Con người có thể thọ được bao nhiêu tuổi?

Thứ Hai, 01/08/2016, 15:00
Con người ta ai cũng muốn sống lâu, mạnh khỏe và… trẻ trung! Nhưng điều kiện sống nghiệt ngã, tạo hóa khắt khe "ban" cho loài người tới độ tuổi nào? Đây là câu hỏi luôn dằn vặt những bộ óc minh mẫn nhất của khoa học hiện đại, nhất là khi nhân loại đã bước sang thiên niên kỷ thứ 3 sau giai đoạn kỷ nguyên mới của lịch sử tiến hóa.

Trong thế kỷ XVIII tuổi thọ trung bình của cuộc sống con người chỉ có 30 năm. Một thế kỷ sau tăng lên được 45 tuổi. Còn trước đây 45 năm, lớp người già hiện nay đang ở độ tuổi sung mãn nhất, giới hạn 70 năm "thất thập cổ lai hy" không còn là điều hiếm nữa. Khoa học vẫn đang đi tìm những phát kiến để con người được trẻ mãi, cũng như nghiên cứu các phương cách làm chậm tiến trình lão hóa của cơ thể.

Viện sĩ nổi tiếng A. Zhirmunsky.

Khoa học kỹ thuật ngày nay phát triển như vũ bão. Các nhà bác học chuyên nghiên cứu bí quyết của sự sống lâu, cho tới nay vẫn chưa đi đến sự thống nhất về giới hạn cao nhất của tuổi thọ con người. Tuy nhiên, họ cùng đồng nhất với quan điểm là loài người có thể sống tới độ 120 - 150 năm. Các bằng chứng thiết thực của độ tuổi đó, khoa học hiện đại đã gặp. 

Như Cộng hòa Azerbaijan ở vùng Caucasus nằm giữa châu Âu và châu Á, là một trong những quốc gia có nhiều người cao niên nhất trong lịch sử. Đó là cụ Shirali Muslimov - 168 tuổi, cụ Kamalhan Aleva - 158 tuổi, cụ Mahmud Eyvazov - 155 tuổi, hay cụ Sanam Guseinov - 154 tuổi… 

Những người sống lâu thường ngụ trên những vùng núi cao, nơi không khí sạch sẽ tinh khiết, với ẩm thực chủ yếu gồm rau củ, các sản phẩm từ sữa và dùng rất ít thịt cá, cũng như thường uống nước khoáng và trà. Họ cũng luôn làm việc - vận động không ngừng. Ở châu Âu cũng có nhiều người sống rất thọ như cụ Sartem người Hungary - 185 tuổi, hoặc cụ Ioret người Anh - 180 tuổi…

Nhà bác học Nga nổi tiếng Aleksey Bogomolets, người chuyên đi sâu nghiên cứu về lão khoa cho rằng: "Vận động là phương cách quan trọng nhất nhằm sống lâu. Toàn bộ cơ thể phải được làm việc, không loại trừ bộ phận nào; thứ đến là chế độ và liệu pháp ăn uống". Sau nhiều năm dày công nghiên cứu, ông rút ra kết luận: "Tuy không đủ lượng calorie, nhưng với lượng thức ăn tuyệt hảo đã giúp tăng tuổi thọ của chuột trong phòng thí nghiệm lên từ 1,5 - 2 lần. Đương nhiên, không thể đem kết quả này áp đặt cho con người, nhưng nó cũng nói lên được điều gì đó…". 

Cuối cùng - vẫn theo A. Bogomoles - phải tiên quyết loại trừ những nhân tố tiêu cực như rượu và thuốc lá. Còn theo xác nhận của Phân viện Khoa học Hàn lâm New York (Mỹ), thì những chất có chứa cồn sẽ làm giảm thọ đi 4 năm, còn thuốc lá là 8 năm! Đây là nói về những người tuyệt đối khỏe mạnh, hoàn toàn không mắc căn bệnh nào - một điều cực hiếm trong đời sống đương đại đầy ô nhiễm luôn tiềm ẩn các chứng bệnh khác nhau.

Phong bì bưu chính thời Liên Xô cũ tôn vinh chân dung cụ S. Muslimov (1805-1973), người đạt tới tuổi thọ như nhà khoa học A. Zhirmunsky đã minh chứng.

Các phương cách làm tăng tuổi thọ của nhà lão khoa kỳ cựu A. Bogomoles cần được mọi người áp dụng. Đó là liều thuốc không mất tiền, ai thành tâm mong muốn đều có thể thực hiện dễ dàng. Còn dưới đây là những lời giải đáp liên quan đến một vấn đề trọng yếu, mà công chúng thường nêu ra, rằng khoa học hiện đại tân kỳ đã tìm ra thứ thuốc "cải lão hoàn đồng", hay làm chậm các tiến trình lão hóa cho phép làm tăng tuổi sống tối đa chưa?

