Đồ gia dụng thông minh có thể trở thành công cụ gián điệp

Thứ Năm, 03/03/2016, 11:22
Ngôi nhà “thông minh” trong tương lai không còn là nơi chốn bình yên, riêng tư được nữa. Trong một bản giải trình gửi Quốc hội Mỹ hồi đầu tháng 2-2016, Giám đốc Tình báo Thượng viện Mỹ James Clapper đã nhìn nhận thẳng thắn rằng, trong tương lai, các cơ quan an ninh, tình báo có thể sẽ lợi dụng các đồ vật gia dụng thông minh có kết nối Internet để nghe lén, theo dõi hoặc giám sát người sử dụng đồ vật đó khi họ đang sinh hoạt, nói chuyện ở ngay trong nhà họ.

Ông Clapper không nêu đích danh cơ quan tình báo nào đang và sẽ lợi dụng cái gọi là “mạng Internet đồ vật” (Internet of Things – IoT) để theo dõi, giám sát dân chúng Mỹ, nhưng hầu như cũng hiểu đó không ai khác ngoài Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), cơ quan chuyên về tình báo tín hiệu, nghe lén, đọc trộm, xâm nhập đời tư. Giám đốc NSA, Đô đốc Michael Rogers cũng không giấu giếm chuyện này.

Tivi thông minh là thiết bị có nguy cơ gián điệp cao nhất.

Ngoài NSA, FBI cũng là cơ quan thường xuyên cần dùng đến IoT để theo dõi các đối tượng mà họ đang điều tra, theo dõi. Năm 2001, FBI từng cưỡng chế một công ty công nghệ chuyên sản xuất phần cứng báo động khẩn cấp cho ôtô buộc công ty này phải hỗ trợ cài đặt thiết bị nghe lén trong phần cứng đó để đặc vụ FBI tiện theo dõi các đối tượng tội phạm.

Hiện tại, FBI và Tập đoàn công nghệ Apple đang trong một cuộc chiến gay cấn về quyền riêng tư khi sử dụng điện thoại di động thông minh iPhone. Dẫn ra nhiều vụ xả súng và khủng bố gần đây có liên quan đến các đối tượng sử dụng iPhone, FBI cho rằng Hãng Apple phải gỡ bỏ cài đặt bảo mật an toàn cho chiếc điện thoại để FBI tiện việc giám sát, theo dõi các đối tượng sử dụng chúng, nhằm phục vụ cho công tác phát hiện, ngăn chặn khủng bố.

Nhưng Apple có đủ lý do để phản bác yêu cầu này, bởi số lượng khách hàng quốc tế sử dụng iPhone của hãng lớn hơn gấp ngàn lần con số đối tượng theo dõi trong nước của FBI. Vấn đề đặt ra là, chuyện theo dõi người dùng đồ vật thông minh đã diễn ra từ lâu nay, nó đang diễn ra và sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, thường xuyên hơn. Thậm chí không chỉ các cơ quan an ninh, tình báo, mà cả những kẻ “giấu mặt” khác cũng có khả năng lợi dụng các thiết bị thông minh nối mạng Internet để theo dõi bất kỳ ai sử dụng chúng.

Bo mạch điện tử NSA dùng để xâm nhập và do thám người dùng các thiết bị gia dụng thông minh.

Giới chuyên gia công nghệ đang lo lắng nhìn nhận các thiết bị trong ngôi nhà thông minh đang dần trở thành “kẻ phản chủ” do bị lợi dụng biến thành “gián điệp”. Mạng Internet đồ vật là khái niệm mới xuất hiện trong thời gian gần đây khi công nghệ phát triển nhanh, ngày càng nhiều đồ vật gia dụng được thiết kế thông minh, điều khiển từ xa không dây, và còn có thể kết nối với mạng Internet và kết nối mạng để liên lạc lẫn nhau để người sử dụng điều khiển chúng từ xa, hoặc để liên lạc với nhà cung cấp. Kiểu kết nối mạng này có cái hay nhưng sự bất lợi lớn nhất của nó chính là vấn đề gián điệp.

