với việc thiếu chất protein khiến cho não người bệnh "nom giống chiếc ủng cũ cứng nhắc và nhăn nheo", như mô tả của tạp chí Anh Nature Reviews Neuroscience.

Y học diễn giải Alzheimer bằng 3 giai đoạn. Khởi đầu từ việc hay quên và cách diễn đạt ý một cách khó khăn qua ngôn từ. Bệnh nhân quên cả thứ ngày trong tuần, không thể nhớ được tên những người quen mới. Khó làm chủ được mình trong đám người lạ, hay nhầm lẫn khi mua bán hoặc đi lại.

Ban đầu người bệnh thường cố giấu "các hiện tượng", bằng cách pha trò về tính đãng trí, khéo léo che đậy sự mất khả năng ngày càng phát triển của mình trong việc tham gia vào những câu chuyện phức tạp hơn. Luôn khép kín mình lại, bỏ mọi sở thích cố hữu.

Đến giai đoạn kế tiếp thì sự suy sụp tinh thần lên tới mức không thể che đậy được nữa, thể hiện bằng sự lúng túng quá mức trong việc diễn đạt ngôn từ. Sau đó bệnh nhân không thể tự bóc lấy bao bì đựng đồ ăn, cũng như không tự gài được cúc quần áo... Ra khỏi cửa, nhưng lại nói là "đi về nhà", không phân biệt được chỗ ở của mình nữa. Đến lúc này người bệnh vẫn "cố hòa nhập" vào xã hội, dù rằng đôi khi vượt quá giới hạn chịu đựng và dễ rơi vào hoảng loạn.

Sau đấy độ chừng 6 năm là thời kỳ cuối cùng, với những biểu hiện "bị hủy diệt" do bệnh. Bệnh nhân không thể nhận ra người thân, trí nhớ hầu như trống rỗng, âm giọng chỉ phát ra những tiếng kêu vô nghĩa. Không đi lại được nữa. Người bệnh trở thành ngờ nghệch như đứa trẻ, không đút nổi thìa vào miệng và mất hẳn khả năng kiểm soát cơ thể mình. Sau cùng là cái chết bất khả kháng.

Đến giờ vẫn chưa rõ những gì đã làm thay đổi tới mức đáng sợ cơ quan trung ương thần kinh của con người đến như vậy? Song song tồn tại nhiều giả thuyết khác nhau:

- Do chất nhôm: Tại các nhóm tế bào thần kinh não đã chết, thấy chiếm lượng nhôm gấp 10 lần mức bình thường.

- Do virus: Các nhà khoa học Mỹ ngờ rằng bệnh phát triển từ từ bởi một loại virus nào đó chưa tìm ra.

- Do chấn thương não: Não của nhiều vận động viên quyền anh nhà nghề hay bị tổn thương, cũng có nhiều nét chung với não người bị bệnh Alzheimer.

- Do những khiếm khuyết của gene hoặc do di truyền: Giới khoa học Anh đã phát hiện ra 5 gia đình có người mắc Alzheimer qua nhiều thế hệ.

- Do sự "lộn xộn" trong việc trao đổi chất ở buồng não: Theo Giáo sư Gregor Hofer ở Munich (Đức), thì người bệnh chết vì thiếu chất glucose. Vì sự "thiếu hụt nhiên liệu" trầm trọng nên các tế bào thần kinh trong não luôn "tự ăn" lẫn nhau.

Một vài nhà khoa học lại cho rằng Alzheimer là dạng bệnh thường thấy ở những bộ não già nua, nhưng nhiều nhà khoa học khác thì lên tiếng cực lực phản đối, không đồng ý với ý kiến cho rằng đồng hồ sinh học của những người bị bệnh "chạy" nhanh hơn người bình thường. Còn các nhà thần kinh học luôn khẳng định: não chính là bộ phận chậm lão hóa nhất so với các cơ quan còn lại của cơ thể con người.

Tới lúc 75 tuổi, tối đa là chỉ có đến 5% tổng số tế bào não bị "mất đi". Còn nhà tâm lý học lừng danh người Munich, Giáo sư tiến sĩ Hans Lauter thì cho rằng: "Các danh nhân vẫn đạt được sự minh mẫn cao độ dù ở độ tuổi rất già". Theo ông: "Thực trạng Alzheimer phải được coi như là một căn bệnh, chứ không phải là một hiện tượng phát triển bình thường ở người cao tuổi".

Thu Hường (theo Deutsche Welle)
.
.