Chuyện vượt cạn của người Bahnar

Thứ Ba, 23/08/2016, 14:20
Làng Kon K’tu của người Bahnar thuộc xã Đắk Rơ Wa, cách thành phố Kon Tum 11km. Gối đầu bên dòng chảy của con sông Đắk Bla kỳ vỹ, với mái nhà rông cao vút cổ kính, cảnh sắc hoang sơ gắn phong hóa bản địa có từ ngàn xưa, Kon K’tu được xem là làng văn hóa cổ nhất trên địa bàn Kon Tum.

Trong ngôi làng cổ này vẫn còn nhiều chuyện ly kỳ quanh lối sống, nếp sinh hoạt cổ được gìn giữ, lưu truyền. Nổi bật nhất có lẽ là những chuyện vượt cạn của các bà, các chị mà từ lúc mang thai đến khi khai hoa nở nhụy, trên từng thời khắc đều hiển hiện nhiều luật tục, cữ kiêng kỳ lạ!

Xuôi thuyền độc mộc theo dòng Bắk Bla, sau khi thăm thú 2 thác nước đẹp truyệt trần là thác Mốp và thác H’Lay, chúng tôi vào nhà rông của làng và gặp chị Y Nai (SN 1975) - mẹ của 11 đứa con, cháu nhỏ nhất chưa đầy 2 tuổi. Cả 11 đứa trẻ đều được sinh tại nhà.

Ở làng Bahnar này, trong và sau quá trình vượt cạn, các mẹ, các chị đều gặp phải vô số điều cấm kỵ, có khi oái oăm nhưng bà mẹ nào ngày trước cũng phải nằm lòng nếu không muốn bị “THẦN MẸ ĐẺ” quở phạt. Nào là không được ăn ớt, không được ăn chuối, cữ tuyệt đối mía và không bao giờ ăn mít!

“Ăn ớt cay, làm mình đau con mắt. Ăn chuối, sợ đứa con ở trong bụng quậy làm mình đau. Mía nè, mít nè, ăn thứ này ngọt, làm đứa trẻ quay ngược đầu, có khi khó đẻ” - chị Y Nai, giải thích. Chị cũng cho biết trong thời gian mang thai và nhất là cận ngày vượt cạn, sản phụ tuyệt nhiên không được đụng đến mỡ trâu bò, có thèm mấy cũng phải ráng nhịn. Lý do nghe qua rất buồn cười. Người làng tin, tin khi sản phụ nạp vào cơ thể những thứ mỡ động vật ấy, nếu chẳng may tiết trời trở lạnh thì mỡ của con thịt sẽ đóng thành màn mà lấp miệng lấp mũi con, điều đó dễ khiến đứa trẻ chết trong bụng mẹ, và có khi, làm cho cả bà mẹ cùng chết.

Một góc làng cổ Kon K’tu.

Cái chết như thế, dù là đứa trẻ hay bà mẹ, đó là tin dữ, là chết bất đắc kỳ tử, là chết xấu, nếu không thực hiện nghi lễ chạy ma thì làng sẽ gặp đại họa, sẽ bị các ác thần, linh thần quở phạt bằng việc làm cho mất mùa, khiến trâu bò, dân làng bị dịch bệnh, chết trong đau đớn. Hỏi những bà mẹ trẻ ở làng, nghi lễ chạy ma được thực hiện ra sao, họ chỉ biết cười và cười, rồi nhường lời cho các cụ già. “Lúc đó, cả làng chạy về phía mặt trời mọc. Một hồi lâu mới được về làng. Lúc chôn, phải chạy thêm một lần nữa” -  cụ bà Y K’Ne, tiết lộ.

Mặt trời mọc hướng đông, tiếng Bahnar là gah nar lek (ngã mặt trời mọc). Theo quan niệm của người xưa, lỡ chẳng may sản phụ chết trong quá trình vượt cạn, khi ấy ác thần lập tức xuất hiện bắt hồn người chết mang về phương chết, nghĩa là hướng tây, hướng mặt trời lặn (gah nar hoăng). Trong tiềm  thức ngàn đời của người Bahnar, hướng mặt trời mọc rực rỡ, sáng sủa, là phương của sự sống. Hướng tây tăm tối, mịt mù, phương của người chết. Thế nên khi lập làng, bao giờ người ta cũng lấy hướng tây làm nghĩa địa, lấy hướng đông làm nơi quần tụ của người sống.

