Vụ án "Chiếc hòm bí ẩn ở Millery"

Thứ Sáu, 15/03/2019, 09:37
"Xác chết được nhận dạng", đó là tiêu đề in bằng chữ lớn trên các trang báo của Paris vào ngày 22-11-1889. Vụ án "Chiếc hòm bí ẩn ở Millery", như báo chí đã gọi, đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong khoa học hình sự thế giới.

Trước đó, không ai có thể thiết lập được mối liên hệ giữa xác chết đang trong tình trạng phân hủy được tìm thấy ở Lyon với sự mất tích bí ẩn của một viên mõ tòa ở Paris nhiều tháng trước đó. Nhưng Giáo sư Lacassagne, người đi tiên phong trong khoa học hình sự đã thành công trong việc so sánh tóc của người chết với những sợi tóc dính trên chiếc lược của người mất tích. Lần  đầu  tiên những thành tựu y học mới nhất về xương, răng cũng  được ông áp dụng để nhận dạng xác chết.

Xác chết được nhận dạng

Ngày 13-8-1889, ở Millery, cách Lyon 15 km, một người canh đồng đã lôi từ trong bụi cây ra một bao tải to, rạch chiếc bao ra, anh ta thấy một đầu người đã bị thối rữa một nửa, còn dính rất nhiều tóc. Ngay lập tức hiến binh, phụ tá biện lý Lion và thầy thuốc pháp y đã tới hiện trường khảo sát. Rồi đến ngày 16-8, một người nhặt ốc bên bờ sông Rhône tìm thấy một chiếc thùng đã bị đập gãy thành nhiều mảnh, cảnh sát đến hiện trường và nhận thấy ngay chiếc hòm này bốc lên cái mùi đặc trưng của tử thi.

Họ chuyển ngay chiếc hòm về Lyon và tổ chức khám nghiệm tại đó. Các điều tra viên phát hiện chiếc hòm có dán nhãn của ngành vận tải đường sắt với dòng chữ "P.L.M" - ga gửi: Paris ngày 27/7/188... - ga đến: Lion, con số cuối cùng của 188.. không đọc được. Một tấm vải sơn với những vết sẫm đáng ngờ lót dưới đáy thùng.

Cảnh sát Lyon quyết định mở một cuộc điều tra về chiếc thùng đựng xác người này. Việc xác chết được tìm thấy ở vùng nông thôn hẻo lánh chứng tỏ đây không phải là một vụ tự tử mà là một vụ án mạng và hung thủ đã cố giấu diếm cái xác này. Chi tiết người canh đồng tìm thấy chiếc chìa khóa hòm gần địa điểm giấu tử thi càng củng cố giả thuyết này. Tuy nhiên các trường hợp mất tích được biết tới ở Lyon đều không phù hợp với đặc điểm của cái xác này, vậy cái xác này phải được vận chuyển từ nơi xa đến, nhiều khả năng đã được chuyển theo đường tàu hỏa tới Lyon.

Trong lúc đó ở Paris, từ nhiều tháng nay sếp của bộ phận An ninh là Goron đang mở cuộc điều tra về vụ mất tích bí ẩn của Toussaint -Augustin Goufflé, một viên mõ tòa giàu có, phất lên nhờ vào những vụ áp phe thắng lợi. Theo thông báo của gia đình, anh ta đã mất tích từ đêm 27-7-1889. Goufflé, 49 tuổi, góa vợ, sống cùng các con gái. Người đàn ông này khá trăng hoa, có quan hệ tình cảm cùng lúc với gần chục cô gái trẻ.

Thời gian đầu cảnh sát vẫn cho rằng anh ta đã bỏ đi cùng với một người tình nào đấy để tận hưởng một kỳ nghỉ lãng mạn, chỉ đến ngày 30-7, khi không có một dấu hiệu nào chứng tỏ Goufflé còn sống, vụ án mới được chuyển tới bộ phận của Goron. Tin chắc rằng tử thi tìm thấy ở Millery là của Goufflé, Goron đã yêu cầu nhà tội phạm học nổi tiếng Lacassagne cùng về Lyon khai quật lại tử thi và làm lại một cuộc giải phẫu mới.

