Alexandra Mikhailovna Kollontai, nữ bộ trưởng đầu tiên của chính quyền Xôviết

Thứ Tư, 08/11/2017, 08:11
Nữ đảng viên Bolshevik kỳ cựu Alexandra Mikhailovna Kollontai (1872-1952) là một nhà chính luận sắc bén, là người tổ chức phong trào phụ nữ Xôviết; đồng thời là nhà nữ ngoại giao đầu tiên sau Cách mạng Tháng 10, cũng là nữ đại sứ đầu tiên trong lịch sử thế giới.


Người khó dung hòa với giới quý tộc Nga

Là con gái của một vị tướng Sa hoàng, nữ tiểu thư A. Kollontai đi theo phong trào Bolshevik từ năm 26 tuổi. Vào năm 1905 A. Colontai gặp lãnh tụ Lênin, rồi bắt đầu tham gia tích cực vào công việc của đảng Bolshevik trong Cách mạng tháng 10.

Sau Cách mạng Tháng 10, trong một cuộc phỏng vấn, A. Kollontai đã thẳng thắn đánh giá bản thân: “Tôi là nhà quốc tế vô sản. Tôi không chia thế giới này ra từng sắc tộc, mà trên tinh thần giai cấp. Tôi không cảm thấy mình là người ngoại quốc ngay cả trên những mảnh đất xa lạ mà tôi từng sinh sống. Ngược lại là đằng khác, tôi cảm thấy cô đơn và bất hạnh - khó dung hòa giữa giới quý tộc Nga mà tôi vốn xuất thân…”.

Nhà cách mạng A. Kollontai thời trẻ.

“…Đã là ngày thứ ba, ngày cuối cùng của tháng 2-1917, tôi vừa mới trở lại Na Uy và định mua một tờ báo, nhưng không kịp. Khi vừa yên vị trong toa tàu, tôi chợt trông thấy dòng chữ trên trang nhất tờ báo của người ngồi bên, với hàng tít lớn: “Cách mạng ở nước Nga!”. Tim tôi đập thình thịch…”- A. Kollontai nhớ lại.

Sau đó một bức điện từ quê nhà Petrograd gửi tới, loan báo rằng tất cả những người tị nạn chính trị đều được ân xá và có thể trở lại nước Nga. Ngay sau khi về tới Petrograd, A. Kollontai trở thành đại diện của Đảng Bolshevik trong Hội đồng thành phố. Với A. Kollontai là bắt đầu “thời kỳ gắng sức cổ động cho hòa bình, cho chính quyền Xôviết, cho tình anh em ngoài mặt trận, cho cuộc giải phóng phụ nữ và công nhận quyền bình đẳng của họ”.

Đó là thời kỳ bão táp sôi sục, nhưng cũng đầy bất trắc nguy hiểm. Các phe đảng chính trị như Menshevik, Tự  do, Xã hội cùng nhiều phe phái khác nữa luôn kết bè kéo cánh chống lại những người  Bolshevik trong bất cứ cuộc họp nào. Tại các phiên họp của Hội đồng thành phố, nữ đại biểu A. Kollontai thường được “đón tiếp” bằng nhiều tiếng la ó: “Con Lê-nin-nít mặc váy, chúng tôi thừa biết mụ sẽ nói cái gì! Hãy cút đi!”. “…

Những lời phát biểu của tôi nhằm bảo vệ các luận điểm của Lênin luôn vấp phải sự căm ghét từ  kẻ thù của chúng ta, không chỉ ở Hội đồng Petrograd, mà cả trong Chính phủ lâm thời nữa. Báo chí tư sản không những chĩa mũi dùi vào tôi với lượng thông tin độc ác đến tức cười, cùng các tiểu phẩm châm biếm, đồng thời gọi tôi một cách dè bỉu là “con mòng của cách mạng”, A. Kollontai cho biết thêm.

Ngoại trừ những phe đảng trên thì các giới còn lại lại rất thích nghe A. Kollontai diễn thuyết: công nhân trong các công xưởng, binh lính trong các trại huấn luyện, thủy thủ tàu chiến, và nhất là phụ nữ tại các cuộc mít tinh chuyên đề của họ.

