Máy dò bom tại khách sạn ở Sharm el-Sheikh là đồ “dỏm”?

Thứ Hai, 16/11/2015, 11:05
Sau khi chiếc máy bay Airbus 321 của Hãng Hàng không Nga Kogalymavia (Metrojet), từ thành phố Sharm el-Sheikh, Ai Cập đến thành phố St Petersburg, Nga bị rơi trên bán đảo Sinai, Ai Cập vào ngày 31/10 khiến toàn bộ 224 người trên máy bay thiệt mạng mà nguyên nhân được nghi ngờ là do bị đặt bom thì tất cả các khách sạn có người nước ngoài cư trú ở thành phố Sharm el-Sheikh đều được trang bị máy dò bom để kiểm tra hành lý của hành khách đang chuẩn bị rời khỏi Ai Cập.

Tuy nhiên, một phát hiện mới đây của Cơ quan An ninh Anh đã cho thấy tất cả những "máy dò bom" này là máy "dỏm", chúng được làm bằng một cái hộp nhựa và một cần ăng ten của radio, bên trong chẳng hề lắp đặt  linh kiện gì!

Vụ việc đã từng bị phanh phui

Sau vụ rơi máy bay, có khoảng 80.000 công dân Nga đang ở Ai Cập, hầu hết là khách du lịch, còn về phía người Anh, con số này là 20.000 người cùng vài nghìn người Bỉ, người Pháp. Khi quyết định đưa khách du lịch về nước được ban ra, phần lớn họ đều ở trong những khách sạn như Sultan Gardens, Hilton Dreams, Hilton Fayrouz và Xperience St George Homestay thuộc thành phố Sharm el-Sheikh.

Để bảo vệ an toàn cho du khách cũng như các chuyến bay đưa họ về nước, Cơ quan An ninh Ai Cập đã sử dụng một thiết bị dò tìm bom mìn giấu trong những valy hành lý. Thiết bị này có hình dạng như tay cầm của một chiếc cưa tay hoặc dụng cụ bấm ghim giấy, ở  đầu thò ra một đoạn ăng ten dài, được gọi là C-Fast mà theo giải thích, nó hoạt động bằng "năng lượng tĩnh từ cơ thể con người".

Máy dò bom C-Fast đang được nhân viên an ninh Ai Cập dùng để kiểm tra xe.

Ngay tại Savoy, nơi Đại sứ Vương quốc Anh là ông John Casson khi tổ chức một cuộc họp với khách du lịch người Anh để phổ biến lịch trình các chuyến bay về nước, C-Fast cũng được an ninh Ai Cập mang ra để kiểm tra tất cả những loại xe cộ đến dự họp.

Tuy nhiên, C-Fast đã nhanh chóng bị phát hiện là đồ "dỏm". Nó được chế tạo dựa trên nguyên lý của máy dò tìm quả bóng golf (Finders Golfball). Năm 2000, một số kẻ lừa đảo người Anh, gồm: James McCormick, 59 tuổi, ở Somerset; Gary Bolton, 59 tuổi, ở Kent; Antony Williamson, 60 tuổi, ở Gosport và cặp vợ chồng về hưu là Sam, 69 tuổi - Joan Tree, 63 tuổi cũng đã dựa vào máy dò tìm quả bóng golf để tạo ra một thiết bị mà họ cho là có thể phát hiện bất kỳ loại chất nổ nào, dù nó được giấu ở đâu rồi mang bán cho Chính phủ Iraq.

Và mặc dù "máy dò" không cần bất cứ một nguồn năng lượng nào để hoạt động, cũng như chẳng có bộ phận nào để điều khiển nhưng chẳng hiểu sao Chính phủ Iraq vẫn tin và vẫn quyết định đặt mua? Kết quả nhóm lừa đảo này đã kiếm được 100 triệu bảng Anh, trong đó James McCormick bỏ túi 50 triệu còn Gary Bolton là 45 triệu.

