Hồ sơ chuyên án đầu tiên bắt gián điệp biệt kích nhảy dù xuống miền Bắc (kỳ 4)

Thứ Sáu, 26/08/2016, 19:55
Đại tá Hồ Can kể rằng có những tình huống chúng kiểm tra an ninh rất oái oăm mà nếu không nhạy bén, chỉ cần trả lời hớ là hỏng cả chuyên án. Có lần do cán bộ hỏi cung ban đầu không bàn giao khẩu lệnh an ninh phụ của toán Castor, vì vậy khi liên lạc trung tâm bất ngờ hỏi mà không ai biết. Vậy là phải tìm kế câu giờ với trung tâm, đồng thời ông Can vào trại giam hỏi cung Đinh Văn Anh về khẩu lệnh an ninh phụ...

KỲ IV: ĐẤU TRÍ

12  giờ 30 phút trưa ngày 9-6-1961, hai tuần sau khi Castor nhảy dù xuống miền Bắc, tại một ngọn đồi ở Phù Yên, dưới sự giám sát của các cán bộ an ninh, Lò Văn Piếng lên máy liên lạc về trung tâm. Nội dung bức điện là báo cáo đã xuống an toàn, ổn định chỗ ở, hiện đang triển khai công việc theo kế hoạch và xin tiếp tế.

Lý do chậm đánh điện về báo cáo là do địa bàn hiểm trở nên mất thời gian di chuyển và tìm nơi trú ẩn. Sau vài lần thẩm tra an ninh, trung tâm tin rằng báo cáo của Castor là thật nên khi nhận được yêu cầu tiếp tế của Castor, trung tâm lập tức đồng ý và yêu cầu Castor tìm bãi thả.

Đại tá Hồ Can kể lại những năm tháng tham gia chuyên án bắt gián điệp biệt kích.

Vài ngày sau, Castor báo cáo tọa độ bãi thả, trung tâm trả lời đêm 1-7 sẽ cho thả hàng. Đêm 1-7-1961, mọi người hồi hộp chờ đợi máy bay tới thả hàng. Nhưng chờ suốt đêm cho tới sáng hôm sau vẫn không thấy bóng dáng máy bay đâu. Cả ban chuyên án lo lắng đặt câu hỏi hay là đã bị lộ? Tuy nhiên, ngày hôm sau lý do máy bay không đến đã được giải đáp, hóa ra máy bay bị rơi ở Ninh Bình.

Việc chiếc C47 bị rơi đã khiến trung tâm nghi ngờ Castor bị lộ. Nhắc lại những ngày thực hiện chuyên án, Đại tá Hồ Can (nguyên Trưởng phòng Thông tin hữu tuyến, Cục Thông tin liên lạc, Bộ Công an), người tham gia chuyên án từ những ngày đầu kể rằng: Khi được huy động tham gia chuyên án PY 27, ông cũng không nghĩ rằng chuyên án này sẽ diễn ra dài ngày và gian khổ như vậy.

Để đảm bảo bí mật, tổ chống gián điệp biệt kích (gọi tắt là K) phải hoạt động độc lập trong rừng núi, xa bản làng, dưới danh nghĩa một đoàn khảo sát. Một K thường gồm một đồng chí phụ trách chung gọi là trưởng K, một cán bộ cơ yếu, một báo vụ, một người phụ trách quay máy, một điện báo viên của toán biệt kích và một tiểu đội công an vũ trang làm nhiệm vụ bảo vệ.