“…Từng xảy ra trường hợp bạn phát biểu với giới quân sự - A. Kollontai thổ lộ tiếp - Cánh sĩ quan ngồi ở những hàng ghế đầu, còn binh sĩ đứng kín bên dưới. Thật khó mà giữ trật tự. Khi bạn bắt đầu nói, họ chen lấn làm ồn cả lên. Nhưng sau cuộc họp chính là lúc hội ngộ, sau khi cánh sĩ quan do Sa hoàng đào tạo đã nhanh chân “chuồn” trước qua lối cửa ngách, còn binh lính vây xung quanh chúng ta - những diễn giả Bolshevik - cùng với nhiều câu hỏi dồn dập… Và như vậy, đương nhiên họ đã chấp thuận quyết nghị của chúng ta rồi”.

Một trong những bức ảnh cuối cùng về nữ đại sứ đầu tiên trên thế giới A. Kolontai.

Trong những ngày ấy xe hơi rất khan hiếm, A. Kollontai thường đi bộ hoặc xe điện công cộng. Những người tư sản không ngừng thóa mạ những người Bolshevik; còn binh lính và công nhân lại bảo vệ họ. Các cuộc tranh luận thường dẫn đến sự ẩu đả. “Tôi nhớ lại một lần trên tàu điện có cuộc tranh cãi căng thẳng, đến mức mọi người bắt đầu sử dụng nắm đấm đối lại nhau. Bất thình lình khi sắp kết thúc sự ẩu đả, có kẻ nào đó rống lên: “Cứ để “con Bolshevik giống cái” Kollontai đê tiện rơi vào tay tao xem, sẽ không qua nổi đâu! Tao sẽ “tẩn” nó đến chết!”. Tôi phải lặng lẽ lần ra cửa và xuống ngay bến đầu tiên. Rất may là chúng không phát hiện ra”, A. Kollontai ghi trong nhật ký.

Tháng 7-1917 bắt đầu các sự kiện quan trọng, với sự phát triển mang tính bước ngoặt của tiến trình cách mạng. Nhân dân không muốn cuộc chiến tranh mà nước Nga can dự trong Thế chiến I - như Chính phủ lâm thời yêu cầu - tiếp tục nữa. Bắt đầu các hoạt động bí mật của công nhân Petrograd và vùng phụ cận, để rồi sau biến thành cuộc biểu tình chung kéo dài 2 ngày chống lại Chính phủ Kerensky. Người ta bắn thẳng vào những người biểu tình, đàn áp thẳng tay lực lượng Bolshevik, khiến Lenin và nhiều nhà lãnh đạo cao cấp khác của Ban Chấp hành Trung ương buộc phải đi ẩn náu.

Nữ đại biểu A. Kollontai bị bắt và tống vào nhà lao dành cho phụ nữ. Đến cuối tháng 8 cùng năm, sau khi văn sĩ nổi tiếng Maxim Gorky tới thăm, A. Kollontai được thả với 5.000 đồng rúp vàng bảo lãnh. Nhưng chỉ được đúng… một đêm tự do. Hôm sau, lệnh bắt Kollontai tại nhà được đích thân kẻ cầm đầu chính phủ lâm thời Kerensky ký.

Cuối cùng, Mùa thu Cách mạng của năm 1917 đã đến! Một buổi tối tháng 10 lạnh lẽo. Căn phòng trong Điện Smolny, cửa sổ nhìn ra sông Neva. Trên chiếc bàn viết nhỏ với ngọn đèn lập lòe: “…Nếu người ta hỏi giây phút nào quan trọng nhất trong đời tôi, thì tôi sẽ trả lời rõ ràng: đó chính là cái đêm, khi những đại diện vô sản Nga từ thành thị và thôn quê quy tụ trên diễn đàn Đại hội lần thứ hai của các Xôviết, và dõng dạc tuyên bố với toàn dân Nga rằng Chính phủ lâm thời đã bị phế truất!…”.