Khi vụ việc bị phát hiện, Cảnh sát Anh đã tìm thấy trong một nhà kho của James McCormick tại Dunstable, Bedfordshire hàng trăm chiếc hộp nhựa rỗng dùng để lắp ráp máy "dò bom". Kết quả McCormick lĩnh án 10 năm tù giam, Bolton 7 năm, Williamson 2 năm còn vợ chồng Tree thì ông chồng lĩnh án 3 năm rưỡi tù giam, bà vợ 2 năm tù treo.

Chuyên gia Anh về chất nổ là Sir Bailey cho biết: "Đây là sự sỉ nhục đối với các nhà khoa học. Hàng nghìn thường dân đã chết khi mà những kẻ đánh bom tự sát có thể vượt qua hàng rào kiểm soát an ninh một cách dễ dàng chỉ vì quân đội Iraq cả tin vào chiếc máy này".

Máy dò bom chỉ… bảo an tâm lý là chính!

Vụ việc tưởng như đã là một bài học lớn cho các lực lượng chống khủng bố. Thế nhưng theo thông tin từ tờ Daily Mail của Anh, quân đội Ai Cập dường như đã sao chép chiếc máy "dỏm" của nhóm McCormick rồi sản xuất ra một phiên bản cho riêng mình với tên gọi C-Fast và đã được cấp bằng sáng chế "công cụ sàng lọc"?

Theo một chuyên gia khoa học thuộc quân đội Ai Cập, C-Fast có thể phát hiện bất kỳ loại chất nổ nào trong phạm vi bán kính  500m. Báo Daily Mail viết: "Các khách sạn đang sử dụng những thiết bị giả và những gia đình người Anh ở thành phố Sharm el-Sheikh cũng đang được bảo vệ bởi sự giả trá. Cái gọi là "máy dò bom" C-Fast thật ra hoàn toàn vô dụng".

Nhân viên an ninh cầm C-Fast đứng trước một khách sạn ở Sharm el-Sheikh.

Chính vì không biết C-Fast vô tác dụng nên nó đã tạo ra được hiệu ứng tâm lý. Gia đình khách du lịch người Anh Thomas Hardy cho biết: "Khi chúng tôi đến khách sạn Hilton Dreams, một nhân viên an ninh Ai Cập đã yêu cầu chúng tôi phải để tất cả hành lý vào một góc. Tiếp theo, họ cầm một cái máy nhỏ bằng nhựa màu trắng xám có hình dạng như tay cầm của một chiếc cưa tay, ở đầu lòi ra một đoạn ăng ten khá dài và chĩa cần ăng ten vào số hành lý, rà qua rà lại. Sau đó, họ rà khắp người chúng tôi, rà luôn cả chiếc xe chở chúng tôi rồi mới cho chúng tôi vào".

Bà Kovalovskaia, khách du lịch người Nga cho biết thêm: "Tôi hoàn toàn nhẹ nhõm khi thấy công tác an ninh được tiến hành chu đáo. Mặc dù chưa lên máy bay nhưng khi biết chắc tất cả hành lý của mọi người trong khách sạn sau khi rà bom đều không có bom thì tôi không còn lo lắng gì nữa" (?).

Không chỉ sử dụng máy C-Fast tại các khách sạn, dường như Cơ quan An ninh Ai Cập còn dùng nó ở sân bay Sharm el-Sheikh. Theo báo Daily Mail, sau khi chiếc máy bay Airbus 321 của Hãng Hàng không Nga Kogalymavia rơi ở bán đảo Sinai mà nguyên nhân đang được cho là bị đặt bom, các nhân viên an ninh Ai Cập đã tiến hành điều tra để xem liệu có một nhân viên phục vụ tại một khách sạn nào đó, có thể đã bí mật đặt một quả bom vào một trong những valy hành lý của hành khách hay không? Rồi từ cuộc điều tra này, dẫn đến việc sử dụng máy dò bom C-Fast!

