FDA hạn chế dùng chất kích thích tăng trưởng cho thú nuôi

Thứ Ba, 21/02/2017, 12:45
Trong một nỗ lực gìn giữ tính hiệu quả của kháng sinh trong điều trị các bệnh truyền nhiễm ở người, Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) yêu cầu giảm đáng kể việc sử dụng các loại thuốc thúc đẩy sự tăng trọng ở thú nuôi nhằm ngăn chặn những nguy hại có thể xảy ra cho con người.

Việc thay đổi, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, từng gây tranh cãi suốt nhiều thập niên tại FDA với nỗ lực kiểm soát việc sử dụng thuốc kháng sinh cho thú nuôi lần đầu tiên vào năm 1977. Quy định mới buộc nước Mỹ áp dụng giống với các quy chế đã có ở châu Âu từ năm 2006.

Tuy các quy định mới của FDA khá phức tạp nhưng không cấm hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh, và vì vậy một số người ủng hộ lo ngại rằng các quy định mới sẽ không hiệu quả như mong đợi. Nhưng dù sao, quy định mới vẫn chứng tỏ có bước tiến quan trọng trong cuộc chiến lâu dài chống lại việc sử dụng kháng sinh cho thú nuôi và có thể mở đường cho nhiều hạn chế khác trong tương lai.

Các nhà hoạt động vì sức khỏe than phiền lệnh cấm của FDA có quá nhiều lỗ hổng khiến người chăn nuôi còn tiêm kháng sinh cho heo.

Ramanan Laxminarayan, Giám đốc Trung tâm Chính sách, Kinh tế học và Động lực bệnh học tại Washington, thành viên Hội đồng quốc gia cố vấn cho Nhà Trắng về kiểm soát thuốc kháng sinh, cho biết: "Tôi nghĩ bước tiến này rất lớn, gửi một thông điệp mạnh tới ngành công nghiệp chăn nuôi rằng FDA sẵn sàng tham gia bảo vệ tính hiệu quả của kháng sinh".

Không lâu sau khi kháng sinh được phát hiện vào cuối thập niên 1940 - đầu thập niên 50, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng, các thần dược mới này có những hiệu ứng khôn lường. Khi cho thú nuôi khỏe mạnh (như gia cầm, gia súc hay heo) ăn những liều kháng sinh bé xíu, thứ thần dược này khiến cho thú nuôi tăng trọng nhanh hơn so với đồng loại không được cho "ăn kháng sinh".

Hơn nữa, khi cho cả đàn thú nuôi dùng liều lớn hơn một chút - nhưng vẫn nhỏ hơn so với liều dùng điều trị bệnh nhiễm - kháng sinh có thể bảo vệ những con thú khỏi những bệnh lây do nhốt chung chuồng trại khép kín. Hai đặc trưng này - kích thích tăng trưởng và phòng bệnh - tạo ra nghề làm nông trại theo kiểu công nghiệp hiện đại cực kỳ hiệu quả: Cho phép thú nuôi lớn nhanh trong không gian hạn hẹp.

Năm 2015, năm gần đây nhất mà FDA sưu tập dữ liệu, các nhà sản xuất dược phẩm thú y tại Mỹ đã bán ra 17.200 tấn kháng sinh để sử dụng cho thú nuôi. Nhưng thật ra có vấn đề quan ngại. Khoảng những năm 1960, việc sử dụng thuốc kháng sinh ở thú nuôi từng được chứng minh dẫn đến nguy cơ tăng các bệnh nhiễm kháng thuốc ở người, ngoài việc kháng nhiều thuốc kháng sinh do các bác sĩ lạm dụng chúng ở người.

Năm 1977, Cục trưởng FDA khi đó là Donald Kennedy dự tính cấm kháng sinh kích thích tăng trưởng tại Mỹ. Ông này tranh luận rằng chúng tạo ra kháng khuẩn có hại chứ không đem lại ích lợi nào. Nỗ lực của ông bị dập tắt bởi một số thành viên quốc hội đại diện cho nhóm lợi ích nông nghiệp. Vấn đề này luôn nằm cách xa bàn tổng thống cho tới khi Chính phủ Obama chú ý đến vào năm 2013, bằng một yêu cầu các nhà sản xuất ngừng khuyến khích sử dụng kháng sinh kích thích tăng trưởng.

