Cha con cựu tù binh phi công Mỹ ở Việt Nam và hành trình tìm về ký ức

Thứ Ba, 07/02/2017, 20:15
Sáng 17-1-2017, đúng vào sinh nhật lần thứ 87 của Walter Eugene Wilber, Trung tá hải quân Hoa Kỳ, cựu tù binh phi công Mỹ tại Nhà tù Hỏa Lò, con trai ông đã vượt qua nửa vòng trái đất để đến đây, Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò Hà Nội, thực hiện di nguyện của người cha quá cố.

Đó là tiếp tục trao tặng những kỷ vật đã gắn bó với Walter Eugene Wilber không chỉ trong thời kỳ ông ấy là tù binh phi công Mỹ ở Việt Nam mà còn ở bên ông cho đến những ngày cuối cùng trước khi ông về nơi vĩnh hằng. Bao gồm: chiếc mũ phi công Walter Eugene Wilber được Chính phủ Mỹ trang bị khi tham chiến ở Việt Nam (năm 1968); chiếc ca và 2 bộ quần áo ông ta đã sử dụng trong thời gian bị giam giữ ở Hỏa Lò, bức thư ông ta viết từ Trại giam Hỏa Lò gửi về cho gia đình (ngày 22-1-1970); bao diêm được Chính phủ Việt Nam tặng khi được trao trả về nước (tháng 2-1973) và một số bức ảnh tư liệu về ông ta trước và sau khi được trao trả về nước

Những kỷ vật đó không chỉ đồng hành cùng gia đình Thomas Eugene Wilber gần 5 thập kỷ qua, mà còn là sự kết nối giữa những con người sống ở hai bên bán cầu. Qua đó, thể hiện tình dân tộc, tính nhân văn của những con người đến từ những quốc gia khác nhau, nhưng cùng hướng tới một thế giới hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững.

Ông Thomas Eugene Wilber trao tặng kỉ vật lần thứ hai cho đại diện Ban Quản lý Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Gói bưu phẩm hay gói yêu thương

Ông Thomas Eugene Wilber, con trai của cựu chiến binh Mỹ Walter Eugene Wilber giống cha một cách lạ kỳ. Khi tôi nói với ông rằng, nếu chỉ nhìn bức hình cha ông trong bộ quân phục hải quân Mỹ, mà không gặp ông thì tôi sẽ ngỡ đó là tấm hình chụp ông.

Ngay cả trong những bức hình mà PV Thông tấn xã Việt Nam Chu Chí Thành chụp cha ông, lúc ấy trong trang phục tù binh, cách nay 45 năm, vẫn giống ông bây giờ như tạc. Ông rưng rưng cười, nói, đầy tiếc nuối, rằng, cha ông do lâm bệnh nặng nên đã không kịp có một lần nào nữa được đặt chân trở lại Hỏa Lò từ sau ngày được trao trả về Mỹ theo Hiệp định Paris năm 1973, trước khi qua đời.

Và, thực hiện những ước nguyện chưa tròn của cha, ông đã tới Việt Nam 12 lần và đây là lần trao tặng kỷ vật thứ hai cho Ban Quản lý Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò. Lần trao tặng thứ nhất diễn ra vào ngày 15-8-2016, Thomas Eugene Wilber đã trao cho Ban Quản lý Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò những hiện vật mà cha ông - một cựu phi công Mỹ từng bị giam tại Hỏa Lò giai đoạn 1968-1973 lưu giữ, bao gồm: những bức thư của cha ông gửi từ Việt Nam cho Thomas và mẹ, băng cát-sét ghi bài phỏng vấn ông Walter Eugene Wilber, tập báo đăng bài viết về cố Trung tá hải quân Mỹ, phi công Walter Eugene Wilber và cả những tấm giấy gói quà do chính tay Thomas gói và gửi sang cho cha.

Thomas Eugene Wilber kể, trong chuyến về Việt Nam đầu tiên thì nơi đầu tiên ông lựa chọn đến là Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, nơi mà cha ông đã ở lại đây 5 năm trong đội hình của “những phi công mặc áo ngủ”, như cách gọi hài hước của chính họ chỉ những tù binh phi công Mỹ. “Tôi đã sững người và gần như bật khóc khi nhìn thấy trong khu di tích trưng bày bức hình cha tôi đang nhận bưu phẩm từ Mỹ gửi sang”.

