Hỏa Lò, những cuộc trở về từ phía bên kia… (kỳ cuối)

Thứ Năm, 08/09/2016, 15:30
“Kính gửi ông chỉ huy! Từ tháng 12/1971, tôi được phép nuôi một con mèo. Tôi rất thích động vật, nhất là loài mèo. Vì vậy, tôi rất vui khi được nhà cầm quyền cho phép. Tôi cho rằng, sự đối xử như vậy, dù là hành động rất nhỏ nhưng rất văn minh, biểu lộ chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước Việt Nam... Một khi tôi được phóng thích, cho tôi xin phép được mang con mèo về nước... Hy vọng thiết tha rằng ông không bỏ qua lời đề nghị của tôi” - bức thư của nữ tù binh Mỹ duy nhất tại Nhà tù Hỏa Lò Monica Swinn gửi ông Trần Trọng Duyệt viết.

Năm 1968, Đại úy QĐNDVN Trần Trọng Duyệt được cấp trên cử về làm chính trị viên, Trại trưởng Trại tù binh Mỹ ở Nhà tù Hỏa Lò.

Sau năm 1973, khi sự kiện trao trả tù binh phi công Mỹ kết thúc, ông trở lại quân đội rồi đến tuổi thì nghỉ hưu với quân hàm đại tá. Thời gian trôi đi, với ông, bình lặng và an nhiên trong một căn nhà bình dị ở khu tập thể Đoàn 6 Hải quân, Hải Phòng. Không ai biết ông là nhân vật gắn liền với một sự kiện lịch sử nổi tiếng, không chỉ ở Việt Nam, cũng không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới - sự kiện tù binh phi công Mỹ tại Hỏa Lò.

Chỉ đến khi các hãng thông tấn nổi tiếng trong và ngoài nước dồn dập tìm đến ông phỏng vấn với tư cách là Trại trưởng Trại tù binh phi công Mỹ, người từng quản lý ứng cử viên Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2008-2012 - Thượng nghị sỹ John McCain trong suốt 5 năm - thì bạn bè, hàng xóm, người thân mới trách khéo ông rằng: “Từng làm giám đốc Khách sạn Vỡ tim mà sao kín tiếng thế”...

“Tù binh Mỹ được ăn ngang tiêu chuẩn cấp Đại tá của Quân đội chúng tôi”

Đó là khẳng định của Đại tá Trần Trọng Duyệt trong cuộc đối thoại với phóng viên (PV) Đài Tiếng nói Hoa Kỳ tại nhà riêng của ông ở Hải Phòng.

Khi PV Đài Tiếng nói Hoa Kỳ hỏi rằng, Công ước quốc tế Giơ-ne-vơ năm 1949 về tù binh chiến tranh đã được ông thực hiện tại Nhà tù Hỏa Lò như thế nào, Đại tá Trần Trọng Duyệt nói: “Trong khi giam giữ tù binh phi công Mỹ, nhân dân chúng tôi ăn ngô, khoai, sắn, bo bo để dành sức người, sức của cho cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Thế nhưng, với thể xác to lớn lại từng có cuộc sống sung túc của một phi công Mỹ nên chúng tôi cho họ ăn theo chế độ đặc biệt.

Sáng ăn bánh mỳ với sữa hoặc đường, trưa và chiều ăn bánh mỳ kẹp thịt hoặc trứng rán, bát súp thịt hầm với khoai tây, rau. Người nghiện thuốc lá ngày được phát 3 điếu thuốc lá “Tam Đảo”. Các ngày lễ, ngày tết của Việt Nam, của Hoa Kỳ, tù binh được ăn gà tây quay, bánh chưng, giò chả... Khi ốm được chăm sóc thuốc men, bác sỹ các Bệnh viện 108, 103, 354 của quân đội đến khám bệnh cho tù binh theo định kỳ”.

Và, bởi thế mà ông khẳng định: “Chúng tôi cho tù binh phi công Mỹ được hưởng chế độ vượt tiêu chuẩn của Công ước Giơ-ne-vơ”.

