Kéo dài sự sống bằng đông lạnh: “Ngủ” rồi “thức” dậy được không?

Thứ Tư, 07/09/2016, 08:15
Tiến sĩ Max More, Chủ tịch và là Giám đốc điều hành Công ty Alcor nói: “Chúng tôi chưa biết đến bao giờ có thể để họ tỉnh dậy. Điều này còn tùy thuộc vào những tiến bộ của y học nhưng chắc chắn họ sẽ được bảo quản 50 năm, thậm chí là 100 năm…”.


Thay quyền tạo hóa?

Năm nay 81 tuổi, tỉ phú Don Laughlin, người sáng lập Riverside Resort & Casino ở “kinh đô cờ bạc” Las Vegas, bang Nevada, Mỹ, đã không ngừng nghĩ đến phút cuối của đời mình. Ông nói: “Tôi không sợ chết vì ai mà chẳng chết. Nhưng nếu bạn có thể kéo dài sự sống thì tại sao bạn lại không làm?”.

Sau khi “ngủ đông” 30 hoặc 50 năm nữa, tỉ phú Laughlin sẽ sống lại để tiếp tục làm… tỉ phú.

Để “sống dai”, Laughlin đăng ký làm thành viên của Công ty Alcor. Một ngày nào đó, ngay trước khi ông trút hơi thở cuối cùng, cơ thể ông sẽ được Alcor xử lý rồi làm lạnh với nhiệt độ -196oC và đưa vào bảo quản trong một “nhà kho” của Công ty Alcor, đặt tại thành phố Scottsdale, bang Arizona. Tỉ phú Laughlin có thể sẽ nằm đó 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa cho đến lúc y học tìm ra phương pháp chế ngự sự lão hóa thì ông sẽ được “rã đông” để tiếp tục làm… tỉ phú!

Tỉ phú người Canada là Robert Miller cũng vậy. Năm nay 67 tuổi, Miller là nhân vật đứng thứ 3 trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất vi mạch điện tử. Giống như tỉ phú Laghlin, Miller đã chọn Công ty Alcor làm nơi “hồi sinh” cho mình, nhưng khác với Laughlin bảo quản toàn thân, Miller chỉ bảo quản bộ não.

Ông nói: “Thật là chán nếu 50 năm nữa chẳng hạn, tôi tỉnh dậy trong một cơ thể già nua như bây giờ. Vì vậy, tôi chỉ giữ lại trí tuệ. Một ngày nào đó, khi y học đã hoàn thiện việc ghép não, rất có thể bạn sẽ gặp một thanh niên 20 hoặc 30 tuổi nhưng bộ não điều khiển tất cả mọi suy nghĩ, hoạt động của anh ấy lại chính là tôi…”.

Thoạt nghe qua, câu chuyện y như chuyện khoa học viễn tưởng nhưng thực tế, nó hoàn toàn giống như những gì Miller đã nói. Một thí nghiệm do bác sĩ Michael Darwin - Tổng giám đốc Công ty Alcor tiến hành trên một con chó đã chứng minh điều này: Sau khi cho nó ngủ đông suốt 2 năm, lúc nó tỉnh dậy, Darwin đo hàng loạt điện não của con chó ở nhiều trạng thái khác nhau rồi so sánh với những kết quả điện não, thực hiện vài ngày trước khi nó “ngủ”. Darwin nói: “Hầu như hệ thần kinh không hề có sự thay đổi. Con chó vẫn sống, vẫn ăn, vẫn sủa, vẫn biểu lộ sự mừng rỡ khi nhận ra chủ nó như bình thường”.

Với một đội ngũ bác sĩ và kỹ thuật viên làm việc 24/24 giờ, quá trình thực hiện đông lạnh do Công ty Alcor tiến hành ngay khi thân chủ của họ được các bác sĩ tuyên bố là đã chết lâm sàng (phổi ngừng thở, tim ngừng đập nhưng não vẫn còn hoạt động). Lúc đó, các chuyên gia Alcor sẽ sử dụng thiết bị “hồi sức tim phổi”, giúp máu lưu thông đều khắp cơ thể thêm một lần nữa.