Theo thông lệ, tại những khách sạn đẳng cấp ở Ai Cập, hành lý ký gửi của khách thường vẫn được xe của khách sạn đưa ra sân bay rồi làm thủ tục cho khách luôn. Trên quãng đường di chuyển ấy, nó hoàn toàn có đủ thời gian để bọn khủng bố đặt một quả bom vào. Chưa kể an ninh ở sân bay Sharm el-Sheikh rất lỏng lẻo, máy quét hành lý thường xuyên hỏng hóc nhưng không được thay thế, công tác kiểm tra tại cửa vào khu vực tiếp nhận suất ăn và nhiên liệu cho máy bay chỉ được thực hiện cho có lệ.

Ra vào sân bay Sharm el-Sheikh rất dễ dàng.

Theo giải thích của nhân viên sân bay, các khách sạn địa phương cung cấp thức ăn cho một số chuyến bay, chuyển trực tiếp tới máy bay và bộ phận bảo vệ thường để những chuyến hàng này vào mà không kiểm tra đầy đủ vì họ quen mặt những người giao hàng!

Một quan chức an ninh giấu tên cho Daily Mail biết, nhân viên giám sát máy X-quang của sân bay được trả lương rất thấp nên họ thường xuyên nhận hối lộ. Một hành khách nói anh ta đã cố tình nhét vài chai nước vào túi xách nhưng vẫn được cho qua dễ dàng.

Trước đó, tình báo Anh, Mỹ nghi ngờ quả bom trên chiếc Airbus 321 đã được gài bởi một hoặc vài người có quyền tiếp cận khoang hành lý của máy bay. Thông tin này được tiết lộ khi vệ tinh tình báo của Anh phát hiện một số cuộc điện đàm giữa phiến quân IS ở Syria và Ai Cập. Trong những lần nói chuyện ấy, giọng điệu và nội dung của người nói lẫn người nghe đã khiến những nhà phân tích tình báo Anh, Mỹ tin rằng bom đã được một hành khách hoặc nhân viên mặt đất của sân bay đưa lên khoang.

Ông Magdy Salim, một quan chức cao cấp đã nghỉ hưu của Bộ Du lịch Ai Cập cho biết, bảo vệ sân bay đã nhiều lần bỏ qua việc kiểm tra an ninh với bạn bè hoặc đồng nghiệp, hoặc với những người trông có vẻ xinh xắn, dễ thương, những người bước ra từ những chiếc xe hơi sang trọng(!)

Trở lại với vụ máy phát hiện chất nổ C-Fast, hàng nghìn gia đình người Nga lẫn người Anh vẫn đợi để bay về nhà, và rất nhiều người trong số họ không hề hay biết rằng mình đang được bảo vệ bằng những chiếc máy "dỏm".

Tiến sĩ vật lý Michael Sutherland thuộc Đại học Cambridge - là người trực tiếp theo dõi các thử nghiệm của máy dò tìm trái bóng golf (Finders Golfball) cho biết C-Fast "là sự gian lận cực kỳ nguy hiểm" và ông mỉa mai: "Họ - tức Cơ quan An ninh Ai Cập - có lẽ sẽ may mắn hơn nếu dò tìm chất nổ bằng kebab" (là một loại bánh mì kẹp thịt nướng theo kiểu Thổ Nhĩ Kỳ).

Hiện tại, Chính phủ Ai Cập vẫn chưa bình luận gì về thông tin máy dò bom C-Fast là đồ "dỏm" nhưng tối ngày 10/11, một phát ngôn viên của Chính phủ Anh tại thành phố Sharm el-Sheikh cho biết: "Thời điểm này, tất cả những khách sạn, những khu resort có khách nước ngoài lưu trú, các máy quét hành lý, máy dò kim loại, chó nghiệp vụ cùng cảnh sát và nhân viên của các công ty an ninh tư nhân cũng như camera giám sát đã được triển khai nhằm đảm bảo an toàn cho du khách và những chuyến bay đưa họ trở về nhà…".

Cao Trí (theo Daily Mail)
.
.