Không chỉ trong ký ức của Đại tá Duyệt mà giờ đây, nếu có thời gian ghé thăm hai phòng trưng bày về tù binh phi công Mỹ tại Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, người xem sẽ nhìn thấy nhiều hiện vật “biết nói”. Đó là bộ bát thìa mà tù binh dùng để ăn súp, món ăn xa xỉ với ngay cả phần đông người dân Hà Nội lúc bấy giờ bởi những khó khăn, thiếu thốn tất yếu của thời chiến.

Đó là những tấm hình chụp cảnh ăn tiệc của tù binh phi công Mỹ. Đặc biệt là bức thư của nữ tù binh duy nhất tại Hỏa Lò - cô Monica Swinn. Monica bị bắt tại chiến trường miền Nam Việt Nam giữa năm 1971, nguyên là sỹ quan quân y trong quân đội Mỹ. Vì là nữ tù binh duy nhất nên cô được bố trí một phòng riêng rộng khoảng 10 mét vuông, có đầy đủ chăn màn, phích nước, ấm chén và cả lọ hoa. Thậm chí giường dành cho cô cũng không phải hạng xoàng mà là giường hộp (loại chỉ dành cho sỹ quan cấp tá của quân đội ta).

Dịp lễ Giáng sinh, tù binh được tự trang trí cây thông Noel. Ảnh tư liệu.

Tuy nhiên, Monica tỏ thái độ không hợp tác, bướng bỉnh, không chịu ăn và nhất định không chịu nhận căn phòng đó bởi lý do: căn phòng xấu và trống trải quá.

Trước thái độ như vậy của Monica, ông Trần Trọng Duyệt với thái độ vừa cương quyết, vừa mềm mỏng đã gặp và nói một câu duy nhất với Monica: “Tôi là trại trưởng, nhưng phòng làm việc của tôi cũng không lớn hơn căn phòng đã bố trí cho cô. Thậm chí còn không có lọ hoa. Vậy, cô còn muốn gì nữa đây?”. Tới lúc đó, Monica mới chịu nhận phòng.

Những ngày sống ở Nhà tù Hỏa Lò, Monica luôn nhận được sự quan tâm rất chu đáo: cô được sắm cho gương, lược và những đồ dùng cá nhân thiết yếu của phụ nữ. Để cô đỡ buồn, trại cho phép cô nuôi một con mèo trong phòng giam.

Thậm chí, có lần cô còn được đích thân Trại trưởng Trần Trọng Duyệt đưa đi làm đầu ở một tiệm uốn tóc bên hồ Hoàn Kiếm và mua sắm quần áo ở phố Hàng Đào. Chính bởi lý do này nên ông Trần Trọng Duyệt và Ban Chỉ huy trại bị cấp trên khiển trách và phê bình vì thiếu tinh thần cảnh giác.

Vài tháng sau khi bị giam, cảm nhận được tình cảm của những cán bộ trong trại dành cho mình, Monica đã viết một bức thư gửi ông Trần Trọng Duyệt với nội dung tạm dịch: “Kính gửi ông chỉ huy! Từ tháng 12/1971, tôi được phép nuôi một con mèo. Tôi rất thích động vật, nhất là loài mèo. Vì vậy, tôi rất vui khi được nhà cầm quyền cho phép. Tôi cho rằng, sự đối xử như vậy, dù là hành động rất nhỏ nhưng rất văn minh, biểu lộ chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước Việt Nam... Một khi tôi được phóng thích, cho tôi xin phép được mang con mèo về nước... Hy vọng thiết tha rằng ông không bỏ qua lời đề nghị của tôi”.

Ngoài bức thư của cô Monica, tại di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò còn trưng bày một bức thư nữa. Đó là lá thư của phi công Mỹ Alfonso Ray Riate viết gửi ông Trần Trọng Duyệt - trại trưởng trại giam tù binh phi công Mỹ trước khi được trả tự do theo tinh thần của Hiệp định Paris năm 1973: “...Từ nơi sâu kín của lòng mình, tôi cảm thấy buồn vì sắp phải từ biệt ông và những người đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong 6 năm trời ở đây... Tôi sẽ không bao giờ quên ông - người trại trưởng của tôi. Bởi ông mang bóng dáng của nhân dân Việt Nam, người trực tiếp thực hiện chính sách nhân đạo của Chính phủ Việt Nam đối với tù binh. Trong tương lai, tôi có ý định làm cho nhân dân Mỹ hiểu về Việt Nam hơn. Hãy giữ sức khỏe, ông nhé. Với tất cả sự kính trọng và lòng biết ơn nhất”.

