Những phát hiện thú vị về tình mẫu tử trong thế giới động vật

Thứ Bảy, 28/07/2018, 11:36
Năm 2013, các video clip đăng tải hình ảnh Saosao chăm sóc đứa con nhỏ Siulin của mình: âu yếm hôn má nó, ru nó ngủ, vuốt ve và gãi cho nó bằng chiếc gậy tre ngắn được phát trên truyền hình, truyền đi hầu như khắp thế giới đã gây xúc động mạnh về tình mẹ trong giới động vật.

Saosao là con gấu mèo thuộc vườn bách thú Madrid (Tây Ban Nha), còn Siulin là đứa con của nó được khoa học thụ tinh trong ống nghiệm.

Hoặc như giống đười ươi chẳng hạn. Đó là "tổ tiên xa xưa" của con người (cấu tạo bộ răng của đười ươi giống như răng con người, đồng thời chúng cũng biết sử dụng đôi bàn tay rất thành thạo). Tình mẹ trong giới đười ươi thật bao la, bao trùm cả cộng đồng. Nếu như một nàng đười ươi cái nào đó không lo nổi "nghĩa vụ làm mẹ" của mình, cộng đồng sẽ cắt cử thêm "người" giúp - hỗ trợ nó: đó là một cô vượn trẻ, ngay tức khắc đảm nhiệm việc chăm sóc "đứa bé".

Tình cảm cộng đồng tương tự cũng được quan sát thấy giữa loài sói. Khi sói mẹ muốn đi săn, nó liền "thuê" từ chủ đàn những cô sói trẻ khỏe, suốt ngày ở quanh ổ lo cho lũ sói con ăn và chăm sóc chúng.

Nhưng chó sói chưa phải là giống vật đứng "đầu bảng" trong tình mẹ. Sư tử cũng là những bà mẹ dịu dàng và chu đáo. Sư tử cái không chỉ cho đám con mình bú, mà cả những sư tử con khác thiếu mẹ nữa và không hề tỏ thái độ "kỳ thị". Ngoài ra, bất cứ chú sư tử con nào khi rời tổ đi chơi với bạn, đều biết rằng sẽ được chuẩn bị sẵn món điểm tâm thịnh soạn bên "nhà" bạn. "Khách khứa" thường được một bà sư tử già đã rụng hết răng lo toan chu đáo, đôi khi "trưởng ban tiếp tân" lại là một "bác" sư tử đực nữa…

Giáo sư động vật học Mỹ Jeremi Ansel từng làm việc hàng chục năm liền trong phòng thí nghiệm - nơi ông nuôi khoảng 150 con mèo, đã đi tới kết luận rằng giống mèo cũng giúp đỡ nhau trong việc chăm sóc mèo con. "Ví như những ả mèo cái hiếm hoi, sẵn sàng chia phần sữa cho những mèo mẹ "mắn" con khác, và đôi khi còn là những "bà vú" chủ lực thực thụ. Với giống mèo, được làm mẹ là một vinh dự lớn lao", Giáo sư J. Ansel cho biết.

Giờ ta hãy xem “đàn ông” trong giới động vật đối với việc chăm sóc con cái ra sao? Điển hình phải kể đến loài cáo Âu châu. Bất chấp mọi tai tiếng đồn đại là "loài cha vô trách nhiệm", cáo đực thường chăm và cho con ăn - một khi con cái không còn nữa (chết, gặp nạn…).

Còn giống chuột túi trong vườn bách thú Rome (Italia) thì rất lưu luyến với cuộc sống gia đình. Ví như sau khi chuột túi vợ và con bị các thú y sĩ bắt buộc phải khai tử - vì các vết thương nhiễm trùng do chúng bị té ngã quá trầm trọng, "anh chồng" rên rỉ suốt ngày và rồi tìm đường… tự vẫn cũng bằng phương thức mà vợ con nó đã chết: nhảy từ trên tường cao xuống.

