Động vật cũng "giãn cách xã hội" để phòng bệnh
- Khả năng phi thường của động vật
- Những cuộc thí nghiệm bí mật trên động vật
- Chuyện “ngoại tình” của động vật!
Tránh xa đồng loại bị bệnh
Một ví dụ về giãn cách xã hội thường thấy ở tôm hùm - loài vật sống chung khe đá với nhau. Khi quan sát một con tôm hùm ở khu vực đá ngầm nông tại Florida Keys, người ta thấy khi nó trở về chỗ ở, phát hiện ra có một con mới trong khe đá và cảm thấy con mới tới này có gì đó không ổn. Nước tiểu của nó có mùi rất lạ, dấu hiệu cho thấy nó nhiễm một loại virus lây lan là Panulirus argus virus 1 (PaV1).
Con tôm hùm khỏe mạnh cảm thấy lo lắng. Dù tìm khe đá mới để trú ngụ tránh kẻ thù không đơn giản nhưng nó quyết định rời khe đá, ra ngoài để tránh xa virus chết người.
Khả năng tôm hùm phát hiện và tránh xa con nhiễm bệnh là chìa khóa giúp chúng tránh virus PaV1 - loại virus giết chết hơn một nửa tôm hùm nhỏ bị nhiễm. Tôm hùm nhỏ dễ nhiễm virus này vì chúng sống bầy đàn, có lúc trong nhóm có tới 20 con.
Tôm hùm thường tránh xa con bị bệnh. |
Trong nghiên cứu đầu những năm 2000, nhà nghiên cứu Don Behringer thuộc Đại học Florida (Mỹ) và đồng nghiệp nhận thấy một số tôm hùm nhỏ sống một mình trong khe đá dù như vậy sẽ dễ bị tổn thương. Phần lớn những con tôm hùm sống một mình này đều nhiễm virus lây lan. Chúng không chọn sống một mình, mà bị các con khác tránh xa.
Phản ứng của tôm hùm với dịch bệnh cả ở tự nhiên và phòng thí nghiệm chính là hành vi giãn cách xã hội - một phần của thế giới tự nhiên. Ngoài tôm hùm, động vật như khỉ, cá, côn trùng, chim cũng phát hiện ra thành viên bệnh tật và tránh xa.
Loại hành vi này phổ biến vì chúng giúp động vật sống bầy đàn tồn tại. Mặc dù sống theo đàn giúp động vật bắt mồi, giữ ấm và tránh kẻ thù dễ hơn, nhưng cũng có nguy cơ bùng phát bệnh truyền nhiễm. Rủi ro này đã khiến động vật phát triển các hành vi giúp tránh bị nhiễm bệnh. Những con vật giãn cách xã hội khi có dịch bệnh là những con có khả năng sống sót cao nhất. Từ đó, con cái của chúng cũng sẽ có hành vi giãn cách xã hội khi có dịch bệnh. Các hành động này được các nhà sinh thái học dịch bệnh gọi là "miễn dịch hành vi". Động vật không có vaccine nhưng chúng có thể ngăn chặn dịch bệnh thông qua cách sống và hành động.
Dù vậy, miễn dịch thông qua hành vi cũng có cái giá phải trả. Giãn cách xã hội khỏi các thành viên khác cùng loài, dù là tạm thời, cũng có nghĩa là mất đi nhiều lợi ích khi sống bầy đàn. Vì thế, các nhà nhiên cứu phát hiện ra rằng tránh xa hoàn toàn đồng loại có bệnh như tôm hùm chỉ là một trong nhiều cách tiếp cận của động vật.
Giãn cách để bảo vệ đồng loại
Một số động vật có chiến lược giãn cách xã hội để bảo vệ những con quan trọng nhất hoặc dễ bị tổn thương nhất trong đàn. Ví dụ ấn tượng nhất là trong thế giới côn trùng, nơi mà các thành viên khác nhau trong đàn có vai trò riêng và ảnh hưởng tới sự tồn vong của đàn.
Một số loài sống bầy đàn vẫn ở cùng nhau khi có thành viên trong đàn nhiễm bệnh. Chúng chỉ thay đổi cách tương tác. Ví dụ với loài kiến, chúng hạn chế tiếp xúc với các con kiến nhất định trong đàn để giảm rủi ro lây nhiễm.