Vì lòng yêu mến và biết ơn người trại trưởng của mình, khi biết ông mang họ Trần, Alfonso Ray Riate đã nhận mình mang họ Trần và kí tên dưới bức thư là Trần Văn Te. Cùng với bức thư, Alfonso Ray Riate còn gửi tặng ông Trần Trọng Duyệt một chiếc tẩu hút thuốc để mỗi lần ông hút thuốc vừa đỡ hại sức khỏe vừa để nhớ đến anh ta.

Cũng bởi thế mà khi PV Đài Tiếng nói Hoa Kỳ hỏi: “Tù binh có bị tra tấn không?” thì Đại tá Trại trưởng năm xưa Trần Trọng Duyệt đã phản ứng, rằng: “Người nào đặt câu hỏi đó dù vô tình hay cố ý đã xúc phạm dân tộc tôi - một dân tộc văn minh, có truyền thống nhân đạo, có hàng ngàn năm văn hiến”.

Còn với nữ PV của hãng thông tấn AP, ông nói: “Chị hãy cho tôi chứng cứ họ bị đánh đập ở đâu? Tôi đã đưa chứng cứ của tôi ra là những tấm ảnh tù binh ngồi nói chuyện cởi mở với tôi, những bức ảnh lưu niệm lúc được trao trả về nước, cùng những lá thư gửi cho tôi, ca ngợi chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước Việt Nam với tù binh. Tôi hỏi các bạn nếu ông John McCain và những tù binh khác bị đánh đập thì họ phải chán ghét chúng tôi chứ làm gì có cảnh lúc trao trả họ về nước, cuộc chia tay giữa họ và chúng tôi như là những người bạn. Có người đã trở lại thăm Việt Nam như ông John McCain đã trở lại thăm nhiều lần. Ngài Peterson - đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ tại Việt Nam - cũng là tù binh Mỹ tại Hỏa Lò đã cùng ông John McCain góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ”.

Những phi công Mỹ trở thành diễn viên, phát thanh viên trong tù

Trong Nhà tù Hỏa Lò, Chính phủ Việt Nam cho lắp đặt hệ thống loa phóng thanh. Lãnh đạo trại giam đã cho phép thành lập một “ban biên tập” cho chương trình phát thanh của trại. Các “phát thanh viên” là những tù binh phi công Mỹ có khả năng viết văn tốt và giọng đọc hấp dẫn. Họ được giao nhiệm vụ biên tập lại thành tiếng Anh các bài báo của Thông tấn xã Việt Nam và một số báo chí của nước ngoài.

Những bài báo sau khi kiểm duyệt được đọc trên hệ thống loa phóng thanh của trại. Qua những buổi phát thanh đó, các tù binh phi công Mỹ trong Nhà tù Hỏa Lò được nắm bắt những thông tin về tình hình chính trị, văn hóa ở bên ngoài.

Một số tù binh phi công Mỹ còn được trưng dụng để tham gia đóng phim. Khi đoàn làm phim Cộng hòa dân chủ Đức sang Việt Nam thực hiện bộ phim tư liệu: “Phi công trong bộ quần áo ngủ”, trung tá phi công Robinxon Raine đã được chọn để vào vai nhà báo phương Tây trong bộ phim này. Sau đó, Raine và một số tù binh phi công Mỹ khác còn tham gia một số vai phụ trong các phim điện ảnh Việt Nam, trong đó có bộ phim nổi tiếng “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn”.

Tù binh Mỹ thường xuyên được khám sức khỏe định kỳ. Ảnh tư liệu.

Theo tài liệu của Đại tá Trần Trọng Duyệt trong cuộc trao đổi với nhà báo Đặng Vương Hưng - tác giả cuốn sách nổi tiếng “Phi công Mỹ ở Việt Nam” - thì ở Hỏa Lò hồi đó, các tù binh Mỹ thường xuyên được vui chơi giải trí. Hằng ngày họ được ra sân phơi nắng, được chơi bóng chuyền, bóng rổ, ngày lễ Noel họ được trang trí cây thông...