Tiếp theo, họ tiêm vào người thân chủ 16 loại thuốc khác nhau nhằm giữ cho tất cả các tế bào không bị hư hỏng rồi hút hết máu trong người ra và thay vào đó là dung dịch chống đông. Khi tất cả các mạch máu đã tràn đầy chất chống đông, bảo đảm rằng các tinh thể nước đá sẽ không hình thành trong mỗi tế bào, cơ thể người “ngủ đông” bắt đầu được làm lạnh.

Não bộ của người “ngủ đông” được Alcor theo dõi thường xuyên bằng máy chụp CT.

Cứ mỗi tiếng đồng hồ, nhiệt độ thân xác sẽ giảm xuống 1ºC và sau 2 tuần, nó ổn định ở -196ºC. Nơi an nghỉ tạm thời của thân chủ là một thùng bằng thép không gỉ hình khối tròn với tư thế đầu chúi xuống dưới. Thường thì một thùng như vậy chứa 3 người.

Tiến sĩ Max More, Chủ tịch và là Giám đốc điều hành Công ty Alcor nói: “Chúng tôi chưa biết đến bao giờ có thể để họ tỉnh dậy. Điều này còn tùy thuộc vào những tiến bộ của y học nhưng chắc chắn họ sẽ được bảo quản 50 năm, thậm chí là 100 năm…”. Tỉ phú Don Laughlin cho biết cảm tưởng của ông: “Chẳng thú vị gì khi nằm trong thùng nitơ lỏng với những “hàng xóm” mà lúc còn sống, có thể tôi không ưa họ. Nhưng nó vẫn hấp dẫn hơn là chôn xuống đất rồi bị giòi bọ đục khoét”.

Những bê bối trong việc đông lạnh

Khi Công ty Alcor ra đời, nhiều tranh cãi nổ ra xung quanh việc nên cho phép đông lạnh cơ thể với những người mắc bệnh hiểm nghèo để y học có thêm thời gian tìm ra cách chữa trị hay không - trong đó giới tăng lữ và tín đồ của một số tôn giáo phản đối nhiều nhất vì “Alcor đã cướp quyền tạo hóa”.

Một số khác phản đối vì nó đi ngược với quy luật đời thường. Tymothy, 27 tuổi, một nhà hoạt động xã hội ở bang Texas nói: “Con gái tôi năm nay 2 tuổi. Giả sử bây giờ tôi muốn ngủ đông thì 50 năm sau, khi tôi tỉnh dậy, tôi vẫn 27 tuổi trong lúc con tôi đã 52 tuổi. Mặc dù nó là con tôi nhưng nghĩ đến cái cảnh một gã trai 27 tuổi gọi một bà 52 tuổi bằng con, xưng bố, tôi thấy rất ngược đời…”.

Về khía cạnh pháp lý, một số bang ở Mỹ cho phép người dân được quyền “ngủ đông” - kể cả khi họ không mắc phải bệnh hiểm nghèo nhưng một số bang lại từ chối. Một trong những vụ nổi cộm nhất là trường hợp của tiến sĩ toán học Thomas A. Donaldson, người thành lập “Hội ngủ đông để chờ sống lại” ở Australia, và Viện thần kinh Cryobiology, nơi đã tài trợ những công trình nghiên cứu mang tính đột phá trong việc bảo quản mô não bằng phương pháp đông lạnh.

Năm 1988, Donaldson được chẩn đoán bị u ác tính ở não. Trở về Mỹ, ông làm đơn đề nghị được đông lạnh não để ngăn chặn khối u phá hủy não của mình nhưng đơn bị bác vì thời điểm ấy, bang California vẫn chưa có luật quy định về việc “đông lạnh để chờ ngày chữa trị” thay vì “đông lạnh để phục vụ nghiên cứu khoa học”.

Năm 1990, Thomas A. Donaldson khởi kiện. Lần này, Tổng chưởng lý bang California cũng thẳng tay bác bỏ. Mãi đến năm 2005, khi Công ty Alcor đã ra đời 33 năm, đơn của ông mới được chấp thuận. Ngày 19-1-2006, não Thomas A. Donaldson được Alcor đông lạnh và bảo quản với mã số A-1067.