Kết quả cho thấy tất cả hoàn toàn trùng khớp, việc phân tích các mẫu tóc xác nhận rõ ràng rằng cái xác tìm thấy ở Millery là  viên mõ tòa. Anh ta đã bị bóp cổ chết, xác được nhét vào chiếc hòm và chuyển về Lyon theo đường tàu hỏa sau đó được chuyển bằng xe ngựa tới vùng Millery để phi tang.

Chiến dịch truy tìm hung thủ

Goron cho phục dựng lại chiếc hòm ở Millery một cách chính xác như nguyên bản và đem trưng bày tại đại sảnh của khu nhà xác Paris. Ông hy vọng sẽ thu được những thông tin quý báu về chiếc hòm. Để thúc đẩy tiến độ điều tra, gia đình Goufflé cũng thông báo rộng rãi trên báo chí, hứa trao thưởng 10.000 franc cho những ai cung cấp được thông tin hữu ích.

Ngày 26-11, người thợ đóng yên ngựa Basioa đã đến gặp cảnh sát để thông báo rằng, theo ông đây là một chiếc hòm có xuất xứ từ Anh. Cùng lúc đó Goron nhận được một lá thư của một chủ khách sạn ở London báo tin rằng vào đầu mùa hè, bà Vespere - một phụ nữ Pháp sống tại London có giới thiệu cho ông một người khách Pháp gốc Paris tên là Michel gì đó đến thuê phòng tại khách sạn của ông, Michel ở cùng với một cô gái trẻ mà ông ta giới thiệu là con gái mình. 4 ngày sau khi đến, ông ta đi mua một chiếc hòm ở phố Ustole Roxter, giống hệt chiếc hòm đã trưng bày ở nhà xác Paris. Vào khoảng giữa tháng 7, Michel và cô gái trẻ đã rời London.

Ngay lập tức Goron bay sang Anh. Người bán hàng của hãng De Vall Jiger trên phố Ustole Roxter đã xác nhận đúng là chiếc rương đã bán cho một người Pháp khoảng 50 tuổi, chân ngắn, đi cùng một cô gái trẻ. Goron tiến hành thẩm vấn rất lâu với bà Vespere: Bà đã quen Michel ở đâu? Bà biết gì về ông ta? Tại sao khi đến London ông ta lại tìm đến bà?

Và đây là những thông tin mà bà Vespere đã cung cấp cho thanh tra Goron: Michel đã từng là tình nhân của bà hơn 14 năm về trước ở Paris, ông ta có tên đầy đủ là Michel Eyraud, cô gái kia hình như không phải là con gái mà là tình nhân của ông ta. Bà không biết gì nhiều về cô ta, chỉ biết tên cô ta là Gabrielle Bompard. Nghe đến đây, Goron đã linh cảm thấy mình đã đến được với lời giải của vụ án Goufflé, bởi vì theo những thông tin mà ông đã có được từ trước đó thì Michel Eyraud và Gabrielle Bompard chính là những người đã ở bên cạnh Goufflé trước khi ông ta mất tích và sau đó họ cũng đã biến khỏi Paris cùng ngày viên mõ tòa mất tích.

Những tình tiết chính của vụ án được vẽ lại dựa theo lời thú tội của hai đối tượng là thủ phạm trong vụ sát hại Toussaint Augustin Goufflé.

Trở về Paris, Goron quyết định ra lệnh truy nã. Ông cũng thu thập thêm được nhiều tin tức giá trị về Michel Eyraud. Đó là một kẻ phiêu lưu có hạng. Sinh ra ở  Saint-Étienne, di cư sang Tây Ban Nha cùng với bố mẹ từ nhỏ, sau một thời gian hành nghề thợ nhuộm, hắn gia nhập vào đội quân viễn chinh Pháp sang Mexico, sau đó đào ngũ và quay về Pháp, cưới một cô vợ giàu có, tiêu xài hoang phí rồi bỏ rơi vợ con, sang Nam Mỹ buôn vải. Năm 1882 hắn quay về Pháp mở xưởng nấu rượu rồi tạo dựng một vụ vỡ nợ giả để chiếm đoạt tiền của những người hùn vốn.