Sau vụ chiếc C47 bị rơi ở Ninh Bình, ròng rã 8 tháng sau đó dù không tiếp tế cho Castor nhưng trung tâm liên tục dùng các biện pháp để kiểm tra an ninh. Castor phải di chuyển liên tục trên địa bàn rừng núi hiểm trở gần 80km; báo cáo nhiều loại tin tức, tổ chức phá hoại cầu đường…

Đại tá Hồ Can kể rằng có những tình huống chúng kiểm tra an ninh rất oái oăm mà nếu không nhạy bén, chỉ cần trả lời hớ là hỏng cả chuyên án. Có lần do cán bộ hỏi cung ban đầu không bàn giao khẩu lệnh an ninh phụ của toán Castor, vì vậy khi liên lạc trung tâm bất ngờ hỏi mà không ai biết. Vậy là phải tìm kế câu giờ với trung tâm, đồng thời ông Can vào trại giam hỏi cung Đinh Văn Anh về khẩu lệnh an ninh phụ.

Hóa ra khẩu lệnh chỉ là một câu rất vu vơ rằng: "Đôi giày của tôi có hai màu khác nhau", nhưng nếu không trả lời được câu này thì sẽ lộ cả chuyên án. Để cung cấp tin giả cho địch, các bản tin sau khi được hai đồng chí Hạc, Thanh soạn sẽ báo cáo để Cục trưởng Nguyễn Tài duyệt lần cuối, sau đó sẽ cho phát về trung tâm. Khi điện đài của chuyên án phát đi, người kiểm tra trực tiếp là cán bộ nghiệp vụ vô tuyến điện, ngoài ra còn có trung tâm kiểm thính của ta kiểm tra gián tiếp nên đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Trinh sát chuyên án PY 27 giám sát nhân viên truyền tin toán Castor đang liên lạc với trung tâm địch tại Sài Gòn.

Lần cuối cùng thử thách, trung tâm yêu cầu Castor phải phá cầu Tà Vài trên Quốc lộ 6, đây là cây cầu ở vị trí xung yếu, nếu bị phá sẽ làm ách tắc giao thông. Đây quả là tình huống khó với ban chuyên án vì nếu không đánh thì sẽ bị lộ, mà đánh thì giao thông tê liệt. Cuối cùng ban chuyên án quyết định gây tiếng nổ ở cầu Tà Vài. Sau khi kiểm tra kết quả, trung tâm đã thông báo thưởng Castor "anh dũng bội tinh" hạng nhất và thưởng cho mỗi tên 40.000 đồng.

Sau 8 tháng thử thách, cuối tháng 4-1962, trung tâm lệnh cho Castor di chuyển từ sông Đà về phía nam, đến huyện Mộc Châu, Sơn La để nhận 6 thùng hàng tiếp tế và một toán tăng cường 7 lính biệt kích có biệt danh Tourbillon. Nhận được yêu cầu, ban chuyên án lập tức hành quân gần 100km xuôi về Mộc Châu tìm địa điểm theo đúng yêu cầu của địch. 

Đại tá Nguyễn Tuấn, nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh Sơn La, nguyên trưởng K chống gián điệp biệt kích kể lại: Để tìm được những bãi thả theo đúng yêu cầu của địch là chuyện không dễ dàng.

Theo quy ước từ trước với trung tâm, khi cần yêu cầu tiếp tế, Castor phải có công điện đánh vào xin thả dù tiếp tế. Trong công điện phải cho biết bãi thả ở tọa độ nào, rộng bao nhiêu, ở gần làng hay núi; bãi thả là thung lũng, bãi đất bằng hay sườn núi để phi công tìm trong bản đồ  và tìm cách thả dù chính xác.

Chọn bãi thả phải là nơi xa bản làng, cách nơi toán trú ẩn ít nhất 8-10km; lấy sông, suối to, hoặc quả núi, làng bản để làm mốc cho phi công dễ tìm; phải ước tính xem bãi thả cách quả núi, con sông hay làng bản đó bao xa. Nếu là bản làng có trong bản đồ thì chỉ cần nói tên bản làng đó phi công sẽ biết. Phải là bãi cỏ gianh hoặc đất mềm, tránh những nơi có cây cối hoặc bãi đá vì sẽ làm hư hỏng thiết bị, máy móc.

