Bài học y tế nhìn từ Cuba

Thứ Hai, 20/04/2020, 08:14
Những viên gạch đầu tiên của nền y tế công cộng Cuba được bắt đầu từ đại dịch sốt xuất huyết tại quốc đảo Caribe này năm 1981. Đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 trẻ em. Sau đại dịch này, Cuba thay đổi hệ thống y tế, bắt đầu từ y tế gia đình. Và chính y tế gia đình đã giúp y tế Cuba lên tới đỉnh cao của y học thế giới.


Chủ nghĩa y tế quốc tế

Trong khi truyền thông phương Tây đã phớt lờ những câu chuyện về chủ nghĩa quốc tế y tế Cuba do cố Chủ tịch Fidel Castro dẫn dắt, phần lớn thế giới đều công nhận thành tựu của Cuba hoàn toàn vượt trội. Sự hỗ trợ y tế của Cuba trong các cuộc khủng hoảng sức khỏe quốc tế là vô song so với các nước khác. Kể từ năm 2014, có 50.000 bác sĩ và y tá Cuba làm việc tại 60 nước đang phát triển. Điều này chứng tỏ cái mà chúng ta có thể đạt được khi đặt một giá trị rất cao lên mạng sống mỗi con người. 

Đặc biệt, trong mùa đại dịch COVID-19 này, Chính phủ Cuba đã cử đoàn bác sĩ gồm 52 người đến Italy theo yêu cầu của chính quyền Bologna, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Trước đó, Cuba cũng đã cử các đoàn bác sĩ đến Venezuela, Jamaica, Brazil để hỗ trợ các nước này chiến đấu với sự lây lan của đại dịch COVID-19. Riêng tại Jamaica, Cuba đã cử đoàn bác sĩ gồm 140 người giúp nước này đối phó với dịch bệnh. 

Các bác sĩ Cuba có nhiều kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh truyền nhiễm. Họ là những người tiên phong trong chống dịch tả ở Haiti, Ebola ở châu Phi những năm 2010.

Đoàn 52 bác sĩ Cuba tới Italy hỗ trợ ứng phó dịch bệnh COVID-19.

Trong khi đó, ở trong nước, không lâu sau khi phát hiện 3 trường hợp đầu tiên là khách du lịch nước ngoài dương tính với virus SARS-CoV-2, Chính phủ Cuba đã khẩn trương triển khai các biện pháp hạn chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng như cấm du khách nước ngoài nhập cảnh, cách ly bắt buộc với các công dân trở về từ nước ngoài hoặc những người nước ngoài cư trú tại quốc gia này mới trở lại. 

Ngày 23/3, Thủ tướng Manuel Marrero tuyên bố Cuba sẽ hạn chế xuất nhập cảnh, cách ly du khách nước ngoài tại khách sạn và đóng cửa biên giới từ ngày 24/3 để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19. 

Ông nói: “Tất cả khách du lịch còn ở tại khách sạn sẽ bị cách ly. Họ không được rời khỏi đó cho tới khi có chuyến bay về nước. Khoảng 32.500 du khách đang ở Cuba, 9.400 trong số này ở nhà dân và họ sẽ được chuyển đến khách sạn”. 

Thủ tướng Manuel Marrero cũng cho biết, Cuba sẽ không đón khách du lịch từ đầu tháng 4/2020, đóng cửa phần lớn các khách sạn và dừng các dịch vụ như cho thuê xe. Các dịch vụ xe buýt, tàu hỏa và hàng không trên cả nước tạm ngừng từ ngày 25/3. Chỉ công dân và người có giấy phép thường trú tại Cuba được nhập cảnh, dân chúng không được ra nước ngoài trừ trường hợp đi chữa bệnh. 

Cuba cũng thông báo sẽ đóng cửa các trường học tới ngày 20/4, quyết định chưa từng có từ năm 1959, khi họ đưa giáo dục và y tế thành hai trong số những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu. Mặc dù các biện pháp của Chính phủ tác động nhiều tới kinh tế gia đình, nhưng với ý thức đề cao sự an toàn của các thành viên trong gia đình, hầu hết người Cuba đóng cửa ở nhà, chỉ những người cần đi làm hoặc mua thức ăn ra ngoài. Họ tin tưởng Chính phủ đang đi đúng hướng để bảo vệ sức khỏe toàn dân và hệ thống y tế quốc gia.

Đối với Việt Nam, bác sĩ Piter Martínez Benítez, chuyên khoa tim mạch can thiệp, một trong 4 chuyên gia y tế Cuba sang Việt Nam làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới từ tháng 4/2018 theo chương trình hợp tác quốc tế về y tế giữa hai nước Việt Nam và Cuba, cho biết, trong những ngày qua, họ theo dõi rất kỹ dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam. 

Ông rất ấn tượng với cách kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam và ấn tượng nhất đó là sự vào cuộc của các đơn vị Quân đội cũng như các ngành ngoài y tế trong việc chống dịch. Việc chính quyền chủ động cách ly theo khu vực để phòng dịch bệnh lây lan cũng là một dấu hiệu tích cực. 