Từ mùa hè 1888, Gabrielle Bompard, một cô gái làng chơi, xuất thân trong một gia đình giàu có, đã trở thành tình nhân của hắn.

Goron chắp nối các sự việc và mường tượng ra những diễn biến của vụ án mạng này. Nhiều khả năng trong vụ phá sản của xưởng rượu, Eyraud đã làm quen và nhờ vả Goufflé. Biết viên mõ tòa này là một người giàu có và ham thích gái trẻ, hắn đã dùng Gabrielle làm mồi nhử rồi ra tay sát hại viên mõ tòa nhằm chiếm đoạt tài sản.

Đầu tháng giêng năm 1890, thanh tra Gareé đã tìm được tung tích của bà vợ cũ của Michel Eyraud và thu được một số bức ảnh của kẻ khả nghi. Bền bỉ và kiên nhẫn, Goron đã soạn  thảo rất nhiều công văn gửi cho các cơ quan ngoại giao và lãnh sự của Pháp ở hai bờ Đại Tây Dương, yêu cầu họ chuyển các bức ảnh và đặc điểm nhận dạng của Eyraud cho cảnh sát các nước sở tại ở Châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Báo chí thế giới cũng bắt đầu đăng chi tiết về vụ săn đuổi ly kỳ hai nghi phạm này.

Chiều 22 tháng giêng năm 1890, cô thư ký vào phòng báo cho Goron biết có một người phụ nữ tên là Gabrielle Bompard yêu cầu được gặp ông. Gabrielle bên ngoài trông hoàn toàn giống như trong những bức ảnh mà thanh tra Goron đã thuộc lòng: nhỏ nhắn, trang nhã và điệu đà, nhưng đường nét trên khuôn mặt cho thấy sự tàn phá của một lối sống bừa bãi. "Một vẻ đẹp của quỷ..." Goron đã viết lại cái cảm giác lúc đó trong một cuốn sách ông xuất bản sau này.

Theo những gì Gabrielle đã khai, thoạt đầu cô ta và người tình chạy trốn sang nước Mỹ, ở Mỹ họ đóng vai bố con và  Eyraud đã dùng cô làm mồi nhử một nhà đầu tư giàu có để tiếp cận và lừa đảo anh ta. Nhưng sau khi yêu anh chàng người Mỹ này, cô đã cảm thấy hối hận và khẩn nài anh ta đưa cô trở về Pháp, gặp gỡ các nhà chức trách để cung cấp các lời khai thành khẩn nhằm đổi lấy sự khoan hồng.

Vụ sát hại Goufflé là do một mình Eyraud thực hiện, cô chỉ là một cô gái vô tội, cả tin và yêu thương mù quáng nên đã bị lừa gạt và lôi cuốn vào tội ác này. Tất nhiên Goron có những nhận định hoàn toàn khác về vụ án và trước sự ngơ ngác của anh chàng người Mỹ đi cùng, Goron cương quyết ra lệnh bắt giữ và tống giam Gabrielle Bompard.

Hồi ký của Goron về quãng  đời khi ông còn làm lãnh đạo bộ phận An Ninh của cảnh sát Paris.

Trải qua nhiều cuộc thẩm vấn, cuối cùng Gabrielle Bompard cũng đã thú nhận tội lỗi và khai ra toàn bộ diễn tiến của vụ án mạng. Mục đích của vụ án mạng, đúng như Goron đã dự đoán, là để cướp hết số tiền trong két sắt của viên mõ tòa mà một lần sơ sảy, anh ta đã để những kẻ bất lương này trông thấy.