Bãi càng rộng càng tốt, nhưng tối thiểu phải có chiều ngang 100m, dài 200m. Với bãi có chiều ngang hơn 200m thì không cần chọn hướng gió; nhưng với những bãi có chiều ngang ngắn hơn 200m thì phải chọn bãi và gió thổi theo chiều ngang bãi để thuận lợi cho việc thả dù hàng. Với bãi thả dù người thì phải là bãi cỏ tranh, đất mềm và  tránh nơi có nhiều cây cao từ 20m trở lên, vì ngay cả với những cây cao 5-10m cũng rất khó xuống.

Phải chọn được ít nhất 3 bãi thả khác nhau, để đề phòng khi bãi thứ nhất không đảm bảo an ninh thì sẽ chuyển sang bãi thứ 2. Castor phải báo cáo chi tiết về kích thước, tọa độ và mốc đánh dấu của từng bãi và ví trí thứ tự các bãi để khi máy bay thả hàng, nếu bãi thứ nhất không đảm bảo an ninh và Castor không kịp điện báo trung tâm thì mặc định là phi công sẽ thả xuống bãi thứ hai theo thứ tự. 

Ngoài ra còn có một quy ước an ninh sử dụng trong trường hợp khẩn cấp máy bay đến gần bãi thả mà không đảm bảo an ninh mà radiophone bị hỏng không gọi cho phi công được thì người dưới đất cầm bó đuốc quay liên tục để phi công biết không an toàn và không thả hàng; hoặc nếu bị công an, bộ đội bắt, khống chế gọi máy bay thả hàng thì phải giả vờ khai cầm đuốc quay như thế để báo cho phi công biết chỗ để thả. Khi nhìn thấy ám hiệu này, phi công sẽ biết đó ám hiệu báo động để bay đi.   

Khi nhận được tất cả những thông tin đó của Castor, trung tâm sẽ ấn định ngày, giờ máy bay tới thả đồng thời cung cấp mật khẩu liên lạc giữa phi công và toán. Về ngày giờ, sẽ báo trước 24 giờ, nhưng nếu thời tiết xấu, máy bay không ra được sẽ báo cho biết trước. Về mật khẩu liên lạc giữa phi công và Castor thì ấn định phi công sẽ là "Lam Sơn", còn Castor sẽ là "Hà Nội". Nếu có an ninh thì bên dưới trả lời cho phi công là "Nội Hà'; nếu không có an ninh thì trả lời là "Hà Nội"; ngay cả trong trường hợp thay mật khẩu thì bên dưới cũng phải luôn nhớ quy tắc nếu có an ninh thì nói ngược, không có an ninh thì nói xuôi như vậy.

***

Sau nhiều ngày tìm kiếm, cuối cùng ban chuyên án chọn được bãi thả tại điểm cao 1000, bản Săm Kha, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu. Nhận báo cáo của Castor, trung tâm cho biết sẽ thả toán Tourbillon và hàng tiếp tế vào đêm 16 rạng ngày 17-5-1962.

Chiều 16-5, lực lượng vây bắt hành quân vào vị trí. Việc chuẩn bị bãi thả theo đúng như thỏa thuận trước đó với trung tâm. Theo đó Castor cắm hỏa châu báo hiệu; hỏa châu được cắm đứng giữa bãi thả thành hình chữ "L"; khoảng cách mỗi cây hỏa châu là 20 bước chân, trong đó thân chữ "L" cắm 4 cây, đuôi chữ "L" cắm 3 cây; hỏa châu sẽ đốt trước giờ "G" 10 phút. Máy Pê cơn (máy chỉ hướng cho phi công tìm bãi) được đặt cách bãi 50m để tránh hàng hóa thả xuống rơi vào máy gây hư hỏng; trước giờ "G" 15 phút, máy Pê cơn bắt đầu hoạt động.

Để máy hoạt động liên tục phải có 2 người, một người quay máy phát điện, một người gõ manip. Khi gõ manip được 2- 3 cái thì trở lại phụ quay máy phát điện, khi đó phải dùng một hòn đá đặt lên cần gõ manip để máy phát tín hiệu dài cho phi công tìm được tín hiệu. Quay đủ 30 vòng máy phát điện thì trả lại gõ tiếp. Làm liên tục cho đến khi máy bay đến đúng bãi thả.