Ông bày tỏ, ở Việt Nam chưa có hệ thống bác sĩ gia đình nên Chính phủ phải làm việc nỗ lực hơn nhiều lần. Trong khi đó, ở Cuba, mỗi khi có dịch bệnh nghiêm trọng, ngành y tế sẽ tuân theo một chương trình kiểm soát y tế ở cộng đồng. Toàn bộ hệ thống y tế sẽ được kích hoạt. Những quy trình chung về cách ly, điều trị sẽ được tuân thủ. 

Nhưng quan trọng nhất là Cuba có bác sĩ gia đình. Họ sẽ đi kiểm tra các khu dân cư hàng ngày. Bác sĩ gia đình sẽ hướng dẫn người dân cách chăm sóc, cách ly và điều trị. Bác sĩ dịch tễ học sẽ được tăng cường để hỗ trợ cho bác sĩ gia đình trong tình huống này. Vị chuyên gia chia sẻ, vấn đề quan trọng là nâng cao nhận thức về cách phòng, tránh dịch bệnh cho người dân, kiểm soát dịch bệnh từ gốc và biết kiểm soát tình trạng bản thân.

Sự quan trọng của y tế gia đình

Nền y tế Cuba gồm 3 cấp: y tế gia đình, điều nghị và nghiên cứu. Trong đó, y tế gia đình là cấp quan trọng nhất, hai cấp còn lại chỉ mang tính hỗ trợ bổ sung. Trong y tế gia đình, hệ thống bác sĩ gia đình được xem là sáng tạo mang lại hiệu quả cao nhất. Mỗi khu vực có một văn phòng chăm sóc sức khỏe. Tại đây luôn có một bác sĩ và một y tá, chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho khoảng 100 gia đình với khoảng từ 700 - 1.000 người. 

Điều đặc biệt, những văn phòng y tế gia đình này không nhất nhiết được phân chia theo địa giới hành chính, mà chia theo khu vực dân cư. Nếu tình trạng bệnh có thể điều trị được bằng thuốc hoặc các thủ thuật đơn giản thì có thể thực hiện ngay ở các văn phòng bác sĩ gia đình. Ở trường hợp khẩn cấp hơn, bác sĩ gia đình sẽ lập tức đưa bệnh nhân tới các phòng khám khu vực - nơi được trang bị nhiều máy móc thiết bị hiện đại hơn để xét nghiệm, siêu âm, giải phẫu... Với những trường hợp đặc biệt thì bệnh nhân mới cần được chuyển lên tuyến cao hơn.

Bác sĩ gia đình ở Cuba là cấp y tế thấp nhất và gần với người dân nhất. Nhưng không phải vì thế mà có khoảng cách về mặt chuyên môn. Hệ thống bác sĩ gia đình ở Cuba đều là những bác sĩ chính quy được đào tạo theo chương trình chuẩn 6 năm của ngành Y, và thêm 3 năm nữa để trở thành bác sĩ gia đình. 

Chuyên gia Piter giải thích: “Bác sĩ gia đình là bác sĩ của mọi gia đình, mọi loại bệnh nên đó là lý do phải học thêm nhiều năm như thế. Họ ở ngay trong mỗi khu dân cư. Họ vừa là bạn, vừa là thành viên của khu dân cư đó nên nắm rất chắc tiền sử bệnh của toàn bộ người dân trong khu vực mình được phân công. Do đó, khi một người dân có triệu chứng bệnh, bác sĩ sẽ không mất nhiều thời gian tìm nguyên nhân và sẽ có ngay giải pháp điều trị phù hợp nhất”. 

Ngoài nhiệm vụ trên, hệ thống bác sĩ gia đình ở Cuba còn kiêm luôn việc quản lý môi trường trong khu vực đó để bảo vệ sức khỏe cho người dân và ngăn ngừa dịch bệnh. Họ thường xuyên đến thăm khám cho các gia đình. Công tác dự phòng cũng được thực hiện ngay trong những chuyến đi đó. Bất cứ bất thường nào trong sinh hoạt và môi trường sống của người dân đều được bác sĩ gia đình phát hiện và điều chỉnh ngay từ đầu. Bác sĩ gia đình cũng thường xuyên có những cuộc họp với người dân trong khu vực của mình để hướng dẫn cho người dân cách sinh hoạt và tạo ra môi trường sống an toàn. 

“Chính vì việc đó mà bác gia đình sẽ kiểm soát từ đầu nguồn bệnh. Biết ai bệnh gì để đưa đi điều trị. Biết tạo ra môi trường sống trong khu mình quản lý như thế nào để không xảy ra dịch bệnh. Nên rất khó để dịch bệnh xảy ra”, vị chuyên gia lý giải, đồng thời nhấn mạnh: “Y tế Cuba luôn kiểm soát dịch bệnh từ gốc”. 

Lương của bác sĩ gia đình ở Cuba không phải cao. Nhưng ở một nền y tế công và miễn phí hoàn toàn thì những bác sĩ đều lấy việc được chăm sóc cho sức khỏe người dân là trách nhiệm và cũng là may mắn của mình. “Bác sĩ không xem bệnh nhân như kinh doanh và luôn làm việc bằng tâm huyết. Đó chính là lý do đưa nền y tế Cuba lên hàng cao nhất thế giới”, vị chuyên gia tự hào.

Minh Hải (tổng hợp)
.
.