Chạy về hướng mặt trời mọc, là phương của sự sống, các thần chẳng thể xâm phạm để bắt hồn người. Tín ngưỡng này của người Bahnar gợi cho tôi nhớ đến tục lệ giả chó xóa dấu chân người lừa ma của người Raglai ở xã vùng cao Ma Nới (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận). Khi đưa tiễn người chết ra rừng ma (nghĩa địa), trước khi trở về làng, đám trai tráng giả chó, cùng rượt đuổi nhau để xóa dấu chân và ra suối tắm, để ma quỷ không thể nào theo dấu, theo mùi về làng bắt người, gây nên dịch bệnh.

Với các thai phụ, nếu cận ngày sinh đẻ, các món mỡ động vật, trái cây hay thực phẩm có vị ngọt và cay là những món cấm kỵ thì xác lươn chết lại là món khoái khẩu. Các thai phụ người Raglai ở làng Bui (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pảh, tỉnh Gia Lai) cũng có chung quan niệm như vậy.

Chị Y Nai với những đứa con của mình...

Tại làng Bui, người Jrai gọi con lươn là “nung”. Chị H’Duyên, 24 tuổi, đang mang thai đứa con thứ hai bảo rằng, những người lớn đáng tuổi mẹ, bà của chị tin lươn chết dọc đường dù thối mấy nếu đem về nướng ăn thì sinh đẻ rất dễ. “Cũng không biết giải thích tại sao đâu. Hồi xưa ông cha bà mẹ làm sao thì con cháu làm vậy thôi. Có khi là con lươn nó trơn, ông cha bà mẹ nghĩ dùng nó thì đứa con đẻ ra cũng trơn tru, đẻ nhanh, đẻ dễ” - H’Duyên suy luận!

Tại sao phải là lươn chết mà không là lươn còn sống? Tại sao phải là nướng ăn mới dễ sinh mà không chế biến thành món gì khác? Những người già Bahnar và Jrai không cắt nghĩa được điều này. Câu trả lời của họ đều như nhau: ông cha bà mẹ ngày xưa chỉ sao thì con cháu sau này bắt chước làm vậy.

Để mẹ khỏe con khỏe, các bà mẹ phải thực hiện nghi lễ truyền đời cho đứa trẻ sơ sinh, để nó không bị các thần bắt hồn: “Nếu đứa trẻ bị thần bắt đi, nó sẽ chết” - ở tuổi 90, bà Y Meo, bà mụ 11 lần đỡ đẻ cho chị Y Nai ngay tại nhà giải thích.

...và với bà mụ Y Meo 90 tuổi.

Bà đỡ Y Meo cũng nói nhiều về chuyện vượt cạn giữa rừng già của sản phụ ngày trước. Không như thời bây giờ, sản phụ ở các khu vực trung tâm hành chính cận ngày sinh thường ghé trạm xá, các bà mẹ ở rừng sâu đều lâm bồn tại nhà, giữa buôn làng của mình. Lúc vượt cạn, trong tư thế trần truồng, sản phụ quỳ gối xuống sàn nhà và rặn, bà đỡ ngồi sau lưng hỗ trợ. Trong trường hợp vợ rặn mãi mà đứa con không chịu ra, lúc này người chồng sẽ khấn cầu thần giúp cho đứa con của mình mau ra khỏi bụng mẹ.

Thường thì người chồng của sản phụ khấn thần Ya Pôm, một nữ thần giàu lòng thương người, được muôn người yêu mến vì bà thường hiện thân cứu giúp những thân phận nghèo khó lâm vào cảnh bần cùng, tai ương. Vị thần nữ này là con của đấng tạo hóa Bok Kơi Yơi và vợ là đấng tạo hóa Ya Kon Keh. Tổ tiên người Bahnar tin thần Bok Kơi Yơi là vua của các vị thần, thần không bao giờ hiện hình cho ai thấy, mà lặng lẽ truyền lệnh cho các vị thần khác coi sóc việc nhân gian.

Trong tâm khảm Bahnar, Bok Kơi Yơi là ông già râu tóc bạc phơ. Và vợ thần, thường hiện lên trong giấc chiêm bao của ai đó dưới hình dạng một bà già dơ bẩn ăn vận rách rưới. Theo truyền thuyết Bahnar, bà Ya Kon Keh là vị thần nữ dùng cám vắt ra trời đất.