Thomas Eugene Wilber hoàn toàn bất ngờ bởi bấy nhiêu năm trôi qua, khi cuộc chiến tồi tệ của Mỹ đã kết thúc tại Việt Nam từ rất lâu rồi mà ở bên kia bán cầu xa xôi, ông không hề hay biết, khoảnh khắc cha ông lần giở gói bưu phẩm do chính ông, khi đó mới còn là một cậu bé nhớ thương cha dằng dặc, đóng gói gửi đi, đã được ống kính của các phóng viên Việt Nam ghi lại.

Gói bưu phẩm ấy, mãi giờ vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức đầy yêu thương của ông, gồm một ít kẹo cao su, một bộ quần áo chống lạnh và mấy tấm hình gia đình. Sở dĩ, ông kể, mấy mẹ con ông quyết định gửi bộ quần áo ấy cho cha vì “nghe đâu mùa đông Hà Nội rất lạnh”. Ngọt ngào, ấm áp, yêu thương, tất cả những xúc cảm tưởng như vô hình ấy đã được người vợ trẻ và đứa con trai còn đang ở độ tuổi thiếu niên, gói ghém, chất chứa trong những đồ vật hữu hình.

Cha ông, con trai của một gia đình nông dân bình thường ở Mỹ, đã đeo đuổi giấc mơ trở thành phi công từ nhỏ khi có người nói rằng, cậu bé này có khả năng lái máy bay(!).

18 tuổi, giấc mơ ấy trở thành hiện thực. Cha ông trở thành phi công phục vụ trong lực lượng hải quân Hoa Kỳ.

Ngày 16-6-1968, trong chuyến bay định mệnh đến dải đất hình chữ S để tham chiến, máy bay do cha ông và một người đồng đội - ông Bernard - điều khiển đã bị bắn hạ ở vùng đất Thanh Tiên, Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Cha ông, may mắn bung được dù, tiếp đất nhưng đã bị các lực lượng dân quân địa phương bắt sống và bị đưa về giam giữ tại Hỏa Lò ngay sau đó. Để rồi, sau 5 năm sống cuộc sống của những “phi công mặc áo ngủ” ở “Hilton Hà Nội” - như cách gọi tên Nhà tù Hỏa Lò một cách hài hước mà chua chát của các tù binh phi công Mỹ - cha ông mới được đoàn tụ với gia đình.

Trong đợt trao trả tù binh phi công Mỹ đầu tiên đã có tên cha ông. Thomas Eugene Wilber kể: “Với gia đình tôi, đó là một ngày vui” và “chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi cuối cùng cuộc chiến tồi tệ của Mỹ rồi cũng kết thúc, cha tôi được trở về cùng với mẹ con tôi”.

Hạnh phúc của gia đình ông, trớ trêu thay, lại là bi kịch của nước Mỹ, bi kịch của bên chiến bại.

Khi mảnh xác máy bay được biến thành chiếc bình hoa

Thomas Eugene Wilber kể, dù cha ông đã được trở về, thì cho đến tận lúc cuối đời, cha ông vẫn băn khoăn về số phận của người đồng đội - ông Bernard. Cho dù, ngay từ năm 1999, dựa trên những dữ liệu thu thập được, người ta đã kết luận rằng, ông Bernard đã tử nạn trong chuyến bay định mệnh năm 1968.

Ông Bernard, như những gì mà Thomas Eugene Wilber biết, là người chơi bóng rổ rất giỏi. Vợ và các con của ông ấy, Thomas Eugene Wilber cũng biết. Quan trọng hơn là cha ông thì vẫn đau đáu về người đồng đội ấy.

Đó cũng chính là một trong nhiều lý do để Thomas Eugene Wilber sang Việt Nam nhiều lần đến thế. “Tôi không biết tiếng Việt, chính vì vậy, những thông tin cần kiếm tìm, tôi phải viết sẵn ra một tờ giấy”. Và, tại nhiều địa điểm thuộc thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, mảnh giấy ấy đã được chìa ra với ý hỏi han nhiều người dân.

Từ nước Mỹ xa xôi, con trai của người cựu phi công Mỹ năm xưa, người đã gieo rắc bom đạn lên dải đất này, không bao giờ ngờ được, những người dân thường ở mảnh đất phải hứng chịu quá nhiều thương đau bởi bom đạn chiến tranh lại thân thiện với ông đến thế. Họ đã nhiệt tình chỉ dẫn để rồi ông đã tìm được tới Bảo tàng Quân khu 4. Tại đây, Giám đốc Bảo tàng, Đại tá Nguyễn Công Thành giúp đỡ ông dù những dữ liệu ban đầu hết sức ít ỏi. Bằng nghiệp vụ của một sỹ quan quân đội làm công tác bảo tồn bảo tàng, cuối cùng thì Đại tá Thành cùng các cộng sự đã tìm thấy.