Các quy định mới "biết dùng khéo léo (judicious use)" của FDA khiến cho chất kích thích tăng trưởng là bất hợp pháp tại Mỹ, và đặt kháng sinh cho mục đích ngừa bệnh dưới sự kiểm soát của các bác sĩ thú y. Trước kia các nhà nông có thể mua nhiều loại kháng sinh tại các cửa hàng bán thức ăn thú nuôi hay qua mạng dễ dàng. Tuy nhiên, quy định mới không cấm hoàn toàn việc dùng kháng sinh. Các nhóm theo dõi vấn đề này suốt nhiều năm qua lo ngại chúng có quá nhiều sơ hở.

Matthew Wellington, Giám đốc khu vực chương trình kháng sinh tại Tổ chức không vụ lợi U.S. PIRG, khẳng định: "Những quy định này giống biện pháp nửa vời cho một vấn đề cần một giải pháp toàn diện vậy! Chúng tôi không chỉ cần bỏ đi chất kích thích tăng trưởng mà còn muốn xóa bỏ hoàn toàn thông lệ sử dụng kháng sinh trên thú nuôi khỏe mạnh. Kháng sinh là thần dược thời hiện đại, không cớ gì chúng ta lại tiêu xài hoang phí chúng theo kiểu như vậy!"

Các nhà khoa học đặc biệt lo ngại: Sau khi châu Âu ban hành lệnh cấm các chất kích thích tăng trưởng, rất nhiều quốc gia chưa có thay đổi gì đáng kể trong sử dụng kháng sinh bên trong biên giới của họ, thậm chí cùng một số thuốc nay được thay nhãn mới trở thành "thuốc dự phòng".

Chẳng hạn, việc dùng kháng sinh cho thú nuôi chưa bị xóa bỏ tại Hà Lan cho tới khi Chính phủ Hà Lan triển khai sự cộng tác với các tổ chức đại diện cho giới chủ nông trại.

Trong vòng 2 năm, người Hà Lan giảm sử dụng kháng sinh trên toàn nông trại khoảng 50%. Sử dụng kháng sinh phòng bệnh trên các nông trại là một quan ngại đặc biệt quan trọng ngay lúc này. Loại siêu côn trùng đề kháng cao mới nhất - đang di chuyển khắp thế giới - đến từ việc dùng kháng sinh phòng bệnh trong nông nghiệp. Gene tạo đề kháng cao có tên gọi MCR nhấn chìm hiệu năng của kháng sinh colistin, một trong những dược liệu mới nhất thế giới đang sở hữu để phòng các bệnh kháng thuốc cao.

Các bác sĩ cất giữ kỹ kháng sinh colistin suốt nhiều thập niên, bởi vì nó có nhiều tác dụng phụ độc hại và vì vẫn còn có nhiều thuốc an toàn khác. Nhưng trong những năm y học chưa kịp dùng đến nó, ngành nông nghiệp đã "hớt tay trên", thú nuôi tại châu Âu và Trung Quốc nhận hàng ngàn tấn thuốc có colistin. MCR giờ đây được phát hiện tại hơn 30 quốc gia, kể cả Mỹ, và các nhà nghiên cứu lo sợ nó sẽ hủy hoại hiệu năng của cả dược liệu có ích cuối cùng này.

Khó dự đoán có bao nhiêu kháng sinh dự phòng còn được dùng tại Mỹ sau lệnh cấm của FDA. Khoảng 1/3 số thuốc có trong danh sách sử dụng kháng sinh dự phòng được bán không hạn chế thời hạn sử dụng cho thú nuôi, như một kiểu lách luật FDA.

Cơ quan này đang thu nhận những bình luận từ công chúng, để xem xét có nên siết chặt các quy định hơn nữa hay không. Có một điều dễ thấy: Những quy định của FDA sẽ không chắc hiệu quả suốt gần hai năm, bởi vì FDA sẽ không tổng hợp và công bố số liệu năm 2017 trước thời điểm cuối năm 2018.

Lê Đoàn (theo Newsweek)
.
.