Còn rất nhiều ví dụ nữa về tình mẫu tử trong giới động vật: như "nhà hộ sinh" làm từ nước bọt - nơi loài chim giống đực có quyền lui tới, đến các dãy "chung cư" - những tổ lớn mà chim muông dựng cho cả gia đình và dòng họ trú ngụ… Với loài cá heo (dolphin) thì lòng mẹ luôn bao trùm hết thảy. Cá heo khi sắp sinh được các cô bạn giúp "vượt cạn", bằng cách bơi chậm và thúc nhẹ 2 bên thân - khiến cho sự sinh nở trở nên dễ dàng hơn.

Những "trợ giúp" như vậy theo các nhà khoa học khẳng định, thường thấy ở cả nhiều giống loài khác nữa. Như giống chuột hoặc voi chẳng hạn. Một câu chuyện cảm động về tình phụ tử của loài voi: vào năm 2016, những người bảo vệ khu Công viên quốc gia Kruger ở Nam Phi thực sự xúc động, bởi lòng hiếu thảo của chú voi Lanky với voi mẹ Oma - bị một khối u hành hạ. Hầu như bất lực, mọi chuyện Oma đều cậy nhờ vào cậu con. Sáng nào Lanky cũng mang đến cho mẹ đồ ăn tươi. Sau đó dẫn mẹ đi uống nước, đưa thân cho mẹ dựa khỏi ngã…

Khi Oma không tự vận động được nữa, cả đàn voi xúm lại giúp đỡ nó suốt nhiều tháng ròng... Cuối cùng, để chấm dứt nỗi đau đớn hành hạ Oma, con voi đầu đàn quyết định dùng ngà… đâm cho nó gục hẳn - một dạng "trợ tử" thuộc khái niệm "được chết theo ý muốn".

Khoa học cũng đã làm thí nghiệm với một vài loài động vật có vú khác: đưa những "đứa bé" sau khi sinh vài giờ được cách li khỏi mẹ chúng… Rồi thực tình sau đó chúng "khoái" chơi với một dạng "búp bê" - giống mẹ, hơn là với mẹ đẻ đích thực.

Những “đứa trẻ mồ côi" dạng này phát triển nhanh hơn là những đứa ở cùng với mẹ. Nhưng tạo hóa đã đưa ra câu trả lời: 3 năm sau, những động vật "tự phát triển" không làm chủ được mình, thường dễ "nổi cáu" và cắn lộn lẫn nhau, chúng không phát triển được đầy đủ trong lĩnh vực hòa đồng giữa các giới tính khác nhau. Một bằng chứng hiển nhiên, là người mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển tâm - sinh lý cho các thế hệ sau của mình.

Các nhà khoa học cũng chứng minh được rằng, bản năng làm mẹ của động vật còn mãnh liệt hơn cả huyết thống. Giám đốc một khu rừng cấm ở Phi châu kể lại lần ông thấy một con khỉ lao ra cản đường, nhằm cứu một con khỉ nhỏ "không quen biết" đang bị một con báo rượt đuổi…

"Nhưng  chẳng có động vật nào có thể so sánh với loài khỉ châu Phi - nữ  khoa học gia nổi tiếng người Anh Jemma Thomas khẳng định - Đó là những chàng Robin Hood thực sự trong rừng rậm, luôn sẵn lòng giúp đỡ muôn loài gặp nạn!".

Còn nhà động vật học gạo cội người Hà Lan Adrian Courtlandt từng quan sát trong một ngày nọ: đàn khỉ đang xúm lại cẩn trọng tháo dây trói cho một con chim - mà ông buộc giữa rừng nhằm thực nghiệm xem phản ứng của nó ra sao trong môi trường "bán tự nhiên".

Dân bản địa người Phi thậm chí còn "quy tội" cho giống khỉ hay đánh cắp trẻ em - thường được cho nằm trong nôi khi cha mẹ chúng làm đồng. Không hẳn vậy, mà đơn giản bầy khỉ chỉ nghĩ rằng những đứa trẻ nằm riêng lẻ "chắc là bị bỏ rơi", nên tìm cách "cứu" chúng mà thôi.

Quang Phú (theo National Geographic)
.
.