“Khỏi phải nói, tôi đã vui mừng đến mức nào”, Thomas Eugene Wilber kể lại mà dường như vẫn còn xúc động. Ông đã ngay lập tức trở lại Việt Nam và đến nhà ông Bùi Bác Văn và ông Nguyễn Văn Thu ở Nghệ An. Ông Văn là người đầu tiên thấy chiếc máy bay “vẫn còn xoay tít mù và một chiếc dù bung xuống”, như lời ông kể với PV Đài Truyền hình Nghệ An trong bộ phim “Câu chuyện sau chiếc bình hoa” đã từng đoạt giải tại Liên hoan Phim truyền hình Việt Nam.

Ông Walter Eugene Wilber cùng các tù binh phi công Mỹ trong cuộc gặp với Jane Fonda. Ảnh: Chu Chí Thành.

Ông Văn cũng là người đầu tiên nhìn thấy cha của Thomas Eugene Wilber khi viên phi công này tiếp đất. Ông Văn, ông Thu cùng dân quân địa phương đã dẫn giải viên phi công cao lớn qua những con đường đất men theo ngôi làng nhỏ để rồi sau đó bàn giao cho lực lượng chức năng. Cũng chính ông Văn là người tận mắt nhìn thấy viên phi công kia - ông Bernard - tử nạn trên ghế máy bay. Cũng chính ông Văn và những người dân địa phương đã an táng Bernard ở ngay trên mảnh đất mà ông ta đã lái máy bay đến để hủy diệt.

Thomas Eugene Wilber đã mang theo câu chuyện ấy về Mỹ cho cha ông, lúc ấy đang sống những ngày cuối cùng bởi căn bệnh hiểm nghèo ung thư. “May mắn là trước khi qua đời ít ngày, cha tôi đã được nói chuyện qua Internet với ông Văn”, Thomas Eugene Wilber rưng rưng kể. Và, nắm đất ở cánh đồng Thanh Tiên, nơi chiếc máy bay rơi, đã được ông nâng niu cẩn thận, đem về Mỹ cho gia đình Bednard, cho người cha thân yêu yên lòng về người đồng đội cũ.

Và, bấy nhiêu năm trôi qua, nếu không có cuộc kết nối yêu thương với những nhân chứng của sự kiện đau đớn này, ông cũng không bao giờ biết được rằng, mảnh vỡ của chiếc máy bay mà cha ông điều khiển, đã được ông Bùi Bác Văn lưu giữ.

Không còn là vũ khí hủy diệt, phần thân xác của chiếc máy bay ném bom năm xưa đã được ông Văn chế tạo thành một chiếc bình hoa. Bấy nhiêu năm trôi qua, khi cuộc chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng rất xa rồi thì chiếc bình hoa ấy vẫn tồn tại ở bên hiên nhà ông và ở đó, những mầm xanh cứ thế lớn lên, tươi tốt. Khi Thomas Eugene Wilber đến, ông Văn đã tặng lại.

Mảnh vỡ của chiếc máy bay lại trở về nước Mỹ nhưng nó không còn là vũ khí hủy diệt mà nó là chiếc bình dùng để cắm những bông hoa. Thomas Eugene Wilber kể, trong đám tang của cha ông, chiếc bình hoa ấy đã theo cha ông tới tận huyệt mộ. Mẹ con ông đã đặt nó trước mộ cha, cắm vào đó những đóa hoa tươi thắm, trước khi cẩn thận đưa nó trở lại ngôi nhà yêu quý, ngôi nhà mà cha ông đã nhớ thật nhiều khi phải tham gia vào cuộc chiến tồi tệ của Mỹ ở Việt Nam.

Tù binh phi công Mỹ và ngôi sao điện ảnh nổi tiếng Jane Fonda

Cũng bởi những lần trở lại Việt Nam mà Thomas Eugene Wilber còn gặp được người phi công thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam năm xưa đã bắn rơi chiếc máy bay của cha ông. Đó là phi công Đinh Tôn. Thomas Eugene Wilber đã đến thăm nhà ông Đinh Tôn và được nghe vợ chồng ông kể lại, khi ấy những người chỉ huy trong đơn vị của phi công Đinh Tôn nói rằng, nếu bắn rơi máy bay Mỹ thì ông sẽ được thưởng một kỳ nghỉ phép để về nhà... cưới vợ.