Năm 2015, tờ The Guardian của Anh từng đặt vấn đề: Liệu mạng Internet các đồ vật có phải là phương tiện do thám đại trà lớn nhất mọi thời đại không? Cũng trong bài báo đó, một chuyên gia công nghệ đặt lại vấn đề rằng trong thời đại công nghệ, liệu Internet đồ vật giúp chúng ta tự do thoải mái hơn hay khiến chúng ngày càng bị gò ép hơn? Theo ý của vị chuyên gia này thì chúng ta sẽ ngày càng bị gò bó hơn do luôn bị theo dõi nhất cử nhất động.

Thiết bị giám sát toàn bộ ngôi nhà đặt trong gian nhà bếp nguy cơ sẽ trở thành “kẻ phản chủ”.

Có rất nhiều loại thiết bị gia dụng khác có khả năng theo dõi chủ nhân sử dụng chúng. Điện thoại di động là thiết bị rất dễ bị cài chip nghe lén, theo dõi. Theo The Guardian, một nhà cung cấp điện thoại có thể dễ dàng dò tìm ra vị trí của người sử dụng thiết bị, khi nào họ có mặt ở nhà và khi nào họ đi đâu nếu họ thực hiện cuộc gọi. Tương tự, các công ty cung ứng thiết bị điện tử cũng có thể nắm biết được hoạt động của khách hàng hoặc nhận biết được thiết bị nào đang hoạt động, thiết bị nào ngưng hoạt động hay trục trặc nhờ vào tính năng cân đo thông minh. Ngay cả thiết bị “hộp đen” gắn trên xe ôtô để ghi nhận hành trình cũng có khả năng biến thành thiết bị theo dõi của tình báo.

Nhưng thiết bị gia dụng phổ biến nhất có nguy cơ “gián điệp” cao nhất phải kể đến chiếc máy truyền hình (tivi) thông minh đang thịnh hành hiện nay. Máy càng hiện đại, càng tân tiến thì khả năng “gián điệp” càng lớn. Một chiếc tivi thông minh hiện nay có nhiều tính năng tiện lợi như cảm ứng đa chạm bằng tay và đặc biệt là tính năng ra lệnh bằng giọng nói.

Thông thường một chiếc tivi thông minh được lập trình để nhận dạng lệnh “Mở” hay “Tắt” hay “Chuyển kênh”, nhưng khổ nỗi chiếc micro thu âm cài trong tivi lại có khả năng thu bất cứ âm thanh gì, kể cả những lời nói thông thường. Chính bộ phận thu âm giọng nói này là cửa ngõ giúp các cơ quan an ninh, tình báo lợi dụng để thu thập tất cả mọi động tĩnh của chủ nhân khi chiếc máy đang bật mở, thậm chí cả khi chiếc máy đã tắt nhưng vẫn còn cắm điện. Các dữ liệu thu được sau đó được các cơ quan an ninh, tình báo phân tích để biết được họ đang thu được gì.

Các hãng công nghệ như Samsung, Google, Microsoft, … đều biết rõ vấn đề này và cũng đang tìm mọi biện pháp để tạo sự an toàn tối đa cho khách hàng, bởi khách hàng là nguồn sống của họ. Microsoft tuyên bố hàng chỉ thiết kế tính năng ra lệnh bằng giọng nói cho thiết bị di động Xbox, nhưng cũng tùy sự cho phép hay yêu cầu của khách hàng sử dụng thiết bị.

Tại một hội nghị mang tên Mũ Đen vào năm 2014, một chuyên gia về bẻ khóa của hãng Google đã biểu diễn cho mọi người thấy một thiết bị mang tên Google Nest có thể dễ dàng bị hack và biến thành một “điệp viên thông minh” chỉ trong 15 giây. Nguy cơ lớn nhất đối với người sử dụng thiết bị thông minh chính là một khi thiết bị bị đột nhập lần đầu thì lần sau sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, và cứ thế người dùng thiết bị sẽ bị đột nhập do thám, theo dõi liên tục và lâu dài.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.