Đại tá Nguyễn Tuấn nhắc lại những ngày tham gia chuyên án PY 27.

Theo thỏa thuận từ trước, khi còn khoảng 10 phút trước giờ hẹn thả hàng, máy radiophone được bật lên để liên lạc trực tiếp với phi công. Khi liên lạc bằng radiophone thì phải nói nhanh, dưới đất nói lên trước chứ không được chờ phi công gọi vì máy bay sẽ bay rất nhanh. Người dưới đất sẽ liên lạc trước với phi công và nói mật khẩu. Trong trường hợp đang chuẩn bị đón hàng mà bị lộ thì Castor  phải lập tức tắt hỏa châu, thu dọn máy móc di chuyển. Sau đó liên lạc báo cáo sau. Khi không thấy hỏa châu, phi công sẽ biết dưới đất bị lộ và sẽ không thả hàng.

Đêm 16-5, thời gian chậm chạp trôi đi trong sự hồi hộp của mọi người, cuối cùng thì cũng nghe thấy tiếng máy bay vọng từ xa tới, đúng như kịch bản, sau khi hỏa châu được đốt lên, máy radiophone được bật và liên lạc với phi công. Sau khi phi công kiểm tra và xác nhận đúng mật khẩu, máy bay bay đến ngang bãi thả, ngay đầu chữ "L" đánh dấu là thả hàng; 6 thùng hàng lần lượt được đẩy xuống, tiếp đó là 7 bóng người lao ra khỏi máy bay. Sau khi thả hàng và người, gã phi công lập tức nâng độ cao, chỉ vài phút sau, chiếc C47 đã mất hút trong đêm.

***

Sau này, trong cuốn "Đội quân bí mật, cuộc chiến bí mật", Sedgwick Tourison đã viết về tình cảnh của toán Tourbillon khi vừa đặt chân xuống miền Bắc: "Những biệt kích quân toán Tourbillon nhảy dù xuống đất mà không hề biết, ở dưới mặt đất, ngoài toán biệt kích Castor còn có ít nhất một đại đội công an vũ trang và cả chó nghiệp vụ đang chờ họ. Vào thời điểm đó có gió thổi mạnh, các thành viên biệt kích quân Tourbillon bị trôi dạt đi xa bãi đáp khiến cho đơn vị công an vũ trang phải đuổi theo. Những biệt kích quân khác đều mạnh ai nấy chạy, cố tìm lối thoát thân khi đáp đất. Nhưng chỉ hai hôm sau tất cả đều bị bắt".

Sau hai tuần bị bắt, Vàng A Giọng, điện báo viên của toán Tourbillon, đồng ý lên vô tuyến điện liên lạc. Suốt hai năm sau đó, khi đến giờ đánh điện, Giọng được đưa đến một làng trên đồi, ở đây nhân viên truyền tin toán Tourbillon báo cáo cho trung tâm chỉ huy ở Sài Gòn những bản tin do các cán bộ an ninh miền Bắc soạn sẵn.

Sau khi nhân viên điện đài toán Tourbillon thông báo đã xuống đất an toàn và gặp được Castor và cung cấp tin tức về, đêm 4-7-1963, trung tâm tiếp tục đưa một toán gồm 11 lính biệt kích, trong đó có 4 biệt kích Mỹ và hàng hóa ra Bắc bằng máy bay vận tải C54. Nhưng, không hiểu đêm đó tâm trí gã phi công lái chiếc C54 thế nào mà bay ra đến huyện Văn Bàn, Yên Bái thì đâm vào núi đá. Chiếc C54 vỡ tan tành, cháy rụi cùng toàn bộ phi hành đoàn và toán biệt kích…

Nguyễn Thiêm - Anh Hiếu
.
.