Trong công trình nghiên cứu của bà Nathalie Stroeymeyt thuộc Đại học Bristol ở Anh đăng năm 2018 trên tạp chí Science, các nhà nghiên cứu đã theo dõi hoạt động của các đàn kiến vườn trong khi xảy ra đợt bùng phát dịch nấm Metarhizium brunneum chết người. Bào tử nấm truyền từ con kiến này sang con khác thông qua tiếp xúc trực tiếp. Chỉ cần một hay hai ngày là các bào tử nấm có thể xâm nhập cơ thể kiến và khiến chúng bị bệnh, sau đó thường sẽ chết.
Trong thí nghiệm cho kiến thợ nhiễm bào tử nấm, các nhà khoa học đã quan sát thấy kiến thay đổi hành vi xã hội trong vòng 24 giờ sau khi chúng lần đầu phát hiện ra bào tử nấm trong đàn, trước cả khi con kiến nhiễm bào tử có biểu hiện bệnh. Khi kiến thợ thấy mình nhiễm bào tử nấm, nó sẽ tự cách ly bằng cách tránh xa đàn nhiều hơn. Những con kiến khỏe mạnh cũng giảm mạnh tương tác xã hội tùy vào vai trò. Kiến thợ khỏe mạnh, thường giao tiếp với kiến thợ có thể nhiễm bệnh, sẽ tránh xa đàn khi có bệnh dịch, giúp ngăn chúng vô tình khiến các thành viên quan trọng trong đàn nhiễm bệnh, như kiến chúa và kiến "y tá" chăm sóc con non. Kiến "y tá" cũng di chuyển con non vào sâu trong tổ, tránh xa kiến thợ.
Hiện chưa rõ tại sao kiến phát hiện ra bào tử nấm và phản ứng nhanh chóng như vậy, nhưng hành vi giãn cách xã hội chiến lược nói trên hiệu quả tới mức mọi kiến chúa và kiến "y tá" trong nghiên cứu đều sống sót sau thí nghiệm.
Giãn cách tùy theo sức đề kháng
Còn với loài chim, chúng dùng chiến lược khác hẳn, có thể là tùy theo mức độ phản ứng miễn dịch riêng và sức đề kháng với bệnh dịch. Bà Maxine Zylbergerg và đồng nghiệp đã làm thí nghiệm với ba con chim sẻ đầu đỏ nhốt trong ba lồng đặt cạnh nhau. Con trung tâm được đặt ở giữa con bị tiêm thuốc để trông có vẻ bơ phờ và con khỏe mạnh.
Các nhà nghiên cứu quan sát thấy con sẻ trung tâm tránh xa phía con trông có vẻ bị bệnh. Tuy nhiên, mức độ tránh xa tùy vào sức đề kháng của con chim sẻ. Nếu nó khỏe mạnh, nó sẽ không quá ác cảm với con bị bệnh. Nhưng nếu nó yếu, nó tìm cách tránh càng xa con ốm càng tốt. Kết quả thí nghiệm được đăng trên Biology Letters năm 2013.
Giãn cách xã hội có chiến lược đôi khi lại có nghĩa là vẫn duy trì mối quan hệ xã hội nhất định cho dù có rủi ro bệnh tật. Khỉ mặt chó - loài có tính xã hội cao - là một ví dụ điển hình. Loài này sống theo đàn từ 10 đến hàng trăm con. Các đàn gồm có nhiều gia đình khỉ và chúng thường chải lông cho nhau. Khi phát hiện có con cùng đàn nhiễm bệnh, chúng sẽ tránh xa con đó.
Tuy nhiên, khỉ mặt chó đôi khi cũng bỏ qua giãn cách xã hội dù có dịch bệnh. Chúng vẫn tiếp tục chải lông cho họ hàng gần dù các con này bị nhiễm ký sinh trùng nặng.
Cầy mangut cũng không tránh xa con nhiễm bệnh trong đàn do chúng là loài có quan hệ xã hội chặt chẽ và việc sống bầy đàn có ý nghĩa sống còn. Trong tự nhiên, giãn cách xã hội là cách tốt nhất để ngăn dịch bệnh lây lan cho tới khi có vaccine hoặc thuốc đặc trị COVID-19.