Những năm tháng không quên

Ngay ngày thứ 2 sau khi chính quyền về tay các Xôviết, lãnh tụ Lênin nói với A. Kollontai: “Bây giờ đồng chí đã được giao trọng trách trở thành Dân ủy viên, vậy hãy đi tiếp quản Bộ Các vấn đề xã hội ngay đi”. A. Kollontai liền đi đến địa điểm ấy. Người đại diện Phòng Bảo vệ Bộ đeo ngù kim tuyến, với hàm râu bạc trắng nhìn Kollontai từ đầu đến chân…

Dân ủy viên A. Kolontai (phải) tại nơi làm việc.

“Đã hết giờ tiếp nhận đơn từ rồi”, ông ta nói và cương quyết không cho người phụ nữ trẻ tuổi bước vào cửa. Bản thân vị tân Bộ trưởng cũng đang rất vội cho một cuộc mít tinh quan trọng khác. Sáng hôm sau có người bấm chuông nơi Kollontai ngụ. Trên bậc cửa là một lão nông rậm râu với chiếc áo khoác sờn vai. “Có Dân ủy viên Alexandra Kollontai ở đây phải không? Có mấy chữ do nhà lãnh đạo Bolshevik hàng đầu viết đây, của Lênin”.

Trên mảnh giấy nhỏ, Vladimir Ilich ghi: “Hãy đưa cho người này số tiền tương đương với một con ngựa từ quỹ của Bộ Các vấn đề xã hội”. Thì ra dưới thời Sa hoàng, người ta đã trưng dụng con ngựa duy nhất của người nông dân ấy và hứa sẽ trả tiền sòng phẳng. Nhưng thời gian cứ trôi, mà người nông dân chẳng nhận được đồng xu nào. Lão nông ấy đến Petrograd, suốt hơn 2 tháng ròng đi hết cửa này tới cửa khác… Rồi ông được biết, rằng chỉ có chính thể Bolshevik mới trả lại cho công nhân và nông dân tất cả những gì mà giới vua quan đã lấy của họ, chỉ cần vài chữ của Lênin là đủ. Vị lão nông liền tìm gặp lãnh tụ Xôviết và được cấp mảnh giấy đó.

Vậy nữ Dân ủy viên (chức danh Bộ trưởng sau Cách mạng tháng 10) lấy gì mà trả? Cơ quan Bộ vẫn còn nằm trong tay giới công chức của Chính phủ lâm thời. Một giai đoạn chuyển giao cực kỳ phức tạp: chính quyền thuộc về các Xôviết, Hội đồng Dân ủy (Chính phủ mới) là những người Bolshevik, còn các công sở cơ quan - như A. Kolontai từng viết: “Như thể những toa tàu mới được kéo trên đường ray cũ rỉ sét của Chính phủ lâm thời vậy”.

Văn phòng Bộ không nên tiếp quản bằng sức mạnh của vũ khí, bởi như vậy sẽ khiến mọi người hoảng loạn và bỏ đi, chẳng còn bất cứ một chuyên viên nào nữa cả. Tân Bộ trưởng A. Kollontai quyết định triệu tập cuộc họp với giới chuyên môn: quản lý, kế toán, văn thư đánh máy, y tế, nhân viên tạp vụ, thợ đốt lò… nhằm lập ra các hội đồng chuyên sâu để công việc tiếp quản - bàn giao được suôn sẻ. Những ai muốn ở lại làm việc với chính quyền Xôviết đều được toại nguyện.

 “…Chúng tôi tiếp quản một cơ sở bừa bộn và trống rỗng. Nhưng bằng mọi giá, khoản chi đầu tiên của Bộ Các vấn đề xã hội là trả tiền cho người nông dân đã bị người của chính phủ Sa hoàng lừa lấy mất ngựa - thứ tài sản duy nhất của ông ta”.

Mùa đông đầu tiên sau cách mạng đầy rẫy những khó khăn. Nội chiến, những vụ phá hoại ngầm… Báo chí tư sản gào lên: “Chính quyền Xôviết không thể quản lý được đất nước. Cứ xem những công việc vô lý mà họ đã tiến hành tại các cơ quan cấp bộ thì biết! Hãy xem Alexandra Kollontai ngộ nhận ra sao trong vai trò Dân ủy “mặc váy” của mình! Những nhà quản lý đầy kinh nghiệm bị thay bằng giới đầu bếp và công nhân…”.