Giáo sư Tiến sĩ Y học Vladimir Delman, một nhà bác học nổi tiếng ở Saint Petersburg (Nga) khẳng định: "Không ai chết đơn thuần chỉ vì già và thực ra "bệnh già" có thể chữa được, hoặc giảm "bệnh" xuống một cách tối đa. Về nguyên tắc, có thể chế ra thuốc chống lại sự lão hóa bằng cách chặn đứng sự phát triển của nó, sau khi cơ quan tương ứng trong cơ thể đã hoàn thiện; hay chí ít là làm chậm lại tiến trình gây già nua đó". 

Vấn đề tăng tuổi thọ cho con người với sự trợ giúp của tân dược rất được nhiều nước lưu tâm nghiên cứu. Nhưng Giáo sư Fyodor Uglov, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, người từng được trao Giải thưởng Lenin danh giá, lại đưa ra quan điểm: "Mỗi cơ thể sống đều có một mô hình gien (ADN) riêng biệt, nó quy định độ tuổi và con đường nhân tạo khó mà tác động vào". 

Vậy "mô hình gien" cho tuổi thọ là bao nhiêu? Cố Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga kiêm Giám đốc Viện Sinh học biển Alexey Viktorovich Zhirmunsky (1921-2000), căn cứ theo những thực nghiệm chuyên sâu đã đưa ra một giả thuyết xác đáng - 167 năm!

Vậy nhà khoa học cự phách A. Zhirmunsky "lần" đâu ra con số "đầy cuốn hút" này? 

"Chúng tôi bắt đầu từ sự nghiên cứu địa chất học và đại cổ sinh, liên quan tới sự phát triển cuộc sống trên trái đất thời xa xưa, thấy chúng luôn xuất hiện 2 yếu tố cơ bản đối kháng nhau - hủy diệt và tiến hóa. Thiên nhiên biến hóa khôn lường, mỗi một chu kỳ đều có sự khởi đầu và kết thúc. Nhưng một điều thú vị là, chính trong thời kỳ - mà sự phát triển của chu kỳ trước vừa hết, trên địa cầu của chúng ta đã diễn ra những biến đổi địa chất đầy ý nghĩa.

Trong suốt 140 triệu năm trước, thế giới muôn hình vạn trạng của hành tinh không mất đi một thứ nào; đột nhiên tới 40 triệu năm sau lại có triệu chứng "hủy diệt dần": với mỗi loài mất đi chừng 14 thứ. Chúng tôi cũng nhận thấy rõ, là sự thay đổi lớn lao này trong sự phát triển chung của trái đất dựa theo giới hạn khốc liệt mang tính giai đoạn - chu kỳ.

Và chúng tôi tự hỏi: một sự ngẫu nhiên chăng? Chúng tôi thử lấy các ví dụ tiêu biểu đã có trong tự nhiên như cá, chim, động vật có vú, hay hoạt động của các hành tinh trong hệ mặt trời… rồi rút ra được điều này: giữa các sự thay đổi lớn luôn có sự tương ứng hoàn hảo, với một chữ số thập phân luôn lặp đi lặp lại lôi cuốn sự chú ý - số 15,15! Thực ra chúng tôi không ngờ rằng, trong khi nghiên cứu ngành cổ sinh học với sự phát triển của con người, con số "ma thuật" ấy lại xuất hiện.

Bằng nhiều cách, các cộng sự viên giàu kinh nghiệm của Viện Sinh học biển thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã thử với sự trợ giúp của máy tính điện tử thế hệ mới nhất, để tính tuổi thọ tối đa của sự sống con người. Người ta lập bảng so sánh giữa tầm vóc và trọng lượng cơ thể. Nhưng để con số 15,15 "huyền hoặc" kia có thể trợ giúp trong việc hoạch định giới hạn cuộc sống, cần phải biết được chí ít là một giai đoạn - chu kỳ như vậy. Ngày sinh có thể được tính cho sự khởi đầu của giới hạn. Sau thì các nhà bác học đem gấp bội số ngày thai ngén truyền thống (266 ngày) với con số 15,15 - kết quả đạt được là 11 năm.

Các số liệu đau ốm chứng minh tuổi này là nguy hiểm nhất cho sức khỏe của trẻ em. Đó là giai đoạn của "hủy diệt", thế còn giai đoạn "tiến hóa" trong đường đời đâu? Khoa học lại đem số 11 nhân với 15,15. Với kết quả là 167 năm - giới hạn khả năng một đời người", Viện sĩ A. Zhirmunsky giải thích lúc sinh thời.

Tới đây bật ra câu hỏi: sao chúng ta không sống được tới 167 tuổi mà tạo hóa đã ưu ái dành cho? "Tuổi tác con người chấm dứt không phải chỉ do bệnh tật hay những lý do bi đát khác - Viện sĩ A. Zhirmunsky quả quyết - Mà do trước đó nữa: con người đã "tự kết liễu" đời mình bởi lối sống không đúng theo yêu cầu khắt khe của tạo hóa… Sống đúng mực gắn liền với sống lâu!".

Xuân Hiếu (tổng hợp)
.
.