Các công ty công nghệ Mỹ đối mặt với cuộc chiến dữ liệu mã hóa ở châu Âu

Thứ Ba, 05/04/2016, 19:40
Cuộc tranh cãi về quyền riêng tư bắt đầu nóng lên sau khi Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) yêu cầu Công ty Apple giúp mở khóa chiếc điện thoại iPhone của tên khủng bố Syed Farook gây ra vụ thảm sát ở San Bernardino, bang California hồi tháng 12-2015.

Thực tế là hiện nay, cuộc chiến về dữ liệu mã hóa ở Thung lũng Silicon đang lan đến châu Âu. Sau những cuộc tấn công kinh hoàng vừa qua ở thủ đô Brussels của Bỉ và Paris của Pháp, các chính quyền trong khối Liên minh châu Âu (EU) ráo riết đề xuất những luật mới mở rộng hơn cho phép lực lượng an ninh và tình báo can thiệp sâu vào đời sống kỹ thuật số của người dân.

Giám đốc điều hành Apple Timothy D.Cook .

Cuộc chiến về dữ liệu mã hóa phơi bày nỗi sợ hãi của châu  Âu trước những vụ tấn công có thể xảy ra trong tương lai. Nỗi lo sợ này thúc giục nhiều chính quyền châu  Âu đòi hỏi quyền hạn nhiều hơn đối với luật bảo vệ quyền riêng tư người dân. Trong khi đó, những “ông lớn” công nghệ Mỹ như Apple, Google và Facebook lo ngại việc làm yếu đi công nghệ mã hóa dữ liệu có thể tạo ra “cửa sau” cho giới chức chính quyền hay thậm chí cơ quan tình báo nước ngoài lạm dụng.

Cán cân giữa an ninh quốc gia và quyền riêng tư đang đặt những chính quyền ở châu  Âu vào 2 phía đối đầu nhau trong cuộc tranh cãi, như Đức và Hà Lan bác bỏ những dự luật về dữ liệu mã hóa mà Anh và Pháp đang cố gắng hướng đến. Nếu những dự luật như thế này được thông qua, các cơ quan tình báo quốc gia ở châu sẽ được mở rộng thêm quyền lực và có thể bắt buộc những công ty như Apple, Google và Facebook chuyển giao thông tin mã hóa cho họ.

Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May.

Ở Anh, giới lập pháp đang bổ sung luật nhân danh an ninh quốc gia bắt buộc các công ty công nghệ “phớt lờ” chính sách mã hóa bảo vệ dữ liệu người dùng. Những người chống đối lập luận rằng, luật mới của Anh sẽ cho phép cơ quan an ninh tự do xâm nhập smartphone cũng như máy tính người dùng dễ dẫn đến sự lạm dụng quyền hạn cũng như vô tình mở cửa cho hacker tấn công thiết bị số cá nhân.

Mới đây, giới chính khách Pháp đang tranh cãi về những đề xuất cải tổ những luật chống khủng bố cho phép kết án tù đến 5 năm và mức phạt tiền khoảng 390.000 USD đối với các giám đốc điều hành công ty công nghệ nếu như họ từ chối cung cấp thông tin mã hóa cho các nhà điều tra nước này. Tuy nhiên, đề xuất sửa đổi bổ sung luật - nhằm phản ứng trước những cuộc tấn công khủng bố hồi tháng 11-2015 - vấp phải sự chống đối từ phe cánh tả của Pháp.

Syed Farook và cuộc chiến mã hóa giữa FBI và Apple.

Nỗ lực tiếp cận nguồn dữ liệu mã hóa của các chính quyền châu  Âu đương nhiên sẽ gặp thách thức rất lớn từ Apple. Philippe Goujon, chính khách Pháp đứng sau những đề xuất về luật mã hóa mới đây, nhận định một cách cứng rắn: “Khi chúng ta tịch thu được một smartphone nhưng giới chức chính quyền không có cách nào điều tra dữ liệu chứa trong nó thì rõ ràng điều đó làm tê liệt hoạt động của cộng đồng tình báo chúng ta”.

Trong những tháng gần đây, Giám đốc điều hành Apple Timothy D. Cook đã có những cuộc tiếp xúc với giới chính khách Pháp – bao gồm cả Bộ trưởng Nội vụ Manuel Valls - nhằm vận động cho công nghệ mã hóa dữ liệu được mạnh mẽ thêm.

Cũng nhằm chứng tỏ Apple đang cố gắng hợp tác với cuộc điều tra khủng bố ở châu  Âu, Timothy Cook đồng ý cung cấp thông tin không mã hóa bao gồm siêu dữ liệu về những cuộc gọi điện thoại và các tọa độ GPS.

Nước Đức, nơi có một số quy định về quyền riêng tư nghiêm ngặt nhất thế giới, bác bỏ thẳng thừng những đề xuất nới lỏng công nghệ mã hóa mà Anh và Pháp đang cố hướng đến; trong khi đó vào đầu năm 2016 chính quyền Hà Lan công bố một bức thư ngỏ nhấn mạnh sự chống đối mở “cửa sau” dịch vụ mã hóa đối với những công ty như Apple. Chính quyền Hà Lan lập luận rằng, những lỗ hổng như thế sẽ “khiến cho những file mã hóa dễ bị tấn công bởi bọn tội phạm, khủng bố và cơ quan tình báo nước ngoài”.

Theo các nhà quan sát, nước Anh – nơi được coi là thị trường đứng đầu quốc tế đối với các công ty công nghệ Mỹ - đang cố gắng mở rộng quyền lực cho tình báo nước này vào cuối năm 2016. Dự luật Quyền hạn Điều tra (IPB) mới của Anh chính là ý tưởng của đảng Bảo thủ cầm quyền và đã chiếm được số phiếu tuyệt đối trong Quốc hội để sửa đổi luật.

Theo đó, IPB bắt buộc các công ty cung cấp dịch vụ Internet và viễn thông lưu giữ nội dung các trang web mà người dùng truy cập ở Anh trong thời hạn 12 tháng. IPB cũng cho phép Cơ quan tình báo Anh xâm nhập thiết bị cá nhân người dùng trong một số tình huống khẩn cấp nhân danh an ninh quốc gia. Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May trấn an sự lo ngại của dư luận về quyền riêng tư rằng, các hoạt động của tình báo Anh luôn minh bạch và chịu sự giám sát sát chặt chẽ.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.