Các thùng nitơ lỏng, mỗi thùng chứa 3 người “ngủ đông” chờ ngày hồi sinh.

Không chỉ Thomas A. Donaldson, thân chủ của Alcor còn có nhiều nhân vật nổi tiếng, chẳng hạn như ca sĩ Britney Spears, giám khảo chương trình truyền hình X-Factor nổi tiếng Simon Cowell, đạo diễn Charles Matthau, ngôi sao bóng chày Ted Williams, người sáng lập trang web mua bán trực tuyến PayPal Peter Thiel, người đi tiên phong trong lĩnh vực Internet Ralph Merkle, nhà toán học Edward O. Thorp, Giám đốc điều hành bảo mật máy tính Kenneth Weiss, Dick Clair, đã từng đoạt giải Emmy…, mà trong đó, trường hợp đông lạnh của Ted Williams - mã số A-1949 - được một nhân viên làm việc cho Công ty Alcor là Larry Johnson tiết lộ, đã khiến dư luận lên cơn sốt rét!

Trong 3 tháng cuối cùng làm việc tại Công ty Alcor, Larry Johnson bí mật gắn một thiết bị ghi âm và chụp ảnh vào ống tay áo.

Trong cuốn sách: “Đông lạnh - Hành trình của tôi vào thế giới của cái chết”, Larry Johnson mô tả việc xử lý xác cầu thủ bóng chày Ted Williams như sau: “Khi Williams được đưa tới cơ sở Alcor ở bang Arizona để đông lạnh theo yêu cầu của người con trai, họ rút máu Williams ra và thay thế bằng một hỗn hợp hóa học để ngăn chặn sự đóng băng trong mỗi tế bào. Tiếp theo, bằng một cái búa và một cái đục, họ chặt lìa đầu Williams ra khỏi thân thể để bảo quản riêng mà không được sự chấp thuận của gia đình ông ấy. Đó là một hành vi man rợ…”.

Vẫn theo Larry Johnson, năm 1992 tại Los Angeles, Công ty Alcor nhận được tin một thân chủ 39 tuổi của mình - mã số A-1260 - bị AIDS giai đoạn cuối, đang sắp chết. Lập tức, Alcor cử một nhóm nhân viên đến rồi thiết lập một phòng xử lý xác ngay tại gara trong nhà bệnh nhân.

Ông viết: “Đợi suốt 2 ngày mà bệnh nhân vẫn chưa chết, một nhân viên Alcor đã tiêm cho anh ta một mũi iodide metubine để anh ta chết nhanh hơn”. Trong cuốn băng ghi âm Larry Johnson cung cấp cho kênh truyền hình ABC News, có thể nghe rõ lời kể của nhân viên này: “Sau khi tiêm iodide metubine khoảng bảy hay tám phút, anh ta co cứng người rồi thở hắt. Điều đó hoàn toàn đúng như dự kiến của chúng tôi để xử lý cái xác”.

Khi những cáo buộc được Larry Johnsong tung ra, CEO của Công ty Alcor là Carlos Mondragon lập tức lên tiếng bác bỏ đồng thời từ chối trả lời những câu hỏi của báo chí, nhưng lại thừa nhận đã cho thôi việc nhân viên xử lý cái chết của người bệnh AIDS. Bên cạnh đó, Alcor cũng tiến hành khởi kiện Larry ra tòa vì “cường điệu và xuyên tạc”.

Phát ngôn viên của Alcor cho biết: “Cuốn sách này là loại tồi tệ nhất trong số những cuốn sách lá cải. Vì lợi ích của các thành viên Alcor nói chung và cộng đồng các nhà khoa học làm việc với Alcor nói riêng, chúng tôi khẳng định rằng những tình tiết khủng khiếp mà Larry Johnson đã mô tả là hư cấu. Hiện tại, chúng tôi đang ở thời điểm khởi đầu của hành động pháp lý nhằm bảo vệ công việc và sự riêng tư của các thành viên chúng tôi…”.