Mộ của nữ Bộ trưởng Xôviết đầu tiên A. Kolontai tại nghĩa trang Novodevichy.

Bất chấp tất cả, ngay từ đầu năm 1918, vị nữ Bộ trưởng liền bắt tay vào chấn chỉnh công việc của bộ. Nhiều khi sau các cuộc họp căng thẳng, bà mệt mỏi trèo lên tầng 5 tòa lâu đài trụ sở Văn phòng Bộ - nơi tân Bộ trưởng làm chỗ ở, với cảm giác rằng “Dân ủy viên là một công việc quá sức”. Căn phòng lạnh ngắt bởi tình hình khan hiếm chất đốt, còn dưới bếp không một mẩu bánh mì…

Bà lại ngồi xuống bàn và tiếp tục dòng nhật ký dang dở: “Nhiều khi vô tình tôi thường chợt nhớ về những năm tháng trước đấy, lúc tôi chưa phải là một Dân ủy viên - Bộ trưởng, mà chỉ là một người trong hàng ngũ của giai cấp công nhân. Tôi đã được Đảng cử đi nhiều nơi khác nhau và tôi luôn sốt sắng cổ động cho một cuộc Cách mạng sắp tới. Và Cách mạng đã thành công rồi! Chúng ta đang xây dựng một chế độ mới. Cần phải có nhiều nghị lực can đảm hơn nữa, hỡi Alexandra!”.

“Tôi từng sống không chỉ là một, mà nhiều cuộc đời - thích ứng với từng giai đoạn khác biệt tương phản nhau. Trong cuộc đời tôi từng có tất cả: thành tích, công việc vẻ vang, danh vọng, sự nổi tiếng với nhiều giới; song song là sự truy đuổi, thù ghét, tù tội, thất bại… Tuy đôi khi cũng có sự hiểu nhầm, sự đoạn tuyệt đau xót với bạn bè, đối kháng sâu sắc với họ; nhưng bù lại là những năm tháng khó quên giữa tình đồng chí cùng chung công việc trong Đảng…”,  nhà hoạt động cách mạng kỳ cựu A. Kollontai đã viết những dòng này trong cuốn nhật ký của mình vào những năm cuối đời.

Tháng 2-1920, bà A. Kollontai lại ra nước ngoài với sứ mạng ngoại giao quan trọng đại diện cho chính thể Xôviết non trẻ tại Vương quốc Na Uy, trở thành nữ Đại sứ đầu tiên trong lịch sử bang giao quốc tế. Kế đến bà lần lượt giữ cương vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Xôviết tại Mexico (từ 1926-1927) và Thụy Điển (từ 1930-1945), rồi là thành viên thuộc phái đoàn Liên Xô ở Hội Quốc Liên (tiền thân của tổ chức Liên Hiệp Quốc hiện nay). Ngoài ra A.Kollontai còn là tác giả của nhiều cuốn sách và bài viết đầy cuốn hút, đề cập tới các vấn đề mang tính cách mạng của phong trào phụ nữ, được liệt vào các ấn phẩm dạng “kinh điển” về vai trò của nữ giới trong kỷ nguyên mới.

Nhà nữ ngoại giao kỳ cựu A. Kollontai nghỉ hưu và mất tại thủ đô Moscow vào đầu tháng 3-1952, thọ 80 tuổi. Thi hài của bà được chôn cất ở nghĩa trang Novodevichy nổi tiếng nhất ở Moscow. Trong gần nửa thế kỷ hoạt động cách mạng không ngơi nghỉ, bà A.Kollontai đã được nhà nước Xôviết trao tặng những phần thưởng cao quý như Huân chương Lênin và Huân chương Cờ đỏ Lao động, cũng như được các Chính phủ nước ngoài trao tặng như Huân chương Thánh Olav là phần thưởng cao nhất của Vương quốc Na Uy, hay Huân chương Đại bàng Aztec của Nhà nước Mexico.

Thu Hường (theo Komsomolskaya Pravda)
.
.