 Dưới sự hỗ trợ của bà đỡ Y Meo, bà mẹ Y Nai cười khoe cả 11 lần vượt cạn, có lẽ nhờ cữ kiêng theo tục lệ ông bà và nhờ tài đỡ đẻ siêu hạng của bà đỡ nên lần nào cũng nhẹ nhàng, bình an. Y Nai cho biết, sau khi đứa trẻ ra khỏi bụng mẹ, bà đỡ sẽ dùng dao lồ ô hơ lửa cắt, cột rốn, dùng nước đựng trong ống lồ ô tắm cho đứa trẻ, sau đó bọc chăn quấn chặt và để hơn 10 giờ sau mới cho bé bú mẹ.

Thường ngày, người bản xứ đựng nước trong những bầu hồ lô. Vậy nhưng khi tắm cho trẻ, nước ấy được các bà mụ lưu ý, chỉ có thể đựng trong ống lồ ô mà thôi. Người Bahnar tin bầu hồ lô như ché rượu, ghè rượu, luôn có thần ghè cư ngụ, tiếng bản địa là Yang Satôk. Nơi sinh đẻ là chỗ ô uế, nếu đem thần vào môi trường ấy, thần sẽ nổi giận và quở phạt.

Sản phụ người Jrai - H’Duyên với con vật mà bao đời cha ông tin giúp sản phụ nhanh vượt cạn.

Hạ sinh rồi, trong những ngày nằm bên bếp lửa hơ cho ráo khí huyết và mạnh gân cốt, sản phụ không được ăn các thức ăn như lúc bụng mang dạ chửa, khi ăn thịt thì phải lóc vắt sạch mỡ vì sợ mỡ ấy sẽ khiến trong bụng sinh ra u cục. Sản phụ cũng không được rờ mó vào bếp lửa, ghè rượu, nồi niêu nấu cơm. Lý do vì ghè rượu có thần Yang Satôk ẩn trú, trong nồi niêu nấu cơm có thần lúa Yang Sơri cư ngụ.

Sợ các thần bắt hồn đứa trẻ, ngay khi đứa trẻ vừa ra đời, không phải ông cha bà mẹ, mà bà mụ sẽ đặt ngay tên cho nó, nhằm tránh các thần lao đến giành nhau đặt tên. Thần ở đây thì có muôn vàn, có thần nước (Yang Đak), thần núi (Yang Kông), thần cây (Yang Long), thần sấm sét (Bok Glaih)... Nếu bà mụ không sớm đặt tên cho đứa nhỏ, các thần lao tới đặt tên cho nó thì nguy.  Đứa trẻ bị thần núi đặt tên thì sau đó nó sẽ chết do lở núi, đá đè. Nếu bị thần nước đặt tên, nó sẽ chết đuối..., nhiều bà mẹ Bahnar tin như vậy.

Sau khi sanh con được vài tuần hoặc vài tháng, tùy điều kiện kinh tế mà mỗi gia đình tiến hành lễ thổi tai (hlôm don) và sau đó là xỏ lỗ tai cho đứa trẻ. Đây là những nghi thức bắt buộc để đánh dấu đứa trẻ chính thức làm người: “Trí tuệ của con người ở trong lỗ tai, thổi tai cho nó thành người” – cụ bà Y Meo giải thích! Cụ cho rằng, nếu không đựơc thổi tai, khi lớn lên, đứa trẻ sẽ ngu đần, nó chẳng biết đi săn, không biết trồng lúa, đời nó không được may mắn.

Khi thổi vào lỗ tai của những đứa trẻ con của Y Nai, bà mụ Y Meo bao giờ miệng cũng lầm bầm đọc lời khấn, có đoạn: “...Nay tao thổi lỗ tai rồi, cho mày làm người, biết buôn bán, làm rẫy, có lúa gạo, có số mạng, được may mắn, đi săn có thịt, đánh cá được cá”.

Các già làng Bahnar ở làng cổ Kon K’tu tin rằng, một đứa trẻ khi sinh ra không được cha mẹ và bà mụ làm cho lễ thổi tai và xỏ tai, nếu nó chết đi, nó chỉ là những linh hồn vất vưởng, không được bất kỳ ai, kể cả cha mẹ khóc thương, không được chôn trong nghĩa địa của làng cũng như được “hưởng” các nghi lễ tống táng như những người khác.

Có những vùng đất ta đến một lần và nhớ mãi. Chuyện vượt cạn của các bà mẹ ở làng cổ Kon K’tu bên dòng sông Đắk Bla là một nơi như vậy!

N.T.Dũng
.
.