Game thực tế ảo giúp thu thập dữ liệu về bệnh mất trí nhớ

Thứ Sáu, 17/11/2017, 10:27
Game thực tế ảo "Sea Hero Quest VR" không chỉ là trò chơi thông thường mà còn giúp các nhà khoa học thần kinh thu thập dữ liệu về căn bệnh Alzheimer đang tác động đến khoảng 50 triệu người trên thế giới hiện nay.

Do đó, game - kích thích não bộ người chơi thông qua một loạt nhiệm vụ bắt buộc sử dụng trí nhớ và kỹ năng định hướng - được mô tả là "phương pháp nghiên cứu bệnh mất trí nhớ quy mô lớn nhất trong lịch sử".

Mục đích của game Sea Hero Quest VR là giúp thiết kế bộ test mới chẩn đoán phát hiện sớm bệnh mất trí nhớ. Công ty phát triển game Glitchers đặt trụ sở tại London (Anh) hợp tác với đội ngũ nhà nghiên cứu thần kinh học từ khối trường đại học Anh và Thụy Sĩ cũng như các tổ chức từ thiện về Alzheimer để tạo ra Sea Hero Quest VR. Game - phát hành hồi tháng 8-2017 cho bộ kính thực tế ảo Gear VR của Samsung và Oculus Rift của Facebook Inc. - được tài trợ bởi công ty viễn thông Đức Deutsche Telekom AG.

Dữ liệu người chơi (giữ bí mật) - bao gồm hành vi, sự quan sát và thời gian phản ứng - được thu thập và lưu trữ trên hệ thống máy chủ của Deutsche Telekon ở Đức. Người chơi có thể chấp nhận cung cấp cho nhà mạng dữ liệu nhân khẩu học chi tiết hơn, bao gồm độ tuổi, giới tính và vị trí.

Công việc của các nhà thần kinh học và tâm lý học nhận thức là phân tích dữ liệu để từ đó nắm được thông tin về khả năng tập trung tinh thần và định hướng trong môi trường mới của người chơi. Người ta tin rằng sự suy giảm loại khả năng này chính là dấu hiệu cảnh báo sớm về chứng bệnh mất trí nhớ. Thông tin từ người chơi game thực tế ảo cho phép thiết kế những bộ test mới giúp phát hiện sớm hơn sự yếu kém về khả năng nhận thức.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán đến năm 2050 sẽ có khoảng 130 triệu người trên toàn thế giới mắc bệnh mất trí nhớ do dân số già hóa tăng cao. "Thông qua một số biện pháp như là scan não bộ mà chúng ta biết được chứng bệnh phát triển âm thầm trong 15 đến 20 năm trước khi bắt đầu xuất hiện những triệu chứng rõ ràng" - theo David Reynolds, nhà nghiên cứu làm việc cho tổ chức từ thiện Anh Alzheimer's Research UK và là một trong các đối tác của Deutsche Telekom trong nỗ lực phát triển game Sea Hero Quest phiên bản VR.

Công nghệ thực tế ảo (VR) ngày càng được sử dụng phổ biến để trị liệu rối loạn stress hậu chấn thương hay chứng đau mãn tính. Theo Maxwell Scott-Slade, giám đốc Glitchers, các nhà khoa học cũng sử dụng VR để nghiên cứu não bộ trong phòng thí nghiệm.

Đại diện Deutsche Telekom cho biết chỉ trong vòng 2 phút chơi game, người chơi cung cấp cho các nhà khoa học lượng dữ liệu mà họ phải mất đến 5 giờ làm việc trong phòng thí nghiệm. Lý do là với Sea Hero Quest VR, người chơi phải vận dụng tối đa năng lực trí não để tìm đường vượt qua các mê cung, săn bắn các sinh vật.

Nhà khoa học thuộc Đại học ETH Zurich (Thụy Sĩ) Christophe Hoelscher cho biết hồi tháng 11-2016, phiên bản đầu tiên Sea Hero Quest thu thập được dữ liệu từ 3 triệu người chơi. Trong khi trước đó, lượng dữ liệu lớn nhất thu thập được chỉ từ 600 người tình nguyện. Phiên bản game đầu tiên cho thấy kỹ năng định hướng của một số người chơi suy giảm dần sau tuổi thiếu niên.

Dữ liệu cũng chứng minh rằng nam giới có kỹ năng định hướng tốt hơn nữ giới, và người dân các quốc gia Bắc Âu định hướng tốt hơn phần còn lại của thế giới. Hiện nay, vẫn chưa có loại thuốc nào giúp ngăn ngừa hay làm chậm lại sự phát triển bệnh mất trí nhớ. Tuy nhiên, chứng bệnh có thể được chữa trị tốt hơn nếu được phát hiện sớm trước khi những triệu chứng đầu tiên xuất hiện và khi mà não bộ chưa bị tổn hại.

An Di (tổng hợp)
.
.