Và, chiếc máy bay của Trung tá hải quân Walter Eugene bị bắn rơi ngày 16-6-1968 thì ngày 27-7 năm đó vợ chồng ông Đinh Tôn làm lễ thành hôn. Thomas Eugene Wilber kể, ông đã rất xúc động khi được ông bà Đinh Tôn đón tiếp nồng hậu và “còn gửi quà về Mỹ tặng mẹ tôi nữa”.

Cũng bởi những lần trở về Việt Nam mà Thomas Eugene Wilber được gặp cựu PV nhiếp ảnh của Thông tấn xã Việt Nam - nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành. Ông Thành chính là người đã chụp tấm hình Trung tá hải quân Walter Eugene khi ấy đang là tù binh phi công Mỹ Hỏa Lò cùng với một nhóm “phi công mặc áo ngủ” khác trong cuộc gặp với ngôi sao điện ảnh Mỹ huyền thoại Jane Fonda tại Hà Nội.

Ông Chu Chí Thành kể: “Tôi chụp bức hình đó năm 1972 khi đang là PV Thông tấn xã Việt Nam, được giao nhiệm vụ đi cùng và ghi lại những hình ảnh Jane Fonda đi thăm một số địa điểm tại Hà Nội và một vài nơi khác bị bom Mỹ đánh phá”. Và, chính ông Chu Chí Thành cũng không bao giờ ngờ được, 44 năm sau khoảnh khắc bấm máy ấy, con trai của tù binh phi công Mỹ Walter Eugene, một trong 7 tù binh phi công Mỹ trong bức ảnh lại có cuộc hội ngộ ấm áp với ông tại Hà Nội.

“Jane Fonda là một ngôi sao, điều ấy hẳn nhiên không phải bàn cãi. Ngay tại Mỹ thời điểm lúc bấy giờ, chuyện gặp được bà ấy với nhiều thanh niên Mỹ cũng là giấc mơ. Nhóm phi công Mỹ, trong đó có cha của Thomas Eugene Wilber, nói rằng lúc ở Mỹ họ ước một ngày nào đó được lau xe cho Jane Fonda để được nắm tay bà ấy, dù chỉ một lần, cũng đã là quá hạnh phúc. Thế mà khi đang là tù binh phi công Mỹ ở Hilton Hà Nội, họ lại được gặp mà không phải... lau xe”.

Đại tá Trần Trọng Duyệt, nguyên Trại trưởng Trại tù binh phi công Mỹ tại Hỏa Lò còn cho biết thêm, không chỉ được gặp ngôi sao điện ảnh Jane Fonda, một số tù binh phi công Mỹ còn được dẫn đi tham quan nhiều danh lam thắng cảnh ở Hà Nội như chùa Một Cột, công viên Thống Nhất. Họ cũng được đến phố Khâm Thiên, nơi những thường dân vô tội từng phải đau đớn hứng chịu mưa bom kinh hoàng của máy bay Mỹ.

Trong ký ức của Đại tá Duyệt vẫn còn vẹn nguyên hình ảnh của tù binh phi công Mỹ Walter Eugene: “Tôm (tên mà Đại tá Duyệt thường gọi Thomas Eugene Wilber một cách thân mật) giống cha như đúc. Cha ông ấy là một người khá điềm đạm. Nhiều ngày nghỉ, Walter Eugene còn lên phòng làm việc của tôi để dạy tiếng Anh cho tôi nữa”.

Ký ức chiến tranh đã lùi xa hơn 4 thập kỷ. Con phố Khâm Thiên đau thương và nhiều vùng đất khác trên dải đất hình chữ S này từng tan hoang vì bom Mỹ đã hồi sinh từ lâu. Và, những cuộc gặp gỡ của những con người từng ở hai đầu cuộc chiến vẫn cứ diễn ra, nhưng giờ là ấm áp, bao dung, cùng hướng tới một thế giới hòa bình, hợp tác.

Ai đó đã nói rất đúng rằng, cái không thể thay đổi được là quá khứ.

Nhưng cái có thể thay đổi được là tương lai.

Đặng Huyền
.
.