Nhưng không chỉ có những cáo buộc của Larry Johnson, trước lúc Alcor chuyển trụ sở từ California đến Arizona, họ đã bị một nhân viên điều tra cho rằng một thân chủ của Alcor là Dora Kent đã bị đầu độc bằng thuốc an thần rồi sau đó, đầu của cô mới được cắt đem đi đông lạnh. Phản bác lại, Công ty Alcor nói thuốc chỉ sử dụng lúc Dora Kent đã chết lâm sàng. Sự việc được dàn xếp êm thấm khi một thẩm phán tòa án hạt Riveside, California phán quyết rằng Dora Kent lìa trần tại thời điểm bảo quản.

Sau khi “rã đông”, người ta sẽ thế nào?

Cho đến nay, trong số gần 150 thân chủ của Công ty Alcor đang “ngủ đông”, vẫn chưa ai được làm cho “tỉnh dậy” nên chẳng rõ lúc “hồi sinh”, họ sẽ ra sao? Tuy nhiên, các nhà khoa học đã dựa vào trường hợp của một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ tên là Bulent Sonmez để tạm thời dự đoán tương lai khi “sống lại”.

Bulent Sonmez, 40 tuổi, ở Ankara, được gia đình đưa vào bệnh viện vì một cơn đau tim nhưng các bác sĩ chưa kịp xử lý thì tim ông ngừng đập. Bằng nhiều biện pháp như tiêm trực tiếp adrenalin vào buồng tim, sốc tim, Bulent Sonmez vẫn không tỉnh. Trong những nỗ lực cuối cùng nhằm cứu sống Bulent, các bác sĩ quyết định hạ thân nhiệt ông ta xuống 30oC bằng cách đặt Bulent vào một bồn tắm chứa nước lạnh nhằm hạn chế các tác động do thiếu oxy ở các cơ quan nội tạng.

Chỉ vài phút, tim của Bulent đập trở lại. Trong 24 giờ sau đó, các bác sĩ duy trì nhịp tim, đưa nhiệt độ cơ thể về mức bình thường. Tuy nhiên, lúc đã tỉnh, người đàn ông này không hề nhớ rằng mình đã có vợ, 2 con - kể cả khi vợ Bulent đưa những tấm hình chụp gia đình ra, ông ta vẫn thờ ơ như thể nhìn thấy người xa lạ. Chưa kể một nửa ký ức của Bulent cũng biến mất .Ông nói được tên trường tiểu học nơi ông đã học nhưng quên hẳn mình học trung học ở đâu. Bác sĩ Omer Zuhtu, người đã trực tiếp điều trị cho Bulent suy luận rằng có thể hiện tượng thiếu oxy não đã phá hủy một phần vỏ não, nơi lưu giữ những gì tai nghe mắt thấy.

Theo các chuyên gia tế bào học, nơron thần kinh là thành phần đặc biệt nhất trong cơ thể. Ở những cơ quan khác, khi lớp tế bào già chết đi thì lập tức có một lớp tế bào mới ra đời, nhằm thay thế lớp đã chết nhưng nơron thần kinh thì không. Nó chỉ chết đi chứ không bao giờ sinh sản.

Ở nhiệt độ -1960C, nơron thần kinh hầu như không hoạt động nên nó cũng không chết. Vì vậy, khi “rã đông”, hệ thần kinh có thể vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng câu hỏi đặt ra là sự dẫn truyền các mệnh lệnh từ não bộ thông qua các nơron đến tất cả mọi bộ phận trong cơ thể lúc ấy có còn thực hiện được không? Hay bảo giơ tay phải thì nó giơ tay trái, bảo đứng nó lại ngồi hoặc tệ hơn, một ông tiến sĩ toán học sau khi “rã đông”, kiến thức tính toán cũng chỉ bằng một bà bán hàng rong ngoài chợ…

Thế nên, câu trả lời bây giờ là “hãy đợi đến lúc Alcor “rã đông” ông A, bà B thì mới biết chắc chắn được!”. 

Vũ Cao
.
.