Cặp đôi này đã lập mưu để đưa Goufflé vào tròng. Gabrielle đã hứa hẹn với viên mõ tòa một cuộc gặp mặt "vui vẻ" vào tối 26-7-1889 tại một căn phòng nhỏ trong tòa nhà số 3 đường Tronson-Ducoudray ở Paris. Chiếc gường trong căn phòng này được kê sát với một cái hốc bị che khuất bởi một bức ri đô. Eyraud đã đóng đinh treo một chiếc vòng lên trần của cái hốc đó, luồn qua chiếc vòng một sợi dây thừng đầu có đính một chiếc móc.

Tối hôm đó, Eyraud trốn phía sau bức ri đô trong khi Gabrielle mở cửa đón Goufflé đang "run lên vì thèm khát". Gabrielle mặc chiếc váy ngủ trong suốt viền đăng ten, khi nằm dài trên gường với viên mõ tòa, ả tháo dây lưng chiếc váy và vờ thắt quanh cổ Goufflé. Đúng lúc đó Eyraud nhảy ra nắm hai đầu sợi dây và kéo mạnh bằng tất cả sức lực của mình. Tuy nhiên Goufflé vẫn không chết ngay, thấy vậy Eyraud đã nằm đè lên người viên mõ tòa và dùng tay bóp cổ nạn nhân.

Những tình tiết này hoàn toàn trùng khớp với những kết luận về nguyên nhân cái chết mà giáo sư Lacassagne đã đưa ra sau cuộc mổ tử thi ở Lyon. Sau khi Goufflé chết hẳn, hai kẻ sát nhân đã bọc xác anh ta vào một miếng vải sơn rồi nhét vào trong chiếc hòm đã để sẵn ở góc nhà. Cầm chùm chìa khóa lấy được trên người Goufflé, Eyraud lẻn đến căn hộ của Goufflé để lục lọi và phá két sắt cướp tài sản nhưng đã thất bại. Sau khi Eyraud quay về,  hai kẻ sát nhân đã chuyển chiếc hòm, ban đầu bằng xe lửa tới Lyon sau đó bằng xe ngựa tới Millery để giấu cái xác vào các bụi rậm và phân tán những thứ còn lại của chiếc hòm vào các lùm cây.

Sau khi Gabrielle bị bắt giữ, các dấu hiệu nhận dạng Eyraud được gửi đi khắp hai bờ Đại Tây Dương. Nhưng dưới một căn cước giả, kẻ sát nhân di chuyển liên tục giữa Mỹ, Canada và Mexico vì thế cảnh sát đã hoàn toàn mất dấu của hắn. Goron, một lần nữa lại quyết định dùng báo chí để đánh động Eyraud. Tên sát nhân đã gửi một lá thư tới Goron để thanh minh và đổ hết mọi tội lỗi cho Gabrielle, địa chỉ nơi gửi lá  thư đi là La Havana, Cuba.

Ngày 19-5-1890 hắn bị cảnh sát Cuba bắt giữ ngay sau khi vừa rời khỏi một hộp đêm. Sau khi bị bắt, Eyraud đã tìm cách tự tử bằng cách đập nát chiếc kính đeo trên mắt và dùng các mảnh vỡ để cứa cổ tay. Tuy nhiên cảnh sát địa phương đã kịp thời can thiệp và giám sát chặt chẽ hắn trước khi trao cho cảnh sát Pháp vào ngày 30-6-1890.

Ngày 20-2-1890, tòa tuyên án: "Michel Eyraud tử hình, Gabrielle Bompard 20 năm tù khổ sai". Michel Eyraud bị hành quyết vào ngày 3-2-1891 còn Gabrielle được ân xá trước thời hạn vì cải tạo tốt, đã ra tù vào năm 1905. Francois - Marie Goron rời khỏi ngành cảnh sát vào năm 1894 và rẽ ngang sang con đường viết văn. Ngoài cuốn Hồi ức và một số cuốn khác viết về quãng đời cảnh sát của mình, ông còn nổi tiếng như một nhà văn viết truyện thiếu nhi, ông cũng thành lập một công ty vệ sĩ tư nhân, công ty này vẫn còn hoạt động cho đến tận ngày hôm nay.

Dương Thắng (tổng hợp)
.
.