Khu di tích Hỏa Lò hiện đang trưng bày những bức ảnh chụp lại cảnh sinh hoạt giải trí này. Thậm chí để một số tù binh có bệnh về mắt có thể đọc được sách báo và tham gia các hoạt động khác, Trại còn thửa khá nhiều cặp kính thuốc ở cửa hàng số 48 Hàng Bài, hiện nhân chứng là người bán hàng vẫn còn ở Hà Nội. Những ngày lễ, ngày tết của Mỹ, tôn trọng tín ngưỡng của tù binh, Trại còn cho mời cả mục sư Bùi Hoàng Thử đến làm lễ theo nghi thức tôn giáo cho số người theo đạo.

Để thay đổi không khí cho các tù binh đã phải ở trong Trại lâu ngày, Trại tổ chức cho họ đi tham quan một số di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của Thủ đô. Ra đường, họ được ăn mặc comple, thắt cà-vạt, đi giày đen bóng loáng như khách du lịch nhằm bảo đảm an toàn cho họ.

Còn đây là một tài liệu khác - bài báo của một nhà báo phương Tây - nhà báo Aldo Cazzullo, PV của tờ nhật báo Il Coriere della Sera, tờ báo có ảnh hưởng lớn tại Italia. Nội dung bài báo là cuộc gặp gỡ giữa nhà báo Aldo Cazzullo với ông Nguyễn Tiến Trần, người đã canh giữ “người tù cao cấp” (chữ dùng của Aldo Cazzullo) John McCain 5 năm tại Nhà tù Hỏa Lò.

Xin được trích đăng một phần và xem như là phần kết cho bài viết này: “Ngày 26 tháng 10 năm 1967, tôi (tức ông Nguyễn Tiến Trần - NV) được lệnh tiếp nhận đại úy không quân của Hải quân Mỹ John Sidney McCain, vừa bị bắt giữ từ hồ Trúc Bạch cách đó 1 cây số về phía bắc. Tôi chưa từng thấy một người tù nào rách rưới và xơ xác như thế. Cánh tay bị thương rớm máu, đầu gối xiêu vẹo. Chúng tôi mang đồ cho anh ta, anh ta ăn nhưng sau đó nôn mửa ra khắp nơi. Buổi sáng hôm sau, chúng tôi đưa anh ta đến Bệnh viện 108, nơi anh ta được mổ và nằm đó 1 tháng.

Tôi luôn theo anh ta từng bước, tôi không về nhà vào ban đêm và thậm chí ngủ cùng buồng với anh ta (...). Chúng tôi không muốn anh ta chết. Chúng tôi biết anh ta là con và cháu của 2 đô đốc nổi tiếng trong quân đội Mỹ (...). Ban Giám đốc nhà tù ước tính mỗi bữa cơm cho người tù tốn 1 đồng 60 xu, gấp đôi suất ăn của những người canh gác” (theo Đặng Vương Hưng - “Phi công Mỹ ở Việt Nam” - Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội 2014).

Phóng viên News Week: Nếu ngài John McCain trúng cử Tổng thống Mỹ và sang thăm Việt Nam, ông tiếp đón ông ta với cương vị gì? Và, ông sẽ nói điều gì với ông ấy?

Đại tá Trần Trọng Duyệt: Nếu John McCain thăm Việt Nam với tư cách tổng thống thì Chủ tịch Nguyễn Minh Triết của chúng tôi tiếp ông ta với nghi thức cấp nhà nước, còn tôi tiếp ông ta tất nhiên không phải là cương vị “cựu trại trưởng” với “cựu tù binh” mà với tư cách hai người bạn, hai người cựu chiến binh ở hai đầu chiến tuyến nay gặp lại nhau với tinh thần hòa giải “tay bắt mặt mừng” và nói với ông ta rằng: “John McCain, nay bạn đã là tổng thống của một cường quốc. Với cương vị ấy, tôi mong bạn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, củng cố nền hòa bình, an ninh thế giới, đừng để chiến tranh nổ ra vì bạn và tôi là những cựu chiến binh nên hiểu thế nào là đau khổ và mất mát của chiến tranh”.

(Trích trả lời phỏng vấn của Đại tá Trần Trọng Duyệt với Báo News Week vào thời điểm Thượng nghị sỹ John McCain tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2008-2012)

Đặng Huyền
.
.