Công nghệ đối đầu với làn sóng thông tin giả
- Nước Đức tuyên chiến và trấn áp những luồng thông tin giả
- Luồng thông tin giả lan khắp thế giới
- Công ty lừa đảo bằng thông tin giả
Không giống như các quốc gia phương Tây, phần lớn thông tin bịa đặt ở Ấn Độ lan truyền qua WhatsApp và tin nhắn trên smartphone bởi vì tuyệt đại đa số người dân nước này sử dụng Internet thông qua thiết bị di động tiện lợi này. Theo Ủy ban Quản lý viễn thông Ấn Độ, hơn 1 tỷ kết nối di động được kích hoạt tại Ấn Độ và hàng triệu người dùng thường xuyên truy cập Internet qua smartphone.
Pratik Sinha, người sáng lập ứng dụng di động Altnews.in, cho biết: "Số người dùng smartphone tăng mạnh nhờ sự phổ biến của smartphone cùng với những gói cước dữ liệu giá rẻ dẫn đến tình trạng thông tin giả mạo lan truyền nhanh hơn và xa hơn. Trong khi đó, người dân vùng nông thôn không có khả năng phân biệt thật và giả trước lượng thông tin tràn ngập trên Internet. Họ có xu hướng tin tưởng vào bất kỳ thông tin nào nhận được".
Pratik Sinha nằm trong số ít người đang cố gắng trong "cuộc chiến" chống lại tai họa, nhiều khi dẫn đến chết người từ thông tin giả ở Ấn Độ. Vốn là kỹ sư phần mềm, Sinha đang điều hành Altnews toàn thời gian và duy trì ứng dụng nhờ vào tiền tiết kiệm cá nhân kết hợp với lợi nhuận từ quảng cáo.
Pratik Sinha. |
Ứng dụng Altnews kiểm tra mọi nội dung lưu thông trên mạng xã hội và nhất là WhatsApp, xác minh những bức ảnh cũng như video và cả nội dung được phát đi từ các tổ chức truyền thông có khả năng dựa trên nguồn thông tin giả. Những câu chuyện bịa đặt được Altnews bóc trần bao gồm một video phát hình ảnh một cô gái Hindu bị một đám đông người Hồi giáo hành hình nhưng thực ra, đoạn video đã xuất hiện 2 năm trước đó và cô gái trong đó là người Guatemala.
Theo Sinha, thách thức lớn nhất là ứng dụng WhatsApp với công nghệ mã hóa riêng tư gọi là "end-to-end" và điều đó có nghĩa là rất khó truy tìm dấu vết sau khi những thông tin giả được lan truyền giữa các cá nhân với nhau. Còn nữ chuyên gia kỹ thuật số Durga Raghunath cho rằng, mọi người không quan tâm tìm hiểu xuất xứ những thông tin trên nền tảng xã hội hay ứng dụng tin nhắn bởi vì chúng thường được chia sẻ bởi các thành viên trong gia đình hay trong phạm vi bạn bè thân thiết với nhau.
Pankaj Jain, người sáng lập trang web thẩm định thông tin SMHoaxSlayer.com, hiểu rất rõ vấn đề bởi vì anh cũng thường xuyên nhận được hàng núi "tin vịt" qua WhatsApp. Pankaj Jain bất ngờ nổi tiếng ở Ấn Độ sau khi anh vạch trần sự thực về tin đồn tờ giấy bạc 2.000 rupee nước này có tích hợp "nano chip GPS" cho phép chính quyền theo dõi quá trình lưu thông của nó. Pakaj Jain giải thích: "Tôi bỏ nhiều công sức nghiên cứu và cuối cùng phát hiện những con nano chip GPS rất cần nguồn năng lượng để hoạt động trong khi tờ tiền giấy rupee rõ ràng không hề có yếu tố quan trọng này".
Chiến công tiếp theo đáng chú ý của Pankaj Jain là chứng minh được bức ảnh về 2 "phần tử khủng bố" bị giết chết tại vùng Kashmir dưới sự quản lý của Ấn Độ do một kênh tin tức hàng đầu phổ biến thực ra đã xuất hiện từ 2 năm trước đó ở bang Punjab miền bắc nước này.
Hơn 1 tỷ kết nối di động ở Ấn Độ tạo điều kiện cho thông tin giả lan truyền với tốc độ chóng mặt. |
Mới đây nhất, Pankaj Jain tố giác lá cờ Ấn Độ bay phấp phới trên nóc tòa nhà Quốc hội Israel chỉ là sản phẩm Photoshop! Một "chiến binh" nổi cộm khác trong cuộc chiến chống thông tin giả ở Ấn Độ là Shammas Oliyath, người điều hành trang web thẩm định Check4spam.com. Sứ mạng của Oliyath là phân loại thông tin ra từng hạng mục khác nhau như là "tin đồn nhảm trên Internet" và thông tin có mục đích "quảng cáo".
Oliyath thừa nhận phần lớn lượng thông tin do anh xử lý đều liên quan đến chính trị. Hàng ngày, Oliyath điều tra tính xác thực của khoảng 200 tin nhắn trên WhatsApp theo yêu cầu từ khách hàng gửi đến. Con số thông tin phải xử lý tăng cao hơn nữa sau khi Oliyath gây áp lực thành công đến một tổ chức truyền thông, buộc họ phải rút lại thông tin sai sự thực về việc tài sản của trùm mafia Ấn Độ Dawood Ibrahim bị đóng băng.
Cho dù đã hết sức nỗ lực, cả 3 chuyên gia vẫn không thể xử lý hết hàng núi thông tin giả lan truyền hàng ngày. Mặc dù vậy, tín hiệu đáng mừng là Altnews.in của Pratik Sinha thu hút khoảng 3,2 triệu lượt xem trong vòng 5 tháng, trong khi trang SMHoaxSlayer.com là 250.000 lượt xem trong 1 tháng, và Check4spam.com là 15.000 lượt truy cập/ngày. Tuy nhiên, những con số này chẳng là gì nếu so với hàng trăm ngàn thông điệp xuất hiện mỗi ngày trên các nền tảng xã hội.