Công ty khai mỏ Rio Tinto sử dụng drone giám sát công nhân

Thứ Ba, 24/01/2017, 15:25
Từ lâu, Rio Tinto khai thác quặng sắt tại vùng hẻo lánh Pilbara thuộc bang Western Australia miền tây nước này. Hiện nay công ty này được cho là đang sử dụng một phi đội máy bay không người lái (drone) để xây dựng dữ liệu về một nguồn "tài nguyên" khác - đó là cuộc sống riêng tư của tập thể công nhân.

Hàng ngàn công nhân của Rio Tinto không chỉ bị công ty kiểm soát tại nơi làm việc mà còn trong những khu nhà ở tập thể. Trong kỷ nguyên cơ sở hạ tầng thông minh hiện nay, Rio Tinto dễ dàng thu thập thông tin chi tiết về cuộc sống cá nhân của công nhân. Cần nói thêm là Rio Tinto có nhiều dự án trên khắp thế giới trong đó bao gồm vài quốc gia Nam Mỹ.

Công ty Anh-Australia Rio Tinto ký hợp đồng với Sodexo - công ty Pháp quản lý các cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ thực phẩm đồng thời điều hành hệ thống nhà tù ở Australia - để quản lý những khu trại công nhân sinh sống tại vùng khai mỏ hẻo lánh. Một phần của hợp đồng được cho là đảm bảo mở rộng hoạt động giám sát cho Rio Tinto.

Công nhân làm việc cho Rio Tinto ở Pilbara.

Keith Weston, phó chủ tịch phát triển kinh doanh và thương mại toàn cầu của Rio Tinto, là người chịu trách nhiệm về hoạt động giám sát này. Weston tuyên bố biện pháp giám sát được triển khai để nắm rõ hơn về cuộc sống công nhân khu mỏ - sử dụng thời gian và tiền bạc ở những nơi nào nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.

Tuy nhiên, David Vaile, phó Chủ tịch Tổ chức Bảo vệ quyền riêng tư Australia (APF), cho rằng hành vi giám sát cơ sở hạ tầng có thể được sử dụng cho những mục đích xấu - như là giám sát hoạt động công đoàn và xâm phạm đời sống riêng tư của công nhân mỏ.

Sau khi chương trình giám sát mở rộng của Sodexo được công bố trên báo chí, người phát ngôn cho công ty bình luận: "Sodexo muốn trình bày rõ là không một chiếc drone nào được sử dụng tại bất cứ địa điểm nào của Rio Tinto tại Pilbara, và mọi dữ liệu thu thập đều tuân thủ luật pháp Australia cũng như các chính sách về quyền riêng tư của Rio Tinto".

Trong khi đó, đội ngũ công nhân Rio Tinto cho biết họ hoàn toàn không được thông tin hay yêu cầu sự đồng ý từ phía họ. Họ còn lo ngại hành vi sẽ mở đường cho sự triển khai những biện pháp giám sát tự động hóa sâu rộng hơn đối với lực lượng lao động.

Một công nhân giấu tên lập luận rằng việc thu thập dữ liệu gây hoang mang: "Điều đó sẽ gây stress dẫn đến áp lực thái quá và sự mất tập trung vào công việc. Làm sao có thể tập trung làm việc được khi biết rằng có những chiếc drone và camera đang thường xuyên theo dõi bạn ở bất cứ nơi đâu?".

Rio Tinto thuê dụng hàng ngàn công nhân làm việc tại bang Western Australia. Tháng 7-2016, giới chức Liên minh Công nhân Mỏ Western (WMWA) phát đi cảnh báo về những biện pháp giám sát mới tại khu mỏ sắt Western Turner, nơi mà công nhân phát hiện thấy nhiều camera giám sát được lắp đặt.

Trụ sở Rio Tinto ở Perth bang Western, Australia.

Về sau, công nhân mới biết đang bị công ty theo dõi cả cuộc sống riêng tư ngoài giờ làm việc. Sue Crock, nữ điều phối viên cho tổ chức chăm sóc sức  khỏe tâm thần công nhân mỏ This Fifo Life, nhận định hành vi giám sát của Rio Tinto cũng khiến cho công nhân lo sợ bị mất việc làm do yêu cầu cắt giảm lao động.

Ví dụ hồi tháng 11-2016, 500 công nhân bị cho thôi việc và nâng tổng số lao động bị mất việc là 2.000 người trong vòng hơn 2 năm qua. Theo David Vaile, quy mô của cơ sở hạ tầng thông minh được xây dựng có kế hoạch có nghĩa là nó được sử dụng cho đủ mọi mục đích khác nhau - bao gồm theo dõi hoạt động công đoàn, điều tra những công nhân có hành vi tiếp xúc với gái mại dâm hay không, dò tìm những nguồn rò rỉ thông tin và thậm chí giúp cơ quan hành pháp điều tra tội phạm.

David Vaile đánh giá các luật quy định về quyền riêng tư của Australia còn yếu kém, đặc biệt là thông tin cá nhân của người lao động. Luật pháp có quá nhiều lỗ hổng sẽ tạo điều kiện cho những công ty như Rio Tinto xâm phạm đời sống riêng tư công nhân. David Vaile cũng cảnh báo về việc cơ sở hạ tầng thông minh nằm dưới sự quản lý của các công ty tư nhân sẽ lan tràn khắp Australia.

Trên thực tế, Rio Tinto đang hoạt động tại hàng chục quốc gia trên thế giới và trong đó nhiều nơi không có những quy định chặt chẽ về hoạt động giám sát thu thập thông tin. Rio Tinto từng hứng chịu rất nhiều sự chỉ trích từ các nhà hoạt động nhân quyền, lao động và môi trường. Rio Tinto cũng nằm trong số những công ty bị các tổ chức phi chính phủ (NGO) căm ghét nhất!

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.